Cô bé Srilanka

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuộc sống là một vòng quay, quay tròn quay tròn, có khi khiến ta không biết đâu là điểm đầu và đâu là điểm cuối. Cuộc đời con người cũng vậy, bất chợt đi hoài trong vội vã, âu lo; đôi lúc lại trở mình trong hạnh phúc, dẫu đơn sơ bé nhỏ trong nỗi hoài vọng đến những người ta thương yêu nhất.


Dọc theo đường mòn cạnh công viên trường Đại học Pune, cô bé thẩn thờ bước, có điều gì đang xảy đến trong mắt trẻ thơ. Nụ cười hồn nhiên, ngây thơ dường như không còn nữa mà ánh lên khóe mắt u sầu, cảnh vật quanh em cũng đổi sắc đượm buồn. Tôi khẽ hỏi:

Sao ở đây một mình, đã xảy ra chuyện gì vậy?

Đôi mắt tròn xoe ngước nhìn, lặng thinh hồi lâu, bé mớm lời như phá vỡ cả hư không:

Cô ơi, Mẹ con... đi... rồi…

Tiếng nấc nghẹn của bé như chờ sẵn đâu đấy cứ tuôn trào ra mãi. Lòng tôi se lại và khóe mắt tôi cũng ướt đẫm tự lúc nào. Ôi! Thời gian, thời gian không thể xóa mờ hình ảnh thân thương của mẹ hiền. Bé dựa vào bờ vai tôi mà khóc, tiếng khóc nấc của trẻ thơ khiến khung cảnh càng thêm ảm đạm. Bé đã kể như một niềm hoài vọng dâng lên đấng sinh thành. Lên bảy tuổi, vì hoàn cảnh mà em về với ngoại, và mẹ cũng ít có dịp đến chăm sóc em. Dẫu thiếu vòng tay ấm êm cùng tình thương dịu ngọt như bao bạn đồng trang lứa, nhưng với mẹ, em luôn dành trọn vẹn niềm yêu thương lẫn lòng tôn kính. Và rồi, con thoi thời gian cứ miệt mài se chỉ, đưa mẹ thương yêu ngày một xa em hơn, để đến hôm nay mãi không còn bóng hình của mẹ, không còn cơ hội cho bé ôm xiết vòng tay mẹ, để nụng nịu, để dỗi hờn... để... từ đây mãi mãi không còn. Mẹ ơi!...

Băng qua những khóm cây rợp bóng, thẳng tắp xen lẫn những đám cỏ hoang sơ, quan cảnh công viên đại học tấp nập người qua kẻ lại, nhộn nhịp tiếng cười trẻ con trong veo, giòn giã đang nô đùa, tiếng thảo luận sôi nổi của nhóm sinh viên chuẩn bị cho kịp ngày nhập học, đằng kia là nhóm dạy Yoga, gốc cây nọ có tiếng reo hò trong nhịp vỗ bản “Happy Birthday”… tất cả trải dài trên bãi cỏ xanh pha lẫn úa tàn, đâu đấy các nàng hoa đang hé nở. Ở đây, người dân bản xứ sinh hoạt theo từng nhóm, tùy theo nhu cầu của mỗi gia đình, vào ngày chủ nhật, một vài gia đình đi tản bộ ở công viên, sau đó dùng bữa chiều theo phong tục Ấn. Bữa cơm của họ rất đạm bạc, một ít bánh ngọt, vài miếng bột khoai chiên… là đủ cho một dịp sum vầy ấm áp. Trời đã xế chiều mà ông mặt trời vẫn còn quyến luyến trần gian khiến cái hắt nắng không sao chịu nổi. Trong cái nhìn kỳ lạ cùng ánh mắt quan sát của người dân bản địa, tôi bước chậm rãi và mỉm cười thân thiện, cố xua đi những ý nghĩ về sự phán đoán không mấy thiện cảm của họ, thi thoảng cô bé nhìn tôi, lặng lẽ.

Trời dịu dần, gió lùa mang theo vị nắng nóng rang. Trời vừa sẩm tối, không khí trở nên tĩnh lặng hơn. Khuôn viên chùa Buddhist Vihar, tuy đất rất rộng, nhưng chánh điện đơn giản, chỉ vỏn vẹn một căn chính giữa đủ cho Phật tử lễ bái. Thiết nghĩ, tuy ngôi chùa thành lập cùng thời với trường đại học khoảng chừng mấy mươi năm (1949), nhưng cũng chưa được trùng tu nhiều. Hiện nay, chùa do một vị Tăng trẻ người Ấn trú trì và tọa lạc ngay trong khu rừng khuôn viên trường Đại học, Phật tử đến lễ bái không nhiều, thỉnh thoảng chỉ có một vài sinh viên Việt Nam, Srilanka, Thái Lan, Hàn Quốc… đến lễ Phật. Các ngày lễ lớn như Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan được tổ chức có phần long trọng và tín đồ Phật tử về chùa đông hơn. Chùa thường tổ chức khóa tu gieo duyên khoảng hai tuần trong mùa An cư, khóa tu dành cho những ai muốn gieo hạt giống Bồ-đề, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể tham dự được và trong số họ, thường có các chú Tiểu với vẽ mặt ngây ngô, trông rất dễ thương.

Trong chốc lát đã đến chùa rồi, những cánh hoa rừng và hoa Sứ do cô bé hái ở công viên được đặt trong những chén nước bằng nhôm rất đơn giản, tinh khiết dâng lên cúng dường đức Phật. Cô bé đốt ba nén hương, quỳ xuống thầm khấn nguyện, rồi lấy nước lọc đổ vào cái chậu nhỏ có pha ít bột trông rất lạ. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cô bé liền giải thích, nước và bột tượng trưng cho thuốc, pha lại với nhau, sau đó tưới vào cây cổ thụ này để nó được sống lâu, đâm chồi nẩy lộc mang lại bóng mát cho người dân. Tưới nước xong rồi đến sữa, mỗi lần đi vòng quanh ba lần như vậy, miệng đọc thần chú gì đó, trông rất chí thành. Sau đó, hai cây đèn thô sơ được thắp lên, đặt bên cạnh cây cổ thụ, cô bé đã trải báo ngồi đối diện cây cổ thụ, chắp tay thành kính đọc kinh cầu nguyện cho mẹ sớm siêu sanh về miền Cực Lạc. Có lẽ đây là tín ngưỡng nhân gian của người Sri Lanka, trước lễ Phật, sau đó cúng tế theo phong tục riêng của mình. Nét ngây thơ, hồn nhiên của cô bé cũng không dấu được nỗi buồn thầm kín khi nghĩ về mẹ. Những cử chỉ thương yêu dành cho Mẹ đã đong đầy trong ánh mắt trẻ thơ. Niềm tin trào dâng của cô bé khiến tôi liên tưởng đến sự kiện lịch sử Phật giáo, mặc dù đạo Phật tại Ấn đã bị xóa mờ qua nhiều thế kỉ, nhưng nhân cách và giáo lý của đức Phật luôn thấm nhuần trong lòng người xứ Ấn nói riêng và Phật tử các nước Phật giáo nói chung. Từ nhiều thế kỷ trước, Phật giáo đã truyền rộng khắp năm châu bốn bể, nhưng cũng nhiều thế kỷ qua, Phật giáo tại Ấn bị xóa nhòa. Tuy nhiên, tại đây, đã có một ngôi chùa với cảnh trí nghiêm tịnh, khiến lòng tôi tin về một tương lai tỏ sáng của Phật giáo tại đất nước này. Nơi đây thuộc tiểu bang Maharashtra, miền nam Ấn Độ. Năm xưa, tại tiểu bang này, giáo sư Ambedkar đã lãnh đạo phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ. Và ngày nay, phần lớn người dân trong tiểu bang này là Phật tử theo phong trào của giáo sư Ambedkar, họ rất tôn kính tu sĩ Phật giáo.

Trên đường về, cô bé tỏ vẻ vui sướng và tự hào về quê hương của mình khi nghe tôi hỏi đến phong tục tập quán của người Sri Lanka. Phật giáo là quốc giáo tại đất nước này. Hầu như, chùa ở Sri Lanka được xây dựng rất quy mô theo lối kiến trúc cổ xưa, các chú Tiểu xuất gia rất đông. Các ngôi chùa nhỏ ở những vùng quê thì nhiều không sao kể xiết. Người Sri Lanka ăn bằng tay giống phong tục người Ấn, những món ăn như bánh mì cari, cơm trộn với món xào xệt xệt các thứ đậu, choumin (mì vàng)… Tết Sri Lanka vào khoảng giữa tháng Tư Dương lịch, họ đón Tết trong ba ngày, ăn mặc và trang phục theo kiểu truyền thống, cách trang trí trong gia đình cũng gần giống người Việt Nam, nhưng màu sắc có phần sặc sỡ hơn. Ngày đầu tiên chúc Tết cha mẹ và được lì xì, sau đó đến chùa lễ Phật, Sư Trú trì xoa đầu và phát lộc đầu năm. Hai ngày còn lại thì đón Tết theo truyền thống dân tộc Sri Lanka và vui chơi giải trí theo phong tục cổ truyền… Nghi thức an táng người quá cố theo nghi thức Phật giáo. Họ an táng theo cách địa táng hoặc hỏa táng, rồi thờ cúng người thân quá cố trong ba tháng và hằng năm đều có mời quý Sư đến nhà tụng kinh cầu nguyện, sau đó tang chủ cúng dường phẩm vật để hồi hướng cho người quá cố. Tập quán an táng này giống tập quán Việt Nam hơn  Ấn Độ, mặc dù phần nhiều phong tục tập quán Sri Lanka ảnh hưởng từ Ấn Độ. Tại Ấn Độ, thi thể người quá cố đều được hỏa táng. Thi thể không liệm trong quan tài, chỉ được cuốn bằng chiếu hoặc tấm vải trắng và rải hoa xung quanh. Họ lưu giữ thi thể người thân chỉ vài tiếng đồng hồ, lâu lắm thì nửa ngày. Và sau những nghi thức tôn giáo rất đơn giản theo từng tín ngưỡng, phần lớn theo nghi thức Ấn giáo, họ cung tống thi thể đến nơi hỏa táng và sau đó, tất cả tro cốt được rãi trên dòng sông thiêng nào đó theo tín ngưỡng của họ. Người Ấn rất ít thờ cúng ông bà hay người thân quá cố. Vì họ quan niệm không nên lưu luyến những gì của người quá cố, để tiểu ngã của họ thanh thản hòa nhập với đại ngã Phạm thiên hoặc theo nghiệp thức mà thác sanh kiếp khác.

Trong cuộc sống, có những việc tưởng chừng rất bình thường, nhưng rất trân quý, cô bé Sri Lanka sau những giây phút lắng lòng vọng bái người Mẹ quá cố, lòng tràn ngập niềm tin để vững bước vươn lên, vượt qua mọi sóng gió của tâm hồn, mặc dù cuộc sống rải đầy hoa thơm và yên ấm trong tình thương yêu của Ngoại. Cô bé dừng lại nắm tay tôi thật lâu, hai dòng lệ trào dâng, ánh mắt hướng về một nơi sâu thẳm như thầm nhủ “Mẹ ơi! Con mãi mãi xa mẹ thật rồi, nhưng hình bóng mẹ vẫn luôn hiện hữu trong ký ức của con.”

Tuệ Giác
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr78, 2009]