Tự mình thắp đuốc lên mà đi

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Sau khi đức Phật nhập diệt, vì e ngại giáo pháp sẽ bị thất truyền và xuyên tạc nên chư vị La-hán đã triệu tập các cuộc kiết tập để đọc lại những lời dạy của Ngài suốt 45 năm truyền đạo từ Câu-thi-na cho đến Ta-la song thọ. Những lời giảng huấn ấy được dịch ra rất nhiều thứ tiếng theo từng thổ ngữ của mỗi quốc gia nhưng vẫn mang một giá trị tối thượng, gồm thâu những tinh hoa về luân lý đạo đức, nhân bản của nhân loại.

Ngài đã phương tiện diễn nói pháp phù hợp nhiều căn cơ từ đại trí cho đến thiểu trí đều có thể lấy làm món ăn tinh thần, bồi dưỡng tâm linh trên hành trình chuyển mê khai ngộ, từ phàm sang thánh. Cho đến cuối cuộc đời, tại Ta-la song thọ, đức Phật lại một lần nữa ân cần khuyên bảo các vị tỳ-kheo “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, thắp lên với chánh pháp, thắp lên với trí tuệ để đạt được niềm an lạc vô biên.

Đức Phật chỉ dạy con người phương pháp tự mình tu tập để tìm hạnh phúc. Hạnh phúc đó chẳng phải do sự ân sủng của đấng vô biên, mà hạnh phúc đó có được là do mỗi người tự soi sáng, thắp ngọn đuốc tuệ giác tự thân để liễu đạt bản thân của ta chính là niềm tối vĩnh tối đại rạng ngời hạnh phúc, nếu ta biết quán chiếu chế phục, điều ngự trong tư tưởng và hành động của mình:

Thân ta đảo ngọc hầm châu,
Khéo nương tựa lấy nọ cầu chi ai
Tự mình chế phục hôm mai
Cứu tinh không có ở ngoài ta đâu.

(Dhammapada)

Vì sao đức Phật lại khuyên chúng ta hãy thắp ngọn đuốc tự thân nơi chính mình? Vì ngọn đuốc ấy là ngọn đuốc trí tuệ, vì trí tuệ là căn bản, là nền tảng cho mọi tiến trình hướng đến giác ngộ và giải thoát, là cơ sở giúp hành giả đoạn trừ lậu hoặc, chấm dứt cội gốc của sanh tử luân hồi. Đây là một điểm son độc đáo của đạo Phật, là một nét tuyệt mỹ trong giáo lý Phật-đà, kêu gọi sự tự do, tự lực, tự tri của mỗi người, hãy nhận diện và thảnh thơi trong đời sống tâm linh, đạp đổ mọi thành trì của các giáo quyền và thần quyền đã bủa vây tâm thức con người trong bóng tối si mê hằng triệu kỷ nguyên. Ngài kêu gọi mọi người hãy tự mình là hòn đảo hiền hòa, là thánh địa an lạc bình yên nhất, “không có sự an lạc nào bằng sự an lạc của tâm hồn” (Liên Trì đại sư). Hãy tự mình! Đây là một lời khuyên chân thành mà đức Phật đã thể nghiệm, thể chứng trong suốt quãng đời của mình. Trải qua bao thăng trầm tu tập từ vô lượng kiếp, trải qua bao sự lao nhọc đối đầu với 96 ngoại đạo, đức Phật vẫn áp dụng phương pháp kêu gọi họ bằng sự ý thức và việc làm của họ, nhận thức được giá trị Chân-Thiện-Mỹ chân hạnh phúc của mình. Ngọn đuốc mà Ngài nói ở đây không gì khác đó chính là giá trị an vui chân thật, là hạnh phúc không có bóng dáng của sầu đau, là tâm linh và sự an tịnh vững chãi, là gia bảo, cố hương, minh châu, chân như, Phật tánh, v.v… Đặc biệt, giáo pháp Ngài giảng dạy không hề có một sự áp đặt, ràng buộc mà chúng chính là kim chỉ nam giúp người hành trình đúng phương vị, không lầm đường lạc lối, uổng mất một kiếp người.

Bước vào vườn hoa đạo pháp là thực hiện một cuộc hành trình đầy gian nan và thử thách nhưng đong đầy ý vị. Đạo Phật là nơi xây đắp nền móng nhân bản, và tiến xa hơn con người phải thực hành tiến trình Giới-Định-Tuệ cho khế hợp với thân, khẩu, ý, tô bồi un đúc hạt giống an vui giải thoát. Khi con người thực hành được như vậy, con người sống có an vui, sống không còn hận thù ganh ghét, đố kị, chém giết lẫn nhau, sống biết thương yêu nhau thì lúc ấy xã hội sẽ thanh bình, chúng sanh sẽ an lạc. Vì khi tất cả biết tôn trọng mạng sống của nhau, biết tôn trọng danh dự và nhân cách của nhau, mỗi người đều thấy ta như người, chúng sanh như ruột thịt. Một hành giả học Phật nếu nhận thức như thế ắt hẳn sẽ có động lực rất mạnh trước những nỗi đau hay thành bại, suy vong của kiếp người, trước vô thường biến động. Thật vậy, đứng trước càn khôn, con người thật nhỏ bé, kiếp sống mong manh như dây leo miệng giếng, như sương ban mai dần dần nhường chỗ cho bình minh ló dạng, chỉ có cái an lạc vĩnh hằng mới là sự trở về với chính bản thân mình. Suốt quãng đời bố giáo, đức Phật luôn vận dụng sao cho những lời dạy của mình khế hợp với căn cơ bản tánh, phong tục tập quán của mỗi chúng sanh. Sự vận dụng đó nhằm mục đích là đánh thức con người thoát ra khỏi men say của dục lạc, một thú vui thấp hèn mở rộng đạo lộ đau khổ. Ngài dùng mọi phương tiện quyền xảo khai mở cho mọi người nhận thức đúng đắn về kiếp sống giả tạm của nhân sinh, miễn sao họ có thể lãnh hội được. Khi mọi người đã lãnh hội được yếu chỉ của giáo pháp thì đức Phật lại phủ nhận rằng Ngài chưa hề nói một điều gì suốt một đời giáo hóa. Ngài chỉ là kẻ đưa đường còn vấn đề có đi đến nơi hay không hoàn toàn nhờ vào tự thân của mỗi người. Có nhiều bài kinh ghi trong Trung bộ, đức Phật cũng đã đề cập khá nhiều về sự tự lực, tự tin của mỗi hành giả. 

Nhìn lại chặng đường mà Phật đã đi qua, có lẽ ít nhiều ta cũng nên suy nghĩ. Từ khi cắt tóc đoạn ái tình, cởi áo bào trao lại cho hoàng gia, bên dòng sông Anoma, đức Thế Tôn vượt  ngàn dặm sơn hà, để rồi tìm đến bao vị nổi tiếng đương thời. Thế Tôn cũng đã từng học hỏi, thọ trì nếp sống phạm hạnh bằng đủ mọi hình thức với 96 đạo giáo đương thời. Ngài không hề hủy báng hay chê bai một giáo phái nào mà chỉ nghĩ rằng: Tất cả những con đường ấy vẫn còn nằm trong sự đối đãi, trong vòng kiềm tỏa của tam giới, không thể nào vượt ra khỏi sanh tử nên Ngài lại tiếp tục lên đường tự mình tư duy chiêm nghiệm về mọi sự biến động trong cõi đời, tất cả điều ấy là một đề án, một đáp án mà đức Phật phải tự thân tìm cho được. Ngài đã chiến đấu với nội ma, ngoại ma. Cụ thể là ma Ba-tuần, một thứ giặc khó hàng phục (nghĩa bóng), nghĩa đen chính là tham, sân, si, phiền não – một thứ ma mà làm chướng ngại cho tiến trình thăng tiến tâm linh. Nhưng cuối cùng, bằng sự nỗ lực của tự thân, bằng sự nhận diện bộ mặt thật của cuộc sinh tử trùng phùng qua sợi dây vô minh và chặt đứt tham ái, đức Phật đã hoàn toàn giác ngộ.

Thắng người trăm trận muôn nơi
Núi cao chồng chất sương phơi chiến trường
Thắng mình lòng ngát hoa hương
Vẻ vang dũng tướng mười phương không bằng.

Hay:

Dẫu tại bãi chiến trường
Thắng hàng ngàn quân địch
Không bằng tự thắng mình
Là chiến thắng tối thượng.

(Pháp Cú)

Trên tinh thần tự ý thức, một tinh thần hết sức dũng mãnh, lấy chí nguyện làm đà tiến thủ, không là kẻ chỉ biết ẩn náu dưới bóng người khác, mà phải tự đi, tự chèo thuyền ngược dòng dù có phong ba bão táp. Phải thấy rằng pháp Phật cao siêu mầu nhiệm, không thể không đi mà đến, không ăn mà biết dở hay ngon. Giáo lý đạo Phật phải được thể nghiệm như người uống nước “lãnh noãn tự tri” (lạnh nóng tự biết). Tự mình thắp đuốc lên mà đi là một sự tự cường tự lực không phó thác. Đức Phật không phải là đấng vô biên có thể ban vui phát khổ, mà ngài là người biết rõ cội gốc của mọi pháp đem lại đau khổ và sự thoát ly chúng, từ đó Ngài  khuyên răn nhắc nhở mọi người dù tại gia hay xuất gia nếu muốn an vui thì nên hành trì tu tập trong ý nghĩa “hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”.

Đúc kết tinh thần bài viết qua câu “tự mình thắp đuốc lên mà đi”, tự mình là hòn đảo yên bình và hiền hòa nhất, chúng ta thấy đức Phật là một bậc thầy khoan dung độ lượng không dùng uy quyền mà chỉ dùng lời khuyên nhẹ nhàng, chân thành. Đọc lại những lời giáo huấn của Ngài trong tam tạng thánh điển, quả là khuôn vàng thước ngọc, toàn mỹ về mọi phương diện. Trong tất cả chúng ta, những ai tiếp nối giềng mối Phật pháp hẳn không thể không tư duy và hoài vọng về lộ trình ta đang dấn thân, trách nhiệm chúng ta đang đảm nhận là phải làm thăng hoa đời sống tâm linh chính mình và dắt dẫn chúng sanh bước vào vườn hoa đạo pháp. Đem ngọn đuốc đến mọi nơi, mọi hang cùng ngõ hẻm, để trên bước đường tìm về bến giác không trở thành muôn dặm lang thang. Đấy là chúng ta đang góp từng viên gạch cho ngôi nhà đạo pháp luôn vững bền trên tinh thần “tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên” mà không cô phụ bản hoài của mười phương chư Phật.

Ngẫm lời Phật thuyết không sai
Ta nay nhớ lấy hôm mai tu hành
Tám muôn bốn pháp rành rành
Pháp luân Ngài chuyển đắc thành quả cao
Ai mà muốn thoát trần lao
Tuyệt vời thánh đế y vào đoạn sanh.

(Pháp Cú).■

[Tập San Pháp Luân.36.tr,82.2006]