Huynh đã bao lần muốn viết thư trò chuyện với đệ để làm sao chiếc áo ấy luôn được tiếp tục duy trì, chuyển hóa dòng đời ra khỏi những tiếng khóc bi tâm, nhưng chưa viết được.
Đệ thương mến,
Ngày xưa, khi đệ khoác chiếc áo giải thoát của kẻ lữ hành thong dong tự tại, huynh bảo đây là chiếc áo kế thừa của Thầy Tổ từ ngàn xưa, là chiếc áo tinh khôi thẩm thấu tinh thần từ bi, trí tuệ của chư Phật ban tặng. Huynh đã bao lần muốn viết thư trò chuyện với đệ để làm sao chiếc áo ấy luôn được tiếp tục duy trì, chuyển hóa dòng đời ra khỏi những tiếng khóc bi tâm, nhưng chưa viết được.
Thế rồi, tiếng đời, tiếng gọi con tim đã chuyển tâm hồn đệ sang chiều khác. Thay vì bước đi trên con đường “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục” của một hành giả thì đệ lại chọn con đường theo biến dịch của dòng đời, dẫn thân vào dòng thác lũ, không định hướng được tương lai sẽ về đâu. Chắc có lẽ trong tâm tư đệ nghĩ rằng, con đường hiện tại đệ chọn và đi là con đường đem lại hạnh phúc. Có lần huynh hỏi hạnh phúc là gì thì đệ im lặng, ậm ừ, không trả lời được. Nói chuyện với đệ, huynh nhận ra trong tâm đệ luôn khuôn định một khái niệm hạnh phúc xa rời thực tế, đó là hạnh phúc được cấu trúc bằng một tư duy hướng ngoại truy tầm.
Hạnh phúc là gì nhỉ? Có phải chăng là sự đối đãi giữa được mất khen chê, hay là cảm giác an vui chợt đến chợt đi của cái gọi là đổi thay trong từng sát na sinh diệt. Bàn đến hạnh phúc thì không thể nào đưa ra một định nghĩa thật sự, thôi cứ để đó cho người ta định nghĩa, còn hạnh phúc của huynh hôm nay là được trò chuyện với đệ. Hạnh phúc có mặt khi huynh đệ chúng ta ngồi lại với nhau, chia sẻ để tìm những lời giải cho bài toán của cuộc đời, bài toán ấy hóa giải khổ đau, đem lại hạnh phúc chân thật cho mình và người trong hiện tại và tương lai.
Những giây phút ngồi lại chia sẻ với đệ là những giây phút huynh tìm lại trong đệ những nội kết đã buộc chặt từ những định kiến tư duy sai lầm hay những cấu trúc ngôn ngữ thiết định nên từ cuộc sống o bế hẹp hòi. Giây phút ấy, huynh thấy tất cả ưu phiền mà đệ đang gặp phải, những chán chường, lo âu và sợ hãi, những thiếu thốn đời sống tình cảm từ người thân, những cận cảnh khổ đau khi đệ đối diện với cái cô liêu của một kẻ lữ hành. Và vì không tìm ra được lối thoát, đệ vội đem cái bình an tĩnh lặng tâm hồn so sánh với cái biến động dòng đời, tưởng thật rồi chạy theo, rong ruổi để tìm ra câu giải đáp. Chính lúc rong ruổi ấy lại là lúc đệ thấy mình hụt hẫng, thấy mình như kẻ bị treo giữa đỉnh núi ngút ngàn và hố sâu thăm thẳm, đệ hoảng hốt giữa hư không trống rỗng, cố bám víu cái gọi là khát khao sự sống vừa vùng dậy, choáng ngợp, hấp dẫn và vui tươi, nhưng ẩn chứa đằng sau là cơn gió lốc thịnh nộ của bão giông từ bao nhiêu kiếp. Và ngay lúc ấy, chợt có lời nói ngọt ngào ngày đêm rỉ rả bên tai vọng đến, đệ bám lấy và chạy theo, rồi tự nghĩ rằng đó là điều đem lại an vui thực sự, chính tiếng ngọt ngào ấy đã làm rung động con tim. Đệ đã ra đi. Đệ vội từ bỏ ngôi nhà ấm áp tràn đầy tình thương của huynh đệ, Thầy Tổ để lặn trôi giữa dòng đời xuôi ngược. Đệ có khi nào tự mình quán chiếu về cuộc đời của đức Phật chưa. Ngày xưa Thái tử Tất-đạt-đa đã dẫm trên tất cả những xa hoa gấm lụa, quyền danh chức vị, từ bỏ những tiếng ngọt ngào mời gọi ngày đêm của cung phi mỹ nữ, buông mình làm kẻ rong chơi từ muôn vạn kiếp ra đi. Ngài ra đi, tiếng nói bi hùng của tâm hồn bừng tỏa, dấn thân vào tìm đạo giải thoát khổ đau cho cuộc đời. Sự từ bỏ của Thái tử là sự từ bỏ vĩ đại. Sự ra đi của Thái tử đã đem lại ánh sáng phá tan màn đêm u tối bao trùm từ muôn kiếp và khẳng định lại khả năng hạnh phúc chân thật tiềm tàng ngay tự thân của mỗi người: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Hay nói đúng hơn trong tự thân của tất cả mọi người đều sẵn có niềm vui chân thật, niềm vui đó vượt ra ngoài những cám dỗ, buộc ràng của thế gian.
Đã là cuộc sống hiện hữu, ai không bị vướng bận cái này, thì cũng bị vướng bận cái kia, và cái ràng buộc khó dứt hơn hết chính là sợi dây tình ái. Ngài từ bỏ, còn chúng ta, những người con của đấng Sư tử vương đáng lẽ phải noi gương hành trì, kế tục sự nghiệp đem lợi lạc cho đời, lại để cho tâm hồn của chúng ta vướng lụy, chấp lấy nó mà quên con đường mình đang thực hành là con đường gì, mình đang gặt hái được gì?
Cuộc sống có lẽ là vậy, biết để rồi khuyên răn và tìm ra câu giải đáp. Vấn đề mình nhận ra được bản chất của cuộc đời là gì, có thoát ra khỏi cái bế tắc đó hay không mới là chính yếu. Cũng như đệ, dẫu biết dẫn thân vào cuộc đời là mang lại cho mình bao nhiêu sự khổ lụy, nhưng đệ vẫn cố chấp để bước vào. Cánh cửa từ bi sẽ không bao giờ khép kín và luôn đợi chờ người con nhiều năm thất lạc quay về. Đến lúc nào đó, đệ sẽ thấy bước chân mình mệt mỏi, nhận thấy cuộc đời chỉ là phù du, không có gì đáng phải nắm giữ.
Hãy quay về nghe đệ! Chỉ khi đệ thật sự trở về, thật sự thấy cái Phật tánh uyên nguyên sẵn có, nhưng vì lặn hụp lầm mê muôn kiếp nên hiện tại cần phải nhận diện và tu tập, thì lúc đó hạnh phúc sẽ hiện khởi. Chỉ có lúc đó đệ mới trả lời được câu hỏi hạnh phúc là gì mà trước đây em chưa từng bắt gặp trong tiềm thức cũng như trong lẽ sống thường tình.✍
Nguyên Tân
[Tập san Pháp Luân - số 45, tr.90, 2007]