Sau mùa tuyết lạnh ở xứ sở Phù tang, người ta bảo mùa đẹp nhất của Nhật Bản là mùa này, khi cái nắng nhè nhẹ đưa hơi xuân về trên đầu đường cuối phố, là khi mà tiết trời tháng tư, mùa hoa anh đào nở rộ, cũng là mùa lễ hội của ngày đức Thế Tôn ra đời.
Người Nhật bảo rằng trong tiếng Nhật, hanamatsuri (lễ hội hoa) có nghĩa là lễ hội mừng ngày Phật đản, cũng dễ hiểu bởi nó chứa đựng nhiều ý nghĩa làm người ta liên tưởng đến, mùa Phật đản tháng tư, cũng là mùa mà khắp mọi miền trên đất nước Nhật, những vườn hoa, đường hoa anh đào rộ lên khoe sắc đua nở như thể là đất trời chào đón ngày đức Thế Tôn ra đời.
PHÁP SỰ CỦA LỄ
Nghi thức Quán Phật, tức tắm Phật là một hình thức quen thuộc hầu như đối với tất cả tín đồ không câu nệ tông phái nào của Phật giáo nói chung. Tín đồ Phật giáo Nhật Bản cũng tổ chức lễ Phật đản không thiếu nghi thức này. Người ta thiết kế một hương án nhỏ gọi là Hoa ngự đường (花御堂, hanamido) được trang trí với nhiều loại hoa, bên trong bài trí một khay nhỏ có thể chứa nước và ở đó an trí tượng đản sanh.
Nước dùng để tắm Phật đản sanh này được pha chế từ một loại trà đặc biệt gọi là cam trà (甘茶,amacha) tên khoa học là Hydrangea macrophylla var. thunbergii, không phải trà ngọt có đường mà một loại lá trà non được sấy khô, có vị đắng được trồng nhiều ở tỉnh Nagano. Tuy nhiên, ngày nay các tự viện không câu nệ nguồn gốc mà đại để trà có hương vị tự nhiên đem pha cho lễ tắm Phật đều được gọi là cam trà. Với nước trà đó, tín đồ đến lễ bái vào dịp lễ sẽ kính cẩn dùng một gáo nhỏ múc rót lên thân tượng, tưởng niệm đến ngày chín rồng phun nước cúng Phật thế tôn theo truyền thống đại thừa.
Ngoài ra, để đáp ứng niềm kính tín của tín đồ địa phương, một số chùa viện còn chuẩn bị luôn sẵn nhiều tách nhỏ, người tham bái sau khi rót nước tắm Phật xong sẽ múc nước từ khay, chỗ an trí tượng Phật để uống với niềm tin mang lại sự may mắn, bình an và trí tuệ. Đó là phong tục tập quán khá phổ biến ở một số vùng. Bên cạnh đó, quanh dịp lễ hội Hanamatsuri, nhiều lễ hội mang tính cách dân gian cũng được tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau, mỗi địa phương mang phong cách riêng của bản địa mình.
Lễ tắm Phật ở Nhật Bản có lẽ được tổ chức bài bản nhất là nơi những tự viện có điều hành trường mầm non. Có vẻ các cháu nhỏ rất thích thú “trò chơi” này bởi đức Phật thiếu niên như gần gũi hơn trong mắt trẻ thơ, vì thế Hanamatsuri thường được biết đến nhiều nhất đối với những học trò mẫu giáo theo học nơi những trường tư thục của tự viện.
LỊCH SỬ TÊN GỌI
Cũng như bao dân tộc có truyền thống Phật giáo khác, người ta thường gọi ngày trọng đại mừng đức Phật ra đời với nhiều tên gọi mĩ miều khác nhau nhưng mang cùng ý nghĩa, lễ kỷ niệm đức Phật đản sinh. Ở Nhật Bản, lễ Phật đản được mang tên là Quán Phật hội (灌仏会, kanbutsue), bởi nó luôn được tổ chức cùng với lễ tắm Phật đản sinh. Đây là tên gọi được sử dụng nhiều nhất trong rất nhiều tên gọi khác tồn tại ở ngôn ngữ nước này gồm: Giáng đản hội (降誕会, gotane), Phật sanh hội (仏生会, busshoe), Dục Phật hội (浴仏会 yokubutsue), Long hoa hội (華会, ryugee), Hoa hội thức (花会式, hanaeshiki) và Hoa tế (花祭, hanamatsuri).
Trước thời Duy Tân Minh Trị, Ngày Phật đản của đất nước này cũng là ngày trăng tròn tháng tư như các nước có truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Nhật Bản cũng sử dụng lịch Âm, tức loại lịch tính theo chu kỳ mặt trăng mà nước ta hiện vẫn còn đang sử dụng. Kể từ sau Duy Tân, người dân Nhật tuyệt nhiên nhất luật theo chiếu lệnh đổi sang sử dụng lịch Dương và như thế ngày lễ Phật đản tháng tư rơi vào tiết trời sang xuân ấm áp, đó cũng là khi mà loài hoa Sakura, quốc hoa của đất nước này, mà tiếng Việt gọi là hoa Anh đào khoe sắc đua nở trên khắp nước Nhật. Từ sự kiện đó, người Nhật đổi tên gọi lễ Phật đản từ Quán Phật hội thành Hoa tế (花祭,hanamatsuri).
Theo một vài tư liệu, duyên khởi của tên gọi này được bắt đầu từ các sư thuộc Tịnh độ tông ở vùng kansai (Quan tây), mà cụ thể là ở Kyoto, nơi thành phố mệnh danh là cố đô của Nhật bản, với hệ thống chùa chiền tự viện dẫn đầu cả nước. Xứ sở này sở hữu một phong cảnh hữu tình, bên cạnh những chùa chiền đền đài là nhiều vườn hoa, công viên hoa, đường hoa Sakura với đầy đủ chủng loại cũng như màu sắc. Sự khởi xướng tên gọi này được tín đồ Nhật Bản đón nhận một cách nhiệt thành bởi có lẽ nó mang ý nghĩa rằng ngày đức Phật ra đời có ngàn hoa khoe sắc chào đón, như điển tích Lâm-tỳ-ni, và ngày nay tên gọi đó đã được sử dụng rộng rãi trong tất cả tăng tín đồ bất kể tông phái nào.
Tuy nhiên, về tên gọi Hanamatsuri, thật ra danh từ này không chỉ đến sau Minh Trị mới xuất hiện, bàn về nó quả là một lịch sử văn hóa kéo dài, là một lễ hội xuất phát từ Phật giáo, được bắt đầu thịnh hành thời Edo (Giang Hộ) và kéo dài theo dòng lịch sử của đất nước này cho đến ngày có lệnh “Thần Phật phân ly”. Sau khi Phật giáo tách khỏi tín ngưỡng Thần đạo, Thần Đạo được tôn làm quốc giáo, những lễ hội vốn là sự cộng thông của Phật giáo và tín ngưỡng bản địa này được bảo hộ giữ gìn dưới hình thức văn hóa dân gian, được tổ chức tại các Zinza. Tuy nhiên, nội dung của lễ hội vẫn hoàn toàn không thay đổi dù đã trải qua nhiều niên đại. Theo tài liệu ghi chép quy trình lễ hội còn để lại, đó là một lễ hội được tổ chức vào khoảng tháng 11, 12 hay tháng 1 với nội dung trừ tà ma, cầu nguyện âm siêu dương thái, sống bình an và chết thì siêu sanh cực lạc. Đối tượng cầu nguyện xuất hiện nhiều danh xưng chư Phật, bồ-tát, chư thiên thuộc hệ thống kinh điển Đại thừa và bên cạnh đó là những danh xưng về thần linh của tín ngưỡng Thần đạo. Ngày nay lễ hội này đã không còn bảo tồn nữa trừ một vài địa phương nhỏ giữa hai vùng Aichi (愛知県) và Nakano (長野県).
Như vậy, Hanamatsuri (花祭) vốn là tên gọi của một lễ hội từ xưa trong Phật giáo, tuy nhiên về ý nghĩa và thời gian tổ chức lễ hội thì xưa và nay khác nhau hoàn toàn. Có lẽ sau mốc lịch sử “Thần Phật phân ly” đó, lễ hội có tên Hanamatsuri mai một dần đi, nhân tiết lễ Phật đản sanh rơi vào mùa hoa Sakura nở, phía Phật giáo đã sử dụng lại tên gọi này cho lễ hội Đản sanh, tiết dịp ngàn hoa khoe sắc mừng đóa Ưu-đàm mấy ngàn năm một lần nở.
Tuy nhiên, so với các nước có truyền thống Phật giáo, lễ Phật đản sanh của Nhật Bản hiện nay đã tổ chức không xứng đáng với tầm vóc của Phật giáo nước này. Một nền Phật giáo tuy có lủng củng trong hàng ngũ tổ chức tăng-già nhưng phát triển thành công về nhiều mặt mang tính cách của đạo Phật nhập thế, đặc biệt là hàng ngũ trí thức nghiên cứu Phật học và hệ thống trường học từ thấp đến cao thuộc tổ chức của Phật giáo. Nhìn chung, trong tiết tháng tư đó có rất nhiều lễ hội được tổ chức mang tính chất nhân gian như trừ ma trừ quỷ, cầu cúng bình an cả nơi thần xã và chùa chiền với những sự tích mang màu sắc Phật giáo đại thừa. Một số lễ hội khác mang tính chất tông phong, giáo phái… Sự việc đó đã đem đến nhiều điều cần suy nghĩ, phải chăng là sự phân chia giáo phái dẫn đến tình cảnh “cha chung không ai khóc”? hay sự lạc lõng tình cảm tín ngưỡng của tín đồ Phật giáo phát triển?, hay có quá nhiều thứ cần quan tâm, nhiều lễ hội cần tổ chức? hay là bởi một ẩn nghĩa nào khác.
Vài điều ghi lại nơi đây về lễ Phật đản của xứ người như là cách tìm hiểu thêm nền văn hóa Phật giáo nước bạn. Bất cứ sự đánh giá hay so sánh nào cũng nằm trong biên kiến chủ quan, khi không nhìn nhận vấn đề từ góc độ văn hóa của từng xứ sở.
Tài liệu tham khảo:
1. Japanese wikipedia
2.佛教行事歲時記、遠藤滋
3.奧三河の花際り、中村茂子
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 74, tr59, 2010]