Pháp thoại của TT. Thích Thái Hòa cho ngày Hạnh của ngành nữ GĐPTVN
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Thưa tất cả quý ACE Huynh trưởng GĐPTVN
Cùng tất cả trại sinh ngày Hạnh quý mến,
Trong Lục Độ Tập Kinh, có dạy: “Thà mất nước không thà mất hạnh”. Thà mất nước là thà mất biên cương, lãnh thổ, chứ không thà mất hạnh. Mất hạnh là mất văn hóa, mất nếp sống đạo đức, mất thuần phong mỹ tục, mất nhân tính, mất đi lý tưởng sống. Mất nước là mất biên cương, mất lãnh thổ, mất chủ quyền quốc gia, mà còn Hạnh, nghĩa là còn nền đạo đức của một dân tộc, còn nền văn hóa của một dân tộc, còn thuần phong mỹ tục của một dân tộc, và còn lý tưởng sống của một dân tộc, thì việc mất chủ quyền về chính trị, mất biên cương, mất lãnh thổ của dân tộc, sớm muộn gì cũng có thể phục hồi lại được, nhưng một dân tộc không mất biên cương, lãnh thổ mà mất Hạnh thì vĩnh viễn mất nước.”
Cũng vậy, người Phật tử chúng ta, dù mất sinh mạng, nhưng không mất lý tưởng, thì chúng ta vẫn còn là một con người nguyên vẹn trong lý tưởng giác ngộ.
Muốn duy trì hạnh nguyện của người Phật tử ngành nữ, chúng ta cần phải thực hành hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm. Chúng ta thực hành muôn hạnh cũng không ra ngoài hạnh ấy.
Muốn duy trì hạnh Đại Trí và Đại Bi của Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng ta phải duy trì hạnh ấy bằng chính thực hành hạnh lắng nghe. Đạt được hạnh lắng nghe là chúng ta có thể thành tựu được các hạnh tinh tấn, bố thí, nhẫn nhục, thiền định, và trí tuệ ngay trong cuộc sống này.
Tâm chúng ta luôn luôn xáo động, thân chúng ta luôn luôn manh động, thì làm thế nào để chúng ta có thể ngồi yên để lắng nghe người khác nói.
Hạnh lắng nghe là luôn lắng nghe người khác khen mình và lắng nghe người khác chỉ trích mình, bôi nhọ mình mà mình vẫn giữ được thái độ trầm lặng, mỉm cười và thương xót, đó mới là người thực hiện hạnh lắng nghe, hạnh ấy chỉ người lớn mới có khả năng thực hiện được.
Thực hiện hạnh lắng nghe cũng là thực hiện hạnh bố thí, để làm vơi bớt niềm đau của người, chúng ta lắng nghe người khác nói với tâm tư điềm tĩnh, không sợ hãi đó là chúng ta đã bố thí tâm không sợ hãi cho người.
Người đời có hai cái sợ, một là cái sợ bên trong và hai là cái sợ bên ngoài. Chúng ta lắng nghe người khác khen và chê ta, mà không hề có sự sợ hãi cả bên trong lẫn bên ngoài, như vậy là từ trong hạnh lắng nghe, chúng ta đã thành tựu hạnh vô úy.
Chỉ thực hành hạnh lắng nghe thôi, là chúng ta cũng thực hành được khẩu nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp thanh tịnh vậy. Như vậy, chúng ta đã thành tựu trì giới Ba-la-mật.
Lắng nghe người khác nói hoặc nghe người khác tâm sự nỗi buồn của họ, một cách hoan hỷ, đó là ta đã thành tựu được hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật. Nơi nào cũng lắng nghe, lúc nào cũng lắng nghe, lắng nghe tất cả những tiếng kêu đau thương của hết thảy mọi người, mọi loài là chúng ta thành tựu được tinh tấn Ba-la-mật.
Lắng nghe tiếng khen chê mà tâm không bị xao động, bất động trước khen chê, thị phi của cuộc đời là ta thành tựu thiền định Ba-la-mật.
Từ sự lắng nghe dẫn ta đến trí tuệ. Ta lắng nghe để thấy rõ chơn vọng của cuộc đời, thấy rõ tác nhân, tác duyên của mọi vấn đề, thấy rõ nhân quả nghiệp báo của mọi vấn đề, như vậy là ta thành tựu trí tuệ Ba-la-mật.
Bồ-tát Quán Thế Âm nhờ thực hành hạnh lắng nghe mà thành tựu viên mãn Lục độ.
Quý vị là ngành nữ, tay yếu chân mềm có nhiều lo âu và sợ hãi. Sợ hãi dông bão giữa cuộc đời, cũng như dông bão trong lòng mình nổi lên và cần có nơi nương tựa, nên hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm là hạnh mà quý vị có thể nương tựa để thực tập tạo ra chất liệu an ổn trong đời sống hàng ngày.
Nhờ thực tập hạnh lắng nghe, quý vị không những có khả năng cứu đời, mà còn làm nơi nương tựa cho các con và em của mình, và cuộc sống của quý vị trở thành linh hoạt trong mọi tình huống, như Bồ-tát Quán Thế Âm linh hoạt chuyển vận bánh xe chánh pháp để độ đời.
Nơi nào có bất công, kỳ thị, thì nơi đó có Bồ-tát Quán Thế Âm xuất hiện. Bồ-tát Quán Thế Âm đã hóa thân thành Quan Âm Diệu Thiện để chữa lành bệnh cho cha. Bồ-tát Quán Thế Âm đã hóa thân thành Quan Âm Thị Kính bị bà mẹ chồng hiểu lầm, đã nhẫn nhục kiên trì, không nổi tâm thù oán, sân hận. Bồ-tát Quán Thế Âm đã hiện Tiêu Diện đại sĩ để nhiếp phục loài đầu trâu mặt ngựa, khiến chúng trở về với đạo đức lương thiện.
Do đó, chúng ta thực tập hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm, hy sinh vì hiếu như Quan Âm Diệu Thiện, chấp nhận mọi ngộ nhận để đem lại lợi ích cho xứ sở như Quan Âm Thị Kính, và phải biểu hiện đại hùng địa lực như Tiêu Diện đại sĩ để cứu nước, cứu dân, và nghe bất cứ nơi nào có tiếng gọi bị áp bức, thì Bồ-tát liền xuất hiện ở đó, dưới nhiều hình thức để lắng nghe và cứu hộ.
Trong thời đại ngày nay của chúng ta, là thời đại quá ư là ngoại giao, ngôn ngữ được sử dụng hết sức điêu luyện và xảo trá, lại thêm nền văn minh tin học, lượng thông tin bùng vỡ, có những người đã lợi dụng văn minh tin học để loan truyền những tin tức không chuẩn xác, chỉ nhắm tới mưu lợi cho cá nhân, phe nhóm hay chủ nghĩa mà không phải vì hạnh phúc và an lạc cho thế giới con người. Cho nên vào thời đại của chúng ta hiện nay, việc thực tập hạnh lắng nghe để khám phá và phát hiện sự thật lại là một pháp môn hết sức cần thiết để cứu mình và cứu đời. Lắng nghe là một phép lạ để khám phá sự thực của mọi tâm hồn và mọi thông tin từ mọi phía đến với chúng ta.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta nói nhiều thì sẽ bị lỗi nhiều, nói ít thì ít lỗi, không nói thì không lỗi. Chỉ im lặng và thực hiện, mỗi chúng ta cũng đều trở thành hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Như thế, chúng ta có thể làm cho trần gian cạn vơi đi những hư dối và tủi luỵ.
Cầu nguyện đức Bồ-tát Quán Thế Âm, gia hộ cho tất cả chúng ta thực tập hạnh Lắng Nghe một cách thành công.
TT. Thích Thái Hòa
[Tập san Pháp Luân - số 17, tr.30, 2005]