Houston có gì lạ không đây??? Chắc chắn là phải có rồi, nếu không thì đã chẳng có bài viết này. Mặc dù nghỉ làm sáng nay nhưng tôi cũng dậy sớm như thường lệ để đi dự buổi diễn thuyết của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, Tenzin Gyatso, tại hội trường Autry Court ở đại học Rice. Năm 2005, cuộc viếng thăm của Ngài tại thành phố Houston bị rút ngắn và buổi diễn thuyết đã bị hủy bỏ vì cơn bão Rita. Lần này cơ duyên đã đến, trời yên, gió lặng, chim hót líu lo như để đón chào một vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo của hàng triệu tín đồ khắp nơi trên thế giới. Theo chương trình, buổi sáng từ 10:00 cho đến 11:30, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ thuyết giảng đề tài “Ý nghĩa của Từ Bi trong đời sống hàng ngày” và buổi chiều từ 2:00 cho đến 3:30 với đề tài “Bao dung và trách nhiệm phổ quát”
.
Tôi đến đại học Rice lúc 9:30, thấy mọi người đã sắp hàng dài. Trong lòng tôi lo lắng vì không biết mình có vào được hội trường đúng lúc Ngài bắt đầu buổi diễn thuyết hay không? Đứng trong hàng khoảng mười phút thì được một nhân viên làm việc cho Rice thông báo nếu ai không đem ví hoặc xách tay thì có thể sắp qua hàng khác để việc kiểm soát dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nghe thế, tôi vội vàng trở lại chỗ đậu xe bỏ hết đồ trong đó. Sau mười lăm phút qua chỗ kiểm soát an ninh, tôi đã vào được hội trường, lúc này tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Nhìn đồng hồ thấy đã quá mười giờ mà vẫn chưa thấy bóng dáng của Ngài. Có lẽ vì lý do an ninh ban tổ chức chờ cho mọi người vào hết trong hội trường rồi mới bắt đầu chương trình. Lần đầu tiên tôi mới thấy người Mỹ trễ giờ. Dung lượng của hội trường chứa được khoảng 4700 người mà không còn một chỗ trống. Vé bán ra cả tháng trước trên internet và đã bán hết trong vòng vài tiếng, mặc dù Houston là một nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong khi chờ đợi, tôi đã đảo mắt quanh hội trường để xem có ai quen không, nhưng 99% là người Mỹ. Lúc ra về, tôi gặp thầy Tịnh Trí, trụ trì chùa Tịnh Luật, thầy Giác Minh và một vài Phật tử quen như chị Nguyên Hỷ và Huy Lan.
Đây là lần đầu tiên tôi được diện kiến Ngài. Năm 2005, tôi đã mua vé máy bay đi New York để tham dự buổi diễn thuyết của Ngài nhưng chắc chưa đủ duyên, chuyến bay của tôi đã bị hủy bỏ vì cơn bão Rita. Để bù lại, năm nay không những tôi được đi nghe một lần mà lại còn được nghe tới hai lần: buổi sáng và buổi chiều. Đúng ra tôi chỉ có mua vé buổi sáng vì nghĩ rằng cùng một đề tài, may sao chị Nguyên Hỷ và Huy Lan còn dư vé cho buổi diễn thuyết chiều nên đã tặng tôi, thành thật cám ơn hai chị nhé. Trong suốt hai buổi diễn thuyết, tôi có một cảm giác hỷ lạc vô biên. Tôi tin chắc rằng không phải chỉ một mình tôi mà tất cả những người đang có mặt trong hội trường đều cảm nhận được điều này. Có nhiều người đã quỳ xuống đảnh lễ Ngài khi Ngài bước lên diễn đàn. Khuôn mặt của Ngài thật từ bi và hoan hỷ.
Vì bỏ hết đồ ngoài xe nên tôi chẳng có giấy, bút để ghi lại buổi diễn thuyết quý giá này. Tôi xin gửi lời cám ơn đặc biệt đến ông B. J. Almond, Director Media Relations và bà Sherry Adams, Houston Chronicle Library đã cho phép tôi được dịch lại bài báo tường trình về buổi diễn thuyết và cũng xin được cám ơn cô Kristina Hernndobler là tác giả của bài báo Houston Chronicle.
Tôi đã học hỏi được nhiều điều trong hai buổi diễn thuyết nhưng có lẽ điều tôi tâm đắc nhất là về sự hành xử của Ngài trong mọi hoàn cảnh “hãy giữ cho tâm không bị xao động dù bất cứ trong trường hợp nào”. Tôi sẽ nhớ và thực hành theo lời Ngài chỉ dạy.
Nguyện cầu cho Ngài pháp thể khinh an. Nguyện cầu cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
***
Đức Đạt-lai Lạt-ma bày tỏ sự ủng hộ lòng từ bi và bao dung tôn giáo.
B. J. Almond, Nhân viên truyền thông Rice.
Trong buổi diễn thuyết đầu của hai buổi diễn thuyết đã bán hết vé tại hội trường Autry Court, đại học Rice ngày 01 tháng 5, ngài Tenzin Gyatso với danh xưng đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, đã nói với dân Houston rằng dường như họ đã thực hành từ bi rồi vì “họ đã sống thành một cộng đồng rất là dễ dàng và vui vẻ”.
Ngài khuyến khích họ chia sẻ tinh thần đó với những người khác, đặc biệt là ở những vùng có sự mâu thuẫn về sự khác biệt giữa các tôn giáo.
Sau khi diễn thuyết về đề tài “Ý nghĩa của từ bi trong đời sống hàng ngày”, đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói với một số khán giả dành riêng cho sinh viên đại học Rice, giáo chức, nhân viên, sinh viên đã tốt nghiệp và một số quan khách được mời với chủ tài “Bao dung và trách nhiệm phổ quát”.
Ngài nói với sinh viên rằng thế hệ của họ “cực kỳ quan trọng” vì họ có thể tạo ra một thực tế mới cho thế kỷ XXI.
Ngài nói “Thế hệ tôi thay vì giải quyết vấn đề lại tạo ra thêm nhiều vấn đề hơn. Bây giờ là trách nhiệm của quý vị để giải quyết những vấn đề đó”.
Ngài nói, vì sự gia tăng dân số, kinh tế toàn cầu, du khách và sự dễ dàng tiếp nhận thông tin trong thế kỷ thứ XXI nên “mọi người phải tùy thuộc vào nhau - Đông cần Tây, Tây cần Đông, người miền Bắc cần người miền Nam, người miền Nam cần người miền Bắc”.
Ngài nói: “Sự hủy diệt người láng giềng của quí vị thật ra là sự phá hủy chính bản thân quí vị”, và nói thêm, điều quan trọng là cần phải có một ý thức về cộng đồng thế giới. “Mọi người phải được hạnh phúc và bình an”.
Đức Đạt-lai Lạt-ma lưu ý là Ngài đã dành tất cả đời Ngài để phát huy sự hài hòa tôn giáo và giá trị con người. Ngài nói Ngài không thể nói với một người nào đó tôn giáo nào là thích hợp nhất cho họ, bởi lẽ nó tùy thuộc vào mỗi cá nhân và tâm trạng của họ; giống như một loại thuốc chỉ trị được một vài chứng bịnh mà không chữa được cho những chứng bịnh khác.
Ngài nói với cử tọa nên tôn trọng niềm tin của kẻ khác và chấp nhận sự khác biệt về tư tưởng cá nhân để phát huy tinh thần bao dung tôn giáo.
***
Đức Đạt-lai Lạt-ma mang lại thông điệp Từ bi.
Trong buổi viếng thăm Đại học Rice, nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng kêu gọi một “thế kỷ đối thoại”.
Do Kristina Herrndobler, Houston Chronicle giữ bản quyền @2007.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói với sinh viên Đại Học Rice hôm thứ Ba rằng thế hệ của Ngài trong vài trường hợp đã tạo nhiều vấn nạn hơn là giải quyết, và bây giờ, chẳng may thay, đó là trách nhiệm của họ phải giải quyết.
Ngài đã miêu tả thế kỷ thứ XX như là một thế kỷ đẫm máu và bạo hành, kết quả đưa tới khổ đau. “Thế kỷ này phải là thế kỷ đối thoại”, Ngài đã nói trong pháp hội diễn thuyết buổi chiều đông nghẹt khán thính giả tại Hội trường Autry Court.
Nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng tha hương đã trở lại Houston để hoàn tất cuộc viếng thăm bị bãi bỏ năm 2005 vì trận bão Rita. Bao dung, từ bi, và tha thứ đã nằm trong những đề tài của Ngài.
Trong khi câu chuyện của Ngài đưa đến những vấn đề gay cấn, nhà lãnh giải Nobel Hòa Bình thường tỏ ra ngập ngừng chặc lưỡi, làm cho khán thính giả bật cười - và kính nể.
Khi Michael Zargarov, người chỉ huy cuộc công du tại Houston đã từng du lịch Tây Tạng, hô to lời chào mừng “Tashi delek” khi vị tu sĩ Phật giáo bước lên diễn đàn trong buổi diễn thuyết công cộng buổi sáng, đức Đạt-lai Lạt-ma đã nhắc lại lời chào mừng bằng tiếng Tây Tạng.
Zargarov sau này công bố: “Đó là điều đầu tiên Ngài nói: Ông ta đã nói chuyện với tôi. Tôi cũng đã nói chuyện với ông ta”.
Để trả lời một câu hỏi về chiến tranh, trong buổi ra mắt với cộng đồng đại học Rice, đức Đạt-lai Lạt-ma đã nói việc sử dụng sức mạnh làm phương tiện giải quyết những bất đồng đã lỗi thời. Ngài nói, mặc dầu thực tế đã thay đổi, con người vẫn có khuynh hướng giữ tư duy cũ.
Ngay cả trong những trường hợp bùng nổ, những người chủ trương hòa bình không nên mất niềm hy vọng, Ngài nói qua một người thông dịch... Ngài nói: “Bởi lẽ, con người đã gây ra vấn nạn, con người phải có phương tiện và phương pháp để giải quyết”.
Đa số con người là tốt
Mặc dầu tất cả sự ác ở trên thế giới, đức Đạt-lai Lạt-ma nói Ngài vẫn thấy thiện tính ở con người và những người làm xấu chỉ là một phần nhỏ trong dân chúng.
“Tôi là một người lạc quan”, Ngài nói vậy. “Điều này không có nghĩa là tôi lạc quan cho là không cần cố gắng, vài điều thiện sẽ có thể đạt được. Không phải là đường lối này. Phải làm việc nhiều, phải cố gắng. Đó cũng như các anh - tuổi trẻ, thân hình cường tráng - tôi nghĩ là các anh có thể làm được nhiều việc hơn”.
Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14, bây giờ đã 71 tuổi, đã được công nhận là sự tái sinh của đức Đạt-lai Lạt-ma tiền nhiệm khi mới hai tuổi. Ngài cũng đã nói ở đại học Rice vào những năm 1991 và 1995.
Trang phục theo truyền thống với áo tràng màu đỏ và vàng với một mũ lưỡi trai màu đỏ, đức Đạt-lai Lạt-ma khuyến khích tinh thần bao dung, sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Ngài giải thích là tinh thần bao dung không có nghĩa là ta phải từ bỏ những quan niệm riêng tư cá nhân, nhưng đúng hơn là tôn trọng những quan niệm của người khác. Cũng như những bông hoa khác nhau tạo nên một khu vườn xinh đẹp. Ngài nói những sự khác biệt giữa con người làm cho thế giới đẹp đẽ hơn.
Ngài cũng chỉ cho thấy có sự khác biệt giữa tha thứ và sự quên đi. Sự tha thứ thật sự có nghĩa là anh không còn giữ ý niệm về sự trả thù. “Tha thứ không có nghĩa là chấp nhận những gì đã xảy ra”.
Ca ngợi sự muôn vẻ của thành phố
Trong buổi diễn thuyết buổi sáng, đức Đạt-lai Lạt-ma đã khen ngợi Houston, nói rằng những sự dị biệt về văn hóa và tôn giáo của thành phố chứng tỏ có một tinh thần từ bi thật sự.
Ngài nói: “Quí vị hãy thực hành từ bi, khuyến khích quần chúng cố gắng phát huy lòng bao dung. Ngày mai tôi sẽ ra đi, do đó trách nhiệm ở trên vai quý vị”.
Ngài so sánh thái độ cảm xúc của chính Ngài như đáy một đại dương; mặc dầu có những làn sóng dữ dội ở trên mặt nước, nhưng Ngài cố gắng giữ yên lặng như đáy đại dương.
Bà Cecillia, một chuyên viên cố vấn nghề nghiệp ở Houston, đã dự thính buổi diễn thuyết buổi sáng bởi vì bà muốn được diện kiến với đức Đạt-lai Lạt-ma. Bà nói: “Tôi không thể hiểu được nhiều những gì Ngài đã nói, nhưng điều đó cũng không thành vấn đề. Ngài có thể chỉ cần ngồi đó và không nói một lời nào mà vẫn có thể là một điều kỳ lạ”.■
[Tập San Pháp Luân.38.tr,85.2006]