Con đường thực nghiệm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thiền, ý nghĩa đích thực của nó là thấy rõ những gì đang diễn ra trên thân, tâm và làm ngưng lắng hết thảy vọng tưởng nơi tâm, để cho thân cũng như ngữ không còn bị điều động bởi những thế lực vọng tưởng ấy và khiến cho tâm hoàn toàn an tịnh.

 

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ thân thể và làm chủ mọi động tác của mình một cách có ý thức, và đưa ý thức đi kèm với mọi động tác ấy, khiến cho người thiền tập thấy rõ mọi động tác ấy, nó đúng như là.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ và theo dõi các cảm thọ đang diễn ra trên thân và tâm, và là người có ý thức rõ ràng, chính xác về những gì xảy ra trên thân và tâm do các cảm thọ ấy đem lại.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ tâm mình, tập làm cho tâm mình ngưng lắng hết thảy vọng tưởng, hết thảy chấp thủ về tham ái, về giận dữ, về ngu muội, về kiêu mạn, về nghi hoặc và tà kiến.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ bản thân mình là một tập hợp gồm có sắc và tâm, hay gồm có các yếu tố vật lý và tâm lý.

Trong các yếu tố vật lý và tâm lý ấy, không có yếu tố nào được mệnh danh là “Ngã”. Chúng hiện hữu trong sự tương quan và tương sinh, sắc ấy là tâm, tâm ấy là sắc, sắc có mặt trong tâm và tâm có mặt trong sắc. Hết thảy chúng hữu tình từ Dục giới cho đến Sắc giới đều là như vậy cả.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ bản thân là một tập hợp giữa sắc và tâm, chúng hoàn toàn không có tự tính thực hữu, nên tâm của vị ấy ngưng lắng mọi vọng tưởng về ngã.

Người tu tập thiền không những là người tập thấy rõ thân mình là một tập hợp giữa tâm và vật, giữa tâm pháp và sắc pháp, mà còn thấy rõ vạn pháp, không có pháp nào hiện hữu đơn điệu, trong một pháp liên hệ đến vạn pháp, trong vạn pháp liên hệ đến một pháp, vạn pháp đang có mặt trong một pháp và trong một pháp đang có mặt hết thảy vạn pháp.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ, trong đất có các cực vi, trong các cực vi có nước, có lửa, có không khí và ngược lại.

Người tu tập thiền là người tập thấy rõ bàn tay, thấy rõ trong bàn tay là một tập hợp của các cực vi, của hơi ấm, của thể lỏng, của không khí, của không gian, của thời gian, của tâm thức, và tập nhìn rõ hết thảy các yếu tố trong thân thể cũng đều như vậy.

Người tu tập thiền là người tập nhìn thấy rõ bông hoa là một tập hợp của âm và dương, của mặt trời và mặt trăng, của đất, của nước, của hơi ấm, của không khí, của chủng tử chính nó, của hết thảy mọi thời gian và không gian.

Người tu tập thiền do thấy rõ bản thân của vạn pháp là như vậy, nên tâm chấp thủ pháp không còn tác khởi, tâm vọng tưởng về tính thực hữu của một pháp hoàn toàn vắng lặng.

Ở nơi tâm của người thiền tập đã vắng lặng hoàn toàn các vọng tưởng về tính thực hữu của ngã và pháp. Nghĩa là không còn bị “ngã” và “pháp” làm chướng ngại, nên đối với tất cả thiền định, không có loại thiền định nào mà vị ấy không thành tựu, đối với tất cả tuệ quán, không có loại tuệ quán nào mà vị ấy không minh triết, vị ấy tự tại đối với năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Và hết thảy phép lạ đều tùy thuận theo tâm ý của vị ấy mà biểu hiện. Vị ấy có thể làm lữ khách “rong chơi” giữa đôi bờ sinh tử, hay đi gió về mây, hoặc đưa tay đùa chạm mặt trăng, mặt trời, hoặc ngụm một ngụm là sạch hết nước cả bốn đại dương, cất một bước là chuyển động hết thảy sơn hà, đại địa, hay hét một tiếng là rợn lạnh cả hư vô.

Thiền không phải là lý thuyết mà là thực nghiệm, không phải là dự tưởng mà là hiện thực, không phải tỷ giảo mà là trực giác, không phải là gián tiếp mà là trực diện, không phải là phiến diện mà là toàn thể, không phải để rao giảng hay quảng cáo mà lặng lẽ hành trì, nên thiền là con đường tự tri, tự chứng, tự giác liễu.

Người hành trì thiền và sống đời sống của thiền không phải là người cố chấp hay phá chấp. Vì giữa đời này có cái gì kiên cố đâu mà cố chấp, và cũng chẳng có cái gì kiên cố đâu mà phá chấp. Nên, cố chấp và phá chấp là hai hành động hoàn toàn vô nghĩa đối với Phật giáo đã đành, mà còn hoàn toàn vô nghĩa đối với đời sống của thiền.

Người hành trì thiền không phải là người cố chấp hay phá chấp, mà là người có cách nhìn và cách ứng xử sinh động để thấy rõ tự thân của thực tại và những gì đang diễn ra trong đời sống của chính họ và chung quanh họ là đúng như chính nó.

Thiền là vậy, nên thiền là thực tiễn, sinh động và sâu lắng. Thiền từ chối hết thảy mọi định nghĩa bắt chụp lên nó. Vì sao? Vì nghĩa đã định là nghĩa chết, mà thiền không phải là chết, thiền là có ý thức rõ về sự sống và sự chết để mà sống và chết có tự do, sống và chết với những gì không còn lo âu và sợ hãi; sống thanh thản, vững vàng như bước đi của voi chúa xung trận và chết là trở về với cõi sống trầm mặc, nguyên sơ.

Thiền là vậy, nên thiền không có hạn chế bởi không gian và thời gian. Đời sống của thiền giản dị không có phương sở. Mọi ý niệm về phương sở không thể bắt chụp lên đời sống của thiền, nếu thiền bị bắt chụp để nhốt vào phương sở, thì thiền đó là thiền chết, chết đi những sinh chất của sự sống và trở nên phiền toái, sương mù.

Trong tất cả mọi sự trung thành đối với đời sống của thiền, không có sự trung thành nào hơn là chánh niệm, và trong tất cả mọi sự phản bội đối với thiền, không có gì hơn là thất niệm, là vọng niệm, là hướng ngoại tìm cầu. Những thứ ngôn ngữ mà các thiền sư đang sử dụng để diễn tả về thiền ở các thiền viện đã làm dơ bẩn đời sống của thiền và đã phản bội đời sống của thiền một cách trắng trợn.

Trong tất cả mọi sự kính ngưỡng đối với đời sống của thiền, không có sự kính ngưỡng nào hơn là các “thiền phái”, và trong tất cả mọi sự xúc phạm đối với thiền, thì cũng không có ai khác hơn là chính các “thiền phái”.

Vì sao? Vì đã là đời sống của thiền thì không có phái, không có môn; hễ có môn, có phái là không phải thiền, không phải là đời sống đích thực của thiền. Thiền là đời sống tĩnh tại mà xuyên suốt, giản dị mà sâu hút, nhất điểm mà toàn thể.

Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, những gì cần thiết để tu tập về thiền và để sống thiền, đức Phật đã dạy rõ - và Ngài đã dạy rõ hơn - thế nào là thấy rõ mọi hành xử về thân - thế nào là thấy rõ về các cảm thọ - thế nào là thấy rõ về các chủng tử tâm hành - thế nào là thấy rõ về nội pháp và ngoại pháp và kết quả do sự thấy rõ thường trực bốn lãnh vực ấy đem lại. Tuy Kinh đề cập đến bốn lãnh vực của thiền quán, nhưng ta thực tập thiền quán nhuần nhuyễn một lãnh vực, thì ba lãnh vực còn lại cũng trở nên nhuần nhuyễn với ta, bởi lẽ bốn lãnh vực ấy là bốn lãnh vực có mặt trong nhau và đều không có tự thể.

Do đó, Kinh này là kinh căn bản của sự tu tập thiền định, của đời sống thiền định, và căn bản của mọi sự thiền tập là ở đây. Như Lai thiền định là ở đây; Bồ-tát thiền định là ở đây; Thanh Văn thiền định là ở đây. Ở đây mà không bị lay động bởi năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới; không bị lay động bởi Ngã và Pháp. Ở đây mà sâu rộng và vô biên. Ở đây mà thể nhập thể tính tịch diệt ngay nơi mọi sự sinh diệt của vạn hữu. Ở đây mà hiện chứng Niết-bàn Vô dư, Niết-bàn Vô trú và Niết-bàn tịch tịnh… nên tự thân của Kinh không hề bị mắc kẹt bởi một trường phái nào trong Phật giáo hay một môn phái nào của Thiền.

Thực tập theo Kinh này là thực tập để thấy rõ những gì đang diễn ra trên thân tâm của chính mình, và làm ngưng lắng những gì cần phải ngưng lắng ấy, để tâm luôn luôn ở trong trạng thái an tịnh, bình lặng, thuần nhất, vô nhiễm, hoàn toàn trong sáng và ở trong nhất điểm mà toàn thể. 

Ở trong trạng thái bình lặng, vô nhiễm, trong sáng, nhất điểm mà toàn thể ấy chỉ cần một ý niệm về nhân ngã khởi lên là tức khắc đời sống của thiền bị phản bội và thực tại bị cắt xén! ■

[Tập san Pháp Luân 28, tr.40, 2006]