Trong cuộc sống có những sự việc xảy ra cứ bắt người ta luôn nhớ đến với tất cả lòng trân trọng hoài niệm không nguôi.
Trong cuộc sống có những sự việc xảy ra cứ bắt người ta luôn nhớ đến với tất cả lòng trân trọng hoài niệm không nguôi. Cái nhớ đôi khi chỉ từ một lẽ rất thường tình, một thoáng hương xa chợt đến chợt đi trong cõi vô thường, nhưng gợi lên bao ý hướng thanh cao ngời ngợi.
Năm đó, tôi về quê nhằm vào mùa mưa bão. Về thăm quê mùa này thì chẳng có gì thú vị. Nhưng là vì giỗ đầu của người bác dâu, với lại lâu lắm không có dịp về quê, tôi những muốn tận hưởng cái rét buốt nơi quê nhà để được ngâm mình trong mớ áo khoác dày cộm ít khi được dùng đến.
… Bà Thượng lui cui dọn dẹp giường chiếu trong căn chòi lá của mình. Cái chòi rộng chưa đầy mười mét vuông nằm trên mảnh đất của ông anh họ con người O (Cô) ruột của tôi, và cũng là cháu gọi bà bằng cô. Gia sản trong nhà chỉ có chiếc giường tre, chiếc bàn con, cái bếp lò nhỏ bé, sứt mẻ và vài vật dụng chẳng giá trị gì, cũng không có được ngọn đèn điện như phần đông các gia đình khác trong xóm. Bà lấy mùng mền gối vớ ra cho Tôi và bảo:- Cô nằm đây nghỉ cho yên tịnh, chứ bên đó đám xá ồn ào, tụi nhỏ lại ăn nhậu ca hát suốt đêm không ngủ được đâu. Mùng mền mệ giặt sạch cất kỹ chỉ để cho khách. Mấy người trên phố lâu lâu về cũng thích nghỉ ở đây.
Thấy bà như muốn đi đâu tôi vội hỏi: “Giờ này mà mệ còn đi đâu à?” Lần đầu tiên về quê, tôi gọi mấy “Mệ” bằng tiếng “Bà” như trong miền Nam liền bị quở ngay.
- “À! Cô cứ ngủ đi! Mệ phải đi xuống xóm chơi với tụi nhỏ một chút, khoảng chín mười giờ mới về ngủ được, quen rồi.”
Một mệ già gần tám mươi thích chơi với đám con nít trong xóm chài này, tôi có nghe mấy ông anh họ kể lại. Hồi chiều thấy tôi một mình thơ thẩn trước sân nhà bác, bà qua chơi nói chuyện rồi rủ tôi sang lều tranh của bà ngủ lại. Rồi bà kể chuyện cuộc đời mình cho tôi nghe, có lẽ thấy tôi là nhà tu hành, bà tỏ ra thật ân cần thân mật: Thằng con của mệ nếu còn tu, năm nay cũng lên tới Thượng Tọa chi rồi.
Chuyện đời của bà là một trang tiểu thuyết buồn, như hầu hết những phụ nữ nhà quê khác vào giữa thế kỷ trước. Chồng bà đi kháng chiến rồi tập kết ra Bắc, bà một nách nuôi hai con thơ và một bà mẹ chồng đau yếu. Thời khó khăn, bà làm đủ công việc từ làm nông trồng vườn, cho đến đan lát, đón ghe mua cá tôm đem lên phố bán để nuôi mẹ chồng nuôi con. Nhưng rồi đứa con gái bị bịnh mất sau đó mấy năm, còn Hoàng- con trai lớn của bà học hết cấp hai, bèn nằng nặc xin mẹ đi tu :- Lúc ấy nó thường lên ngôi chùa ở xóm trên làm công quả, Sư ông trụ trì rất thương nó. Lâu ngày thấm tương thấm chao, rồi đòi xuất gia luôn. Tôi vì cảnh một mẹ một con không nỡ cách xa. Thấy con quyết tâm, hơn nữa mình cũng hiểu đạo. Con đi tu cũng là điều phước lộc cho cha mẹ. Nghiệp duyên nó ở chùa, mình đâu ngăn cản được. Hồi đó cả mấy xóm chài này chỉ có mỗi ngôi chùa đó mà cũng đã xưa cũ hư nát, nhưng bổn đạo rất thuần thành, xem việc chùa như việc nhà mình vậy.
Đi tu rồi, nó vẫn đi học văn hóa. Hồi đó phải đi đò lên phố học - về chùa Sư ông dạy thêm kinh chữ Hán. Cậu nhỏ siêng năng và học rất khá. Tôi lúc ấy ngoài chuyện đồng áng ở nhà, mỗi ngày cũng lên xuống chùa phụ làm công quả, mà cũng là để lo cho con mình.
Mệ chợt ngừng lại, ánh mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng lại bao chuyện đời đã qua.
- Chuyện cậu Hoàng đi tu rồi thế nào hả mệ? Tôi vội cất tiếng hỏi tiếp khi thấy bà yên lặng hơi lâu.
- À ! Khi nó học xong Trung học được đâu ít năm thì Sư ông mất. Chùa chỉ có hai thầy trò, thế nên nó kế nghiệp trụ trì. Nó có học, lại lanh lợi giỏi giang nên việc chùa cũng không có gì đáng nói, dù lúc ấy thời sự bất ổn, cuộc sống dân cư miền biển rất khó khăn, nhưng cảnh chùa quê vẫn yên ổn, thâm tình thầy trò bổn đạo vẫn tới lui sâu đậm. Rồi thì đất nước thanh bình, cái buổi giao thời ấy có biết bao điều éo le thay đổi…
Bà lại im lặng. Cái im lặng để cố nhớ lại từng chi tiết và cũng là để che dấu bao xúc động trong lòng. Chuyện đã lâu lắm rồi, nhưng người già thường sống với kỷ niệm nên mọi việc đối với bà dường như mới xảy ra. Đoạn tiếp theo tôi đã được nghe mấy ông anh họ nói qua. Tuy vậy, tôi vẫn thích được nghe bà kể lại. Lúc mới gặp bà, tôi có thiện cảm ngay. Một đời người sống trong nghèo khó, mang nặng nỗi buồn riêng tư, nhưng nhìn bà vẫn toát lên một phong thái tự tại an nhàn, không khắc khổ như nhiều mệ già nhà quê khác. Bà lại có lối nói chuyện dễ thu hút người nghe, giọng Huế miền biển mà sao vẫn nhẹ nhàng êm ái, vậy nên đám con nít rất yêu mến thích gần gũi bà.
Giải phóng về, điều bà chờ đợi đoàn tụ với người chồng xa cách suốt hai mươi năm đã không thể trọn vẹn. Ông ấy về quê mang theo một bà vợ và đàn con nheo nhóc khác. Thì thôi… thời chiến loạn và sự xa cách đằng đẳng như vậy cũng đâu thể trách ai được. Nhưng sự tình đâu chỉ có thế…
- Tôi cực khổ một đời nuôi con, lại lo cho mẹ chồng khi bà đau yếu bịnh hoạn cho đến lúc mất đều chu toàn bổn phận dâu con mà không hề than thở nửa lời. Vậy mà… ngày ông trở về chẳng có lấy một lời an ủi hỏi han, tôi cũng chẳng buồn lòng. Duyên nợ vợ chồng chỉ bấy nhiêu, tình không còn thì nghĩa có là gì đâu. Đằng này, ông còn lấy quyền làm cha và quyền một cán bộ lãnh đạo, hăm doạ bắt buộc con tôi hoàn tục…
- Và Cậu Hoàng phải nghe lời hở mệ?
- Lúc đó, mấy thầy mấy cô còn trẻ dễ bị dao động lắm. Thằng con tôi cũng vậy. Ba nó cứ dụ dỗ thôi thúc, lại hứa hẹn đủ thứ. Thế là nó xiêu lòng. Nó hoàn tục rồi theo ông vào Đà Nẵng mà chẳng thiết đến nỗi buồn đau của Tôi lúc ấy.
- Bây giờ cậu vẫn ở Đà Nẵng?
- Không! Thời gian đầu ông cũng lo lắng kiếm cho nó công việc. Đâu vài năm nó lấy vợ. Hai cha con lại nảy sinh bất đồng, việc làm lại không phù hợp. Thế là nó bỏ vào Đồng Nai… Đến bây giờ vẫn làm rẫy, làm nương vất vả lắm, con lại đông.
- Thỉnh thoảng cậu có về thăm mệ chứ?
- Ôi! Mười mấy năm rồi, nó không về lấy một lần, lại không thư từ thăm hỏi. Chúng nó chẳng hề nghĩ là mình còn bà mẹ… phải sống lầm lũi nơi quê nhà, nương dựa vào bà con chòm xóm. Mà có lẽ vì không khấm khá gì, đâu còn mặt mũi trở về gặp ai.
Bà lặng lẽ nhìn ra cảnh trời đang sập tối. Hình như có cơn mưa bão từ ngoài biển khơi sắp đổ bộ vào đất liền. Dông bão cuộc đời và dông bão trong lòng người mẹ này có khi nào lặng yên. Bà khẻ thở hắt ra nói: “Cái số tôi nó vậy cô ơi! Cứ xem như mình không chồng không con để thoải mái sống với tháng ngày còn lại. Tôi bây giờ cũng chẳng lo buồn gì nữa. Sống nhờ bà con xóm làng, chết rồi cũng nhẹ nhàng ra đi. Ngày ngày lên chùa làm công quả, vui với đám con nít mà lòng già thanh thản an lạc. Hôm nay gặp cô là người tu hành, tôi chạnh nhớ lại chuyện xưa nên nói lại chút đó thôi.”
***
… Nửa đêm cả làng thức giấc giữa tiếng gió rít ghê hồn từ ngoài khơi vọng lại, tiếp theo là mưa. Mưa như trút nước, mưa tuôn tất cả mọi sức mạnh của đất trời xuống ngay vùng đá sỏi trơ gan này. Cơn bão đã đổ vào đất liền. Bà Thượng cũng trở dậy, thấp thỏm đi lại trong căn chòi. Nơi bà ở nằm trên cao, những năm lụt lớn nước chỉ mấp mé ngoài sân, căn chòi cũng trải qua bao mùa gió bão mà chẳng hề hấn gì. Nhưng nào bà có quan tâm cho sự sống còn của mình đâu. Bà đang lo lắng cho mấy đứa trẻ ở trên chùa. Ngôi chùa mà con trai bà ngày trước từng làm trụ trì, có một thời gian bị bỏ hoang, làng xã phải cử người lên trông nom hương khói. Mười mấy năm nay có thầy từ trên phố về trụ trì, sự sinh hoạt của bổn đạo mới có sinh khí nề nếp trở lại. Thầy có mở lớp học tình thương, để trẻ em nghèo được đến lớp. Lại có cả lớp nội trú, dành cho bọn trẻ nơi miền biển xa xôi ở luôn tại chùa để tiện việc học hành. Hằng ngày bà vẫn lên chùa làm công quả, phụ với mấy cô bảo mẫu nấu ăn và chăm sóc bọn trẻ. Lúc rảnh, bà thường bày trò chơi và kể chuyện cho chúng nghe. Bà vốn có duyên nói chuyện mà, tuổi già của bà không cô độc trong nỗi quạnh hiu, mà lúc nào cũng rộn rã tiếng cười nói. Bà vui với thôn xóm, với trẻ thơ… Cuộc sống của bà gắn liền trong niềm tin yêu của mọi người.
Từ sáng sớm… cư dân các vùng ven biển gồng gánh đưa nhau lên chùa tránh bão. Bà Thượng tất bật lo cơm nước cho dòng người tỵ nạn. Thầy trụ trì thì vận động đám trai tráng trong thôn ra ngăn đập và giúp đỡ những gia đình còn kẹt trong mưa lũ. Người lớn thì đủ thứ chuyện để lo lắng, còn bọn trẻ thì vô tư chạy giỡn. Bà lại phải lo trông coi chúng, nhưng bận rộn quá bà không thể chơi hay kể chuyện, nhiều đứa nghịch ngợm cứ thích nhào ra ngoài mưa tắm, chẳng biết gì đến nguy hiểm. Cha mẹ chúng an tâm khi gởi con lên chùa. Chùa nằm trên đồi cao, mới xây cất lại rất chắc chắn, mưa bão mùa này không lớn lắm, nhưng không phải là không có những mối đe dọa rình rập.
Trưa hôm đó mưa đã tạnh, gió cũng bớt hoành hành, nước ở các vùng thấp đã rút nhanh theo dòng chảy xiết ra sông biển. Bầu trời vẫn u ám như mọi ngày, tôi ủ mình trong tấm chăn bông dày mà cái lạnh như từ ruột gan tỏa ra. Đang nghĩ tới chuyến trở về nhà ngày mai, tôi chợt nghe tiếng xôn xao bên ngoài:- “Bà Thượng mất rồi, ở trên chùa ấy.”
Sao lại như thế nhỉ? Tôi vùng ngồi dậy, theo mấy ông anh họ lên chùa.
Khi người ta đem được bà lên thì thân thể đã lạnh cứng, nhưng bà vẫn chưa chết. Đôi mắt đờ đẩn nhìn quanh, miệng khẻ thì thào: - Mấy đứa nhỏ… cứu mấy đứa nhỏ.
Ai đó ghé vào tai bà nói: “Mấy đứa nhỏ đã được cứu lên bình yên rồi. Để tụi con hô hấp cho bà…”
- Thôi khỏi… như vậy là được rồi…
Thế là bà ra đi… nhẹ nhàng không chút vướng bận.
Sau nhiều ngày bị bó gối trong nhà, tụi nhỏ chạy ra chơi đùa nơi bờ ao sau chùa, rồi nhảy xuống tắm và bị hụt chân. Bà đi ra nhìn thấy, không chần chờ liền nhào xuống cứu… Tuổi già sức yếu… khi kéo được hai đứa lên thì bà chới với… nhưng còn mấy đứa nữa. Bà lướt đi trong dòng nước lạnh cóng và chảy xiết, cố đến nơi có những bàn tay đưa lên, lúc này mọi người chạy ra…
Cơn mưa bão suốt một tuần lễ rồi cũng dứt. Tôi chuẩn bị xuôi chuyến tàu trở về Nam mang theo ít nhiều nỗi niềm hoài hương cố quận. Lúc này làng xóm quê nhà mang một sắc buồn ảm đạm. Trận bão đã tàn phá nhiều nhà cửa ruộng vườn, làm hư nát nhiều đoạn đường nối qua các thôn xóm. Nhưng không khí thê lương đọng lại trong lòng mọi người ít nhiều chính là đám ma của bà Thượng, người duy nhất bị thiệt mạng sau cơn bão. Ngôi nhà lá xiêu vẹo, mái tranh gió đánh phần phật suốt ngày đêm vẫn còn đó, mà bà thì vĩnh viễn không quay về nữa. Bác tôi bảo đám tang bà buồn và lớn nhất trong thôn từ nhiều năm nay. Không kèn trống tưng bừng, đứa con trai phương xa cũng không quay về kịp, có lẽ mưa bão đã làm trễ nãi đường xá thư tín. Người của mấy thôn đều tập trung đến để đưa tiễn bà, cả mấy lớp học tình thương cũng để tang cho bà. Người ta buồn vì từ nay vắng đi tiếng nói nụ cười của bà, vắng đi sự ân cần vồn vả lúc nào cũng sẵn lòng vì mọi người. Tiếng tụng kinh ngân rền trong buổi chiều lặng sóng để đưa một người trở về nơi chốn thiên thu. Ai rồi cũng phải ra đi. Nhưng hình bóng của bà dường như vẫn còn đâu đó trong âm vang lòng người ở lại.
Mưa bão đã qua rồi, mọi việc rồi cũng trôi nhanh theo lẽ tuần hoàn của năm tháng. Cánh hoa dù tàn, vẫn tỏa sắc hương, đời người một khi trở về cát bụi vẫn để lại chút hương tình cho nhân thế. Những ngày lưu lại nơi miền quê hương đầy mưa dông gió bão này, tôi đã cảm nhận ra được một lẽ sống tiềm tàng bất diệt, ngay giữa dòng đời sanh diệt bể dâu.
Lam Khê
[Tập san Pháp Luân - số 22, tr.66, 2006]