Năm cái thấy - Phần 1

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times



NĂM CÁI THẤY

Kính thưa quý vị,
Phật giáo chia cái thấy con người ra thành năm loại; đó chính là cái thấy bằng Nhục nhãn, cái thấy bằng Thiên nhãn, cái thấy bằng Tuệ nhãn, cái thấy bằng Pháp nhãn, và cái thấy bằng Phật nhãn. Trước tiên cần chỉ ra rằng, thuật ngữ “thấy” được sử dụng ở đây không phải để đề cập đến cái thấy bình thường của con người. Cái thấy của con người chỉ là cái thấy bằng Nhục nhãn. Sự thật là, cái thấy của con người không phải là cái thấy điển hình nhất về phương diện này. Một con chim ưng, mắt nó có thể nhìn thấy xa hơn mắt của con người. Một con cú, mắt nó nhạy với ánh sáng hơn nhiều so với mắt của chúng ta, và nó có thể nhìn thấy mọi vật trong bóng tối mà ta không thể nhìn thấy.

Để hình dung ra những hạn chế của mắt con người, tôi sẽ sử dụng một bảng đồ biểu do các nhà khoa học tiến hành, được gọi là dòng điện từ. (xem hình minh họa) Đồ biểu này chỉ cho chúng ta thấy rằng, mắt trần của con người chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một vùng rất hẹp của vũ trụ, gọi là vùng ánh sáng có thể nhìn thấy. Chúng ta không nhìn thấy được những đoạn sóng quang phổ và không thể vượt qua được, hay những đoạn sóng tia tử ngoại và cũng không thể vượt qua. Điều này đã minh định là trước khi con người phát minh ra những thiết bị máy móc để giúp đỡ con mắt trần của mình trong việc khám phá vũ trụ vượt qua giới hạn của tầm mắt, thế giới mà anh ta nhìn thấy tưởng như đầy đủ, đúng đắn và chân thật thì thật sự bất toàn và là một phần rất nhỏ của tổng thể vũ trụ. Thật sự kinh ngạc khi ta biết rằng hơn 2.500 năm trước đây, đức Phật đã đưa ra một kết luận giống như vậy dù không có sự trợ giúp của bất kỳ thiết bị máy móc nào mà ngày nay chúng ta có.

Ví dụ sau đây có thể minh họa rõ ràng hơn về cái thấy bị hạn chế của con người chúng ta, và hãy so sánh nó với cái thấy bằng Thiên nhãn.

Hãy tưởng tượng có một ngôi nhà bị bao phủ hoàn toàn bởi bóng tối giữa một thành phố lớn. Với một cửa sổ rất nhỏ; từ đó, người ta chỉ có thể nhìn thấy những tòa nhà cao san sát, một khoảng trời xanh phía trên kia, và một vài hoạt động giới hạn của con người. Giả dụ có một đứa bé sinh ra và lớn lên trong căn nhà này, nhận thức của cậu ta về thế giới bên ngoài là gì? Không nghi ngờ gì cả, thế giới của cậu ta sẽ được dựa trên những gì mà cậu ta nhìn thấy xuyên qua khung cửa nhỏ hẹp đó. Không có cách nào khác để một người có thể miêu tả một cách thuyết phục cho cậu ta về cảnh trời biển mênh mông và sự kỳ diệu của quang cảnh lúc bình minh lên hay hoàng hôn xuống. Cậu ta khó có thể cảm nhận được về điều này.

Điều này thật chính xác, cái thấy đã làm con người chúng ta bị giới hạn. Thật sự chúng ta đang ở trong căn nhà tối, quan sát vũ trụ thông qua một ô cửa rất nhỏ là con mắt của chúng ta. Vậy mà chúng ta lại khẳng định cho rằng những gì chúng ta nhìn thấy là một thế giới hoàn hảo, đúng đắn và chân thật.

Bây giờ, hãy tưởng tượng có một căn nhà khác trên đỉnh một ngọn đồi. Căn nhà có một cửa kính lớn, từ đó, người ta có thể nhìn thấy một khung trời bao la đến tận chân trời xa thẳm. Chúng ta có thể tả nó lãng mạn hơn bằng cách nói rằng, ở nơi đó có nhiều thiếu nữ và những vườn hoa lớn bao quanh. Lại một đứa bé sinh ra và lớn lên trong căn nhà này. Có phải thế giới mà cậu ta nhận thức thì to lớn và đẹp đẽ hơn nhiều so với cậu bé đã nhìn thành phố đông đúc thông qua ô cửa nhỏ hẹp kia không? Về phương diện này, đứa bé thứ hai đã có được Thiên nhãn trái lại đứa bé thứ nhất chỉ có Nhục nhãn.

Người ta thường cho rằng chỉ có chư Thiên trên các cõi trời mới có Thiên nhãn. Tuy nhiên, theo Phật giáo, quan điểm đó hoàn toàn không đúng. Bởi vì, con người chúng ta cũng có thể đạt được Thiên nhãn. Có hai cách để chứng đạt được điều đó. Cách thứ nhất là thông qua thiền định (dhyana). Cách thứ hai là bổ sung cho con mắt trần của chúng ta một thiết bị máy móc. Mặc dù cách thứ nhất, thiền định, là phương pháp thù thắng hơn, nhưng cách thứ hai thì dễ dàng lãnh hội đối với con người ngày hôm nay. Con người ngày nay có thể nhìn thấy không gian rộng lớn hơn nhờ sử dụng kính viễn vọng đầy hiệu năng. Con người ngày nay cũng có thể nhìn thấy được các hoạt động của vi khuẩn bằng cách sử dụng kính hiển vi. Ngoài ra, con người còn có thể nhận biết những sự kiện xảy ra cách họ hàng triệu dặm bằng những phương tiện vệ tinh và vô tuyến truyền hình. Và có thể nhìn thấy nhiều điều kì diệu khác mà vào thời đức Phật chỉ những người có Thiên nhãn mới có thể nhìn thấy được. Vào thời kỳ đó, thiền định là phương tiện duy nhất có thể giúp con người vượt qua rào cản chắn ngang trước con mắt trần. Thật rõ ràng khi đức Phật nhận ra khả năng nhìn của con người là vô biên nhưng khả năng đó thật sự bị giới hạn bởi con mắt trần này. Bởi vậy, trải qua nhiều năm thiền định, đức Phật đã khám phá ra sự chướng ngại của con mắt trần có thể bị phá vỡ và khả năng nhìn tiềm tàng của con người có thể phát triển đầy đủ. Khi điều đó xảy ra, sẽ không có điều gì khó khăn trong việc phát huy tầm nhìn của con người đến tận các cảnh giới chỉ được nhận biết bằng Thiên nhãn.

Đến đây, tôi tin các bạn sẽ không có gì khó khăn để hiểu về Nhục nhãn và Thiên nhãn. Vào thời đức Phật, con người gặp quá nhiều khó khăn để hiểu Thiên nhãn là gì? Ngày nay, nói một cách thực tế, mọi người đều có Thiên nhãn tùy theo cấp độ. Do đó, điều này rất dễ lãnh hội.

Bây giờ, chúng ta đi đến phần Tuệ nhãn.

Để trình bày thế nào là Tuệ nhãn, chúng tôi cần giới thiệu một khái niệm rất nền tảng và quan trọng trong Phật giáo, tiếng Sanskrit là “śūnyana” và có thể chuyển dịch là “Không”. Đây là khái niệm duy nhất không thể tìm thấy trong bất kỳ tôn giáo nào.

Trong Phật giáo, có nhiều bộ kinh bàn về Tính Không. Những gì tôi có thể trình bày với các bạn ngày hôm nay thật sự chỉ là một giọt nước từ đại dương mênh mông, nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình. Tôi sẽ giới thiệu đến các bạn ba dạng phân tích nhận thức mà đức Phật đã trình bày trong nhiều dịp, điều này đưa đến sự hiểu biết sâu sắc về Tính Không.

1. Phương pháp phân tích về sự phân tán.

Cho phép tôi dùng một cái Radio làm ví dụ. Hãy tưởng tượng tôi có một cái Radio ở đây. Nếu tôi tháo cái loa ra, bạn có thể gọi cái loa là Radio không? Câu trả lời là không. Bạn chỉ có thể gọi nó là cái loa. Bây giờ, tôi tháo linh kiện bán dẫn ra, bạn có thể gọi linh kiện bán dẫn là Radio không? Lại là không, nó là linh kiện bán dẫn. Cái tụ điện, điện trở, hộp nhựa, dây điện v.v... là thế nào? Không có gì trong những thứ này là Radio cả. Bây giờ hãy chú ý cẩn thận. Khi tất cả các bộ phận đó được tháo ra, bạn có thể nói cho tôi cái Radio ở đâu? Không có cái Radio. Do đó, từ “Radio” chỉ đơn giản là một cái tên cho một nhóm được các thành phần kết hợp lại với nhau một cách tạm bợ. Khi người ta tháo nó ra, cái Radio đánh mất sự tồn tại của nó. Một cái Radio không phải là một thực thể vĩnh cữu, bản chất thực sự của cái Radio là “Không”.

Không chỉ cái Radio; cái loa cũng là “Không”. Nếu tôi tháo cục nam châm ra khỏi cái loa, bạn có thể gọi nó là cái loa không? Không, bạn chỉ gọi nó là cục nam châm, nếu tôi tháo cái khung ra, bạn có thể gọi nó là cái loa không? Lại không, bạn gọi nó là cái khung. Khi tất cả các thành phần bị tháo tung ra từng cái một thì ở đây cái gì là cái loa? Vì vậy, nếu chúng ta tháo rời cái loa ra, nó đánh mất sự hiện hữu của chính nó. Một cái loa thì không có thực thể vĩnh hằng. Do vậy, cái loa là “Không”.

Phương pháp phân tích bằng sự phân tán này có thể được lặp lại đối với mọi thứ trong thế gian này, và cũng sẽ đưa đến sự kết luận như vậy. Mọi thứ có thể phân hủy, do đó, không có một thực thể trường tồn vĩnh cữu. Vì vậy, bất cứ cái gì mà chúng ta đặt cho nó một cái tên chỉ là một cái tên giả tạm chứ thật sự không có cái tên thật.

Đức Phật đã áp dụng phương pháp về sự phân tán này đối với chính Ngài. Bằng sự tưởng tượng của mình, Ngài đã tách cái đầu của mình ra khỏi cơ thể và hỏi rằng, cái đầu có được gọi là thân thể hay tự ngã không? Câu trả lời là không. Đó là một cái đầu. Ngài tách cánh tay của mình ra khỏi cơ thể và hỏi, cánh tay có được gọi là thân thể hay tự ngã không? Câu trả lời lại là không. Đó là một cánh tay. Ngài móc quả tim ra khỏi lòng ngực và hỏi, quả tim có phải là thân thể hay tự ngã không? Câu trả lời lại là không. Điều này ngày nay chúng ta hiểu được một cách chính xác hơn, bởi từ một trái tim, có thể lấy từ một người này để ghép vào một người khác mà không thay đổi con người đó thành con người khác. Đức Phật đã lấy ra từng bộ phận thân thể của Ngài và nhận ra rằng không có một bộ phận nào có thể được gọi là thân thể con người hay tự ngã duy nhất. Cuối cùng, sau khi mỗi bộ phận được tách ra, tự ngã ở đâu? Do đó, đức Phật đã kết luận, không chỉ thân ngũ uẩn này là “Không” mà ngay cả khái niệm về tự ngã cũng là “Không”.

2. Phương pháp phân tích bằng sự tập hợp.

Mặc dù chúng ta nhìn thấy hàng trăm hàng ngàn sự vật khác nhau trong cõi đời, nhưng con người có thể tập hợp chúng lại thành một vài thành phần cơ bản. Ví dụ như dựa trên những đặc tính hóa học, người ta đã phân loại vàng như một chất cơ bản. Chúng ta có thể đặt tên cho hàng ngàn loại vàng, từ một bức tượng vàng phức tạp cho đến một thanh vàng đơn giản, nhưng tất cả các loại vàng đó đều có thể bị nấu chảy và chuyển thành nhiều dạng cấu trúc khác nhau. Chúng dễ thay đổi và vô thường. Thứ mà không thay đổi là những đặc tính hoá học chung, nhờ đặc tính chung đó mà chúng ta gọi tất cả các loại đó là “vàng”. Nói cách khác, tất cả các loại vàng này được tập hợp dưới dạng thành phần mà chúng ta gọi là “vàng”.

Vào thời đức Phật, các triết gia Ấn Độ đã gom hết thảy mọi vật thành bốn thành phần cơ bản, đó là chất rắn (địa), chất lỏng (thủy), hơi nóng (hỏa), và chất khí (phong). Đức Phật đã tiến xa hơn và tuyên bố về bốn thành phần đó cũng có thể quy lại thành “Không”. Tiếp tục ví dụ về vàng của chúng ta. Lời dạy của đức Phật có nghĩa rằng, chúng ta cũng có thể thắc mắc về sự tồn tại của vàng có phải là một thực thể vĩnh cữu hay không, cho dù chúng ta nhận biết vàng như là một đặc tính chung nhất của tất cả các loại vàng khác nhau. Những gì chúng ta có thể trình bày chỉ là một dạng đặc trưng của vàng. Chẳng hạn như, một thỏi vàng về cơ bản thì dễ thay đổi và vô thường. Do đó, đơn giản vàng là một cái tên được đặt cho một vài đặc tính, vàng chính nó là “Không”.

Bằng lập luận như thế, đức Phật đã kết luận: “Tất cả các chất rắn là Không”. Không chỉ tất cả các chất rắn là không mà các chất lỏng cũng là “Không”. Bởi vì, tính chất của chất lỏng là không có hình sắc, không thể nắm bắt, và không tồn tại độc lập. Như vậy, hơn 2.500 năm trước, đức Phật đã đưa ra kết luận “Vạn pháp trong vũ trụ có thể quy lại thành Không”.

Thật lý thú để đưa ra nhận xét một cách chắc chắn, mà qua đó các nhà khoa học phương Tây cũng đã đi đến một kết luận tương tự như vậy. Trước khi Albert Einstein khám phá ra thuyết tương đối, các nhà khoa học đã quy vạn vật trong vũ trụ thành hai thành phần cơ bản, đó là vật chất và năng lượng. Einstein đã liên kết hai thành phần này lại và chứng minh một cách xác thật: vật chất là một dạng khác của năng lượng. Bằng việc nghiên cứu như vậy, Ông đã đi đến kết luận, vạn vật trong vũ trụ chỉ là một dạng khác của vũ trụ mà thôi.

Nhưng bản chất đầu tiên của năng lượng là gì? Mặc dù tôi không dám khẳng định rằng năng lượng cũng giống như “Không”, nhưng ít nhất tôi muốn nói ở đây là năng lượng cũng không hình sắc, không thể nắm bắt, và cũng tương tự như là “Không”.

Việt dịch: Đức Minh. (Còn tiếp)
[Tập san Pháp Luân - số 1, tr.30]