Vấn đề Thân giáo của một huynh trưởng GĐPT

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phàm ở đời, ai cũng muốn được mọi người yêu mến, kính trọng, muốn lưu danh thơm cho đời sau, muốn được mọi người tán thán, khen tặng. Nhưng họ thường quên nhìn lại tư cách, phẩm chất đạo đức của mình mà chỉ trau chuốt cái vỏ bên ngoài để tự cho mình xứng đáng với sự kính trọng của cuộc đời. Và quên rằng để đạt được những mong muốn trên là do cách sống giữa đời, từ thái độ đối đãi với người chung quanh.

 

Cho nên, thân giáo là một trong những yêu cầu quan trọng cần được quan tâm tu chỉnh, rèn luyện. Ở đây, người viết xin mạn phép cùng trò chuyện với tư cách là một người Huynh trưởng trong tổ chức GĐPT để cùng nhau suy nghĩ, giúp nhau tiến bộ và thăng hoa trong cuộc sống.

Người huynh trưởng là ai? Đó là những đoàn sinh lớn lên trong tổ chức GĐPT có thời gian sinh hoạt và tu học lâu năm, gắn bó trong bộ đồng phục lam. Là những vị đã kinh qua vài khóa huấn luyện như Lộc-uyển, A-dục, nhất là đã tự giác phát nguyện trước đức Thế Tôn xin nhận trách nhiệm vừa tự giác, vừa giác tha để đền ơn Phật tổ.

Biết sơ sơ về lý lịch như vậy chúng ta đã có thể hình dung một anh hay chị trưởng phải là người có Tâm đạo, có vốn Phật pháp, có trình độ hiểu biết và sống theo đạo lý làm người một cách đúng đắn ngiêm túc.

Tại sao một Huynh trưởng GĐPT phải đặt nặng vấn đề Thân giáo? Vì các anh, chị là những người đại diện cho một đơn vị Phật giáo sống theo tôn chỉ Bi-Trí-Dũng, là người đứng trước hàng chục, hàng trăm đoàn sinh hay nhiều hơn nữa để làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ dạy cho thế hệ trẻ đi vào Đạo, giúp họ thực hành Bát chánh đạo và vận dụng lời giáo huấn của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni ngay cuộc sống của mình để trở thành người Phật tử thuần thành, người con hiếu thảo và cũng là người công dân mẫu mực cho xã hội.

Để thực hiện nhiệm vụ này có hiệu quả thì lẽ đương nhiên, trước hết, anh, chị phải lấy chính bản thân mình làm đối tượng giáo dục, lấy chính cuộc sống của mình từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, hành động của mình với gia đình, họ hàng, bà con lối xóm... làm gương để các em có thể kiểm nghiệm điều Huynh trưởng nói mà học hỏi, noi theo.

Thử hỏi, nếu mọi người nhìn thấy một Huynh trưởng mà chưa quy y Tam bảo, nghĩa là chưa tự nguyện giữ năm giới luật Phật dạy cho người Phật tử tại gia, thì làm sao có thể dạy các em quy y Tam bảo và tôn kính Tam bảo?

Theo thiển ý của tôi, một Huynh trưởng khi được công nhận chính thức vào hàng ngũ Huynh trưởng GĐPT, người ấy cần phải có một trình độ học vấn nhất định để có đủ trí tuệ tiếp thu Phật pháp và từ đó có thể đem điều hiểu biết về lời Phật dạy truyền lại cho các em. Nếu Huynh trưởng thiếu trình độ, thua đoàn sinh thì không thể nào giảng pháp và thuyết phục đoàn sinh tin cậy tôn trọng mình?

Thử nhìn vào xã hội, thấy người Huynh trưởng sống đời sống không chánh mạng, buôn gian, bán lận, cân thừa đo thiếu, cho vay lấy lãi, mua bán số đề, ăn nói hung tợn, đánh lộn, chửi thề, đa ngôn vọng ngữ... thì làm sao đủ tư cách giảng dạy giáo lý Phật-đà cho đoàn sinh? Ngoài ra, còn có vài Huynh trưởng la cà trong quán bia rượu, ngày nào cũng uống rượu như uống nước thì người ấy có thể làm được điều gì tốt lành, đúng đắn cho gia đình, cho cuộc đời?

Hơn nữa, một Huynh trưởng mà không thể ăn chay 10 ngày trong một tháng thì làm sao động viên được đoàn sinh ăn chay trong 4 ngày? Mà không ăn chay được thì không thể thực tập và nuôi dưỡng tâm Từ Bi. Bởi người Phật tử mà từ chối việc huấn tập tâm Từ Bi thì không thể gọi là một người Phật tử chân chính.

Nhiều Huynh trưởng chỉ mới dừng lại ở hoạt động đến chùa vào buổi sinh hoạt của GĐPT hoặc đi dự lễ trong ngày Phật Đản, Vu Lan... ngoài ra ít thấy người nào về chùa để hòa cùng với quý Thầy, quý Cô hay các bác Ban hộ tự tụng kinh niệm Phật, tu bát quan trai hoặc đi làm từ thiện xã hội, nhất là đi nghe thuyết pháp. Một huynh trưởng nếu không chịu tu tập thì chẳng thể nào mở mang trí tuệ để thực hiện tiêu chí Trí của GĐPT.

Trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh gia đình, mỗi Huynh trưởng có một cách mưu sinh, nghề nghiệp khác nhau. Nhưng thiết nghĩ đã là Huynh trưởng,  thì phải chọn nghề nghiệp thích ứng với đời sống Phật tử, Dũng cảm định hướng đúng đắn cho mình. Huynh trưởng GĐPT không thể vì lợi nhuận mà làm các nghề có liên quan đến rượu chè, cờ bạc như làm chủ quán nhậu, quán karaoke... và ngay cả làm nghề đồ tể cũng nên tìm cách buông bỏ mới đảm bảo được tư cách đạo đức của mình. Bởi một khi đã phát nguyện nhận trách nhiệm Huynh trưởng GĐPT, đương nhiên lấy bản thân mình làm tấm gương soi cho đàn em nên phải buộc lòng lựa chọn mà thôi. Đó là chỉ mới Huynh trưởng tập sự, sau khi được phong cấp Tập - Tín hay Tấn - Dũng thì chắc chắn các anh chị phải hoàn thiện bản thân mình ở mức độ cao hơn nhiều. Nếu thấy khả năng của mình không thể dùng Thân giáo thì xin từ chối, không nên phát nguyện, vì một khi đã nhận trọng trách ấy thì phải giữ tư cách của mình đúng theo tinh thần Huynh trưởng mẫu mực. Ở đây, chúng ta phải biết rằng, làm huynh trưởng là tự nguyện chứ không phải bị một ai bắt buộc hay trói buộc bởi bất cứ điều gì, mình phụng sự tổ chức áo lam không phải vì được phong cấp hay có chức vị mới làm. Tâm nguyện của người huynh trưởng chính là tâm nguyện hi sinh vì tổ chức và đàn em của mình!

Ngày nay, không ít Huynh trưởng xem thường việc học, tìm hiểu giáo lý. Chúng ta thấy, ngoài chút vốn giáo lý của các bậc học ra ít khi người huynh trưởng chịu tìm hiểu học hỏi thêm kinh sách, nghe thuyết giảng trực diện từ quý thầy cô hay nghe qua các băng đĩa Phật giáo, nếu vậy thì làm sao biết pháp, hiểu pháp và hành pháp để tu chỉnh bản thân? Bởi vì, đó là những việc làm rất cần thiết, chúng sẽ giúp mình rèn luyện Thân - Khẩu - Ý ngày càng gần với chánh pháp hơn. Đây là điều thật đáng buồn.

Vì vậy cho nên, một Huynh trưởng ông, Huynh trưởng bà, Huynh trưởng cha, Huynh trưởng mẹ, Huynh trưởng anh, Huynh Trưởng chị trong một gia đình cần phải có đầy đủ tư cách phẩm chất đạo đức thì mới có thể hướng dẫn chỉ dạy đàn em, nếu như các vị thiếu phẩm cách đạo đức, sống vô trách nhiệm, bạc đãi người thân, thiếu bổn phận với bậc bề trên thì không thể nào đào tạo được lớp Huynh trưởng em, Huynh trưởng con, Huynh trưởng cháu nề nếp, hiếu thảo đạo đức được. Người xưa đã từng nói: “Giỏ nào quai nấy” hoặc “Cha sao con vậy” cũng sẽ mãi không sai với những ai vẫn theo lề lối cũ.

Tóm lại, để trở thành một người Huynh trưởng xứng đáng đảm nhiệm chức năng hộ trì Chánh pháp, bắt buộc mỗi cá nhân chúng ta phải lấy THÂN GIÁO làm tiêu điểm. Bởi muốn dạy người khác, mình phải trở thành người đàng hoàng, đứng đắn trước nhất là dẫn dắt tâm linh con người lại càng quan trọng với đạo pháp và cuộc đời trong thời đại ngày nay.

Trên đây, người viết chỉ đưa ra một vài suy nghĩ, gợi ý để Huynh trưởng mình tự quán xét hành xử sao cho đúng để cùng nhau chấn chỉnh và xây dựng  tổ chức GĐPT ngày càng lớn mạnh hơn. Chúng ta không nên nhìn chiếc lá đeo bên vai với số lượng bao nhiêu hạt Bồ-đề rồi đánh giá phẩm chất và trình độ Huynh trưởng. Chúng ta nên  nhìn thẳng vào chính cuộc đời của Huynh trưởng đã hi sinh với gia đình, xã hội và đạo pháp để đặt niềm tin yêu và kính trọng. Đó chính là THÂN GIÁO của một Huynh trưởng trong thời đại mới vậy.

Tâm Quả
[Tập san Pháp Luân số - 44, tr.70, 2007]