Ngu ngơ Xuân mộng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sống giữa trần gian cát bụi của Ta-bà uế trược, Mặc Không Tử lẩn thẩn, ngu ngơ… mà vẫn nhẹ nhàng, thanh thoát, chánh niệm như đã phác họa trong bài thơ Ngu ngơ:


“Nửa đêm
trăng ghé vườn chùa
Viết bài thơ
Mộng
lên mùa Xuân phai
Ngu ngơ ngõ Trúc
trăng cài
Ngu ngơ cỏ lá
hiên ngoài đọng sương.”

Đầu bài thơ, tác giả đã cho ta biết thời gian là lúc “nửa đêm”, không gian là một “vườn chùa”. Cả thời gian và không gian đã vẽ ra một khung cảnh thật thanh tịch và “trăng” đã “ghé” vào nơi thanh tịch ấy. Có không ít nhà thơ đã nói về trăng, nhân cách hóa ánh trăng như trong Kiến và Trăng của Trần Mạnh Hảo, trăng đi tìm mắt kiến để làm nơi ẩn mình:

“Kiến con đi đón trăng rằm
Trăng chui vào mắt kiến nằm trăng chơi
Trăng to giữa biển giữa trời
Vẫn tìm mắt kiến làm nơi ẩn mình.”

Trăng của Phạm Thư Cưu thì trong trạng thái mộng:

“Một hôm trăng bước lên chùa,
Nghe chuông tỉnh mộng những mùa theo mây.”
(Trăng)

Trăng của Thư Cưu đang ở trong cõi mộng, còn chưa tỉnh giấc, nên đến khi nghe được tiếng chuông thì mới tỉnh mộng. Còn “trăng” trong Ngu ngơ của Mặc Không Tử là “trăng” du tử như một thi sĩ lang thang trong cõi mộng mà vẫn giữ được trạng thái hoàn toàn tỉnh thức; “trăng” đã “ghé” vườn chùa giữa cuộc lãng du. Từ “ghé” thể hiện tâm vô cầu, nhưng không hề vô định; bởi “trăng” ghé vườn chùa là để: “Viết bài thơ Mộng lên mùa Xuân phai”. Thật nhẹ nhàng, thật thanh thoát! Đọc đến đây, ta thấy “trăng” không chỉ là một thi sĩ mà còn là một Thiền sinh đã thấy sự vô thường và hiểu lý không của muôn vật. “Trăng” là bóng, là giấc mơ; “trăng” lại viết ra “bài thơ Mộng”; mộng cũng là bóng, là giấc mơ; “bài thơ Mộng” lại được viết lên “mùa Xuân phai”. Mùa chẳng vĩnh tồn vì nó luôn luân chuyển như một cái bóng, một giấc mơ. Đã thế, mùa Xuân ở đây đã “phai”. Khoảnh khắc của sự giao thời: “nửa đêm”, “mùa xuân phai”, v.v… cho ta thấy thời gian đều ở trong sự giao chuyển, đổi thay. Tất cả vô thường, đều không tánh, như Shotetsu đã từng nói trong bài Tanka:
“Hoa đào đêm xuân mộng
Cũng chỉ là mây bay.”
(Magaishi kumo mo
Haru no yo no yume)

Hay Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã nói trong bài Mộng chữ:
“Lật trang xuân, bụi rơi như phấn trắng
nghĩa lìa đôi, ý tưởng gãy khúc sầu
tim ráo rức, gió lao chao bờ vực
nghĩ phận người mây khói đã từ lâu.”

Phận người là xuân, là mộng, là mây, là khói… và rồi tan giấc mộng thì con người chỉ còn đối diện với không. Vì đã thấu suốt ảo ảnh của trần gian là thế, nên “trăng” du tử ở đây đã không “thả trôi mộng ước xuôi dòng, an nhiên ngồi ngắm bèo rong lòng mình” mà lại:
“Ngu ngơ ngõ Trúc
trăng cài
Ngu ngơ cỏ lá
hiên ngoài đọng sương.”

Trăng ngu ngơ, cỏ lá cũng ngu ngơ. Đọc đến đây lòng ta tự hỏi: Trăng ngu ngơ, cỏ lá ngu ngơ hay tác giả ngu ngơ? Nếu không tỉnh thức thì làm sao thấy được cảnh sinh động này và không có một tâm hồn thơ nhạy bén thì đã không thể diễn tả tài tình với nghệ thuật đảo ngữ hay đến thế! Trăng “ngu ngơ” ghé vườn chùa, trăng “ngu ngơ” cài ngõ trúc, v.v… Cái “ngu ngơ” thật ra chẳng ngu ngơ tí nào.

Ở phương Đông, vườn trúc thường được các bậc hiền nhân dùng làm nơi ẩn dật, sống cuộc sống cao nhã, không mưu cầu, không vụ lợi. Trúc có dáng thanh thoát, phân minh được người đời ưa thích, thường trồng trong vườn làm cảnh, thường được sử dụng làm chất liệu để diễn tả sự chứng ngộ trong cửa thiền: “Như thực như hư, bóng trúc quét hiên bụi trần không động.
Tức không tức có, trăng soi đáy biển mặt nước chẳng xao.” (Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động.
Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải để thủy vô ngân).

Ở đây, trăng ngu ngơ lại biết cài ngõ trúc; cái “ngu ngơ” rất tỉnh, rất thánh thiện. Chính cái ngu ngơ đó của trăng trong thơ Mặc Không Tử gợi cho ta nhớ đến cái “lẩn thẩn” của trăng trong thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh:
“Sống như đá mà lòng chưa hóa đá,
Lẩn thẩn trăng và lẩn thẩn cánh buồm khơi.”
(Lẩn thẩn một dòng sông)

Cái “ngu ngơ” và cái “lẩn thẩn” này thật duyên dáng, thật đáng yêu mà cũng thật chánh niệm. Cái “ngu ngơ” cuối cùng trong bài thơ rất thiền. Tất cả được kết lại thành những giọt sương lung linh trên cỏ lá: “Ngu ngơ cỏ lá hiên ngoài đọng sương”.

Hai chữ “đọng sương” khiến ta tưởng chừng như là một sự đón nhận một cách thụ động, bất lực. Nhưng không. Sự đi đến, kết dính và đọng lại của những hạt sương là quy luật tự nhiên, là duyên sinh. Những hạt sương đọng trên cỏ lá long lanh dưới ánh trăng tạo nên thi hứng và thiền vị. Vì vậy, ta thường bắt gặp cảnh thiên nhiên trong những câu chuyện vấn đáp thiền như:

Có một vị Tăng hỏi:
- Cái gì là Đại Bát-nhã?
Thiền sư đáp:
- Tuyết lướt bay và vạn vật chìm trong sương mù.
Vị Tăng kia không tỏ hội, Thiền sư bèn đọc kệ:
“Maha Bát-nhã…
Gió thì lạnh giá
Tuyết thì trắng tinh.”

Thiền sư mượn hình ảnh cụ thể như tuyết trắng, gió lạnh để chỉ khái niệm Đại Bát-nhã nhằm khai ngộ cho thiền sinh. Ở đây, trăng sáng soi những hạt sương long lanh giữa đêm khuya tạo thành bức tranh sinh động và “ngu ngơ” của Mặc Không Tử.

Chỉ có 28 chữ thôi, mà không hiểu sao bài thơ như một khối nam châm khổng lồ hút lòng tôi đến vậy. Ngay từ câu thơ đầu tiên đã khiến cho tôi như cũng muốn ngu ngơ và rồi khi câu thơ cuối cùng vừa khép lại, thì lòng tôi bỗng ước muốn được giống như đá, như núi trong Mộng chữ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh, để được... gom ngu ngơ và cũng để được… trôi lăn:
“Đá đứng dậy gom ngu ngơ vào ký ức
Núi biết rồi, bóng núi cũng trôi lăn.”   

Trúc Khê
[Tập san Pháp Luân số - 42, tr.60, 2007]