Những ngày tia nắng yếu tan trong khung trời mây xám rồi cũng qua. Máy sưởi trong nhà cùng tiếng người rên đều quanh tai không hẹn cùng ngừng. Tia nắng hong ấm mùa đông làm khu vườn giật mình thức dậy.
Trên những cành khô chồi non len lén nhú lên. Đám cây dại chen nhau, như chờ, như đợi hồi sinh. Trong ngôi nhà có cánh cửa vườn sau nối liền vào công viên, thêm kẻ giật mình bóc tờ lịch mới. Đã ra giêng; thời gian trôi, nhanh hơn giòng nước cuốn, cuộn lòng kẻ lữ hành đoạn đường cõi tạm. Năm ngoái, đêm giao thừa nhìn mẹ trăn trở trên từng cơn đau. Đứa em băn khoăn, hỏi:
- Mình có nên gọi 991 không?
- Chắc là phải gọi rồi.
Vừa nói, chị vừa cúi xuống hỏi lại thêm, dẫu không dám tin mẹ còn nghe và hiểu được ý.
- Mẹ muốn ở nhà ăn tết với chúng con, hay muốn vào bệnh viện?
- Không biết sao nữa con ơi. Mẹ đau chịu hết nổi rồi.
Giọng đứt quãng kèm theo giọt nước mắt. Niềm vui đong đầy trên những lần con cháu vây quanh không còn khích động tâm tư mẹ. Chưa đầy nửa giờ tiếng còi xe cứu thương vang trong đêm. Lũ trẻ xáo động, chúng nhìn nhân viên y tế theo nhau vào phòng bà. Đo máu. Đo tim. Đo hơi thở. Hai đứa con gái đứng cạnh bên giường lo lắng nhìn. Đứa em dặn.
- Chị đi theo xe cứu thương. Tụi em theo sau.
- Tình trạng có thể là không nguy cập. Nếu muốn đưa vào bệnh viện chúng tôi sẽ đưa đi. Không thì khi nào thấy trở nặng hơn gọi lại. À, sẽ không tính tiền cho lần đến này.
Nghe nhân viên y tế nói, hai chị em nhìn nhau hội ý thật nhanh. Hiểu là chưa nghiêm trọng đến phải đưa vào cấp cứu. Chân trái giải phẫu ở đầu gối tạm yên. Bên phải giải phẫu mùa hè năm trước trong lần bị ngã khi đứa cháu lỡ tay làm rớt ly nước cam trên sàn gạch. Lần này mẹ đau, đau dữ dội chân bên phải. Đau rũ liệt.
***
Những ngày tết qua trong nỗi lo nhưng vẫn nghe mẹ kho nồi thịt kho tàu, làm dưa giá chia cho những đứa em. Niềm vui của mẹ khi được dịp nấu ăn cho con. Một đời dài tận tụy chăm lo theo từng ý thích nhỏ, không kể con giờ đã lớn. Kể cả khi không còn sức vẫn đứng cạnh bên để hài lòng vừa ý khi thấy con nấu những món mình thường nấu, lẽ nào đã trở thành quá khứ thật sao?. Đêm trong tiếng rên, trăn trở không ngừng. Hai đứa con gái không nói cho anh chị và em biết chuyện của đêm giao thừa, nguyện cầu mẹ đừng như ngọn đèn trước gió. Nhủ thầm, hãy giữ cho đêm giao thừa của những người thân còn được bình an.
Người bác sĩ của lần giải phẫu năm rồi cho biết cần tiến hành giải phẫu thay toàn phần xương chậu. Những mạch máu đè nghẽn lại khi mẹ té thêm lần nữa chạm vào chỗ giải phẫu mùa hè năm qua. Mẹ không nhớ té khi nào. Hai đứa cháu trai chơi loanh quanh bắt gặp bà ngoại nằm trong nhà bếp để rồi nhiều ngày sau bà than đau. Kiệt sức làm tâm thần hoảng loạn, mấy đứa con gái đã nghe được lời than tội tình:
- Ước gì được chết ngay lúc này.
Quanh nợ sinh nhai cuốn hút từng ngày, người chăm sóc mẹ vẫn đến mỗi ngày, trừ cuối tuần. Nhưng cũng chỉ bầu bạn cho mẹ không cảm nỗi trơ trọi. Tám mươi sáu tuổi, mẹ vào bếp tự nấu cho mình, cho cả đứa con gái út và lũ cháu. Mỗi ngày niềm vui đến vội đi mau. Khi ba đứa con gái hôn chào, những ly cà phê đã cạn là chỉ còn lại thêm ngày dài cô quạnh. Phải đợi đến lúc mẹ sức cùng lực cạn mới đủ can đảm, đủ dứt khoát một lần phải làm gì để khoảng cuối đời mẹ được ấm lòng, thoát ra khỏi nỗi sợ lo bị bỏ rơi. Những buổi thăm sớm tối chỉ đủ khi mẹ còn vui khỏe.Lẽ nào mười đứa con không chăm sóc được mẹ. Dẫu biết thời gian còn mẹ theo ngày càng ngắn lại. Đưa mẹ vào bệnh viện lần này, mấy đứa con gái ôm bờ vai hứa hẹn. Mẹ sẽ không đơn độc nữa. Từ đây có người kề cận ngày đêm. Đứa con dâu nhỏ nhất xiết đôi tay gầy guộc, đi theo đến trước cửa phòng giải phẫu dặn dò.
- Mẹ an tâm. Lần này vẫn là ông bác sĩ mổ giỏi năm rồi. Ông nói sau khi thay xương chậu mẹ sẽ hết đau, sẽ đi đứng bình thường trở lại. Khi mẹ bình phục về nhà, tụi con sẽ mua vé cho mẹ đi du lịch với cả nhà như đã ước mơ. Lễ mừng thọ mẹ năm nay sẽ ở trên tàu, giữa biển và trời.
Nụ cười nở trên đôi môi khô nứt:
- Ừ, mẹ sẽ không sợ. Ráng khỏe nhanh để cùng đi xa một lần với con cháu trong nhà.
Ca mổ thành công tốt đẹp dẫu mẹ đuối sức. Tâm trí trở nên hoang mang. Rời bệnh viện để qua trung tâm hồi phục, y tá và nhân viên nơi đó nhận ngay ra người bệnh cũ không hiểu được ngôn ngữ bản xứ, nhưng lúc nào sự cố gắng, nhẫn nại của bà cũng tràn đầy.
- Chào “bà ngoại”. Trời ơi! Chưa qua năm! Chuyện gì vậy? Đừng nói là bà bị té thêm lần nữa.
Biết mẹ nghe không hiểu tiếng Mỹ, nhóm nhân viên đến từ nhiều xứ khác tập luyện từng động tác đi đứng, nằm ngồi đã học nói những câu tiếng Việt để nói với mẹ cho mẹ hiểu, làm theo. Thời gian hai tuần dành cho thể dục trị liệu sau giải phẫu qua nhanh, hơn dự định. Cô bé người Phi đẩy xe đưa mẹ ra sân. Trước khi đỡ lên xe, cô ôm người bệnh nhân già ân cần nhắc nhở.
- Ngoại về cẩn thận nhiều. Ở đây ai cũng mừng khi gặp lại ngoại nhưng không ai muốn ngoại bị té phải trở lại thêm lần nào nữa. Cảm ơn ngoại đãi mọi người món gỏi cuốn trưa nay. Đã dạy con làm món ăn ưa thích. Sau này con tha hồ biểu diễn cho người thân và bạn bè thưởng thức.
Với mục đích giúp bệnh nhân phục hồi lại khả năng đã mất sau tai nạn hay sau giải phẫu, mẹ được hỏi thường hay làm gì khi khỏe mạnh bình thường. Câu trả lời là nấu ăn, làm vườn. Sức mẹ giờ không đủ làm vườn, chỉ còn niềm vui trong nấu ăn. Nghe nói đến nấu ăn, những món ăn VN được lao xao nhắc nhớ. Mẹ suy nghĩ một lát rồi quay sang con gái.
- Mai mình về rồi phải không? Sáng con ráng làm gỏi cuốn đem lên cho kịp bữa ăn trưa để tỏ lòng. Họ vì mình cực nhọc nhiều trong những ngày mẹ ở đây.
Mừng quá khi nhận ra mẹ đã nhớ lại phần nào những gì quen thuộc. Nấu những món ăn bằng cả tấm lòng. Bày tỏ tình thương trong từng chăm sóc từ người thân đến người lạ. Khi nghe dặn ngày mai mọi người nhớ đừng mang theo bữa ăn trưa. Cô bé người Phi mừng rỡ: - Nhất ngoại đó! Trong buổi thực hành làm bếp trưa mai, con sẽ ghi đề mục làm gỏi cuốn. Buổi sáng con tắm cho ngoại thêm lần nữa. Tập cho ngoại quen, biết cách sao cho an toàn khi không ai ở quanh ngoại.
***
- Mình ở đâu lâu nay vậy hả con? Bây giờ về đâu? Có xa không, có lạnh không?
- Mình từ bệnh viện về nhà gần lắm. Trời mưa nhưng không lạnh, mẹ đừng lo.
Đứa con gái trả lời, nhận ra thoáng ngậm ngùi che giấu bên trong. Mẹ giờ ngây ngô giống trẻ thơ. Không nhận biết, không thắc mắc về thay đổi trong cuộc sống đứa con bên cạnh. Căn phòng nhiều cửa kính, những khi mẹ ngủ, đứa con gái đến bên khung cửa nhìn ra. Qua khỏi sân cỏ bao quanh bệnh viện, có thể nhìn thấy bãi đậu xe quen của dẫy building phía xa. Nơi chốn đó từ đây vắng một người. Đời qua bao nhiêu lần thay đổi, vẫn chấp nhận đổi thay, như đại dương ôm trọn từng đợt sóng vào lòng. Nhưng đôi lúc vẫn có chút gì xa xót lặng thầm. Mẹ nghĩ đứa con bên cạnh là một phần dính liền không thể tách rời, nhưng dường như không nhận biết là ai. Dễ nóng nảy, giận hờn. Đôi khi nói ra ý nghĩ giống như người lạ. Lời dịu dàng quen thuộc vắng thưa. Có lẽ những gì chôn sâu trong tiềm thức giờ trở mình thức dậy. Mẹ không biết hiện tại mà như bị nhận chìm trong quá khứ xa xưa. Khoảng đời nhiều cơ cực, mang tình thương rộng lớn trong phận đời nhỏ nhoi tội nghiệp.
- Mai con chở mẹ về nhà cũ thăm dì.
- Quần áo có hai bộ không lành lặn, lấy đâu mặc để đi.
- Mẹ có nhiều. Thời cơ cực qua rồi. Lâu nay mẹ còn có dư để cúng chùa, giúp nhiều người khổ.
- Đừng gạt mẹ. Ngày nào đi bán về cũng thay bộ đồ lành mặc bộ rách phải chạy ra bìa rừng trốn lũ trai làng hay kéo tới tìm. Bà ngoại bệnh, chật vật bán buôn không đủ tiền đi chợ. Chưa bao giờ nấu một món ngon cho bà ngoại ăn dù bà bệnh yếu, lao tâm lao lực cho đến khi mất sớm, để lại đàn con nhỏ. Thương biết mấy cho vừa, ơn trời biển lấy chi đền trả.
***
Cứ thế, quá khứ lẫn trong hiện tại. Bà cụ ngồi im ôm hình ảnh miền quê ngoại nghèo trong lòng đứa trẻ thơ ngày đó. Chiến tranh là mất mát, đau thương, rồi luân lạc. Một đôi lần người thiếu phụ nắm tay đứa con gái nhỏ trở về thăm mộ của người thân dịp đầu năm. Những ngôi mộ xây bằng đá ong lỗ chỗ màu đen xẫm, tiêu điều giữa vùng đất mang nhiều bom đạn. Đứa nhỏ ngơ ngác nhìn cảnh ruộng đồng xác xơ. Đi như chạy theo chân người mẹ, cho kịp chuyến xe đò cuối ngày trở về quận lỵ. Giữa khoảng gò cát trắng, hay ruộng khô gốc rạ, người mẹ dừng lại trước những căn nhà tranh vách đất để thăm hỏi vài người bà con còn ở lại. Nhớ như in trong trí những đòn bánh tét cột từng đôi, treo trên cây đòn vắt ngang nhà thấp. Đứa con gái nhỏ thất vọng. Tết vẫn còn nhưng chưa bao giờ nó được bao lì xì, được quà từ những người bà con quê ngoại. Họ chỉ ân cần trao tặng những đòn bánh tét, bánh ít mà hầu như nhà nào cũng có để làm lễ cúng ông bà trong ba ngày tết.
Khi nó lớn hơn một chút hai mẹ con không còn dịp để trở về quê, chỉ còn nghe trong chuyện kể những mảnh đời đau khổ, chật vật của người xưa. Một đôi lần ngồi trên chuyến xe đò trên lộ trình Bình Long - Bình Dương, nhìn quê ngoại từ phía bên ngoài dọc theo quốc lộ 13, lòng nó u hoài. Chỉ mấy mươi cây số mà cách trở nhiều. Lối về còn đó nhưng chinh chiến cản bước chân người trở lại. Vùng đất có tên hiền hòa, được mang theo đến chốn tạm dung. Đứa em trai nhỏ gởi chút tình về quê ngoại qua hai đứa con gái mang tên thật hiền. Một lần mẹ than phiền.
- Mỹ Thạnh với Bến Cát sao không nói câu tiếng Việt nào hết vậy?
Đứa em trai chống chế.
- Thì đứa mê ăn bánh ít nhân dừa. Đứa kêu được ba tiếng “trời đất ơi!”. Như vậy bà nội thấy hai đứa đủ tiêu chuẩn để làm dân Bến Cát, Mỹ Thạnh chưa?
Phải gian nan lắm mới đưa mẹ thoát ra khỏi khoảnh mù sương của quá khứ. Có lúc tưởng chừng như đuối, thèm được khóc một mình, để thấu rõ mình hơn. Người anh xa nhắc:
- Gắng lên. Mẹ sẽ vượt qua. Như nơi em ở qua những ngày giông bão. Hễ mặt trời lên là bóng tối tan đi. Tin là em đủ sức vì hiểu rõ. Vì dù thế nào mẹ vẫn là mẹ và em là người luôn biết mình nhiều hạnh phúc được gần.
Người anh đồng môn từ Dallas về thăm, chợt hỏi:
- Em biết vẽ không? Hãy lặng yên nhìn mẹ mỗi ngày khi mẹ lần chuỗi hạt. Vẽ lại hình ảnh đó bằng tất cả tình thương em cho mẹ.
Người đồng hành với anh cũng tiếp lời, cùng lúc xiết nhẹ bàn tay như người chị vỗ về em
- Chị biết em lo cho mẹ. Hãy tự nhìn lại xem, em có đang bị ngoại cảnh chi phối mà không hay biết? Hãy ngồi niệm Phật thay cho mẹ, cũng là niệm cho mình. Khi em thiếu nhẫn, bất an thì không thể đem lại sự bình an cho mẹ như xưa. Chị tin em biết làm gì, cho cả hai có lại niềm an lạc dù trong cảnh ngộ nào đi nữa.
***
Thêm lần mất mát lớn khi người con dâu hiếu hạnh, bị tai nạn xe ra đi vĩnh viễn. Thân yếu, tâm nhiều ngày không an ổn. Chiếc lá xanh lìa cành làm chiếc lá vàng lao đao muốn rụng. Sẽ chẳng bao giờ quên hình ảnh và câu nói chân thành của một người anh
- Bác ơi. Xin bác cho con thay em gái, được hôn bác một lần để cảm tạ tình thương bác dành cho đứa con dâu.
Những ngày buồn nhất là những ngày quên thân bệnh. Người mẹ ngồi niệm Phật ngày đêm mong con được vãng sanh. Sau đó là quên trộn vào trong nhớ. Những bước chân ngày càng yếu, càng run nhiều. Đến chùa, thắp nhang, cúng bữa cơm chay, niệm Phật cho con, nhưng vẫn có lúc bật lên câu hỏi
- Chị N con mất rồi phải không?
- Chị ấy mất rồi mẹ ơi! Người hết lòng thương con, thương mẹ, thương lo mái ấm gia đình đã không còn. Căn phòng hai mẹ con mình ở, chị xin con để chị được lo. Chị N ra đi là niềm mất không gì đền bù nhưng mẹ vẫn còn những con dâu khác. Chị H lén mở sau cổ áo nhìn xem mẹ mặc size nào. Đã thường nấu những bữa cơm đem đến cho người anh goá vợ. Em T ít tỏ bày cũng nói ra lời.
- Cho em ôm chị bởi đâu biết ngày mai còn dịp nữa!
Tết, chị D thay mẹ gói bánh tét nhân hột điều cho hết cả nhà... Cái đã mất không sao tìm lại. Mẹ cần quý và vui với những gì đang có bây giờ. Chị N vẫn còn đó trong từng chăm sóc và tình thương mẹ nhận.
Chuyến ra khơi đầu năm dương lịch với hơn 40 người trên con tàu đi sang đảo Cozumel, Mexico. Có hai bà mẹ trạc tuổi, cùng nơi sinh của Mỹ Thạnh hiền hòa, được con cháu cùng nhau mừng tuổi thọ. Ngày đi rộn rịp. Người về từ New York, từ Kentucky, từ Florida, từ Michigan. Những người anh đồng môn gọi dặn dò, nhắc nhở chu đáo chuyến đi đầu tiên có mẹ cùng đàn con cháu, bà con trên biển. Bao nhiêu đó đủ ấm áp, dẫu ngày về bất ngờ đè nặng âu lo. Làm sao biết thêm tai nạn nữa, xảy ra khi tàu cặp đảo. Mọi người nôn nao chờ lên bờ để được đưa ra bãi biển Cozumel. Mẹ té để rồi nằm một chỗ, chờ con tàu quay trở lại đi vào bệnh viện. Hai đứa con gái nhìn nhau thầm lặng. Dẫu sao vẫn có được hai ngày. Nhìn ngắm biển lúc mặt trời mọc, lúc hoàng hôn. Cảm giác ấy chưa bao giờ có, bởi lần đầu tiên trong đời được đứng ở boong tàu giữa đại dương xanh ngát, mênh mông. Thấy mình là gió, là mây thênh thang bay lượn. Là giọt nước tan trong ngàn đợt sóng nhấp nhô. Cuộc vui ngắn ngủi và không dễ có, kể từ ngày đàn chim đủ cánh bay đi. Và mẹ bên những cơn đau ngày nối đêm, có sự chứng kiến, bế bồng của những đứa con trai bên cạnh. Những đứa con thương mẹ nhưng chưa lần chăm sóc bởi có đàn em gái vây quanh.
Tháng giêng qua như thế nơi mặt trời bên kia mùa hạ. Xuân hạ thu đông của năm mang đầy mất trong còn. Trong nỗi buồn của niềm vui là hạnh phúc đâm chồi trên nhánh khổ đau.
(*) Nguyên tác: Tháng giêng
Quỳnh My
[Tập san Pháp Luân - số 61, tr81, 2009]