Một cuộc tranh cãi nổ ra tưng bừng như pháo hoa đón tết trong khung chuồng sở thú
Một cuộc tranh cãi nổ ra tưng bừng như pháo hoa đón tết trong khung chuồng sở thú, đúng vào giờ phút thiêng liêng đón giao thừa mừng Tân Xuân vạn hạnh. Các Ông vật then chốt sừng sỏ biểu dương thành tích của mình, để mong được thăng quan tiến chức trong trận thư hùng giải cúp vàng chung kết mừng Xuân sắp diễn ra dưới sự điều khiển công minh của trọng tài Văn Ất Dậu.
Ông Voi bệ vệ bước ra sân, đưa chiếc vòi dài cuốn tròn một chậu hoa kiểng khổng lồ gần đó, đưa lên cao quay một vòng rồi hạ xuống dễ dàng để biểu dương khí thế trước khi phát biểu: “Thưa quí vị, xét về mặt thành tích thì công đức của ta quả là tuyệt đỉnh vô song, vốn đã từng một kiếp hóa thân nhập thai hoàng hậu Ma-da sanh ra thái tử Tất-đạt-đa tu hành thành Phật, chưa kể ta còn trải qua bao kiếp gian khổ cõng ngài Phổ Hiền vân du khắp nơi tu Bồ-tát hạnh. Ta xứng đáng vào tranh chung kết và hy vọng đoạt chức vô địch-trưởng ban quốc độ này”.
Ông Khỉ không giữ được bình tĩnh, mặt nhăn nhó nhảy một hơi từ cành này sang nhánh nọ, miệng chen chéc: “Tôn Ngộ Không này quí vị quên rồi sao, ta vốn có bản lãnh ‘tề thiên’ không hề khuất phục trước các thế lực yêu tinh hung tàn gian dối nào. Thế giới đều công nhận ta là thủy tổ của loài người và được xếp hạng là động vật cao cấp nhất. Ta đã từng khổ công hộ trì ngài Đường Tăng băng rừng vượt suối qua sông diệt trừ biết bao ác ma quỷ dữ, ai ai cũng khiếp sợ uy danh, dù là trên thiên cung hay dưới địa phủ đều nghiêng mình bái ngưỡng, sách sử còn ca tụng rõ ràng. Ta đáng vào chung kết và nhất định thắng giải, dành quyền trưởng ban quốc độ này”.
Ông Rùa vốn có bản tính trầm lặng và kiên nhẫn nhưng lần này không thể chậm rãi được nữa, bốn chân đạp nhanh nặng nề như cỗ xe tăng lội nước, lướt một hơi vào bờ mạnh dạng cất tiếng: “Nhân danh bậc trưởng lão có tuổi hạ trên 300 năm ở cõi đời ô trược này, lấy từ bi làm nhà, lấy nhu hòa làm áo, ta đã kham nhẫn đưa lưng làm thuyền bát-nhã chở thầy trò Đường Tăng vượt đại dương đến Tây Trúc thỉnh biết bao kinh sách. Chưa kể ta còn được đánh giá là một trong bộ tứ quí ‘long, lân, qui, phụng’ mà người đời thường tô vẽ, điêu khắc chiêm ngưỡng phụng thờ. Công đức của ta đáng được vé vào chung kết và xứng đáng làm trưởng ban lãnh đạo ở cảnh giới lăng xăng ô nhiễm này mới đúng”.
Ông Sư Tử từ trong chuồng sắt gầm lên như sấm nổ: “Xin các ngài chớ có vội tuyên dương lố bịch công trạng của mình, hãy lắng nghe xem ai hơn: ‘Ta là chúa sơn lâm, chỉ một tiếng ho nhỏ của ta thôi, mọi loài vật bất kể con nào cũng phải run sợ. luôn luôn tránh đường nhường bước cho ta đi. Chúng kiên nể cái thành tích của ta đã từng hộ trì ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, tuốt gươm trí tuệ, toàn thắng các ác ma kiêu căng, si mê ngu muội. Người đời vẫn ghi khắc lời dạy của ta như khuôn vàng thước ngọc ‘Duy Tuệ Thị Nghiệp’ - chỉ có trí tuệ mới là sự nghiệp. Vậy các vị nên nhường chức vô địch lần này cho ta, bởi vì chỉ có ta mới đầy đủ oai nghi hùng lực để lãnh đạo muôn loài nơi trần gian tăm tối đau thương này”.
Bỗng, một ông Gà cồ mình đen cổ trắng như trọng tài quốc tế xuất hiện đậu trên mái chuồng, gáy một hơi dài ò ó o... o..., lông cổ xù lên, phùng mang trợn mắt, sát khí đằng đằng giận dữ: “Hãy im đi các loài ‘Bồ-tát’ bị đọa! Nhân danh một trọng tài bất đắc dĩ, vốn là nạn nhân của thảm họa dịch gia cầm, đồng bào ta vô số lượng đã chết, đang chết và sắp chết. Riêng ta, dù biết mình chưa bị nhiễm H5N1, song ta vẫn quyết lập công đức để chuyển nghiệp cho đồng bào cầm thú của ta qua cơn thống khổ. Vì vậy, ta nhận làm trọng tài cho trận chung kết mừng Xuân lần này. Nhưng làm trọng tài thì phải công bằng chân chính nên ta buộc lòng phải nói sự thật, một sự thật rất đau lòng rằng: “Quý vị đã không hiểu mình là ai, đang làm gì? đang ở đâu? không biết rằng mình đang tạm trú trong sở thú sao? Sinh hoạt của quí vị đã được sắp xếp sẵn: chỗ ăn, chỗ ở, chỗ nằm, chỗ chơi diễn tuồng. Quí vị nào có biết thân phận mình đang bị lợi dụng làm trò xiếc cho thiên hạ, có khi phải chịu bao nổi đắng cay, đau đớn dưới lằn roi quát nạt của ngôn ngữ thóa mạ khủng bố hằng ngày.
Ta tiếc cho công lao của mình, bao năm trời cất vang tiếng gáy đêm khuya có khi cả ban ngày để mong thức tỉnh cơn u mê si độn của chúng sinh, nhưng đã hoài công. Kiếp gà vốn gần gũi với loài người hơn các ông nên ta cũng được cọng hưởng phần nào trí khôn của họ. Ta may mắn nằm trong khu chuồng thuộc loại gà kiểng có thân hình vạm vỡ dáng mạo Âu châu. Mạng nghiệp ta lớn nên đã thoát khỏi tử vong trận dịch cúm gia cầm, rồi tiếp là động đất, trận sóng thần khủng khiếp, khiến loài vật và loài người vô số kể phải bỏ mạng thật đau thương oan uổng có khác gì sinh mạng của bà con gia cầm ta đâu. Có lẽ nhờ một kiếp không gieo oán kết thù với ai, ta lại may mắn nghe loài người thường tụng giới: ‘Một là không được sát sanh hay không có những bạo động về thể chất; hai là không trộm cắp hay không lấy những thứ mà mình không được cho; ba là không tà dâm hay không sử dụng năng lực về sinh dục của chúng ta để gây ra những tổn hại; bốn là không nói dối, nói lời nặng nề, nói chuyện phiếm, hay không nói lời sỉ nhục người khác; năm là không sử dụng những chất gây nghiện làm u mê tâm trí hay không làm tâm trí mất tỉnh giác.
Thương thay cho các động vật có căn tu nhiều kiếp như các ông, không hiểu các ông có còn một chút linh giác tối thiểu nào hay chăng, để sớm nhận ra cái chân lý đau thương này hay vẫn còn cao rao ca tụng cái thành tích hão huyền của mình và thả hồn theo miếng ngon vật lạ của khách tham quan đang chiêm ngưỡng một cách thương hại những thánh giả bốn chân mất tự do mà vẫn ảo vọng, vẫn ngẩn ngơ ‘mơ giữa ban ngày’”.
Đến đây, bỗng trọng tài Gà xù lông gáy lên một hồi còi dài như xé bầu trời, rút ra liền ba thẻ đỏ, đưa thẳng trước mặt các đội và cảnh báo: “Đội Bạch Tượng, các anh còn nhớ không, một kiếp đã nghe bọn xấu phục rượu toan hại Phật, phạm trọng giới. Lỗi này quá thô bạo (còi vang lên ò ó o!) hãy nhận thẻ đỏ. Đội Hầu Vương, một kiếp cướp trộm bằng vũ lực-lấy của không được cho-ăn trộm vườn đào, bất kính Như Lai lại còn dối gạt cả thánh thần, gây náo loạn thiên cung. Lỗi này không thua gì khủng bố (còi vang lên ò ó o!) hãy nhận thẻ đỏ.
Đội Qui Linh, chú còn nhớ không, một kiếp đã phát tâm chở thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, chú có nhờ hỏi Phật chừng nào bọn Rùa thành người, Đường Tăng quên hỏi, chú nổi sân si nhận chìm thuyền suýt chết cả phái đoàn và làm ướt hết kinh sách. Lỗi này thuộc loại cố ý gây thương tích và hủy diệt Pháp bảo-(còi vang lên ò ó o!) hãy nhận thẻ đỏ.
Đội Chúa Sơn Lâm, lành thay! Chú có oai nghi và tiếng gầm dũng lực làm thiên hạ kiêng nể và bừng ngộ. Một kiếp làm thị giả hộ trì Đức Văn Thù tung gươm trí tuệ diệt trừ ác ma ngu dốt, bị kẻ ác thợ săn giả làm nhà sư đến gần giết hại mà không oán hận trả thù. Phẩm chất từ bi trí tuệ như vậy đã được hội đồng trọng tài bình bầu là đội toàn thắng trong cuộc tranh giải chung kết mừng Xuân Ất Dậu năm nay. Cả cầu trường sở thú vỗ tay vang dội, pháo hoa bắn sáng cả bầu trời, hoan nghênh trọng tài công minh liêm chính. Tuy nhiên, trọng tài Gà bỗng nghiêm nét mặt nói tiếp: “Trước khi lễ trao giải thưởng diễn ra, ta muốn nhắn nhủ thêm để Sư Tử Hống rút kinh nghiệm, đừng kiêu căng chủ quan cho mình là vô địch, không ai dám giết hại.
Đức Phật đã dạy ‘con vi trùng trong bản thân sư tử sẽ ăn thịt chính sư tử’ (sư tử trùng thực sư tử nhục). Đây là chân lý muôn đời, virus tham, sân, si trong bản ngã, virus tài sắc danh lợi, đã hủy diệt lương tâm con người, triệt phá tình đồng đội, khiến nội bộ lực lượng của sứ giả Như Lai lần hồi suy tàn; thế là Chánh pháp tiêu vong, bong tối vô minh hoàn toàn chiếm lĩnh. Ẩn dụ này Đức Phật muốn nhắc nhở dù là bậc đại trí tuệ, đôi khi cũng bị quỷ vương thâm nhập, hành giả bị biến chất trở thành kẻ tôi tớ si độn, cộng với tính háo danh ham lợi và càng tích cực chừng nào thì sự phá hoại càng trở nên nghiêm trọng và tổn thất bấy nhiêu cho giáo pháp và vận mệnh chúng sinh chừng đó. Ta đề nghị các ông hãy học thuộc lòng phương trình thần chú này, và kham nhẫn trì niệm hàng ngày mới hy vọng chuyển hóa số mệnh để trở lại kiếp con người.
Sau khẩu lệnh khai thị như búa chẻ của trọng tài Gà, bấy giờ những con: voi, sư tử, khỉ lần lượt hét lên vang động cả khu vườn sở thú, chim bay hoảng loạn, lá rơi xào xạc, nước hồ tung tóe, song sắt cửa chuồng rung rinh chấn động. Ông Rùa hoát nhiên phản tỉnh liền rút cổ vào bên trong, chỉ còn bốn chân mặc nhiên tiến bước như ‘thiền sư’, không đầu ung dung kinh hành trong vô ngôn tịch tĩnh.
Thích Hạnh Thiền
[Tập san Pháp Luân - số 11, tr.87, 2005]