Sự thành đạo của đức Phật Thích-ca và bài học về sự quyết tâm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Pascal có nói rằng: “Con người chỉ là một cây sậy nhưng là cây sậy có tư duy, nhờ có tư duy mà con người có thể thấu hiểu trọn vẹn vũ trụ”.


Thật ra, tùy vào nhận thức khác nhau mà câu nói này được giải thích theo nhiều khía cạnh khác nhau, và theo cách hiểu của người viết thì câu này có nghĩa đại khái là: con người tuy là một động vật nhỏ bé và yếu ớt, nhưng nhờ có tư duy mà con người có thể làm được mọi thứ và chinh phục được mọi hoàn cảnh để tồn tại trên cuộc đời. Nói cách khác, theo Pascal, tư duy chính là nền tảng, là động cơ cho mọi hành vi và thành tựu của con người.

Thật đúng như vậy, cái khác biệt căn bản nhất giữa con người và các động vật khác đó chính là con người có tư duy, nhờ có tư duy mà con người có thể làm được những cái mà các động vật khác không thể nào làm được. Tuy nhiên, tư duy của con người vô cùng đa dạng: có những tư duy lệch lạc nhưng cũng có những tư duy đúng đắn, có những tư duy tầm thường nhưng cũng có những tư duy cao cả. Tư duy lệch lạc chính là những tư duy đi ngược với đạo lý làm người và trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội, là những tư duy xa rời tính nhân bản và phá hoại nét nhân văn. Tư duy tầm thường là những tư duy có tính chất vị kỉ, tư duy về cái tôi và cái của tôi. Ngược lại tư duy lệch lạc ấy là tư duy đúng đắn. Tư duy cao cả là những tư duy hướng đến sự an vui lợi lạc cho vạn loại hữu tình, những tư duy hướng đến sự tột cùng của Chân, Thiện, Mỹ. Thái tử Tất-đạt-đa là một người có tư duy cao cả như thế.

Lịch sử cho biết, ngay từ khi còn là một cậu bé, thái tử Tất-đạt-đa đã luôn lộ vẻ trầm tư và trên gương mặt lúc nào cũng thoáng nét buồn khó tả. Và, nhất là khi chứng kiến được nỗi khổ đau của cuộc đời, Thái tử luôn thao thức đi tìm một phương pháp hoàn mãn nhằm giúp muôn loài thoát khỏi những đau khổ ấy. Với thao thức như vậy, từ một Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, có cả vợ đẹp con ngoan, và mặc cho sự ngăn cản quyết liệt của thân phụ, Ngài vẫn quyết tâm từ bỏ tất cả và khoác lên mình chiếc áo thô sơ, một thân một mình vượt rừng lội suối để lên đường tầm sư học đạo. Trải qua bao nỗi gian truân khó nhọc, thử nghiệm bao nhiêu phương pháp và thành tựu được bao nhiêu đạo quả, thế nhưng, tất cả những gì đã đạt được vẫn không làm cho Thái tử hài lòng, vì Ngài nhận thấy rằng đó không phải là phương pháp hoàn mãn để cứu khổ cho chúng sanh. Cuối cùng, Thái tử đã dừng lại dưới cội Tất-bát-la và phát nguyện rằng nếu không chứng được đạo quả Bồ-đề thì quyết không rời khỏi cây này. Từ đó, suốt 49 ngày đêm, Ngài không ngừng nỗ lực tư duy thiền định, chiến đấu với bao tâm lý phức tạp và chịu đựng với bao nỗi khắc nghiệt của khí hậu thời tiết: ngày thì nắng táp mưa sa, đêm thì muỗi mòng cắn đốt vẫn không nản chí sờn lòng. Nhờ quyết tâm mãnh liệt như vậy, Ngài đã thành công một cách mỹ mãn – Ngài đã đại ngộ, đã thấy được nguyên nhân khổ đau của chúng sanh và tìm ra được phương pháp hoàn mãn nhất để loại trừ nó. Chính sự thành công vĩ đại này mà Ngài đã trở thành vĩ nhân của nhân loại, và từ đó Ngài được xưng là Phật Thích-ca.

Quá trình xuất gia và sự thành công vĩ đại của Thái tử Tất-đạt-đa đã để lại cho đời một bài học vô cùng giá trị. Đó chính là điều kiện tiên quyết để sống trên đời, phải có lý tưởng và nguyện vọng, và để đạt được lý tưởng, nguyện vọng ấy, cần phải có quyết tâm. Không có quyết tâm, cho dù lý tưởng có cao cả đến thế nào thì cũng chỉ là lý tưởng chết. Nếu không có quyết tâm, liệu Thái tử Tất-đạt-đa có thể từ bỏ được cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan? Có thể thuyết phục được sự ngăn cản quyết liệt của phụ hoàng? Có thể vượt qua mọi gian nan khó nhọc trên bước đường tầm sư học đạo? Có thể chinh phục được sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết? Và điều quan trọng nhất là có thể chiến thắng được những tâm lý phức tạp luôn làm xáo động tâm tư Ngài để rồi trở thành một con người vĩ đại trong lịch sử nhân loại? Cho nên có thể nói rằng, quyết tâm luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đến sự thành công tốt đẹp của con người.

Làm người ai cũng muốn cho công việc của mình được thành công một cách tốt đẹp, nhưng điều quan trọng nhất là ở chỗ có quyết tâm hay không có quyết tâm. Bởi vì quyết tâm là điều kiện cần thiết giúp ta có nghị lực để vượt qua mọi trở ngại trong quá trình thực hiện ý tưởng cao đẹp của mình. Và, cũng cần phải nói thêm rằng, quyết tâm ở đây không chỉ là quyết tâm thực hiện một công việc cho đạt được mục đích mà còn quyết tâm không để bị lung lay, sa ngã bởi những cám dỗ của những việc làm xấu xa và bạn bè hư hỏng.

Cuộc sống vô cùng phức tạp và con người luôn phải đối mặt với không biết bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn đồng thời luôn bị bao vây bởi những môi trường xấu, nếu không có quyết tâm con người không thể nào đứng vững được, cũng giống như cây sậy không thể đứng vững trước những trận cuồng phong.

Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ ràng giữa quyết tâm và cố chấp. Bởi lẽ, quyết tâm là sự cố gắng nỗ lực cho mục đích tốt đẹp, lành mạnh. Trong lúc đó, cố chấp là sự bảo thủ cho một ý tưởng lệch lạc và hành động sai lầm. Và, kết quả khác biệt của hai vấn đề nầy là, quyết tâm sẽ đưa đến sự thành công mỹ mãn; trong lúc đó, cố chấp sẽ dẫn đến sự thất bại nặng nề thậm chí còn rơi vào con đường sai lầm tội lỗi. Cho nên mới nói rằng, quyết tâm cần phải đi liền với lý tưởng cao đẹp là vậy.

Hôm nay, sắp đến ngày 08 tháng 12, cái ngày mà Thái tử Tất-đạt-đa thành tựu được chí nguyện cao cả của mình, chấm dứt một quá trình tu tập đầy gian nan khó nhọc, bỗng dưng lý tưởng cao đẹp và sự quyết tâm vĩ đại của Ngài lại hiện về trong tâm tưởng khiến người viết muốn ghi lại nơi đây vài dòng để chia sẻ cùng mọi người. Mong rằng, tất cả chúng ta đều có lý tưởng cao đẹp và quyết tâm lớn như vậy để xây dựng cuộc đời ngày một tốt đẹp, an vui.

Thích Nữ Chơn Hạnh
[Tập san Pháp Luân - số 46, tr.22, 2007]