Tôi không rõ lối sống lầm lì có phần u uất của tôi sẽ dự báo điều gì về sau trong suy nghĩ của bà khiến bà phải quan tâm đến vậy. Bà thường gần gũi, chăm sóc và khuyên bảo tôi từng li từng tí. Nhưng phải nói rằng, trong tất cả các anh em trong gia đình tôi lại là người được bà thương yêu hơn cả, chắc tại do tôi con út.
Tôi có thói quen thường hay tha thẩn một mình dọc theo con phố nhỏ trước nhà dẫn xuống bãi sông để xem cảnh sinh hoạt của người dân ở đó khi chiều xuống. Không hiểu sao lối sinh hoạt của họ luôn khiến tôi tò mò. Ngay cái cách các anh các chị lần đầu tiên làm bố làm mẹ hôn hít lên khuôn mặt những đứa con nhỏ đầy mũi dãi cũng khiến tôi lấy làm lạ. Tôi vẫn hay thắc mắc không biết có bao nhiêu đứa trẻ có mặt trên cõi đời này có sự dự tính trước của bố mẹ chúng. Tôi chưa hề được đọc một tài liệu điều tra nào nói về điều đó. Nhưng tôi nghĩ, dù những đứa trẻ ra đời có sự dự tính trước của bố mẹ chúng hay không thì hầu hết vẫn được bố mẹ gìn giữ thương yêu. Nhưng cũng như tất cả những vấn đề khác trên cõi đời này, điều này đôi khi cũng có sự ngoại lệ, và khi sự ngoại lệ đó rơi xuống một thân phận nào đấy thì đó là một sự bất hạnh lớn lao.
Bà thường dõi mắt theo những bước chân của tôi. Những khi thấy tôi bất ngờ tách khỏi lũ bạn rồi lang thang một mình tự dưng bà buồn hẳn đi. Bà không thích cái kiểu tôi thẫn thờ ngoài bãi sông, chừng mười mấy tuổi đầu mà trông già cỗi như một ông cụ. Nhưng bà không bao giờ cấm đoán và cũng không hề nói gì về điều đó. Bà sống trầm lặng nhưng thanh thản. Tôi ít khi thấy bà buồn hay trách cứ gì ai. Có lẽ lối sống của tôi là điều làm bà buồn và lo lắng hơn cả, nhưng điều đó bà cũng không bao giờ muốn để tôi biết.
Quê bà ở tận ngoài Bắc. Bà vào trong này sống đã gần năm mươi năm nhưng chưa một lần trở về quê cũ. Bà ít khi nói về quê quán của mình, nhất là khi có mặt bố tôi. Tôi loáng thoáng biết được rằng bà rời bỏ quê quán ra đi bởi một chuyện buồn, vì không nhận được sự cảm thông của những người xung quanh, và cũng vì không muốn bố tôi phải khổ sở bởi những lời bóng gió mỉa mai.
Bà mồ côi từ lúc nhỏ và ở với người chú của mình. Gia đình chú thím đông con và bà không nhận được nhiều tình thương. Đến tuổi đôi mươi, bà rời làng quê lên phố làm thuê cho một lò bánh mì do một người Pháp làm chủ. Ông chủ người Pháp có cảm tình với bà và bà cũng có chút tình cảm với ông ấy, và kết quả bà đã mang thai bố tôi. Nhưng khi bố tôi chưa kịp chào đời thì biến cố lịch sử xảy ra và ông chủ người Pháp phải về nước. Trước khi về, ông có để lại địa chỉ và hứa sẽ quay trở lại để đưa bà sang Pháp. Đến ngày sắp sinh bố tôi, chờ đợi vẫn không thấy ông sang, bà đã về quê và khổ luỵ bắt đầu trút xuống đời bà. Mấy năm sau khi sinh bố, chờ hoài vẫn không nhận được tin ông, bà đã đưa bố tôi rời khỏi quê quán và bắt đầu cho một cuộc hành trình tha phương lạc xứ. Những năm tháng ấy đã cho bà cảm nhận được nỗi cô đơn và khổ luỵ của phận người, nhưng cũng đã nuôi lớn trong bà lòng vị tha và sự cảm thông với đời.
Bà không hề oán trách người đàn ông ở bên trời Tây kia, ban đầu vì bà yêu ông, và sau này khi làm quen với chùa chiền, bà hiểu ra rằng mọi vấn đề đều do duyên nghiệp, và cũng hiểu rằng kết quả của vấn đề không phải chỉ một mình ông ấy gây ra. Về sau, khi bố tôi trưởng thành, bà có đưa địa chỉ của ông cho bố, bảo rằng nếu muốn thì bố có thể liên lạc để tìm cha mình, nhưng bố tôi chỉ im lặng. Với bố, tình thương của bà dành cho mình quá lớn, và bố thấy không cần thiết phải đi tìm cội nguồn của mình để nhận lấy thêm một tình thương nào nữa.
Cái dòng máu nửa Tây nửa Việt đã cho bố một vẻ đẹp khác lạ. Các anh chị tôi phần nào thừa hưởng được cái dòng máu ấy nên người nào xem ra cũng khá dễ coi. Khác hẳn các anh chị trong gia đình, tôi như một sự đột biến gien, đã mang lấy một thân thể gầy còm còi cọc với một nước da xám ngoét và mái tóc không chút hoe vàng mà đen cứng xoăn quắn. Tôi như cái nốt ruồi dị dạng mọc trên một khuôn mặt xinh đẹp và lành lặn. Những người lần đầu đến nhà tôi, họ cứ ngỡ rằng tôi là một người giúp việc đúng hơn là một cậu con trai út được gia đình thương yêu chiều chuộng. Đôi khi tôi nghĩ, chính do sự bất công của tạo hóa không cho tôi có được một hình hài như các anh chị trong nhà mà tôi được bà và bố mẹ thương yêu hơn hết.
Bố mẹ tôi có vẻ hài lòng về những đứa con của mình, và gia đình tôi trở thành niềm mơ ước của nhiều người trong khu phố. Ngôi nhà hai gác dù không lớn, có giàn hoa pháo buông rủ trước ban công đã tạo nên sự ấm cúng và sung túc. Những khi rảnh rỗi bố thường hay chăm chút mấy chậu cây kiểng và tỉ mẩn cắt tỉa những dây hoa pháo buông rủ không đúng cách. Bố là mẩu người ít nói. Ông dành thời gian hầu hết vào công việc và chăm sóc gia đình. Người phụ nữ đối diện nhà có lần nói với tôi, “Cô ước gia đình cô được như gia đình cháu!”. Bà ấy là một người bất hạnh. Anh con trai của bà đã chết vì nghiện ngập. Cô con gái xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc rồi lấy một người chồng mắt lươn mũi tẹt gần bằng tuổi bố. Chồng bà tức giận buồn phiền đã tìm vào rượu để giải sầu và riết trở thành con sâu rượu, suốt ngày say xỉn quát tháo chửi bới vợ mình. Bà hình như không còn nơi nương tựa. Lúc anh con trai còn ở trại cai nghiện, chủ nhật nào bà cũng đi thăm, thỉnh thoảng gặp tôi bà rươm rướm nước mắt bảo, “Lỗi tại cô cháu ạ, đã không dạy con cho tốt”. Tôi thấy nghèn nghẹn nhưng cũng chẳng biết nói gì. Tôi thấy thương bà. Một phụ nữ hiền lành như bà vẫn không có được những đứa con tốt. Và người chồng của bà, lẽ ra trong những hoàn cảnh như vậy nên làm nơi nương tựa cho vợ, đã chối bỏ trách nhiệm tìm cách chạy trốn trong rượu chè.
Tôi không biết sự việc của gia đình bà lỗi do ai gây ra, có lẽ mọi người đều có một phần trách nhiệm trong đó. Nhưng tôi biết bà là người chịu khổ đau lớn nhất, bởi bà là một phụ nữ và cũng là một người mẹ. Một người mẹ mất con! Đúng vậy, một người mẹ xa con đã thấy khổ huống gì lại mất con. Tôi nhớ hôm chị ba tôi chuẩn bị về nhà chồng, nhìn chị ngồi dạo lại mấy bản nhạc quen thuộc, mẹ tôi đã khóc. Chị ba cũng khóc. Tôi nói, “chị ba lấy chồng phó giám đốc, có nhà riêng hẳn hoi chứ đâu có đi làm dâu hầu hạ ai đâu mà mẹ khóc?”. Mẹ tôi bảo, “biết vậy, nhưng mẹ vẫn thương”. Chị ba thì bảo, “lấy chồng là cuộc đời đẹp nhất của người con gái không còn nữa em ạ”. Thì ra chị ba khóc không phải sắp xa mẹ mà vì tiếc cái thời con gái êm đềm và hạnh phúc của mình sẽ không còn nữa. Chị thương tiếc quá khứ như người thiếu nữ trong câu chuyện xa xưa tiếc thương chiếc trâm làm bằng cỏ thi khi bị mất đi. Người ta thường hay thương tiếc một vật cũ dùng lâu ngày mà bây giờ không còn nữa. Quá khứ êm đềm khiến người ta nuối tiếc, nhưng quá khứ dậy sóng lại gợi lên nhiều buồn đau mỗi khi người ta chưa kịp quên đi.
Được nuôi lớn trong một gia đình êm ấm và hạnh phúc như vậy nhưng tôi luôn cảm thấy có điều gì đó bất ổn. Đôi khi tôi có một chút nghi ngại về thân phận của mình, nhất là những khi tôi bất ngờ bắt gặp cái nhìn đầy thương cảm của bà và cả của bố mẹ dành cho tôi. Anh tư có lần nói với tôi, “Nguyên hình như không bằng lòng với cuộc sống đang có?”. Và tôi thật sự không biết phải trả lời thế nào với anh. Mà con người ta hình như ít có ai bằng lòng với những gì mình đang có. Sự thực thì không phải tôi không bằng lòng nhưng không hiểu sao tôi vẫn không cảm thấy vui khi được sống trong một gia đình êm ấm như vậy. Điều đó đã tạo cho tôi có một tính khí thất thường. Chồng chị ba lần đầu tiên đến nhà tôi, khi nghe nói tôi là con út trong gia đình trong mắt anh đã lộ lên vẻ ngạc nhiên. Khi thấy tôi đứng trước ban công, anh nói, “Nguyên làm con út sướng nhỉ?”. “Dạ.” Tôi đáp và ngắt một chùm hoa pháo ném xuống sân. “Em thích quà gì để anh tặng nè?”. Tôi đáp không cần suy nghĩ, “Em thích chức phó giám đốc của anh”. Anh cười ha hả và nói, “Vậy thì học hành cho giỏi rồi anh tặng cho”. Tôi ngắt một chùm hoa khác và đáp lời một cách chậm rãi, “Đời này có thứ quà tặng nào không cần điều kiện không anh?”. Câu hỏi của tôi khiến anh không vui. Chị ba biết tính tôi nên nháy mắt bảo anh đừng nói thêm gì nữa.
Một tối, sau ngày sinh nhật của anh tư mười ngày, bà bảo tôi, “Tối nay Nguyên đừng đi đâu, ở nhà bà có việc muốn nói với cháu”. “Việc gì vậy bà? Có quan trọng không?”. “Ờ… cũng quan trọng đấy”. Nhìn vào mắt bà tôi đoán biết là bà sắp nói ra điều quan trọng thực sự. Suốt ngày hôm đó, tôi thấy bà cứ thầm thì bàn tính với bố và trông bà đăm chiêu lắm. Tôi thấy trong người bồn chồn, nôn nóng muốn biết điều bà sắp nói. Đang thẫn thờ suy nghĩ thì có tiếng bố gọi. Tôi đến chỗ bố thì thấy bà và mẹ cũng đã ở đó. Bố bảo tôi ngồi, giọng hơi buồn. Đợi tôi ngồi yên một lát, bà bảo, “Hôm nay bà và bố mẹ cháu có việc quan trọng muốn nói với cháu!”. “Dạ.” - Tôi đáp. Dừng lại một lát bà nói tiếp, “Nguyên ạ, sự thực cháu…”. Bà nói đến đó thì dừng lại. Tôi đoán được điều bà muốn nói, chợt thấy lòng ngực khó thở, giữ bình tĩnh tôi hỏi, “Sự thực cháu không phải là con ruột của bố mẹ cháu phải không?”. Một sự im lặng bao trùm lấy căn phòng, không gian đặc quánh đến ngột thở. Bà bắt đầu khóc. Rồi mẹ khóc. Bố đốt thuốc và rít từng hơi dài. Tôi loáng choáng đứng dậy, ghì tay vào thành ghế và hỏi, “Vậy thì bố mẹ cháu là ai?”. Bà quệt nước mắt và nói, “Bà không biết”. “Sao bà không biết? Bà nói dối!”. Tôi đẩy ghế rồi bước ra khỏi phòng, và cái thói quen của một thời thơ bé đã dẫn dắt bước chân tôi đi xuống bến sông. Phía sau, tôi nghe tiếng chân của bố mẹ và bà. Khi thấy tôi loạng choạng bước lên chiếc cầu ván bắc qua sông, bà đã vội vàng đến níu tay tôi lại, “Nguyên, khoan đã nào, cháu không nhảy sông đó chứ?”. Bà bị ám ảnh bởi cây cầu này, vì nơi đây nhiều người đã dùng làm điểm dừng kết thúc cuộc đời của họ. Người dân ở đây bảo rằng vào những đêm tối trời họ thường nghe thấy tiếng kêu gào và tiếng nước lõm bõm do những linh hồn không siêu thoát gây ra. Thấy tôi càng ra giữa cầu thì bà càng hốt hoảng. Bố bước nhanh đến giữ lấy tôi, “Nguyên, con không được làm vậy?”. Tôi như chợt tỉnh ra, “Con làm gì đâu mà bố hốt hoảng thế!”. “Con không định nhảy sông đó chứ?”. Tôi cúi đầu im lặng, một lúc tôi nói với bố, “Làm sao con có thể bỏ bố mẹ và bà được”. Bố ôm lấy tôi và khóc. Tôi gục đầu lên vai bố và nước mắt bắt đầu trào ra.
* * *
Tôi được nhìn thấy đặt trước cổng một ngôi chùa vào một sáng sớm tháng năm. Khi các sư cô phát hiện ra tôi thì tôi đã không còn khóc nổi, da thịt đã trở nên tím ngắt. Bà đã kể lại với tôi như vậy. Các sư đã ẵm tôi vào chùa và kịp thời cứu sống tôi. Mấy hôm sau bà đến chùa làm công quả, nhìn thấy tôi thì động lòng và xin các sư cô cho đem tôi về nuôi. Ban đầu các sư từ chối, nhưng thấy bà tha thiết và biết bà là người tốt nên các sư đã đồng ý. Lúc ấy mẹ sinh anh tư được mươi ngày. Nhưng sau này khi làm giấy khai sinh cho tôi, bố đã khai tôi sinh sau anh tư đúng một năm, chắc muốn cho hợp lý. Lúc đem tôi về, mẹ tôi đã không đồng ý với việc làm của bà. Ít có người mẹ nào con cái đã đầy đủ lại muốn nhận thêm con nuôi. Nhưng về sau thấy tôi dễ nuôi, không khóc la như anh tư nên dần dần tôi trở thành đứa con thực thụ của mẹ.
Gia đình tôi ở vùng đó được một thời gian thì chuyển nhà. Quá khứ của tôi được đẩy lùi và tôi nghiễm nhiên trở thành cậu con trai út trong một gia đình có một nửa dòng máu Pháp. Thì ra cái hình hài còi cọc xám xịt của tôi không phải là một sự đột biến gien mà là một sự di truyền, và cũng có thể đó là kết quả khi tôi phải quằn mình chịu đựng các độc dược, những uất hận khổ đau lúc còn đang ở trong bào thai. Tôi là kết quả của sự lỡ lầm, của vụng dại, của lừa dối, của đam mê…, nói chung tôi có mặt ở cuộc đời này hoàn toàn ngoài ý muốn và dự định của người sinh ra tôi. Nhưng dầu sao người sinh ra tôi vẫn còn có chút lương tri khi biết đặt tôi trước cổng chùa, và đời tôi vẫn còn có chút may mắn khi được các sư cứu sống và được bà nhận về nuôi. Bà bảo với tôi rằng, mười mấy năm nay bà và bố mẹ tôi muốn giữ kín bí mật vì sợ tôi bị tổn thương, và nghĩ sẽ dấu kín trọn đời sự việc này. Nhưng rồi khi thấy tôi khôn lớn, bà đã thay đổi suy nghĩ. Bà muốn tôi phải biết sự thật để tránh những điều không hay sẽ xảy ra về sau. Bà đã rất dè dặt với điều này, nhưng rồi đã quyết định phải nói cho tôi biết.
Bà kể hết cho tôi nghe về thân phận của tôi mà bà và bố mẹ đã cố gắng giữ kín bấy lâu nay. Tôi thấy lòng mình đổ vỡ, tê dại. Nhưng theo lời bà, tôi phải biết chấp nhận sự thật và không nên oán hận một ai cả. Mọi người đều có những lỗi lầm và mọi người đều cần sự tha thứ. Tôi có thể không oán hận được không? Tôi có thể tha thứ được không? Tôi biết mình chưa dễ dàng để làm điều đó. Nhưng tôi biết rằng, dù tôi có oán giận thì cũng chỉ làm cho tôi đau khổ thêm thôi và vấn đề vẫn không được giải quyết theo một chiều hướng khác. Mọi việc đều là duyên nghiệp, bà đã từng nhiều lần bảo với tôi như vậy. Có thể bà đã nói đúng. Nếu tôi không bị chối bỏ thì tôi đã không gặp được bà và bố mẹ, và đời tôi đã đang đi theo một chiều hướng khác, không biết sẽ tốt hơn hay tệ hơn đời sống tôi đang có. Tôi đã có những duyên nghiệp với bà và bố mẹ tôi, và tôi cũng có những duyên nghiệp với người đã sinh ra tôi. Mọi mối quan hệ trên cõi thế này đều là duyên nghiệp, và các mối quan hệ luôn dễ đổ vỡ. Trong cái vòng quay sinh tử này, mọi việc đan kết lẫn nhau và trở nên rối rắm, mù mờ.
Bà đã ngồi trước hiên với tôi cho đến khi tiếng gà gáy sáng cất lên. Tháng năm sương buông trắng phố. Giàn hoa pháo buông rủ im lặng lắng nghe nỗi đau ngây dại của kiếp người trần thế. Rồi bà dắt tôi vào nhà và bảo tôi đi nghỉ, để lại ngoài kia trời đất chuyển mình với một ngày mới đang lên.
Nguyên Hiệp
[Tập san Pháp Luân số - 41, tr.78, 2007]