Con thường nghe quý Thầy dạy về Pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh Tịnh độ nhưng hiện tại con chưa hiểu rõ lắm.
HỎI: Con thường nghe quý Thầy dạy về Pháp môn niệm Phật để cầu vãng sanh Tịnh độ nhưng hiện tại con chưa hiểu rõ lắm. Vậy con kính nhờ quý Thầy Cô hoan hỷ chỉ dạy thêm, giúp con vững và từ đó có niềm tin hơn về pháp môn ấy trong khi hành trì tu tập?
(BS. Nguyễn Hữu Lương - Bệnh viện Trung tâm Nhiệt Đới, 190 bến Hàm Tử, Q.5, P.HCM)
ĐÁP:
Cổ đức thường nói:
“Sống là khách qua đường
Chết là về cố hương.”
Câu nói này thật khó tin, vì đối với người tâm trí còn mê mờ tưởng rằng cõi Ta-bà là nơi dừng chân để thụ hưởng khoái lạc, chứ không hiểu thế gian là cõi tạm, muôn pháp đều là không. Chính điều đó đã dẫn dắt con người mê lại càng mê, hằng ngày chỉ biết trau chuốt thân này và chìm đắm trong lục dục thất tình. Như vậy, nếu chúng ta không tự cảnh tỉnh để chuyên tâm trì niệm thì làm sao có thể vãng sanh về cõi Cực Lạc.
Như thế, muốn thoát khỏi cảnh tượng đó, trong kinh A-di-đà nói: “Một niệm siêu ba cõi, một lời ngang với Thánh Hiền, thật là diệu dụng bất khả tư nghì…”, đây là nhân duyên phát khởi pháp môn trì danh niệm Phật. Hơn nữa, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni quán thấy tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng do bị vô minh che lấp nên không thể thấy được tự tánh Như Lai. Tuy có tám mươi bốn ngàn pháp môn, nhưng “Pháp môn niệm Phật” là dễ hành trì nhất. Từ đứa trẻ lên ba đến cụ già tám mươi đều có thể tu tập pháp môn này.
Thật vậy, chỉ có sáu chữ “Nam mô A-di-đà Phật” bất luận lúc nào, ở đâu hành giả cũng có thể trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà. Ngài là tha lực để trợ duyên cho chúng ta sau khi mạng chung sẽ được sanh về cõi Cực Lạc, nếu niệm đến “nhứt tâm bất loạn” thì đức Phật A-di-đà liền đến tiếp độ. Điều đó nói lên rằng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn quán tưởng danh hiệu Phật và trì niệm từng chữ rõ ràng từ lời nói đến hành động, niệm niệm sanh khởi không gián đoạn, chính ngay cõi ta bà này là cõi Tịnh độ. Ngày nay, pháp môn niệm Phật rất hợp với căn cơ của chúng sanh, vì tự lực khó có thể đạt đạo, nên chúng ta phải nhờ tha lực của Phật A-di-đà tiếp dẫn mới sanh về cõi An dưỡng Tây Phương. Cho nên, niệm Phật là tư lương cần thiết trước lúc lâm chung. Để có kết quả tốt đẹp, hằng ngày, chúng ta nên kết duyên với bạn đồng tu để trợ duyên cho nhau khi đau ốm, khốn cùng. Nhất là giờ phút cuối cùng phải được nghe câu niệm Phật. Đó là phương tiện giúp cho người bệnh nhứt tâm trì niệm “Nam mô A-di-đà Phật”. Nếu không có người trợ duyên nhắc nhở thì người bệnh sẽ bị loạn tâm, chỉ nhớ đến của cải vật chất hoặc tình cảm luyến ái của gia đình. Đối với người niệm Phật trợ duyên, cần phải bình tĩnh dồn hết tâm lực để cầu nguyện cho người bệnh an tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đó là ngoại duyên giúp người bệnh đoạn trừ tâm tham luyến và nhận biết cõi đời là giả tạm không chơn thật. Như câu chuyện của vị thiền sư “Trước lúc lâm chung vì tham đắm cây mía sau vườn, hằng ngày thiền sư thường vun xới chăm bón, cho nên khi lâm chung hóa thành con sâu nằm trong lá mía…”. Như thế người tu Tịnh độ phải tịnh tâm quán xét, dứt trừ lòng tham ái, tâm tâm niệm niệm hướng về cõi Tịnh để trước lúc lâm chung không bị loạn động vì nghiệp lực lôi kéo.
Thật không thể nghĩ bàn, niệm Phật là pháp môn vi diệu, nhờ tha lực của Phật A-di-đà mà chúng ta giữ vững niềm tin ngôi Tam bảo. Vì tín là một trong ba món tư lương (Tín, Hạnh, Nguyện) làm phương tiện cho hành giả tu tập pháp môn niệm Phật, cho nên muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc, hành giả cần phải hội đủ ba món tư lương này. Nghĩa là trước lúc lâm chung, chúng ta phải giữ vững chánh tín, phải tin vào bản thân mình, tin có thế giới Cực Lạc và quyết định sẽ sanh về cõi Tịnh độ. Có phải cõi Tây phương cách xa mười vạn ức thế giới hay rất gần gũi? Thật ra, cõi Tịnh Độ rất gần, chỉ trong một niệm hiện tiền thì chúng ta đã kiến tạo cho mình một thế giới Tịnh Độ ngay trong tâm của chính mình. Nếu như chúng ta không nhận biết “chơn tâm” xưa nay của mình thì không thể sanh về thế giới Cực Lạc. Ngược lại, khi nhận ra chơn tâm rồi thì chắc chắn sẽ thác sanh về cõi Tịnh Độ. Cho nên nói thế giới Cực Lạc không cách xa chúng ta là vậy. Thực tế, khi tâm chúng ta không tạp niệm, không đố kỵ, không chướng ngại, không ích kỷ,… luôn thực hành hạnh lợi tha vô ngã, đó chính là thế giới Cực Lạc.
Như vậy, niệm Phật là pháp môn thông dụng nhất hiện nay, từ bậc thượng căn cho đến bậc hạ căn đều có thể tu tập pháp môn này. Khi luận bàn về pháp môn niệm Phật tuy nói là rất dễ, song đối với người trước lúc lâm chung là rất khó. Tại sao? Vì lúc đó thần thức của người sắp lìa trần thế khó có thể định hướng, phải tùy theo nghiệp cảm thiện hay ác mà được vãng sanh hoặc không vãng sanh. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng nếu người đó nhận biết được muôn pháp đều giả hợp, đời là vô thường nên tâm trí lúc đó “nhứt tâm bất loạn”, chỉ còn lại một câu niệm Phật duy nhất “Nam mô A-di-đà Phật”, vị đó liền vãng sanh Cực Lạc. Đây là phút quan trọng để quyết định vãng sanh. Hơn nữa, trước lúc lâm chung, hằng ngày do vị ấy đã gieo trồng thiện căn nhiều đời, chuyên tâm trì niệm danh hiệu Phật nên được đức Phật A-di-đà tiếp dẫn. Đồng thời, trải qua bao a tăng kỳ kiếp nay hội đủ duyên lành mới có thể trực vãng Tây Phương. Chúng ta có thể khẳng định rằng pháp môn niệm Phật có công năng rất thù thắng cho mọi căn cơ của chúng sanh mà ứng hiện vi diệu, nhất là giây phút cuối cùng trước lúc lâm chung.
Tuệ Giác.
[Tập san Pháp Luân - số 24, tr.89, 2006]