Tánh Không - Sự chuyển hóa tâm thức

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Những trận bão táp và cuồng phong sẽ nuốt chửng tất cả những khối rác rưởi khổng lồ ngổn ngang giữa hố thẳm ích kỷ-hẹp hòi. Chấp thủ và xung đột luôn hiện hữu trong tâm thức của con người. Tại sao chúng ta mải chạy theo nhu cầu vật chất để thỏa mãn những ham muốn thế gian, sống buông thả, phóng túng… không nhận biết mình là ai? Nếu Tánh không là con đường chuyển hóa tâm thức thì giá trị đạo đức và nếp sống tâm linh của con người mãi tồn tại.


Theo quan điểm của các nhà Ðại thừa, triết học Tánh không được khởi nguyên từ văn hệ Bát-nhã, một hệ thống kinh tạng Ðại thừa phát sinh từ Ðại chúng bộ (Mahāsamghikā), xuất hiện tại miền Nam Ấn Độ, trung tâm truyền bá tư tưởng của Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna Buddhism), do Bồ-tát Long Thọ khai sáng. Thực tế, dòng tư tưởng này vốn đã được phôi thai từ trong kinh tạng Nikāya trên nền tảng của giáo lý Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường...

Tánh không là một nguyên lý bất khả thuyết, nếu chúng ta xa lìa mọi sở hữu thì ngay sau đó liền ngộ nhập Tánh không. Tất nhiên, tâm thức của con người tự nhiên sẽ chuyển biến theo tiến trình tu tập văn-tư-tu. Nghĩa là phải học thuộc giáo lý về Tánh Không (Văn); sau đó, dùng thiền quán phân tích sâu xa vào trong Tánh Không (Tư); cuối cùng thực hành thiền chỉ và giữ tâm chánh niệm, nhờ thiền chỉ này hành giả sẽ trực ngộ Tánh Không (Tu). Thật là vi diệu, không ai có thể ngờ được vạn vật như phủ lên một tia ánh sáng của thực tại tuyệt đối - Tánh không.

Nói đến tư tưởng Tánh không có nghĩa là “đối diện trước một sự thách thức vĩ đại, mà con người chỉ có thể hoặc là buông bỏ mọi cơ đồ của tự ngã để thể nhập thực tại Tánh không, hoặc là nghìn năm phiêu bồng trong thế giới của hư vô bất tận. Tánh Không là như thế! Bao lâu con người còn cố gượng bám víu lấy một sự thể nào, một ý niệm về một sự thể nào, cho đến ngay cả cái ý niệm về thế giới ý niệm, thì khi đó y vẫn chìm đắm trong tuyệt vọng khổ đau”. Bởi vì, Tánh không chẳng phải nói các pháp không có hiện hữu, mà nói rằng chính vì sự hiện hữu của các pháp  tùy thuộc vào nhân duyên điều kiện, không thể hiện hữu độc lập, không tồn tại thực sự và cũng không có tự tánh. Hơn nữa, tất cả các pháp sanh diệt tương tục không gián đoạn, đến rồi đi; có rồi không; sanh rồi diệt; ví như ngọn sóng thần từ đại dương mênh mông, phút chốc bỗng hiện hữu hay thủy triều lên xuống đã đánh tan mọi cơ đồ chập chùng được xây dựng từ bao thế kỷ.

Cho nên, vì muốn khai thị cho chúng sanh hiểu rõ tư tưởng Tánh không nên Bồ-tát Long Thọ đã dùng tám thứ không là: không sinh, không diệt, không thường, không đoạn, không một, không khác, không đến, không đi, để đả phá những nhận thức sai lầm của thế gian, tức phá bỏ triệt để chấp tướng, chứ không phải phủ nhận cái Thực tướng Vô tướng của các pháp. Đó là lối dùng Không môn để đi vào thực tướng Trung Đạo.

Lại nữa, nếu tâm con người còn bị vọng tưởng mê hoặc, thấy mọi việc xung quanh đều là thật thì còn bị mê lầm. Chẳng những mọi hiện tượng, mọi sắc tướng đều trống rỗng, mà chúng tùy nhân duyên sinh chẳng có thực thể, thậm chí đến cái tuyệt đối chính nó cũng là Không thì làm sao xuất hiện cái Có. Vì nó ở ngoài trí nhận định và khái niệm của con người và là bất khả tư nghì, không thể nói lên lời hay bày tỏ bằng văn tự được. Vì thế, thật khó để lấy trí phàm phu mà suy lường, dò xét và nhận thức được cái tuyệt đối mầu nhiệm này, mà phải dùng trí tuệ Bát-nhã là cái trực giác siêu phàm bén nhạy để chứng nhận cái Không ấy mới biết rõ nó như thế nào. Trực giác ấy chỉ đến với chúng ta trong lúc tâm hồn tịch tịnh, lúc đó mới có thể chuyển hoá được tâm thức.

Như thế, nếu vạn vật đều là giả hợp, đều là Không theo ý nghĩa trống rỗng, thì cái tuyệt đối Không của Trung Đạo lại hết sức chân thật và chẳng trống rỗng chút nào. Bởi vì nó hàm chứa cả vạn hữu vũ trụ trong tâm thức của con người. Phải chăng chúng ta sẽ rơi vào hư vô trống rỗng do chạy theo cái Không này? Sự chứng ngộ chỉ có nghĩa là trở về nguồn gốc của tâm Chân như nhờ thực hành thiền quán, từ đó hành giả mới tỏ ngộ thế giới hiện tượng chỉ là hư giả do thức biến mà thôi.

Nếu triết lý sâu sắc nhất trong Phật giáo bắt nguồn từ những gì được biết như học thuyết về Tánh không thì điểm chính yếu của nó là nhận biết sâu sắc về cuộc sống con người: con đường thực nghiệm và phương hướng thực hành hằng ngày về tư tưởng Tánh không mới có thể chuyển hoá tâm thức. Bởi vì, trong cuộc sống thực nghiệm, tâm thức của chúng ta luôn hướng đến thế giới ngoại tại hơn là nội tại. Chẳng hạn như, nếu chúng ta chỉ biết nghĩ đến tự ngã, ích kỷ-hẹp hòi thì chắc chắn rằng tính cách cá biệt đó sẽ dẫn đến trầm luân khổ não ngay trong hiện tại. Điều này không chỉ là sự sai lầm cơ bản mà còn dựa vào sự bám víu chấp thủ để sanh khởi hàng loạt những thành kiến của tự ngã. Hơn nữa, trong thực tế bất cứ một thực thể nào mà đối tượng nhận thức đều có cơ sở giả định về bản chất và tồn tại độc lập thì hoàn toàn không thể đứng vững được, vì tất cả sự vật hiện tượng trong vũ trụ không thể tồn tại độc lập và phải do nhiều nhân duyên hợp lại mới tạo thành một pháp.

Mặt khác, Tánh không liên quan đến bản chất tối thắng của tất cả các pháp. Đó là nhận thức chủ yếu trong vật lý học. Nếu ai hiểu một cách đúng đắn thì Tánh không được diễn tả như là sự vượt thoát những cực đoan của sự tồn tại và hủy diệt. Khi chúng ta hiểu tường tận về Tánh không thì không còn vướng mắc vào hơn-thua, được-mất, sống-còn, v.v… Chỉ trong một tích tắc, hầu như mọi thứ đều trở nên bình thường và mọi sự thể của trần gian đều hóa thành mộng mị, hư ảo, cũng như mọi nguyên lý bỗng trở thành phi lý. Ðó là một thứ phi lý được bắt nguồn từ dòng sống thực tại và tâm chúng ta thật sự thong dong, tự tại khi gặp cảnh thuận duyên hay nghịch duyên trong đời sống thường nhật. Như thế, muốn tìm cái chân lý tuyệt đối của Tánh không phải “hồi quang tự kỷ” soi tìm nơi đáy lòng mình, cũng như muốn thấy Bồ-đề, Niết-bàn phải đi sâu vào tận cùng tâm khảm, dùng phương pháp thiền quán để nhận biết tất cả vạn pháp là không.

Mục đích chính của Trung Quán luận là giải thoát khỏi tất cả mọi định kiến của tư duy hữu ngã, bắt nguồn từ vô minh và ái dục. Qua sự phân biệt giữa cái thật và cái không thật, loại trừ sự nhầm lẫn liên quan đến thực thể tuyệt đối và đoạn trừ vô minh khổ não nhờ nhận biết được Tánh không như là một chân lý tuyệt đối, mà khả năng phán đoán về sự thật này chính là dựa trên nền tảng của sự hủy diệt. Nếu như ý thức sai lầm về sự thật dẫn đến vô minh khi tâm thức rối loạn, thì ngược lại ý thức về sự thật một cách am tường dẫn đến trí tuệ siêu việt nhờ ánh sáng của Tánh không. Như vậy, con người thật sự có cuộc sống an vui tự tại khi tâm thức bừng sáng nhờ thực hành thiền quán và thể nhập tư tưởng Tánh không..

Trong Phật giáo, trạng thái vận hành thay đổi của vạn pháp không phải là giá trị cần thiết trong chính nó, đến mức không hợp lý với sự nhận thức kinh nghiệm về tánh không mà phương thức phi tuyệt đối của trạng thái là điểm chính yếu. Mặc khác, lĩnh vực nhận thức đúng đắn có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển tâm linh của con người. Nếu hành giả thực hành thiền quán luôn đối diện với cái giả hợp vọng tưởng cũng như không nhất tâm trong lúc thiền quán thì sẽ dẫn đến thối chí và loạn tâm. Cho nên hành giả cần phải thực hành nhiều lần mới có thể đạt được trạng thái quân bình, lúc đó tâm thức dần dần mới chuyển hóa được.

Sự trải nghiệm để nhận thức đúng đắn về Tánh không có thể so sánh với sự tỉnh thức. Khi thực hành triết lý Tánh không, chúng ta có thể nhìn thấy vạn pháp một cách rõ ràng và không còn nghi ngờ gì về thế giới thực tại mà chúng ta đang hiện hữu, do trước đây bị nhầm lẫn. Bởi vì nó xuất hiện có sự tồn tại cố hữu riêng của nó, nhưng khi đã hiểu rõ về Tánh không, chúng ta nhận thức rằng: đó là hoàn toàn không có sự tồn tại cố hữu và tùy thuộc vào tâm của chúng ta. Thực tế cho thấy, chính đức Phật cũng được gọi là bậc “Tỉnh Thức”, vì Ngài đã thức dậy từ giấc ngủ của “vô minh”. Điều này nói lên rằng, Tánh không là giáo lý mà chỉ có bậc thượng căn, thượng trí mới có thể thực hành để chuyền hóa tâm thức và hành xử trong cuộc sống một cách có hiệu quả khi gặp chướng duyên. Nhờ đó, hành giả có tầm nhìn xa hơn, khoáng đạt hơn và càng tự tin hơn, vì nhận biết được tất cả vạn pháp là không, là giả hợp, khi nhân duyên hợp thì sanh, khi nhân duyên tan thì diệt, rốt cùng đều trở về Tánh không.

Theo triết lý Phật giáo, khi bàn về bản chất của Tánh không chúng ta không cần phải đi sâu vào sự phức tạp của nó, mà chỉ hiểu đơn giản là mọi sự vật luôn biến chuyển vận hành theo tâm thức của con người. Cho nên, chúng ta thường nói “nhứt thiết duy tâm tạo”, thiên hình vạn trạng trong cuộc sống đều do tâm phác họa nên. Nếu không đủ nội lực để thấu triệt tư tưởng Tánh không, thì chúng ta thật sự không có điểm tựa, lúc đó tâm thức của chúng ta sẽ bị ngả nghiêng, điên đảo và chơi vơi giữa thế giới hư ảo. Mặc khác, trong giáo lý Đại thừa, phần lớn đều đề cập đến tư tưởng Tánh không. Thực tế, đây là khái niệm trừu tượng khó hiểu, khó suy lường, nhưng một khi chúng ta đã thấu triệt sâu sắc rồi thì Tánh không được ví như một khối kim cương sáng chói và vững chắc, vượt hẳn lên tất cả nền giáo lý Đại thừa.

Trong ý thức chân thật, Tánh không đề cập đến bản chất tồn tại bắt nguồn từ sự trải nghiệm thực hành thiền quán. Nó vẫn chứa đựng trạng thái bằng lòng dựa trên kinh nghiệm, mặc dù có một hình thái duy nhất là thấy sự vật cho là đúng đắn một cách nhầm lẫn. Do đó, ba khái niệm về Nguồn gốc liên quan; Trung đạo và Tánh không thì không có cái gì ngoài một tiêu điểm có cùng thực tại giống hệt nhau. Mỗi lĩnh vực liên quan đến kinh nghiệm tinh tế, mặc dù không có nhận thức thực tại về quá trình tiến hoá của bất cứ lĩnh vực nào. Dựa trên ý nghĩa về Tánh không, nếu chúng ta nhận biết các pháp vốn là không thì tâm chúng ta sẽ tự nhiên bình yên; khi ngã không và pháp không đều trong trạng thái vắng lặng thì dấu hiệu của trí tuệ siêu việt sẽ bắt đầu xuất hiện. Nhờ đó, tâm thức của con người dần dần được chuyển hóa theo quy luật vận hành của tư tưởng Tánh không.

Dĩ nhiên, điều này cho thấy rằng, vì chúng là những khái niệm duy nhất chỉ có thể được biết như một khao khát ban đầu, bày tỏ những điều mới lạ và bản chất chân thật của ý thức con người qua sự kiên trì và điềm tĩnh trong khi thực hành thiền quán. Thế nên, Tánh không là một trong ba lĩnh vực trên mà hành giả cần phải quán sát kỹ mới có thể nhận diện được các pháp đâu là chơn đâu là vọng. Nhưng khi đạt đến chỗ vô phân biệt rồi thì chơn hay vọng cũng trở về thực tại Tánh không - Chơn thức chuyển biến.

Trong ngữ cảnh này, Tánh không phải được hiểu hoặc là không khác với vô hữu hoặc không phải là một thực tại độc lập, mà nó trú ẩn phía sau bức màn ảo giác. Nói đúng hơn, đây là một cách thức tồn tại theo hiện tượng tự nhiên và chính ngay trong cách thức đó, Tánh không sẽ không vượt ra ngoài phạm vi phụ thuộc của các pháp trong bất kỳ sự vật nào có thể tồn tại. Hơn nữa, để khẳng định rằng vì tất cả các pháp là không, nên chúng là giả tạm không tồn tại thật sự. Ngược lại, Trung Quán luận cho rằng vì tất cả các pháp tồn tại nên chúng là không. Từ nguyên lý này, thực tế cho thấy, tất cả sự vật hiện tượng thì không có bản chất, để xác định rằng Tánh không là bản chất của tất cả sự vật hiện tượng khi chúng ta xoay chuyển từ cái không bản chất thành một bản chất thật sự. Đây có phải là một nghịch lý không?

Như vậy, thực thể tối thắng của Tánh không trong ý nghĩa là nó vượt trội tất cả hạn định thu được kinh nghiệm từ thực tiễn và tạo lập tư duy. Tuy nhiên, con người đạt được sự hiểu biết sâu sắc về triết lý Tánh không, không phải chỉ do hạnh nguyện cao cả mà chính là do thực tập thiền quán trên tinh thần Tánh không. Hơn nữa, khi hành giả thực tập thiền định trên tinh thần Tánh không, được xem như là sự vắng mặt của tự ngã và bản chất chân thật trong các pháp, ngay cả Tánh không tuyệt đối cũng vắng mặt. Trong trạng thái siêu việt đó thì tâm thức tự nhiên sẽ được chuyển hóa hoàn toàn không bị bất cứ một vật gì ngăn ngại và ngay sau đó trí tuệ sẽ bừng sáng.

Tài liệu tham khảo:
- Không Quán; Tánh Không Tổng Hợp Tam Thừa Phật Giáo
- Tuệ Sỹ; Tánh Không Luận là gì?
- Tuệ Sỹ; Triết Học Tánh Không; XB năm 1963
- HT. Thanh Kiểm; Tư Tưởng Không trong kinh Bát Nhã.
- Dalai Lama (2005). The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality (Hardcover).
- Alan Gullette; Nagarjuna’s Negative Dialectic and the Significance of Emptiness.
- The Flower Ornament scripture Translated by Thomas Cleary
- Jay L. Garfield; Empty Words: Buddhist Philosophy and Cross-Cultural Interpretation

Chú Thích:
1. Xem Tuệ Sỹ; Tánh Không Luận là gì?
2. Tuệ Sỹ; op.cit;
3. Xem Alan Gullette; Nagarjuna’s Negative Dialectic And the Significance of Emptiness
4. Jay L. Garfield; Empty Words: Buddhist Philosophy and Cross-Cultural Interpretation; p.52
.

Tuệ Giác
Tập san Pháp Luân - số 77, tr41, 2011]