Hội Nghị Quốc Tế Về Vai Trò Của Nữ Giới Trong Tăng Đoàn Phật Giáo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Có hơn 400 nhà lãnh đạo Phật giáo, tu sĩ lỗi lạc, giáo sư, học giả và 1200 tham dự viên đến từ 19 quốc gia, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Hoa Kỳ, Úc, Việt Nam, v.v… Đại diện đoàn Việt Nam tham dự, giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát có bài thuyết trình về Lược sử giáo đoàn Tỳ-kheo-ni tại Việt Nam.

 

Đức Quốc: Ngày 18 – 20, 2007, Hội nghị quốc tế về “Vai trò của nữ giới trong Tăng đoàn Phật giáo: Giới luật Tỳ-kheo-ni và sự truyền thừa luật nghi” được tổ chức tại Đại học Hamburg, thành phố Hamburg, Đức.

Hội nghị này do Viện
nghiên cứu Á Phi thuộc Đại học Hamburg tổ chức. Nội dung thảo luận xoay quanh những đề tài: Cơ sở thiết lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni; Luật nghi của Tỳ-kheo-ni; Lịch sử của truyền thừa Tỳ-kheo-ni giới; Lịch sử giáo đoàn Ni trong các truyền thống Phật giáo.

Có hơn 400 nhà lãnh đạo Phật giáo, tu sĩ lỗi lạc, giáo sư, học giả và 1200 tham dự viên đến từ 19 quốc gia, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Sri Lanka, Myanmar, Hoa Kỳ, Úc, Việt Nam, v.v… Đại diện đoàn Việt Nam tham dự, giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát có bài thuyết trình về Lược sử giáo đoàn Tỳ-kheo-ni tại Việt Nam.

Mục đích của Hội nghị lần này nhằm tìm ra giải pháp và sự ủng hộ của Phật giáo quốc tế cho việc tái thành lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni tại các nước Phật giáo Nam tông và Phật giáo thuộc vùng Hy-mã-lạp-sơn. Đặc biệt, ban tổ chức và đức Đạt-lai Lạt-ma hy vọng sẽ có được tiếng nói chung cho việc thiết lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Theo lịch sử Phật giáo, sau sự kiện Kiều-Đàm-Di-Mẫu (Mahapajapati Gotami) và 500 thể nữ dòng họ Thích xuất gia và trở thành Tỳ-kheo-ni, Ni bộ đầu tiên trong Phật giáo được thành lập. Khi Phật còn tại thế, nhiều vị Tỳ-kheo-ni đã chứng quả vị A-la-hán như các vị Thánh Thanh văn Tăng. Đến thế kỷ thứ III Tr. TL, Ni bộ được truyền đến Sri Lanka; sau đó tiếp tục truyền đến Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, ngày nay, hầu hết tại các quốc gia Phật giáo Nam tông và Phật giáo vùng Hy-mã-lạp-sơn không có giáo đoàn Tỳ-kheo-ni và phụ nữ xuất gia vẫn chưa được thọ giới Tỳ-kheo-ni.

Trong những năm gần đây, Tăng đoàn Phật giáo Tây Tạng tại Dharamsala (Ấn Độ) đã ủy nhiệm cho Cơ quan văn hóa và tôn giáo Tây Tạng tiến hành nghiên cứu Luật tạng và tham vấn ý kiến của cộng đồng Phật giáo quốc tế về vị trí của nữ giới trong Tăng đoàn Phật giáo, để có thể thiết lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo này. Mặc dù Phật giáo Tây Tạng đã có nhiều hội thảo về vấn đề này nhưng đây là Tăng sự mang tính quốc tế nên Tây Tạng cần có sự ủng hộ của cộng đồng Phật giáo thế giới trước khi quyết định. Vì vậy, đức Đạt-lai Lạt-ma hy vọng Hội nghị lần này sẽ có một thông cáo chung cho Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Tây Tạng nói riêng về vai trò của Ni giới trong Tăng đoàn.

Sau ba ngày Hội thảo tại đại học Hamburg, trong diễn văn kết thúc Hội nghị, đức Đạt-lai Lạt-ma Ngài nói rằng, con đường giác ngộ và giải thoát của đức Phật không phân biệt giới tính, giai cấp, chủng loài… Đức Phật thiết lập nhị bộ Tăng Ni trong Tăng đoàn vì mục đích giải thoát cứu cánh cho tất cả mọi người. Trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo đã và đang hưng thịnh và phát triển tại châu Á và thế giới. Phật giáo luôn đóng vài trò quan trong trọng nhiều lãnh vực của xã hội. Ngày nay, giáo đoàn Tỳ-kheo vẫn tồn tại và phát triển trong tất cả các quốc gia Phật giáo; tuy nhiên, giáo đoàn Tỳ-kheo-ni chỉ tồn tại trong những quốc gia theo Phật giáo Bắc tông.

Vì những lý do trên cũng như sự đồng nhất của Hội nghị, đức Đạt-lai Lạt-ma tuyên bố: “Tôi hoàn toàn ủng hộ sự thiết lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng”.
“Tôi tin rằng, từ một cộng đồng Tỳ-kheo-ni đã được thiết lập và phát triển trong thời gian dài tại các nước viễn Đông châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, và Nam Hàn) và đang được phục hoạt tại một số quốc gia theo truyền thống Nam tông (Phật giáo Sri Lanka),việc thiết lập giáo đoàn Tỳ-kheo-ni trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng là phù hợp và cần thiết”.

Nguyên Lộc
(Tổng hợp từ website: www.congess-on-buddhist-women.org)
[Tập san Pháp Luân số - 41, tr.91, 2007]