Mẹ, ngôi chùa và mùa Thu

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nhà tôi ở cạnh một ngôi chùa có tên là Thiền Tôn – chỉ ngăn cách bởi một hàng rào cây dúi được cắt tỉa rất đẹp. Mẹ tôi thường bảo: “Nhà ở gần chùa là một diễm phúc”. Tôi chưa hiểu và tưởng tượng ra cái “diễm phúc” ấy như thế nào, nhưng hằng ngày chị em tôi thường rủ nhau qua sân chùa dạo chơi, được nằm ngủ trên những ghế đá dưới tàn cây nhãn, cây mít mát rượi; đôi khi lại được các cô chú chia cho vài trái chuối, vài cái bánh in – cảm thấy không có nơi nào hấp dẫn hơn nữa.



Buổi sáng sớm, sau khi đặt hai tô cháo đậu xanh và hai cục đường vào mâm, đậy chiếc lồng bàn bằng mây cũ kỹ đã có đôi lỗ thủng; mẹ tôi bươn bả gánh đậu hủ lên chợ! Khu chợ quê của xã nằm khép nép trên một khoảng đất trống; các sạp hàng, lều quán, đều làm bằng tranh tre, trông thấp bé – nghèo nàn như những mảnh đời ở đây. Hôm nào bán hết sớm, mẹ tôi quơ vội ít thức ăn, kịp về nấu cơm cho chúng tôi bữa trưa. Hôm nào ế, mẹ phải gánh đậu hủ đi rong sâu vào trong xóm, xế chiều mới về… Những hôm như vậy, tôi đều phải dặn em nằm ở ghế đá, chạy về thổi cơm. Chỉ ăn cơm với nước tương xin được ở chùa và đĩa cải luộc.

Sau bữa cơm chiều, tưới xong mấy vạt rau, luống cải, mẹ thường dắt chúng tôi qua chùa. Mẹ chỉ đưa hai chị em tôi vào chánh điện lạy Phật ba lạy, rồi thả cho chúng tôi đi chơi tùy ý. Mẹ ngồi lại trước pho tượng Phật Di Lặc thật lớn đặt ở giữa, lâm râm đọc kinh. Tôi không hiểu mẹ đọc những gì, nhưng nhìn dáng vẻ và nét mặt, tôi biết mẹ tôi vui và an tâm lắm. Mẹ ngồi bất động. Hai tay chắp giữa ngực. Tiếng đọc kinh vang lên đều đều, êm đềm, sâu lắng. Sau thời kinh, tôi không nhớ là bao lâu, nhưng thằng em năm tuổi của tôi đã bắt đầu kêu buồn ngủ – mẹ dẫn chúng tôi về… Vừa chui vào mùng, thằng em tôi đã ngáy khò khò ngon lành. Nhìn nó ngủ ngon và sâu, tôi nghĩ, tuổi thơ thật vô tư và đẹp biết bao. Trong tâm hồn nó, trí óc nó, chưa hề dính một vết bụi ưu phiền nào. “Đó là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người…” - tôi nghĩ vậy. Tôi nằm bên mẹ, lơ mơ ngủ, nghe tiếng mẹ thủ thỉ: “Con gắng trông em, đêm nào không sang chùa lễ Phật, đọc kinh, mẹ không ngủ yên giấc được!” Tôi chập chờn chìm sâu vào giấc ngủ mà vẫn còn nghe tiếng mẹ tôi trăn trở, thở dài… Sinh thằng Văn được chừng một năm, mảnh đạn trong lồng ngực cha tôi bắt đầu cựa quậy nhiều hơn. Mấy năm trước, thỉnh thoảng lúc trở trời, tiết giá lạnh, cha tôi mới bị đau nhức. Ông chỉ uống mấy loại thuốc rẻ tiền như Aspirin pH8, Stugeron, Prednisolone là cơn đau dịu dần. Dạo sau này, vừa đau nhức, vừa khó thở, lại kèm theo triệu chứng choáng váng, buồn nôn; bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh bảo phải chuyển vào Sài Gòn để giải phẫu, điều trị. Đi khám bệnh về, cha tôi im lặng không nói gì. Mẹ tôi gạn hỏi mãi, ông mới nhìn sững lên đôi mắt bà, thở dài: “Muốn giải phẫu, điều trị, phải có ba chục triệu đồng – gia sản nhà ta làm sao có đủ?” Mẹ tôi cũng phải im lặng. Một nỗi im lặng cay đắng. Mảnh đạn vô tình nào đã chui vào lồng ngực cha tôi, ghim mãi vào đó, suốt mấy mươi năm - để hôm nay đem lại nỗi đau thêm cho mẹ tôi? Tôi lại có ao ước muốn được lấy những mảnh đạn ấy ra cho cha tôi đỡ đau đớn; muốn được “nhìn tận mắt” chúng ra sao mà đã hành hạ cha tôi dữ như vậy?

Thế rồi sau một cơn khó thở và choáng kéo dài, cha tôi đã trút hơi thở cuối cùng. Dưới ánh đèn tròn vàng bệch, tôi thấy ông đưa tay lên như gọi tôi đến, rồi cánh tay buông xuống từ từ. Mẹ tôi không còn có thể giữ được sự im lặng lâu hơn nữa – bà òa lên khóc như một đứa trẻ! Thế là những mảnh đạn quái ác kia, lại theo cha tôi xuống sâu trong lòng đất! Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ “nhìn rõ mặt” chúng, nhưng có một điều, tôi biết rõ – đó là những mảnh đạn độc ác!

Kể từ dạo ấy, chúng tôi thường xuyên sang chùa chơi, lúc mẹ quảy gánh đậu ra chợ. Một hôm, đang cùng Văn rượt đuổi theo mấy chú bướm, chị em tôi chạy tít ra vườn sau. Dưới hàng tre già lả ngọn che rợp một vùng, chú Vy đang ngồi chẻ tre.

Tôi ghé lại bên chú, thỏ thẻ:
- Chú đang làm gì vậy?
- Chẻ tre, vót nang…
- Chẻ tre, vót nang để làm gì?
- Để làm lồng đèn…
- Làm lồng đèn để làm gì?
- Không biết để làm gì sao?     Chú dừng tay nhìn lướt lên mặt tôi, cười thân tình.
- Dạ, không!
Tôi cười ngượng ngùng.
- Chú làm lồng đèn để treo trước chánh điện nhân Rằm tháng 8 - Tết Trung Thu đó, biết không?
- Chú làm cho cháu một cái với…
- Được rồi! Chú cười cười có vẻ thích thú.
Tôi quay lại cầm tay thằng Văn, chợt nhớ: “À, mà chú làm cho cháu hai cái…”
- Sao cháu tham vậy? Mới xin một cái, bây giờ đòi hai!
- Chú vẫn nhìn hai chị em tôi với tia mắt trìu mến, đầy thương cảm.
Đêm Rằm tháng Tám năm ấy, cả xóm chỉ có hai chị em tôi là có lồng đèn cầm đi rung rinh đây đó. Buổi chiều, tôi và Văn cứ luẩn quẩn bên hai chiếc lồng đèn treo ở hiên nhà khách, không chịu về ăn cơm. Nghe tiếng mẹ tôi kêu vọng qua từ bờ rào, cô Hoàng phải cầm tay dắt chúng tôi ra cổng: “Hai cháu về ăn cơm đi, kẻo mẹ chờ. Ăn xong, qua đây nhận lồng đèn…”
Chú Tịnh đốt hai cây đèn sáp cắm vào hai chiếc lồng đèn, rồi giơ cao trước mặt chúng tôi – cười: “Cháu thích đèn ngôi sao hay đèn máy bay?” – “Em thích cái nào?” Tôi hỏi Văn. Nó chỉ lên chiếc lồng đèn máy bay, vì trông lạ mắt, và đẹp hơn.
- Nhỏ mà cũng có con mắt tinh vi đó chứ – Cô Hoàng và cô Bé cùng kêu lên, cười giòn giã.
Chúng tôi cầm lồng đèn đi dần ra ngõ. Mặt trăng đã nhô cao. tròn đầy. Tỏa ánh sáng trong vắt xuống cánh đồng, thôn xóm, lối đi… Tất cả đều chìm đắm trong một màu trăng mát dịu. Các cô chú đứng ở cổng nhìn theo chúng tôi với những tiếng cười…
Chúng tôi trở lại chùa và theo sau là một đám bạn nhỏ. Chùa đã đông người đến lễ Phật. Thầy trụ trì đang đứng ở ngưỡng cửa chánh điện, trông thấy đoàn chúng tôi ồn ào chạy vào sân; thầy bước xuống thềm, đưa tay vẫy gọi chúng tôi lại gần.
- Sao, đi rước đèn có vui không? thầy ôn tồn hỏi.
- Dạ thưa vui vui, chúng tôi đồng reo lên.
- Bây giờ có thích ăn kẹo không?
- Dạ, thích thích…

Thầy quay lại gọi cô Hoàng. Chúng tôi được thầy tận tay phát cho một nắm kẹo Chocolate. Đứa nào cũng mừng húm, cười toe toét…

Đêm ấy chúng tôi ở lại chùa khuya hơn mọi ngày. Đèn cứ sáng. Trăng cứ trong. Các cô chú ngồi cả ở bậc hiên, vừa chuyện trò, vừa ăn kẹo, uống trà. Lần đầu tiên, tôi chợt cảm thấy cuộc sống các cô chú thảnh thơi, vui vẻ quá! Tôi thầm mong ước sẽ được như vậy – Vào đời làm gì. Như cha tôi. Như mẹ tôi. Cho khổ?

Sau cái Tết Trung Thu năm ấy, theo lời dặn của thầy trụ trì, các Tết Trung Thu tiếp theo mỗi cô chú phải làm ba chiếc lồng đèn để phát cho mỗi chúng tôi vào chiều ngày 14. Chùa có cả thảy ba chú, hai cô. Như vậy là 15 chiếc lồng đèn đủ cho bọn nhỏ xóm tôi làm thành một đám rước rùm beng khắp nẻo… Suốt mùa trăng tháng tám, trong giấc ngủ của tôi bao giờ cũng đầy ắp ánh trăng, lồng đèn màu rực rỡ, và những viên kẹo thơm…

Tuổi thơ của chị em tôi rồi cũng lùi xa dần. Thời gian bay qua nhanh quá. Quảng đời mơ mộng tuổi thơ tôi đang nhường chỗ dần cho những lo toan, ưu phiền cùng mẹ tôi; học hết cấp ba, thì Văn cũng vừa lên lớp 8. Có lẽ nhờ mẹ tôi sang chùa cầu nguyện hằng đêm, nhờ tôi biết mẹ cực khổ tận tụy hy sinh, nên miệt mài ngày đêm vùi đầu vào chuyện học tập, tôi đã đậu thứ nhì vào trường Đại học Y Dược, ngành Y ở Sài Gòn. Ngày tôi từ giã mẹ và Văn để lên thị xã đón xe đi Sài Gòn, tôi có sang chào thầy trụ trì, và ngỏ lời từ giã các cô chú trong chùa. Thầy xoa đầu tôi, nở nụ cười hoan hỷ: “Cháu vào trong ấy gắng học cho giỏi hơn nữa nhé! Làm bác sĩ mà lơ mơ thì nặng tội lắm nghe không?” Thầy quay vội vào phòng, trở ra với chiếc bì thư: “Cháu cầm lấy mà chi phí lúc đi đường, Thầy mừng cháu đấy…” Tôi cầm phong thư mà lòng tràn đầy xúc cảm. Lần đầu tiên trong đời tôi cầm phong thư tiền của thầy mà rươm rướm nước mắt. Tôi biết được tiền bạc là khó kiếm, nhưng tình thương yêu nơi thầy càng khó kiếm hơn. Tôi lắp bắp cám ơn thầy trong lúc nước mắt cứ tự nhiên tuôn chảy…

Chỉ vài tháng sau, tôi được mẹ báo tin là Văn đã sang sống hẳn bên chùa Thiền Tôn – Thầy lo cho việc ăn học. Có lẽ thầy muốn chia sẻ gánh nặng cho mẹ tôi? Có lần tôi đã nghe thầy bảo: lo cho một mình tôi ăn học ở Sài Gòn còn chưa nổi, lấy đâu mẹ tôi lo cho Văn? Nghĩ đến tháng ngày Văn được sống bên người Thầy đạo hạnh, cạnh các cô chú hồn nhiên vui vẻ, tôi cũng cảm thấy yên tâm, xóa dần nỗi buồn tủi về một đứa em bất hạnh.

Như một sự sắp đặt nhiệm mầu, nhưng cũng vô cùng đau xót cho tôi – ngày tôi cầm lấy mảnh bằng bác sĩ y khoa chuẩn bị về quê thăm thầy, thăm mẹ thì nhận được tin điện của Văn: “Mẹ đang hấp hối, chờ chị về!”.

Từ vài năm nay, mẹ tôi thường có những cơn đau râm rang, âm ỉ ở phần giữa bụng. Có lúc chỉ đau thoáng qua. Có lúc cơn đau kéo dài suốt buổi. Tuy vậy, hễ ngồi dậy được, cơn đau tạm lắng yên là mẹ lại quảy gánh đậu hủ lên chợ, hay bươn bả ra đồng… Tôi luôn nuôi ý định sẽ đưa mẹ vào Sài Gòn để khám chữa trị. Ước mơ chưa thực hiện được, thì mẹ đã ra đi vì chứng bệnh nan y: “Ung thư tử cung”. Tôi đã buông bỏ tất cả để trở về, nhưng chỉ kịp nhìn mẹ thoi thóp, khô héo như một chiếc lá.

Tôi đã ở lại để cúng thất tuần mẹ – thật hy hữu thay, ngày ấy lại gần đến ngày Rằm tháng 8. Tết Trung Thu, mặt trăng tuy chưa tròn đầy, nhưng vẫn rực rỡ, trong vắt như thuở nào. Trung Thu, hai tiếng ấy gợi lên trong tôi biết bao là kỷ niệm. Làng quê, ánh trăng, những chiếc lồng đèn, bánh kẹo, mẹ và ngôi chùa – tất cả đã hằn in trong tâm khảm tôi, như những kỷ niệm thiêng liêng, hạnh phúc nhất của một đời người. Tôi như lơ lửng giữa ánh trăng thu bàng bạc.

Theo ý nguyện của Văn, thầy trụ trì đã hỏi ý kiến của tôi về việc Văn xin xuất gia sau đó sẽ thi vào trường Cao đẳng Phật học Lâm Đồng. Trước sân chùa, dưới tượng đài đức Quán Thế Âm, trong ánh trăng Thu lạnh lẽo, chúng tôi đã thức suốt đêm, cùng những giọt nước mắt. Sau cùng, Văn nhắc lại lời mẹ: “Nếu con có duyên đi tu được, thì đó là phước lớn cho đời con, cho gia đình”.
- Nhưng em có lúc nào hỏi kỹ lại lòng mình chưa? Tôi nhìn sững sờ lên khuôn mặt ươn ướt tràn đầy ánh trăng của Văn.
- Đã rất nhiều lần rồi, chị à! - Văn trả lời rắn rỏi - cuộc đời giả tạm này không có gì hấp dẫn em cả - Giọng văn đượm buồn.
Tôi không muốn thuyết phục em, hay tỏ ra ép buộc Văn phải vào Sài Gòn cùng tôi – bởi vì, chính tôi – trên những bước đường tha phương cầu thực ấy, cũng thật mờ mịt. Tôi chưa nhìn thấy rõ, rồi những bước chân duyên mệnh kia sẽ đưa tôi về đâu?
- Ngày kia, tức là đúng ngày Rằm, chị sẽ bạch cùng Thầy, làm lễ xuống tóc cho em. Tôi nghe rõ giọng nói của mình vang lên, như từ một cõi xa lạ nào vọng lại.
- Em xin cám ơn chị!
Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, mặc cho những dòng nước mắt nồng ấm ràn rụa trên mặt…
Vầng trăng Thu vẫn vằng vặc sáng trên đầu hai chúng tôi.

Mang Viên Long
[Tập san Pháp Luân - số 60, tr81, 2009]