Tia nắng sớm là một hình ảnh thân thuộc và rất thơ mộng trong cuộc sống. Một buổi sáng bình minh, ánh nắng vàng rực rỡ tạo cho người ta có cảm giác yêu đời, thích sống. Vạn vật trở nên rộn rã. Trong khi, cũng vào buổi sáng, nhưng đó là một buổi sáng trời âm u, se lạnh của mùa mưa ở miền Nam, hay buổi sáng mùa Đông ở miền Trung, người ta thấy sự ảm đạm và tạm bợ của trần thế.
Đầu một ngày mới mà tất cả dường như vẫn còn trong không khí của đêm hôm. Những chiều giông bão, sấm sét gầm gừ và bùng thét, cảm giác thế giới con người thật nhỏ bé và mong manh biết bao!
Phương Đông là phương mặt trời mọc, mang ánh sáng ấm áp và đầy sinh lực đến cho muôn vật. Ở phương Đông ấy có đức Phật Dược Sư, có ánh sáng Tịnh Lưu Ly. Nếu tia nắng sớm ấm áp khởi đầu một ngày làm cho người ta phấn chấn và thêm yêu đời, thích sống, thì ánh sáng từ tâm hồn thật sự muốn trị liệu khổ đau, muốn có không khí an hòa, sẽ đem lại rất nhiều niềm vui sống cho chính mình và người xung quanh. Mọi đau buồn tiếc nuối hay mặc cảm lầm lỡ của ngày trước đã qua rồi. Hãy bắt đầu lại trong ngày mới, trong năm mới! Mọi thứ đều có thể bắt tay làm lại từ đầu!
Giá trị của tâm Dược Sư phương Đông ở đây là biết làm lại từ đầu những gì tốt đẹp mà mình đã đánh mất đi trong những tháng ngày lầm lỡ, lang thang, hủy hoại vừa qua. Và điều đáng nói ở khung cảnh này là sự kiện biết bình minh hóa cuộc đời của mình. Có nghĩa là, biết làm cho cuộc đời ảm đạm bóng tối đêm trước của mình trở thành ngày mới bắt đầu với ánh sáng bình minh. Có người nói, nhân vô thập toàn, không ai tốt hoàn toàn, ai cũng đều có khuyết điểm. Nhưng giờ đây dưới ánh sáng của tâm Dược Sư, chúng ta có thể nghĩ và nói như vầy: không ai có thể xấu hoài được!
Không ai có thể xấu hoài được! Có đúng vậy không bạn? Anh ấy, chị ấy, cô ấy, sẽ không thể nào xấu mãi vậy đâu? Có phải vậy không bạn? Cũng có thể và không thể, dám chắc có người đáp như vậy. Có thể bởi vì cái xấu chỉ là một tính chất của con người mà không phải là hoàn toàn con người đó, và tự thân cái xấu nó cũng có tính cách vô thường, và dĩ nhiên, tất yếu nó sẽ có lúc chuyển đổi.
Nói không thể là vì có người cứ mãi rượt đuổi theo những đam mê thấp hèn, hệ lụy vào đó mà không có khả năng phản tỉnh, hồi đầu, làm mới lại đời mình. Người thân của họ đã làm đủ mọi cách nhưng không có kết quả tốt. Người đó vẫn “chứng nào tật nấy” (!) Những người thân cứ mãi trông đợi người con của mình, người em của mình, người chồng của mình, người bạn của mình, người anh của mình, hay người cha của mình sẽ cải đổi, sẽ làm mới lại thái độ sống. Họ rất trông chờ, và chờ mãi không thấy! Chờ mỏi mòn, có khi hết cuộc đời.
Đó là trường hợp người cháu trai của cư sĩ Tu Đạt Cấp Cô Độc, chẳng hạn! Cậu này thừa hưởng một gia tài lên đến 40 triệu đồng vàng. Nhưng cậu ta chỉ thích sống hoang đàng ăn chơi, phung phí, tối ngày chỉ biết rượu chè, cờ bạc. Cậu đã dùng hàng trăm ngàn đồng tiền vàng trong việc chơi bời trác táng với những cô gái lầu xanh và bạn bè hư hỏng. Một con người ngu muội và ham tiêu phí như cậu thì tiền bạc dù chất cao bằng núi cũng có lúc hết sạch mà thôi. Ngày kia gia tài mạt tận, cậu bèn tìm đến người chú rể xin giúp đỡ. Tu Đạt liền tặng cho cậu ta một ngàn đồng vàng và khuyên cháu mình nên dùng số ấy để làm vốn, gầy dựng lại sản nghiệp. Chứng nào tật nấy, chẳng bao lâu số tiền ấy bị cậu ta xài hết. Cậu lại đến xin đến lần thứ tư. Cứ mỗi lần Tu Đạt lại cho tăng thêm một ngàn đồng. Lần thứ 5 là năm ngàn. Rồi cũng hết. Tu Đạt cảnh cáo: Nếu cháu không lo tự sinh kế, tình chú cháu sẽ chấm dứt. Dù Tu Đạt đã có lời hăm dọa sẽ đoạn giao, người cháu vẫn đem tiền đi nướng vào chỗ trác táng. Về sau, mỗi lần người cháu hư hỏng này đến xin, toàn thể gia đình Tu Đạt xem cậu như ăn mày, không coi là con cháu. Từ đó, họ chỉ cho quần áo và thức ăn, chứ không tặng tiền bạc. Nhưng con người trụy lạc đó đã không hổ thẹn, tự trọng và danh dự. Cậu cứ nài nỉ xin tiền chứ không muốn nhận áo quần hay thực phẩm. Bởi tính lười biếng và ương ngạnh, nên thậm chí đi hành khất để kiếm ăn cậu cũng không làm. Kết quả cậu đã chết đói trong một góc đường tăm tối. Tu Đạt hay tin, tự hỏi: Phải chăng ông đã gián tiếp để cháu ông chết khổ như thế? Ông thưa đức Phật. Đức Thế Tôn dùng khả năng Chánh biến tri để “nhìn vào” quá khứ, thấy rõ nhân duyên ác nghiệp của người cháu chồng chất, rồi Ngài dạy: “Lòng tham tiền bạc tích tụ của loài người tuy vô đáy, nhưng còn có cách điều chỉnh, trước khi sự chết xuất hiện. Chỉ có lòng tham hưởng thụ khoái lạc nhục dục thì không thể nào cứu vãn sớm hơn lưỡi hái của tử thần. Vì tính say mê sắc dục và hưởng thụ vật chất mà đứa cháu trụy lạc của ông đã chịu chết đói hẩm hiu như thế trong quá khứ nhiều lần rồi, chứ đây không phải lần thứ nhất!” (theo Túc Sinh truyện 291).
Vì vậy, nếu mình thực sự đang là người con, người em, người anh, người chị, hay người cha, người mẹ trong trường hợp mà những người thân của mình đang mòn mỏi trông chờ sự chuyển hóa của mình, thì mình phải biết chuyển đổi chính mình, đem lại nguồn vui cho mình, cho những người thân thuộc và quan tâm đến mình. Đây chính là ánh sáng Dược Sư từ bình minh của phương Đông! Thế giới Tịnh Lưu Ly sẽ được mở ra. Nó đã có sẵn, và người biết bình minh hóa cuộc đời của mình sẽ mở được cửa vào thế giới Tịnh Lưu Ly đó.
Định Thông
[Tập san Pháp Luân - số 47, tr.22, 2007]