Nét đẹp Phật giáo trong văn hóa dân gian

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật giáo Việt Nam tồn tại hàng ngàn năm cùng dân tộc, trở thành một phần tâm linh, một thành tố trọng yếu về văn hóa tư tưởng.(MT)

 

Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hàng ngàn năm văn hiến là nhờ vào quá trình tiếp nhận, phát triển được nhiều yếu tố văn hóa, nhiều kỹ thuật tiên tiến của nhiều nền văn minh trên thế giới để làm phong phú toàn thể văn hóa dân tộc. Sự thành tựu đó chính là nhờ vào sự sáng suốt trong đường lối phát triển của người xưa. Ở đây, xét dưới góc độ văn hóa thì quá trình tồn tại là một chuỗi dài của sự sinh diệt, quá trình phát triển thì chỉ là khái niệm của sự thịnh suy trong chuỗi dài ấy. Cho nên, đúng nghĩa của phát triển đạt đến cái đẹp sự hoàn hảo chính là con đường tiến gần về phía giác ngạn, còn sự suy vong chính là con đường xa dần cái toàn thể.

Trong một phần ý nghĩa đó, thì văn hóa dân gian như là một bức tranh phác họa tổng thể của cái đẹp văn hiến và nhìn vào bức tranh tổng thể ấy, chúng ta thấy Phật giáo là một trong những yếu tố văn hóa tinh thần quan trọng, thể hiện sâu sắc đời sống tâm linh của người dân như là một gam màu rực rỡ làm rạng ngời hồn dân tộc.

Tìm hiểu về lịch sử văn hóa du nhập, chúng ta thấy Phật giáo hình thành ở nước ta có thể được xem như ba vòng tròn hướng tâm của sự tiếp nhận thông điệp chính gốc Phật giáo Ấn Độ, sự tiếp biến từ Phật giáo phát triển Trung Hoa và những bổ sung cho thích hợp căn cơ dân tộc Việt của lịch đại tổ sư đối với thông điệp đó. Còn đối với thế giới thì Phật giáo bừng nở ở đất nước này, tiếp sau là đất nước kia một cách êm ả, bất kể nền văn hóa bản địa của nước đó ở trình độ cao hay thấp, thuận hay nghịch. Bởi vì bản chất Phật giáo có xu hướng gia nhập, hòa đồng hoặc thường chịu nhượng bộ nếu gặp phải sự cạnh tranh có tính bạo động của các lập trường chống đối từ những tín ngưỡng bản địa. Bằng cách đó, cho nên chúng ta thấy những tín ngưỡng, những quan điểm khác biệt đã được thêm vào tạo thành nét đặc thù trong Phật giáo truyền thống của từng quốc gia.

Ở đây, Phật giáo Việt Nam như là một thực thể tinh thần đã hiện diện, tồn tại hàng ngàn năm cùng dân tộc, trở thành một phần tâm linh, một thành tố trọng yếu về văn hóa tư tưởng. Điều này đã ăn sâu trong tâm thức con người Việt Nam, được thể hiện rõ qua nội dung của tục ngữ, ca dao, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích, truyện cười… thuộc kho tàng văn học dân gian.

Mảng truyện cổ tích mang yếu tố Phật giáo như truyện “Tấm Cám”. Ông Bụt là hình tượng của tấm lòng cưu mang, cứu khổ xuất hiện đúng lúc khi cô Tấm gặp kẻ gian hãm hại. Trong chiều sâu tâm tưởng, dân gian xem Bụt là người có sức mạnh vô biên, thần thông quảng đại, thường xuyên giúp đỡ người hiền lành, nếu người đó có tâm tưởng nhớ đến Ngài. Vai trò của Bụt là vai trò của yếu tố thần kỳ, một thủ pháp nghệ thuật quan trọng và quen thuộc của truyện cổ tích trong việc giải quyết số phận nhân vật và sự phát triển của cốt truyện. Bụt xuất hiện để chỉ cho con người một phương pháp hay con đường tìm đến hạnh phúc ngay trong cõi trần, trong chính cuộc đời. Do đó, trong ký ức tâm hồn người kể và người nghe, Bụt hiện lên thật hiền từ - nhân hậu thương người - gần gũi như một người ông. Và xem đó là ông Phật của dân gian. Bụt đã làm phong phú thế giới cổ tích, tạo nên sự lôi cuốn đối với người nghe, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ và nhu cầu sáng tạo của dân gian. Còn truyện thể hiện về giáo lý Nhân quả như: “Cây tre trăm đốt”, “Kéo cày trả nợ”… đã nói lên rằng kẻ gây nhân ác, tức sẽ gặp quả báo khổ đau là chân lý bất di bất dịch. Mảng truyện cổ tích có tính giáo dục người đời qua hình thức truyền miệng là hãy phát khởi thiện tâm trong mọi hoạt động sống để chúng ta thành tựu kết quả an vui.

Gần với thể loại truyện cổ tích, chúng ta thấy những câu tục ngữ thật dễ hiểu, dễ cảm nhận, dạy con người biết sống đời lương thiện, tốt lành. Bên cạnh đó, một lẽ sống tha thiết gắn bó bền chặt tình người, thể hiện nhân sinh quan sâu sắc qua lòng từ bi hỷ xả của Phật giáo đã trở thành lòng thuần từ dân tộc, như câu tục ngữ: “lá lành đùm lá rách”, “giấy nát phải giữ lấy lề”, “thương người như thể thương thân”… Ở đây, triết lý Nhân quả cũng được hiểu một cách đơn giản như: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”… Thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với nhau thì có câu: “môi hở răng lạnh”, “máu chảy ruột mềm”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Giáo lý nhân quả  nghiệp báo cũng được văn học dân gian hiện thực hóa bằng sự nghiệp gia đình như: “con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng”; “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”… Tất cả những nguyên lý cao đẹp của Phật giáo đã trở thành tục ngữ - câu nói nằm lòng, thể hiện khát vọng hướng thiện trong cuộc sống của con người bình dân.

Bên cạnh đó, những câu ca dao có vần điệu mang triết lý Phật giáo như là những khúc nhạc đi vào lòng người. Nó nói lên niềm tin vào kết quả hiện tại là sự tiếp nối của kiếp trước; kiếp này là điều kiện tạo thành thân tướng và cảnh sống ký thác cho kiếp sau, để nhắc nhở con người rằng hãy trau dồi thiện tâm, hãy “trồng cây đức để đời về sau”:

“Người trồng cây hạnh, người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau”.

Lời Phật dạy trong muôn hạnh thì hạnh hiếu là hạnh đứng đầu. Cho nên, lòng hiếu thảo ở đây như là tâm nguyện trả nghĩa sanh thành đối với song thân, họ mong cầu Phật chứng giám cho:

“Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Lòng hiếu thảo trong Phật giáo được dân gian nâng lên thành một nền luân lý đạo đức mà bổn phận làm con phải chu toàn:

“Làm trai hết đủ trăm đường
Trước tiên điều hiếu, đạo thường xưa nay”.

Phật giáo thấm sâu vào tư tưởng toàn thiện toàn mỹ, vào đời sống dân gian rất sâu đậm. Người dân lao động đã tìm về nơi cửa Phật để nương tựa an ủi, bày tỏ niềm tin và thể hiện khát vọng một cuộc sống thanh bình giải thoát của mình trước cảnh đời tục lụy phù du. Ngôi chùa là nơi người dân gửi gắm bao kỷ niệm vui buồn với tất cả thân tình. Cho nên hầu như các loại hình nghệ thuật múa hát dân gian như: hát ví, hát dặm, hội hè, chèo Cải, chùa Keo, chùa Hành Thiện… được đúc kết từ những cái hay, cái đẹp, cái  tinh túy trong nhân dân lao động nơi ruộng đồng, sông nước luôn gắn liền với hình ảnh mái chùa, như là món ăn tinh thần không thể thiếu.

Tóm lại, giáo lý Phật giáo được người dân chọn lọc và thông qua những áng văn học dân gian để phản ánh thái độ sống thực tại đã trở thành một sức tác động mãnh liệt trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng, tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bản sắc dân tộc và tư tưởng Phật giáo nguyên thủy. Qua dòng lịch sử Phật giáo trong quá trình du nhập, chúng ta thấy sự hòa mình, thích nghi của nó đã kết thành mối dây bền chặt giữa Phật giáo và dân tộc. Trong văn học dân gian, đức từ bi hỷ xả của Phật giáo chính là hình bóng của lý tưởng Bồ-tát thường ban vui cứu khổ, là tiếng nói của sự im lặng; hãy kiếm tìm con người vĩnh cửu trong chất phàm phu và làm biểu lộ con người vĩnh cửu ấy, hãy nhìn vào nội tâm - người chính là đức Phật. Cho nên, đạo Phật đã và đang là nguồn hứng khởi vô biên cho những tâm hồn nghệ sĩ trong sáng, viết lên cái tinh túy, nỗi khát khao nghìn đời được sống trong một thế giới đại đồng chan chứa tình người.

Minh Tâm
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.74, 2005]