Bà Tú nằm lã người trên chiếc đi-văng đặt ở góc phòng khách, bên cạnh cửa ra vào.
Đã ba ngày nay, cơn đau hành hạ bà đến khốn khổ, đấy là di chứng của những trận đòn do lão Bạch để lại... Bà nằm đó rúm ró như một nắm giẻ rách và xép ve khô đét như chiếc lá. Bà rên khẽ mỗi khi cựa mình xoay trở bởi sự va chạm, chà sát giữa mặt phẳng đi-văng với những khớp xương sống, xương hông... Bộ quần áo rộng phùng phình cũng không che giấu nỗi lồng ngực kẹp lép với hai hàng xương sườn như muốn loài hẳn ra ngoài lớp da bụng và lớp áo theo những nhịp thở mệt nhọc mỗi lần thở ra, hoặc hít vào, bà phải ưỡn người lên một cách khó khăn và cảm tưởng như có cả tảng đá đang đè lên hai lồng ngực. Chín lần làm mẹ và chín lần cai sữa, bà vẫn có cảm tưởng nặng nề khó thở giống nhau, nhưng đó là cái nặng nề khó thở, đầy niềm vui và nỗi tự hào - bởi loại bỏ cái khổ đau bất hạnh, thì bà vẫn có niềm hạnh phúc của người mẹ, niềm hạnh phúc của chín tháng cưu mang ba năm bú mớm... Nhưng bây giờ, bà nằm đây trong nỗi đau vô tận cả về thể xác lẫn tâm linh, cô độc giữa ngôi nhà có đủ chồng con, và nghèo nàn gần như phá sản bởi của cải đã cạn dần theo chiều cao thân xác, trí tuệ, học vị của bầy con ấy đã từng là niềm hạnh phúc, là nỗi tự hào, là điểm tựa tinh thần, là mục tiêu phấn đấu khiến cho bà đủ can đảm và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn khi phải đối mặt chiến đấu với cơm áo gạo tiền. Cũng vì bảo vệ sự bình yên êm ấm cho bầy con ấy, nên bà đã cắn răng chấp nhận mọi thống khổ oan khiên, mọi nghịch cảnh vô lý, vô đạo của nhà chồng, của lão chồng tai quái như cáo diều và độc địa man rợ như những dân tộc bán khai thời trung cổ.
Dưới mắt lão Bạch - chồng và bầy con bây giờ đã nên vai vế, đã có chỗ đứng vững vàng trong xã hội thì hình ảnh của người vợ đảm đang, người mẹ từng tất tả ngược xuôi vì chúng nó không còn nữa, người mẹ mà chúng nó đã từng tự hào, hãnh diện với bạn bè về mọi mặt, đối với chúng nó bây giờ bà chỉ là cái hạng “nghèo sát ván mà cứ nói ngon”, là phong kiến lạc hậu v.v… và v.v...
Còn với lão Bạch, bà là một “mụ thối thây vô tích sự đau ốm suốt”, thành ra mỗi lần bà trở bệnh liệt giường không dậy được là lão bỏ đói bà luôn. Bà nằm vừa đói vừa khát đưa mắt nhìn về phía cha con lão Bạch - đã rất nhiều lần định kêu chồng hoặc con cho bà miếng nước, song thấy gương mặt cáu có và lạnh ngắt của lão ta là bà Tú hết muốn kêu gọi cầu xin. Cứ mỗi lần bà nằm thế nầy là cha con lão Bạch lại đi ăn tiệm, ăn xong lão mang cái mặt đỏ gay như mặt trời và kè kè chai rượu, lắc lư tấm thân phì nộm chân nam chân bắc bước xiêu vẹo vào nhà là bà run lên bần bật bởi biết những tai họa đang đợi bà phía trước...
Chiều nay, bà cố gắng ngồi dậy vịn vào tường bước từng bước khó nhọc xuống nhà bếp với ý định nấu chút gì ăn tạm - để có sức thực hiện một quyết định mà bà đã ấp ủ bao ngày...
Vị lão Ni ngồi thẳng người tay lần tràng hạt trong khi bà Tú chắp hai tay trước ngực đứng nghiêm trang tuần tự trình bày nguyện vọng và cầu mong sự chấp thuận của bậc chân tu, giọng bà khẩn thiết:
- Kính bạch Sư bà con tự xét với xã hội và gia đình con đã làm tròn bổn phận làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ, bây giờ là lúc con tự lo cho bản thân mình, cho sự an tịnh của thân tâm, con chưa đủ trình độ để đạt tới cảnh “tùy ngộ nhi an”, nên con rất cần có cảnh để tạo tâm. Vậy, mong thầy hoan hỉ cho con ở lại chùa để tiện việc hành trì tu tập.
Cất giọng từ hòa, vị Ni trưởng của ngôi cổ tự vừa nói vừa nhìn vào một điểm nào xa tít tắp:
- Tất cả tâm nguyện của con đều hợp với lẽ đạo tình đời. Lẽ nào thầy không tán thán, tất cả chỉ là sự trợ duyên. Cái chính là mỗi người phải tự giác ngộ bản thân và tự thắp đuốc soi sáng trên lộ trình tu học của chính mình.
Bà Tú sung sướng đón nhận đạo pháp của bậc chân tu đạo hạnh với cõi lòng nhẹ nhàng, êm dịu như vừa hứng được ngọn gió mát lành, thổi bay biến bao muộn phiền hệ lụy, cúi đầu đãnh lễ vị lão Ni, bà Tú bước thụt lùi ra ngoài phương trượng để xuống hậu liêu bằng niềm an lạc của một tâm hồn đã tìm được nẻo về.
Những tháng ngày thanh tịnh bình yên ở Tu viện đã giúp bà Tú quên hết mọi hệ lụy phàm phu, bệnh hoạn cũng không hành hạ bà như trước đây. Từ khi bà lên ở chùa, lão Bạch có phần thay đổi, lão lên chùa thường xuyên để lễ Phật và nhiều lần ngỏ ý đưa bà về nhà với những lời hứa hẹn tốt đẹp, song bà Tú nhất định không về, bà trình bày những lý luận xác đáng, lão đành hậm hực ra về. Có một lần lão giả say lên chùa quậy phá đòi Sư bà phải trả vợ lão về, nếu không lão sẽ đi kiện nhà chùa, Sư bà chỉ ngồi yên niệm Phật và bảo các điệu dọn cơm chay mời lão....
Tiếng gọi nhỏ của điệu Hiếu trước cửa phòng làm bà Tú xếp cuốn sách đang đọc bước vội ra hành lang, trước mắt chín đứa con đang đứng lô nhô chờ đợi, một thoáng xúc động bất ngờ đánh thức bản năng làm mẹ - bà dang tay ôm đứa con bé nhất vào lòng, mấy cái miệng chúng đồng thanh kể lể:
- Mẹ ơi! Mẹ hãy tha tội cho chúng con, chúng con xin đón mẹ về, mấy tháng xa mẹ chúng con đã hiểu ra điều ấy.
Bà Tú cố giấu nỗi xúc động cất giọng ôn tồn:
- Cảm ơn các con đã nghĩ đến mẹ, xong bây giờ mẹ đã quen với nếp sống thanh tịnh, nếu các con thương yêu mẹ thật sự thì nên tôn trọng tâm nguyện của mẹ, và để mẹ tiếp tục sống ở chùa, thỉnh thoảng nhớ mẹ, thì các con cứ lên chùa lạy Phật và thăm đại chúng, thăm mẹ. Mẹ cũng chẳng lột da để sống bên các con mãi được. Khi khôn lớn, mỗi đứa đều có đời sống riêng, mẹ về chỉ bận rộn cho các con, mà chẳng ích lợi gì cho thân tâm mẹ, quay qua đứa con trai lớn, bà nhẹ nhàng căn dặn:
- Các con nên chăm sóc ba cẩn thận, đừng để ba rượu chè nhiều quá, anh em hãy sống tốt với nhau và cư xử tình nghĩa với mọi người, với xóm giềng, và nên giúp đỡ nhau khi tắt đèn tối lửa. Làm được các việc trên, đó là cách các con biểu lộ tình thương và thể hiện lòng hiếu để đối với mẹ rồi các con ạ.
Tiếng chuông chiều trên Đại hùng bửu điện vọng xuống, báo hiệu giờ công phu đã đến, mấy người con từ giã mẹ, rồi xuống núi, bà Tú tần ngần nhìn theo, trước khi quay mình bước vào chánh điện dự khóa lễ chiều bằng nghi thức Tịnh Độ. r
Ninh Giang Thu Cúc
[Tập san Pháp Luân - số 15, tr.76, 2005]