Theo tờ Hindustan Times đăng tải ngày 09 tháng 05, Lễ quy y Tam bảo cho hơn một trăm ngàn người sẽ được cử hành vào ngày 27 tháng 5 tại Trường đua ngựa Mahalaxmi thuộc thành phố Bombay, Nam Ấn.
Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ chủ trì buổi lễ truyền thọ Tam quy Ngũ giới cho những người thuộc 42 bộ tộc du mục này. Ông Laxman Mane, một nhà văn và tác giả của quyển sách nổi tiếng Marathi Dalit, sẽ hướng dẫn hơn 100.000 dân du mục này đến tiếp nhận giới pháp.
Mặc dù vào năm 2005, một nhóm người đã đề nghị chính quyền không nên cho phép sử dụng Trường đua vào những mục đích công cộng như vậy. Tuy nhiên, hôm thứ Tư, Tòa án tối cao Bombay đã ra quyết định yêu cầu câu lạc bộ Trường đua the Royal Western India nhường không gian để Ban tổ chức thực hiện buổi lễ tại đây.
Sự kiện cải đạo này được xem là một bước ngoặt trong chính trị và xã hội; điều mà cách đây 51 năm Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar đã thực hiện. Tiếp nối tâm nguyện của Tiến sĩ Ambedkar, những người theo ông không ngừng nỗ lực cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn và giải phóng quan niệm tự ti về thân phận của giai cấp cùng đinh. Một trong những thành tựu của những người này là sự kiện cải đạo cuối tháng năm này. Ông Laxman Mane nói: “Đây là một nỗ lực nhỏ để thực hiện mơ ước của Ambedkar”.
Theo L. Mane, vào ngày 27/5, 1.000 gia đình sẽ tập hợp trước khi nghi lễ truyền giới được cử hành và sẽ có khoảng 500.000 người tham dự trong suốt sự kiện này.
Được hỏi tại sao anh ta chọn Phật giáo, ông Mane nói rằng những người bộ tộc đã quy y Tam bảo và nguyện thực hành theo lời dạy của đức Phật nhưng họ không hiểu nhiều về giáo lý của Ngài. “Nhưng bây giờ, chúng tôi đã thật sự sống theo lời dạy của đức Phật”. Ông Mane phủ nhận quan điểm cho rằng đây là một sự “cải đạo”. Ông nói: “Chúng tôi chưa từng theo Ấn giáo (Hinduism), vì vậy, không có vấn đề từ bỏ Ấn giáo theo Phật giáo.”
Ông Mane nói thêm rằng, họ theo Phật giáo là một hành động chống lại “sự thờ ơ của chính quyền”. “Xem nhẹ tiêu chuẩn cơ bản của cuộc sống, hầu hết chúng tôi không có nhà để ở, không đủ thức ăn để ăn. Giai cấp chúng tôi chỉ có 0,06 % biết đọc.”
Nguyên Lộc lược dịch.
[Tập San Pháp Luân.38.tr,94.2006]