Hình tượng người cha hình như hơi nghèo trong chủ đề sáng tác văn học nhưng không vì thế mà họ bị lãng quên trong tâm khảm của bao đứa con, trái lại hình ảnh ấy vô cùng vĩ đại…, chỉ bởi trách nhiệm của các bậc làm cha quá nặng nề về mọi mặt vì họ phải “quyết cùng hoàn vũ, phấn đấu nuôi con, giáo dục vuông tròn, đem đường học đạo” cho nên các đấng thân sinh luôn tạo một vỏ bọc cứng rắn khô khan để dễ bề răn dạy… Vì thế con cái thường có cảm giác xa cách với cha hơn mẹ, nhà thơ Ngã Du Tử đã viết về cha mình: “Nghiêm như bục giảng học đường”, viết về cha ai cũng viết ngắn nhưng sâu sắc vô cùng.
Cho nên thay vì 132 câu cho mẹ, nhà thơ Hạnh Phương chỉ viết 24 câu về người cha tôn kính, ngắn gọn nhưng rất súc tích cả ý lẫn lời.
Đồng cảm và xúc động biết bao với người đọc cùng cảnh ngộ như tác giả:
“Đỉnh núi Thái sơn cao
Mơ hồ con tưởng tượng
Hay biết tình cha đâu
Người đi, con lên bốn!”
Sự tưởng tượng thật mơ hồ về hình ảnh người cha của tác giả là điểm chung của bao đứa con bị xa cha quá sớm, tuy thế hình bóng cha vẫn thật gần, thật sâu đậm trong ký ức của đời con… Tuổi măng sữa con thiếu bàn tay cha vỗ về âu yếm, tuổi niên thiếu không được dạy bảo răn đe, trưởng thành không được cha tác thành duyên phận.
Bài thơ “Núi” có sáu khổ, câu chữ nào cũng thật dễ thương nhưng cảm nhận của riêng Ninh Giang Thu Cúc thì khổ thơ thứ hai và ba là hai khổ thơ hay nhất trong bài, hai khổ thơ mà từng chữ từng lời toát lên niềm kiêu hãnh kín đáo, niềm kiêu hãnh từ nỗi khổ đau ngọt lịm cho thân phận kẻ mồ côi và nguồn hạnh phúc đắng chát từng giọt mồ hôi trên lưng áo mẹ để được “măng non cha chưa uốn. Tre may mắn thẳng rồi…” dọc dài theo ngày tháng con thiếu một tàn cây cổ thụ để ẩn náu trong nắng nóng ngày hè và buốt giá ngày đông. Thế nhưng nhờ anh linh cha, nhờ sự tảo tần và đức hạnh nhu hòa, sự hi sinh vô bờ của mẹ cho chúng con ngẩng mặt nhìn đời bằng niềm tự hào. Rằng đã không làm điều gì phương hại đến gia phong như thành ngữ dân gian thường quy kết…(!)
Đâu đây trong cõi tâm linh mầu nhiệm con vẫn thấy cha là ngôi sao mai soi sáng cõi đi về cho con định hướng, và bởi hiểu lý giả hợp của nhân duyên nên con đâu trách phiền thân phận, có chăng chỉ là nỗi tủi thân khi thấy nhà ai đó có đủ song thân sớm tối vui vầy cho con cái làm tròn đạo thần hôn quạt nồng ấp lạnh:
“Con tìm xem sách sử
Cao cả những Thánh Hiền
Ước mai ra mở cửa
Cha về đứng cạnh bên.”
Nhà thơ Hạnh Phương đã tìm tòi và ước mơ một phép mầu từ thiên kinh vạn quyển của Thánh Hiền để thấy được hình ảnh của đấng sinh thành, một ước mơ thật cảm động, thật dễ thương của một người con đã xấp xỉ tròn tuần hoa giáp.
Hỡi những người con vô vàn hạnh phúc bởi trong đời sống vẫn còn cha hiện hữu, hãy cảm ơn phúc phận tuyệt vời “Còn cha gót đỏ như son” để sống xứng đáng với đời, với người…
Cùng xin chia sẻ sự thiếu vắng của tôi, của bạn, của những người con sớm vắng bóng
Nghiêm đường cứ mãi ước mơ và vọng tưởng một đỉnh cao vời vợi Thái Sơn.■
[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.75, 2006]