Tây Tạng: Những chìa khóa mở cửa ngõ giải thích tham thiền trau dồi tâm linh như thế nào.
Các nhà nghiên cứu về thiền Phật giáo Tây Tạng đang tiến tới việc giải thích rằng những chức năng của não bộ có thể được uốn nén qua thiền định.
Các khoa học gia Úc Đại Lợi thử nghiệm với các thiền sư Tây Tạng bằng cách cho mỗi con mắt của họ quan sát một hình ảnh khác nhau. Với cách quan sát này, hầu hết những người bình thường sẽ bị tẩu hỏa ngay lập tức, nhưng các thiền sư có thể tập trung vào từng hình ảnh.
Tường trình trong Tạp chí Sinh Hóa Ngày Nay (Current Biology), các khoa học gia cho biết khả năng của các thiền sư có thể vượt qua những phản ứng tinh thần căn bản này, chứng tỏ rằng não bộ có thể uốn nén được. Tham thiền là một phương thức nhào nén tiến trình huy động sinh hoạt của não bộ.
Các khoa học gia của Đại học Queensland và Đại học California Berkley đã nghiên cứu 76 vị Tăng sĩ Tây Tạng trên vùng núi hoang vu thuộc Ấn Độ. Các Tăng sĩ này đã hành thiền từ 5 đến 54 năm.
Trong các buổi thử nghiệm, các Tăng sĩ đã được đeo những lăng kính đặc biệt để chứng minh rằng họ có thể nhìn bằng mỗi con mắt một hình ảnh khác nhau cùng một lúc. Thông thường, não bộ sẽ cuồng quay chuyển lật giữa hai hình ảnh khác nhau – một hiện tượng được gọi là thị giác giao tranh.
Trước đây người ta tưởng rằng đó là một phần phản ứng cơ bản và vô kiểm soát. Tuy nhiên, các thiền sư đã thực hành pháp thiền “nhất điểm”, có thể tập trung tư tưởng vào một đối tượng hay một ý tưởng, đã có thể nhìn hai hình ảnh khác nhau bằng mỗi con mắt.
Những vị này đã thực hành thiện định rất nhiều năm, họ có thể tập trung tư tưởng vào từng hình ảnh trong khoảng thời gian kéo dài đến 12 phút. Bà Olivia Carter, khoa học gia Đại học Queensland, cho biết: “Các Tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng đã chứng tỏ họ có thể thanh lọc những ảnh hưởng ngoại giác.” Đây là bước đầu tiên để hiểu biết não bộ của họ sinh hoạt như thế nào.
Bây giờ là thời điểm tốt để tiến hành những thử nghiệm mới dùng những kỹ thuật hình tượng để khảo cứu những đặc thù trong não bộ của các nhà sư.
Bà cho biết điều đó có thể hướng dẫn các nhà nghiên cứu tiến đến sự hiểu biết rộng rãi hơn về cơ năng mà pháp thiền có thể chỉ đạo não bộ chú tâm đến một sự kiện gì, hoặc làm ngơ những hung tin hay để giữ vững niềm an lạc trong ta.
Bà Carter nói thêm rằng: “Các thiền sư Phật giáo cho biết mọi khi có chuyện chẳng lành xảy ra, họ làm cho chuyện ấy lắng xuống và tiếp tục hướng tới ngày mai”.
Những người áp dụng pháp tham thiền, kể cả đức Đạt-lai Lạt-ma, cho biết rằng “khả năng giữ vững và điều động tư tưởng của mình rất hữu ích cho tiềm năng của tâm linh.”
Trên website Tin tức BBC, Tiến sĩ Toby Collins tại trung tâm Oxford về khoa học tâm linh đã khẳng định: “Pháp tham thiền là một phương thức nắm lấy tiến trình huy động sinh hoạt của não bộ”. Ông nói rằng sự kiện mà thiền pháp điều động não bộ chỉ lưu tâm đến một sự kiện hòa đồng với các khảo nghiệm trước đây. Ông nói thêm là: “Tiến trình đó thực sự như thế nào, chúng ta chưa biết được. Nhưng những khảo cứu dùng kỹ thuật fMRI có thể thấy những gì đang xảy ra trong não bộ.”
Thúc Đạt (dịch)
Theo BBC news
fMRI (functional magnetic resonance imaging)
[Tập san Pháp Luân - số 16, tr.95, 2005]