Trang 1 / 3Đây là bốn phạm trù tâm thức rộng lớn cao thượng không lường, được phát sinh từ trạng thái thiền định khi hành giả tu tập trong tự lợi và lợi tha để đem chúng ra ban vui cứu khổ cho chúng sanh và khiến cho họ đạt được bốn phạm trù vĩ đại này như mình, cũng như của chư Phật và chư Bồ-tát. Bốn loại tâm thức cao thượng rộng lớn không lường như vậy, có được là nhờ vào sự đắc định của hành giả trong tu tập, chúng phát sinh khi các phẩm loại phiền não vô minh vọng động được lắng trong.
II . BỐN TÂM VÔ LƯỢNG THEO QUAN ĐIỂM CÁC NHÀ ĐẠI THỪA
Ở trên là quan điểm của các nhà Tiểu thừa trình bày về Bốn tâm vô lượng. Quan điểm đó cho chúng ta biết rằng đây tuy là vô lượng nhưng chúng cũng tùy thuộc vào cơ tâm của hành giả nên giá trị của chúng cũng bị giới hạn trong vòng nhân quả mà trong việc thể hiện chỉ đề cao cá nhân hơn là đề cao tập thể. Trong khi để đáp ứng tùy thuộc vào căn cơ cao hơn qua việc thể hiện bình đẳng tánh đưa đến cứu cánh rốt cùng, hành giả cần phải thực hiện con đường Bồ-tát hạnh của mình, việc lợi tha được đặt ra là chính nên cũng tùy thuộc vào đó mà đức Đạo sư tuyên nói Bốn tâm vô lượng.
Trong kinh Quán Phật Tam-muội Hải 6 thì đức Đạo sư bảo A-nan, muốn phát triển bốn tâm tam-muội (định) đến chỗ cùng cực, trong đó từ tâm tam-muội là nền tảng chính, thì liên hệ nhớ nghĩ đến nỗi khổ não của chúng sanh trong ba đường ác, trong đó nỗi khổ của những người thân của mình là gần nhất và cứ như thuyết luân hồi nghiệp báo thì xa hơn là chúng sanh trong ba cõi sáu đường không ai không là những người thân của chúng ta. Vì vậy nỗi khổ của chúng sanh luôn liên hệ đến chúng ta, nên việc ban vui cứu khổ và tạo mọi điều kiện thực hiện lợi mình lợi người đối với họ là hạnh nguyện của những hành giả thực hành Bồ-tát đạo trong chiều hướng tiến đến Niết-bàn an vui giải thoát. Biết vậy, tại sao chúng ta lại khởi tâm sát hại đối với chúng sanh? Sau khi đức Đạo sư dạy đến đây thì vua Tịnh Phạn cùng tất cả đại chúng bạch Phật rằng:
“Sao gọi là Từ tâm tam-muội? Nguyện xin Thế Tôn vì mọi người mà lược nói.”
Phật bảo đại chúng:
“Từ tâm, trước hết nên khởi tưởng đối với những người thân. Lúc nghĩ đến họ thì nên nghĩ đến những khổ não của cha mẹ mình, nghĩ đến vợ con mình chỗ yêu thương của chúng sanh đang chịu mọi khổ não, thấy chúng sanh bệnh hủi, ung nhọt. Thấy rồi tự nghĩ nên tìm cách nào để cứu? Một lần tưởng nghĩ thành rồi thì nên nghĩ tưởng đến lần thứ hai, lần thứ hai nghĩ tưởng thành thì nghĩ tưởng đến lần thứ ba, lần nghĩ tưởng thứ ba thành rồi thì nghĩ tưởng cho khắp cả nhà, nghĩ tưởng cho khắp cả nhà thành rồi thì nên nghĩ tưởng đến khắp cả phường xóm, một phường xóm thành rồi thì cho cả một do tuần (Bốn mươi lý là một do tuần. Một lý = một dặm = 360 bước), một do tuần thành rồi thì cho cả Diêm-phù-đề (Ấn Độ), cả Diêm-phù-đề thành rồi thì cho cả ba thiên hạ, dần biến khắp cả mười phương thế giới.
“Thấy hết chúng sanh phương đông là cha mình, thấy hết chúng sanh phương tây là mẹ mình, thấy hết chúng sanh phương nam là anh mình, thấy hết chúng sanh phương bắc là em mình, thấy hết chúng sanh phương dưới là vợ con mình, thấy hết chúng sanh phương trên là sư trưởng mình, ngoài ra bốn phía là Sa-môn, Bà-la-môn, v.v… Thấy tất cả chúng sanh đang chịu khổ, hoặc mắc bệnh nặng, hoặc ở trên núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò tro. Thấy tất cả những nỗi khổ này rồi, lòng khóc thương, muốn nhổ đi cái khổ này, tự nghĩ: ta nương vào hoa sen báu đến chỗ mọi người, đích thân tiếp xúc, rửa sạch ung nhọt. Nhìn lửa địa ngục buồn thương rơi lệ muốn diệt lửa kia, nhìn thấy ngạ quỷ đâm thân ra máu tưởng hóa thành sữa, cung cấp ngạ quỷ khiến được đầy đủ, khi đã đầy đủ rồi vì họ mà nói pháp, khen Phật, khen pháp, khen Tăng Tỳ-kheo. Sau khi khen ngợi mọi lợi ích rồi, khiến thay đổi được tâm buồn thương không bao giờ xả bỏ kia và, như vậy tâm từ thật sự đã đả thông được tất cả, còn ba tâm kia cũng nói rộng như từ tam-muội vậy. Tâm từ như vậy gọi là tu tập từ, khi đã tu tập từ rồi thì tiếp đến là thực hành bi. Người tu tập bi, khi thấy mọi người chịu khổ như tim bị mũi tên vào, như con ngươi bị phá, lòng thật khổ thương, máu dâng khắp cơ thể, muốn nhổ khổ kia, nhưng lòng bi thương này không phải một mà có trăm ức cửa nên cũng nói rộng như đại bi tam-muội này vậy. Hành giả sau khi hành từ bi rồi tiếp đến thực hành đại hỷ, hành giả nhìn thấy mọi người an ổn hưởng vui, lòng sinh hoan hỷ như chính mình vui không khác, khi đã sinh hoan hỷ rồi thì tiếp đến thực hành pháp xả. Là chúng sanh thì không đến đi, tướng từ tâm tưởng sinh. Tâm tưởng sinh chính là nhân duyên hòa hợp nên giả gọi là tâm. Tâm tưởng này cũng giống như hoa đốm từ bệnh điên đảo khởi lên, nên khổ cũng từ tưởng mà khởi lên, vui cũng từ tưởng sinh ra, tâm giống như ruột cây chuối không chắc thật.”
Ở đây, đức Đạo sư đã dùng pháp bốn tâm vô lượng để dạy chung cho các đệ tử của mình dù là xuất gia hay tại gia, trong đó có cả phụ thân của Ngài nữa. Bốn tâm này nếu chỉ giới hạn cho riêng mỗi một cá nhân trong đối tượng thực hành thì vẫn là những hạn cuộc và sẽ không đưa hành giả đến cứu cánh. Vì vậy, bốn tâm vô lượng này phải được mở rộng ra xa hơn nữa không chỉ cá nhân mình mà còn những người chung quanh. Trước hết là những người thân gần chúng ta nhất đó là cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc và xa hơn nữa là khắp pháp giới.Đây mới chính là đối tượng thực hành bốn tâm vô lượng đưa đến rốt ráo. Qua đây, đức Đạo sư dạy cho chúng ta cách quán oán thân bình đẳng trong vô ngã và vô pháp: Từ quan hệ nhân quả đến quan hệ duyên khởi có trong nhau đưa đến phát khởi từ tâm và cuối cùng đưa đến ngã pháp đều không để thực hành bốn tâm vô lượng. Cũng trong ý nghĩa này, theo Pháp giới thứ đệ sơ môn 16 nói về Bốn tâm vô lượng, nếu đem Bốn thiền phối hợp với Bốn tâm vô lượng này để phân tích thì Bốn Thiền chỉ có công đức tự chứng Thiền định cho chính mình chứ chưa có công đức lợi tha đối với kẻ khác, cho nên muốn có công đức lớn an vui thì buộc hành giả chúng ta phải có lòng thương xót, lân mẫn đối với chúng sanh, tức là hành giả chúng ta phải tu tập Bốn định vô lượng đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả, gọi chung là Tâm vô lượng. Từ cảnh chúng ta có được tên gọi, lấy vô lượng chúng sanh làm cảnh sở duyên và, tâm chúng ta là năng duyên luôn tùy thuộc vào cảnh vô lượng chúng sanh này khi phối hợp tu tập, cả hai đều có được tên gọi chung là tâm vô lượng. Đây chính là cách tu tập dành cho các hành giả thực hành Bồ-tát hạnh trong lúc tu tập để hoàn thành Giác hạnh viên mãn chứng đắc Niết-bàn an lạc. Theo Pháp giới thứ đệ sơ môn thì Bốn tâm vô lượng được trình bày như sau:
“Một, tâm từ vô lượng là tâm luôn luôn ban vui cho người khác, nên gọi là từ. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh muốn cho họ được vui thì, trong tâm số pháp (Tâm sở) sinh định gọi là định từ. Từ này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm từ vô lượng.
“Hai, tâm bi vô lượng là tâm luôn luôn cứu khổ người khác, nên gọi là bi. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh chịu khổ muốn họ được giải thoát khổ thì, trong tâm số pháp sinh định, gọi là định bi. Bi này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm bi vô lượng.
“Ba, tâm hỷ vô lượng là tâm vui có được từ cái vui của người khác, mà sinh ra tâm hoan hỷ này, nên gọi là hỷ. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh muốn cho họ lìa khổ được vui mà hoan hỷ thì, trong tâm số pháp (Tâm sở) sinh định gọi là định hỷ. Hỷ này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm hỷ vô lượng.
“Bốn, tâm xả vô lượng là tâm duyên vào người khác với tâm không ghét không yêu, nên gọi là xả. Nếu hành giả nào ở trong Thiền định, khi nhớ đến chúng sanh, tất cả đều nhớ nghĩ một cách bình đẳng không ghét không yêu như chứng Niết-bàn, trong sạch vắng lặng thì, trong lúc nhớ nghĩ như vậy, tâm số pháp sinh định, gọi là định xả. Xả này tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập được giải thoát. Vì tâm này biến đầy mười phương, rộng lớn vô lượng nên gọi là tâm xả vô lượng.”
Bốn tâm vô lượng ở đây được phát khởi khi hành giả vào Thiền định. Tùy thuộc vào thuộc tính của thiền định mà có được bốn định phát sinh ra đó là định từ, định bi, định hỷ và định xả. Nếu như hành giả trong lúc thiền định mà phát khởi lên một trong bốn thứ tâm này thì định cũng sẽ tùy thuộc vào bốn tâm đó mà hiện hữu vô lượng, vì tâm này biến khắp mười phương, rộng lớn vô lượng nên bốn tâm này cũng vô lượng. Và nếu hành giả biết cách kết hợp giữa thiền định và bốn tâm vô lượng này thì cứ tùy thuộc vào tính đặc thù của chúng mà chúng ta sẽ có mỗi một thứ định đặc biệt cho nó. Cuối cùng hiệu quả của nó sẽ đưa hành giả đến chỗ giải thoát nếu bốn loại định này cùng tương ưng với tâm không sân, không hận, không oán, không não, khéo tu tập và nỗ lực áp dụng triệt để thì sẽ được giải thoát.
Cũng đồng quan điểm với Pháp giới thứ đệ sơ môn 16 nói về Bốn tâm vô lượng, theo Thập địa kinh luận 5 thì từ tâm, bi tâm, hỷ tâm, xả tâm của Bồ-tát luôn luôn tùy thuận với không và thời gian rộng lớn vô lượng không phải hai, nếu các Ngài dùng tâm không sân hận, không đối đãi, không chướng ngại, không não hại trang trải đến khắp tất cả mọi nơi trên thế gian cùng tận hư không cõi thì đó gọi là vô lượng được thực hành rốt ráo:
“Sao gọi là bốn vô lượng?”
Kinh dạy:
“Là từ tâm của Bồ-tát tùy thuận rộng tới vô lượng không hai. Không sân hận, không đối tượng, không chướng ngại, không não hại, biến khắp cho đến mọi nơi trên thế gian, pháp giới thế gian, cứu cánh hư không giới, bao trùm lên tất cả hành thế gian. Như vậy bi tâm của Bồ-tát cũng tùy thuận, hỷ tâm cũng tùy thuận, xả tâm cũng tùy thuận rộng lớn vô lượng không hai, không sân hận, không đối tượng, không chướng ngại, không não hại, biến khắp cho đến mọi nơi trên thế gian, pháp giới thế gian cứu cánh hư không giới, bao trùm tất cả hành thế gian.”
Đó là phương pháp đem tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả qua các bản kinh luận, được dàn trải không chỉ rộng khắp đối với chúng sanh không hạn định trong không gian hay thời gian mà còn khắp đến từ ba cõi sáu đường cho đến tận hư không giới; vì chúng không còn bị giới hạn vào bất cứ xứ, giới nào nữa cho nên được gọi là vô lượng.
Tóm lại, bốn tâm vô lượng này dù là Tiểu hay là Đại thừa chăng nữa, con đường thực hành đưa đến tự lợi và lợi tha, chúng vẫn hiện hữu trong nhau; nhưng chúng chỉ khác nhau về mặt tiêu cực và tích cực mà thôi. Về mặt tiêu cực thì chỉ được giới hạn kết quả theo nhân quả tính của tự lợi, còn mặt tích cực thì không còn giới hạn trong nhân quả tính nữa mà vượt ra ngoài tính tiêu cực của nhân quả giới hạn, mà thể hiện tính duyên khởi có nhau trong bất nhị tính. Bốn tâm vô lượng vì thế chúng cũng tùy thuộc vào giá trị thuộc tính của chúng nhiều hay ít tùy thuộc vào đối tượng hướng đến của chúng qua chúng sanh là gián tiếp mang tính tiêu cực và trực tiếp mang tính tích cực. Vì bản thân bốn tâm này đối với Tiểu hay Đại đều có giá trị như nhau; nhưng đối tượng làm duyên hướng đến để phẩm định giá trị của chúng thì có sự khác nhau giữa Tiểu và Đại. Qua đó, chúng cũng chỉ làm duyên cho cả hai tùy theo tiêu cực hay tích cực mà chúng được thể hiện trọn vẹn phẩm tính tự lợi và lợi tha mà thôi. Đây chính là con đường thực hành của các hành giả được thể hiện một cách tiêu cực qua giá trị tự lợi của nhân quả nhị nguyên, còn nếu theo chiều hướng tích cực thì đó là con đường thực hành của các hàng Bồ-tát mang tính tích cực vượt thoát để hoàn thành mục tiêu của mình tiến đến quả vị Chánh giác.
Thích Đức Thắng
[Tập san Pháp Luân - số 48, tr.3, 2007]