Chào em, con chim nhỏ

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Hạt lúa miền Nam nuôi chúng tôi lớn khôn dần và cái “cung di” vẫn theo tôi như bóng với hình, mà thành tích hãi hùng nhất là nó đã bứng tôi ra khỏi Quê Hương từ hơn ba mươi ba năm nay! Nơi xứ người, tôi tiếp tục xê dịch từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc!

Có lẽ tôi được sanh ra ở Cung Di, nên từ bé đã phải thay đổi chỗ ở luôn. Mới mười tuổi cha mẹ tôi đã phải dắt díu đàn con dời nơi chôn nhau cắt rốn là đất Thăng Long, xa quê nội Hà Đông, quê ngoại Hà Nam thuộc miền Bắc để vào Nam lánh nạn. Vào tới trong Nam thì ôi thôi, chẳng thể kể hết đã lang thang những đâu vì cha tôi phục vụ nơi nào thì gia đình tạm cư những trại gia binh nơi đó. Mỗi lần dời đổi, chỉ người lớn là bận rộn, mệt nhọc chứ mấy chị em tôi còn bé, càng được tới nhiều chỗ lạ, càng náo nức, vui vẻ!

Hạt lúa miền Nam nuôi chúng tôi lớn khôn dần và cái “cung di” vẫn theo tôi như bóng với hình, mà thành tích hãi hùng nhất là nó đã bứng tôi ra khỏi Quê Hương từ hơn ba mươi ba năm nay! Nơi xứ người, tôi tiếp tục xê dịch từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc!

- Lại dọn nhà nữa hả?
Cuối tuần qua, sư-tỷ tôi la lên như vậy khi sau thời tu buổi trưa, tôi bảo: “Chiều nay em về sớm để dọn nhà!”

Nói cho oai chứ có nhà đâu mà dọn! Chỉ là ôm một thùng kinh sách, gom dăm bộ áo nâu, áo lam tới một nơi tạm trú khác, nơi mà tôi gọi là “những điểm-tạm li ti trong cõi tạm Ta-Bà!”

Căn phòng nhỏ nhất trong tòa nhà hai tầng nhưng vẫn là khá rộng với tôi, một kẻ hành trang đã nhẹ tênh, nhẹ hẫng.

Đêm đầu tiên ở chỗ mới, tôi ngồi thiền rất khuya nên sau khi xả thiền là đi thẳng vào giấc ngủ; mà hình như đã từ lâu lắm tôi mới có thể không trằn trọc trước khi ngủ như thế!

Tôi bị đánh thức bởi tiếng chim lảnh lót ngay trước cửa sổ. Căn phòng chỉ có một cửa sổ duy nhất nên nương theo âm thanh, tôi biết chắc con chim nào đó đang đậu ngay trên bờ tường bên hông nhà. Trời mới tờ mờ sáng, ẩm hơi sương và tĩnh lặng hương nguyệt cầm của vầng trăng non còn lửng lơ trên mây bạc. Trong không gian của đêm chưa qua, ngày chưa tới đó, chỉ có một con chim nhỏ đậu trên bờ tường dài, đang hướng mỏ vào khung cửa nhỏ của người khách trọ xa lạ. Phải, tôi mới dọn tới chiều qua nên còn hoàn toàn xa lạ với nơi này. Vậy mà con chim nhỏ đã đến thăm. Cửa sổ chưa có màn nên cả hai thấy rõ nhau. Tôi ghé sát vào khung lưới, cảm động và thân ái nói:

- Chào em, con chim nhỏ.
Bất ngờ thấy tôi, con chim không sợ hãi bay đi như lẽ thường; trái lại, nó nhảy nhót như vui mừng rồi lại cất tiếng hót.

Cám ơn em, tình bạn đầu tiên nơi xóm lạ. Này con chim nhỏ, em tên gì? Em không phải Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, nhưng tiếng hót của em sáng nay như dư âm tiếng khánh sau thời công phu khuya, trầm hùng lời tụng Thủ Lăng Nghiêm:

“… Án, a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạc xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn. Hổ hồng, đô lô ung phấn, ta bà ha.”

Xem nào, em có cái đuôi dài hơn Sẻ, mình thon gọn như Sáo nhưng bộ lông điểm xanh biếc lẫn với màu xám tro, hài hòa như cát và biển. Em có phải là Yến không? Mà thôi, tên em là gì cũng đâu có làm thay đổi quà tặng đẹp đẽ em vừa mang đến cho tôi. Đó là tiếng hót đầu ngày, tinh khôi và thơm ngát. Em đâu có cần hỏi tôi là ai? Từ đâu đến? mà em hoan hỷ tới thăm, có lẽ vì hương trầm tỏa nhẹ từ trang kinh Bát-nhã tôi tụng đêm qua còn thoảng bên song cửa. Nếu đúng thế, em quả là một hành giả tín tâm và nhạy bén. Em đó, con chim nhỏ giữa bao la trời đất mà thể hiện biết bao an nhiên, tự tại, như những loài chim ở cõi Tịnh độ do thần lực của đức Phật A-di-đà muốn cho tiếng pháp luân lưu khắp chốn mà biến hóa làm ra như thế.

Em nói gì? À, em nhắc tôi cõi Tịnh độ đâu xa, cõi Tịnh độ ngay nơi tâm mình. Vâng, đúng thế đó em. Trên đường kinh hành, phút giây nào tâm người an trú được trong chánh niệm, gạn lọc mọi phiền não khổ đau thì phút giây ấy hành giả đang bước những bước chân trên Tịnh độ. Tôi cũng từng được hưởng những phút giây mầu nhiệm đó nhưng thú thực với em, có lẽ vì định lực còn yếu, chánh niệm chẳng giữ được lâu nên vọng tưởng lại dắt tôi từ cõi tịnh xuống cõi động! Chẳng phải riêng tôi đâu, mà bao hành giả đang miệt mài trên đường thiên lý kia cũng như vậy, nên chúng tôi mới phải tu. Tu là cải, là sửa. Tiếp tục cải sửa, miễn đừng thối tâm thì cũng có ngày tâm-phàm-phu cảm động tới chư Phật.

Điều gì làm tôi tin chắc thế ư? Nhiều điều đơn giản lắm! Chẳng hạn như sự hiện hữu của em sáng nay. Có tình cờ không, khi em đến bên khung cửa của căn phòng bỏ trống đã lâu và cất tiếng hót lảnh lót? Không đâu em! Không tình cờ đâu. Trong thầm lặng kỳ diệu, em đã biết tôi và tôi đã biết em. Đừng cần chi lời giải thích của hý luận thế gian, mà chính em và tôi đang cảm nhận được nhau. Em ơi, đó là tương quan của lý duyên khởi, cái này có vì cái kia có, tôi hiện diện cho em hiện diện. Chắc em cũng thuộc những câu này trong kinh Tạp A-hàm:
“Nhược thử hữu tức bỉ hữu
Nhược thử vô tức bỉ vô
Nhược thử sinh tức bỉ sinh
Nhược thử diệt tức bỉ diệt”.

Khi ý niệm về sinh diệt đạt tới không sinh không diệt thì ta sẽ vượt khỏi khái niệm của không gian và thời gian. Vì sao hả? Vì không hẳn Nhân có trước mới sanh Quả. Em có nghe sự tranh luận về con gà có trước quả trứng hay quả trứng có trước con gà không? Theo em thì sao, với trường hợp Mẹ và Con? Làm sao được là Mẹ nếu không có sự xuất hiện của Con? Bởi vì, phút Con chào đời mới có người được gọi là Mẹ; cho nên Mẹ và Con là chung sinh, là co-arising, là nương vào nhau mà có mặt.

Tôi cũng đang nương vào em mà có mặt, như những cọng lau mềm, nương nhau mà đứng vững trước gió. Rồi chúng ta cũng chuyển hóa, gió cũng chuyển hóa, vạn hữu đều thầm lặng chuyển hóa; nhưng em ơi, chỉ những ai nhận diện được sự kỳ diệu của phút giây hiện tại mới hưởng được niềm an lạc, hạnh phúc. Em nhìn kìa, trên bầu trời cao, mây đang bay la đà từng cụm, trắng có, hồng có, xanh có, v.v... nhưng này, mây đang xuống thấp, không còn trắng, hồng hay xanh nữa mà mây đang chuyển màu xám. Cả bầu trời chỉ còn là mây xám; rồi mây xám nhẹ nhàng biến thành những cơn mưa rơi xuống! Em ơi, hãy đến sát khung cửa này mà núp dưới mái hiên kẻo ướt! Em thấy gì không, mưa đang rơi từng hạt, mưa không kết thành cụm và bay la đà như mây, dù mưa này chính là từ mây chuyển hóa. Những gì đã chuyển hóa sẽ không còn hình dạng cũ, nghĩa là đã thay đổi hình tướng của nó và chúng không có tự tánh.

Cũng quán sát như vậy về những người thân mà thế nhân thường sai lầm, quen nhận là “người thân của ta” nên khi những người thân đó mất đi, hay xa ta, hay phụ bạc ta, thì ta đau buồn vì ta kẹt vào tướng Mất. Sở dĩ ta kẹt vào tướng Mất vì trước đó ta đã để ta kẹt vào tướng Còn; trong khi bản chất của ta và người thân, chẳng khác chi mấy, cùng là vô tướng, vô tự tánh mà thôi. 

Nếu hiểu được như thế, ta sẽ an nhiên tự tại vì ta không kẹt vào Còn hay Mất nữa.

Mưa tạnh rồi đó. Em lại bay lên bờ tường, líu lo cám ơn tôi. Không, tôi phải cám ơn em mới đúng chứ vì em vừa cho tôi cảm giác ấm áp ở nơi chốn còn nhiều xa lạ này. Nhưng xa rồi sẽ gần, lạnh rồi sẽ ấm như tinh thần cuộc nói chuyện ngắn ngủi chúng ta vừa trao đổi với nhau. Vạn hữu quanh ta không ngừng chuyển hóa từng sát-na. Và chỉ sát-na hiện tại ta mới có thể thực sự nắm bắt. Hạnh phúc hay khổ đau do ta tự nhận diện ở sát-na này mà thôi. Rồi hiện tại sẽ thành quá khứ; và quá khứ là chấm dứt hay khởi đầu của vị lai???

Em ơi, hỡi con chim nhỏ trong buổi sáng mưa bay, đừng băn khoăn những điều mà khi xưa đức Phật từng im lặng. Hãy cất tiếng hót đi em, vì tình yêu đích thực phải là hạnh phúc. Tình yêu phải là tiếng cười, tiếng hát. Tình yêu không thể là giọt lệ. Nếu người nói thương ta mà người làm ta khóc thì có thể chính người cũng đang khóc cùng ta. Sự đau khổ đó không phải là Tình Yêu mà là niềm bi thiết từ lòng vị kỷ, biến đối tượng thành điều “mình muốn” mà cứ ngỡ là điều “chúng ta muốn”. Những bước chân đi tìm hạnh phúc trong đời thường của nhân gian thường là gốc rễ của khổ đau khi cất bước như thế.

Em không chờ tôi biết vỗ cánh tung bay giữa không gian lồng lộng; tôi cũng không chờ em biết “ngồi yên” trong ánh nến lung linh, nhưng phút giây hiện tại này, em và tôi đang cùng rất hạnh phúc, hạnh phúc hơn bất cứ ai đang ngụp lặn trong tiền rừng bạc bể vì hạnh phúc của tôi và em là hạnh phúc của quảng hiệp tự tại vô ngại, tức là sự an bình của lớn, nhỏ, dung nhiếp nhau mà không đòi hỏi hoặc làm trở ngại nhau. Em và tôi vẫn an trú trong môi trường và vị trí của riêng mình, đồng thời vẫn hòa nhập vào nhau để cho nhau niềm vui, như cả đại dương nằm trong vỏ ốc, như hạt cải ôm trọn mặt trời.

Đó là tinh thần “nhất đa vô ngại” mà chúng ta vừa vô tình đồng cảm nhận, là cánh cửa thứ ba trong mười cánh cửa mầu nhiệm của kinh Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương. Đây là một kinh thâm diệu mà sa-môn Pháp Tạng đời nhà Đường đã giảng giải và khai ngộ cho Hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Kinh Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương gồm mười phần mà Thập Huyền Môn (Mười cánh cửa mầu nhiệm) nằm ở phần thứ bảy.

Nếu còn đủ duyên với nhau, biết đâu chúng ta chẳng có dịp cùng dọ dẫm đi tìm chìa khóa những cánh cửa còn lại.

 Này em, khoan đã, đừng vội bay, chờ tôi thả qua khung cửa tặng em mấy câu thơ này nhé!
“Rừng xưa lá trúc nhẹ lay
Về trong hơi thở hôm nay nhiệm mầu
Tâm an, ý lạc là đâu?
Ngay trong hơi thở lắng sâu hiển bày”

Giữa bầu trời bát ngát sương mai, con chim nhỏ nhập đàn với bầy chim vừa vỗ cánh ở phương Đông. Phút chốc, không gian bao la rộn ràng âm thanh hợp tấu của bầy di điểu:
“Thanh thanh túy trúc
Tận thị pháp thân
Uất uất hoàng hoa
Vô phi Bát-nhã”.
Trúc biếc xanh xanh
Đâu cũng là pháp thân
Hoa vàng rậm rạp
Đâu cũng là Bát-nhã.
(Độc Cư am – Mùa Trăng 2008)

1. Thơ  TT. Tuệ Sỹ
2. Không rõ tác giả
3. H.T dịch thơ

Hạnh Chi
[Tập san Pháp Luân - số 56, tr.82, 2009]