Có nên cẩn trọng khi nghe lời thương yêu?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thương Yêu là một phẩm chất cao quý, thiêng liêng của con người (và muôn loài) - cũng là đặc tính chung của nhiều tôn giáo, triết lý sống cao đẹp; để cuộc đời được thăng hoa, có ý nghĩa và đạt đến hạnh phúc chân chính lâu bền.

Tình thương yêu là biểu hiện của cảm xúc, sự rung động tự nhiên của trái tim trước tác động trực tiếp (hay gián tiếp) của ngoại cảnh. Do vậy, tình thương yêu theo một bình diện nào đó - là thước đo giá trị phẩm chất mỗi người. Đó là một sự “ban tặng’ (hay hiến dâng) của người cho người một cách vô điều kiện - rất đáng trân trọng.

Vậy những lời thương yêu là những lời nói dịu dàng, ấm áp, tha thiết, giúp ta được an vui và bớt đi sự trống trải trong đời người vốn dĩ luôn “bất an và cô độc” - thì sao lại “cẩn trọng” trước những lời lẽ nồng nàn, ngọt ngào ấy?

Trong thực tế của đời sống dẫy đầy phiền lụy và phức tạp - liệu chúng ta có nên tiếp nhận mọi lời lẽ Thương Yêu mà không tỉnh giác nhận rõ ra được bản chất thực sự của chúng không? Người đời cũng thường nói “tấm huy chương nào cũng có hai mặt” thì những lời êm ái Thương Yêu có gì khác nhau chăng?

Chúng ta đều biết được rằng, triết lý sống của đạo Phật dạy lòng từ bi phải được bắt nguồn từ tâm thanh tịnh, không phân biệt. Tình thương yêu nếu không được nảy nở, xuất phát từ cái tâm rổng rang, vắng lặng, trong sáng ấy thì chắc chắn sẽ không phải là tình thương yêu chân chính!

Vì tính ưu việt của những lời lẽ thương yêu là sẽ tác động tích cực cho người nghe; khiến họ dễ xiêu lòng, thuận theo, sẽ mang lại nhiều lợi lộc cho người nói, nên chúng đã bị lạm dụng khá nhiều trong cuộc sống, như một “chiêu bài” hay “tấm bình phong” che chắn an toàn cho những mưu dồ bất thiện. Có lẽ, chúng ta cũng đã thường nghe (và đọc trên các báo) – những thảm cảnh đau lòng đã xảy đến cho bao người cũng đều bắt đầu từ những lời lẽ Thương Yêu ngọt ngào? Tục ngữ của chúng ta cũng đã từng nhắc nhở “Mật ngọt/ chết ruồi!” đó sao?

Sự “cẩn trọng” trước mọi lời “đường mật” thương yêu chính là sự tỉnh giác, sáng suốt của một cái tâm yên tịnh, chánh niệm, của một trí tuệ thông hiểu sâu rộng. Sẽ tránh được cho mình mọi nỗi ưu phiền khổ đau và giúp tránh cho người những hành vi tội lỗi, đen tối…

Sự văn minh tiến bộ của khoa học - kỹ thuật dù có đạt đến mức độ nào đi chăng nữa, cũng không thể giúp con người “đo lường” được lòng người (Dò sông dò biển dễ dò/ Nào ai bẻ thước mà đo lòng người - ca dao); cũng không thể “chữa trị/ ngăn cản” được mọi ngỏ ngách vi tế của những cái tâm bất thiện len lỏi vào đời sống! Khoa học giúp khám phá vũ trụ, vạn vật nhưng chưa giúp được nhiều cho sự khám phá con người, giúp con người ngày càng hoàn thiện, hay làm phong phú cho đời sống tâm linh diệu kỳ đã và đang làm cho con người đau khổ?

Có nhiều nhận định bi quan hơn, cho rằng sự văn minh vật chất đã đẩy con người xa con người! Lôi cuốn con người đi dần vào một đời sống khô cằn, khép kín giữa những tiện nghi ngày càng nhiều! Lòng tham muốn càng có dịp phát sinh. Người ta tranh nhau bỏ ra hằng trăm triệu đô la để được lên cung trăng, thăm viếng những hành tinh lạ; hay bỏ nhiều thời gian và tiền bạc để di du lịch nước này, xứ nọ nhưng có mấy ai chịu bỏ ra vài đô la để bước qua bên kia đường thăm hỏi một người hàng xóm xấu số vừa bị nạn?

Chúng ta đang sống vào thời đại của “tốc độ và cơ giới hóa”, thời đại của những robot, những máy điều khiển tư động. Cho nên, tình thương yêu cũng đã biến dạng dần theo chiều hướng “tự động/tốc độ” mà thiếu vắng đi sự rung cảm tự nhiên chân thành từ trái tim của mỗi người. Những lời lẽ thương yêu hồn nhiên xao xuyến từ ánh mắt long lanh, từ giọng nói ngập ngừng e thẹn, từ cử chỉ bẻn lẻn rụt rè kia như đã vắng dần. Chúng đã được thay thế bằng một “lập trình” sẵn, chúng được lập lại một cách vô hồn, và trở thành một thói quen rất nguy hại.

Tỉnh giác nhận rõ sự chơn/ giả - tà / chánh của những lời thương yêu đến với đời sống mỗi người là một thái độ cần có để tự bảo vệ mình và giúp người tránh xa dần tội lỗi ngày càng trở nên trầm trọng vậy!

Mang Viên Long
[Tập san Pháp Luân - số 79, tr90, 2011]