Haiku & Basho

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Từ “Haiku” được phiên âm từ tiếng Hán là “bài cú” hay “bài hài”, nghĩa là nguyên một bài thơ chỉ có một câu, mang tính chất hài hước, vui nhộn. Ban đầu nó có tên gọi là haikai, cách gọi vắn tắt của haikai no renga (liên ca bài hài). Nó kế thừa hình thức phát cú liên ca, là lối xưng hô được phổ biến rộng rãi sau cuộc vận động cách tân thể thơ hài hước của Chánh Cương Tử Quy vào giữa thời Minh Trị Thiên Hoàng. Đặc điểm của loại thơ này có rất ít từ ngữ, và chỉ cô đọng trong 17 âm tiết (tiếng Nhật) theo thể vận 5-7-5. 

 

Từ tên gọi ban đầu haikai, nó từng bước thoát khỏi sự dung tục, vượt qua sự giải trí đơn thuần để rồi định mệnh của nó rơi vào tay Matsuo Basho. Ông ta đã sáng tạo một cách thơ mới, dung hợp sự trào lộng đời thường của haikai hiện đại với yếu tố cao nhã tâm linh của renga cổ điển trong một khổ thơ ngắn gọi là hokku (phát cú), nguyên là khổ thơ mở đầu cho bài liên ca. Khi hokku trở thành thể thơ độc lập, không phụ thuộc vào liên ca nữa, nó mới có tên là haiku.

Haiku là một sản phẩm đặc biệt của Nhật Bản. Tác giả của loại thơ này chủ yếu là các vị Thiền sư, hoặc các Thi sĩ có xu hướng yêu chuộng hay tu tập theo pháp môn Zen (Thiền). Về mặt hình thức, thơ Haiku rất đơn giản như vậy là vì theo thời gian, nó được thai nghén, chắt lọc rất tự nhiên từ những tâm hồn hết sức tĩnh lặng của các Thiền sư. Như mặt nước hồ thu, bóng nhạn lướt qua không còn dấu vết, tâm thức yên tĩnh ấy diễn tả nên một thực tại sinh động, không hề vướng mắc; đó là thời điểm để một bài thơ  Haiku ra đời. Haiku là một đóa hoa đẹp đẽ, thắm đượm màu sắc văn hóa Đông phương, là một cách sống linh động và chịu ảnh hưởng của phái Zen trong Phật giáo Nhật Bản. 

Thơ Haiku đi với cuộc đời bình thường mà không hề tầm thường, để đạt đến cảnh giới không phân biệt trong một vũ trụ thuần khiết:

Quán bên đường
Các du nữ ngủ

Trăng và đinh hương.

Các du nữ, hoa đinh hương và mặt trăng cùng nằm với nhau trong một vùng trời vô định trước mắt nhà thơ. Với Basho, “tất cả đều có cuộc sống, có Phật tính, có sự bình đẳng trong ánh sáng và trong cát bụi”.

Xét về hình thức, bài Haiku thường có 17 âm tiết (có khi cũng không nhất thiết), nhưng cái ngắn đó không khiến chúng ta phải nặn óc suy tư để tìm bên trong cái hình thức ngắn ấy một ý tưởng không ngắn. Bởi Haiku là sự cô đọng của một sự tình vắn tắt đã được tìm ra trong hình thức vừa vặn của mình. Sự cô đọng của Haiku là đặc điểm nổi bật, một sự cô đọng đi vào chiều sâu, vào chân không chứ không phải là ý muốn dùng sự ít lời để diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau.

Và do đó, cho dù Haiku nói đến những sự vật nhỏ nhoi nhất, ta vẫn thấy nó mênh mông, hùng vĩ và huyền diệu lạ thường. Haiku thường được Basho nhắc tới qua những cảm giác hằng ngày:

Như sabi (linh hồn tịch liêu): 
“Ôi tiếng ve kêu
Thấu xuyên vào đá
Trong cõi quạnh hiu”.
Như wabi (những cái đơn sơ nghèo nàn):
“Mái lều êm
Một con chim gõ kiến
Gõ ngoài trụ hiên”.
Và như karumi (niềm khinh thanh dịu nhẹ):
“Mưa mù sương
Phù dung một đóa
Làm mùa lên hương”.

Nói đến Haiku, dĩ nhiên chúng ta phải nói đến và cần tìm hiểu đôi nét về Basho. 

Matsuo Basho (Tùng Vĩ Ba Tiêu, 1644-1694), nhà Haiku sống vào đầu thời đại Giang Hộ, tên thật là Tông Phòng, hiệu là Haseo, biệt hiệu Đào Thanh, Bạc Thuyền Đường, Điếu Nguyệt Am, Phong La, v.v… người vùng Thượng Dã, Y Hạ. Ông xuất thân từ giai cấp samurai, là người có ý chí muốn học về haiku, nên từng theo hầu hạ Lương Trung và Bắc Thôn Quý Ngâm ở Kyôto. Về sau, Basho từ bỏ lâu đài lãnh chúa, xuống vùng Giang Hộ đi làm du sĩ lang thang, rồi dời về Ba Tiêu Am (Basho-an, am tranh của Basho) ở vùng Thâm Xuyên, Giang Hộ. Cái duyên để có tên người và tên am cũng khá thú vị: 

Một đêm mưa, trong căn chòi tranh nhỏ bé, chủ nhân của nó đang đối diện với chính mình. Từng giọt mưa rơi trên tàu lá chuối, tiếng kêu lộp độp nhưng thánh thót vang xa, dung hòa cả những tâm hồn đồng điệu dù đang ở bất cứ phương trời nào. Trước cảm xúc ấy, ông thích được như cây chuối tắm trong thi vũ, liền đặt bút hiệu cho mình là “Basho”, và am tranh nhỏ cũng theo đó mang tên là “Basho-an”. Chúng ta biết, nhà thơ Lý Bạch thời Đường cũng trong một khung cảnh như thế, đã thốt lên câu thơ rằng:

“Cách song tri dạ vũ
Ba tiêu tiên hữu thanh”.

(Qua song cửa sổ biết có mưa đêm, vì cây chuối lên tiếng trước).

Không lập gia đình, đương làm quan với Mạc Phủ Đức Xuyên thì ông từ chức, sống nghèo nàn với bộ nâu sồng rách vá, nhàn du khắp từ Bắc chí Nam đảo Bản Châu để tìm thi tứ, thi cảm cho sự nghiệp sáng tác. Tư cách thanh cao đến độ thiếu thốn thì chịu, chứ nhất định không tìm nương nhờ vào bất cứ một ông lãnh chúa nào, mặc dù ông rất được giai cấp này trọng vọng vì thi tài. Ông lưu chơi nơi am tranh với một vài nhà tu cũng nghèo nàn thì chịu, ở lại với nhà nông dân hẻo lánh một vài bữa thì rất lấy làm vui, nhưng đến đâu cũng cố tình lẩn tránh cửa quyền quý. Đương thời ông được coi là vị địa tiên vì thi tài thì quán thế mà chỉ sống ẩn dật, không muốn phiền lụy một ai. Sáng lập ra phong cách Haiku độc đáo của mình, ông để lại rất nhiều danh cú và qua đời tại một lữ quán ở vùng Nanba. 

Basho là bực Thánh thi về thể thơ Haiku. Các bình luận gia vẫn sánh ông với Lý Bạch, Đỗ Phủ của Trung Quốc. 

Năm 1680, từ khi trú chân tại am Ba Tiêu, ông bắt đầu tu hành Thiền đạo dưới sự hướng dẫn của một Thiền sư. Một năm sau, ông rời bỏ am tranh và sống như đám mây trôi nổi, để tìm đến cái rốt ráo của thơ ca, mà theo Yuasa gọi là “cái bản ngã vĩnh cửu”. Trong thời gian này, bài thơ “Xuân Nhật” của ông đã gây nên một chấn động trong nền văn học:

Phiên âm Latin:
Furuike ya kawazu tobikomu mizu no woto
Nhật Chiêu dịch: 
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao.

Chỉ một tiếng vang của nước mà con ếch của Basho đã khuấy động nên một dư âm đã ngân qua bao nhiêu thời đại và xứ sở.

Cuộc đời của Basho cũng như thơ của ông luôn hướng về một lý tưởng là tìm thấy sự nhẹ nhàng thanh thoát ngay giữa cuộc đời ô trọc, một khinh thanh êm đềm bay lượn giữa tro than và cát bụi trần gian.

Trước và sau Basho còn nhiều những thiên tài như thế nữa, nhưng chỉ nêu một mình ông cũng đủ để thấy cái linh hồn cốt tủy của Haiku thế nào rồi. Chỉ cần xem người ta xưng tụng và sùng mộ Basho, chúng ta có thể kết luận ông, một nhà thơ huyền bí, là một hình bóng vĩ đại của văn hóa Nhật Bản và ông đã hóa thân vào Haiku, vào trong linh hồn của Nhật Bản. R. H. Blyth tán thán ông như sau: “Nước Nhật sinh ra cùng với Basho năm 1644. Ông chính là người đã sáng tạo ra linh hồn của Nhật Bản”.

Trong cõi siêu tuyệt của Haiku, một nhà thơ với một Thiền sư được đánh đồng với nhau, không còn phân biệt. Basho cũng vậy, nhiều bài thơ của ông cũng chính là công án, thoại đầu. Cuộc hội ngộ của bậc thiên tài này với các Thiền sư thi sĩ chẳng khác nào những thiền thoại hay buổi truyền tâm ấn giữa các Tổ sư. Bởi tâm thức luôn an trú trong một cõi dù đó là cõi thơ hay cõi tịnh lự, lời phát ra như gió như mây, thanh trong, thiện xảo, không hề vướng bận ti hào nào sự trau chuốt ngôn từ. Ý tưởng này có thể được tìm thấy qua những giai thoại sau: 

Một đêm trăng, trên đường du hóa, Basho gặp một nhóm các nghệ sĩ đang thưởng trăng và họa thơ (dĩ nhiên là thơ Haiku, vì lúc ấy ở Nhật Bổn loại thơ này đang thịnh hành). Ông được mời làm thơ trước, đề tài chắc chắn phải là trăng rồi. Basho liền thốt lên:

Vầng trăng non dại...

Cả nhóm cười ồ lên, (vì có lẽ trong ý họ nghĩ: Trăng thế này mà non dại?), như mỉm cười, Basho cứ vậy mà tiếp nhịp:

Theo tôi từ độ ấy

Ai có ngờ hôm nay.

Ồ! Tiếng ngạc nhiên của các thi sĩ cùng nhẹ nhàng thốt lên sau khi lắng nghe một tuyệt tác. Có người hình như ngộ ra liền hỏi:

Có phải là Basho tiên sinh không? Vâng, đúng là chỉ có Basho. 

Ông đã nhiều lần đến tham thiền với Hòa thượng Phật Đảnh ở chùa Căn Bổn, thuộc vùng Lộc Đảo. Nhân một ngày trời tạnh mưa xuân, Hòa thượng tự mình đến thăm am Ba Tiêu. Basho mừng quýnh chạy ra nghênh đón. Khi vừa mới giáp mặt nhau, Hòa thượng muốn biết xem Basho có chuyện gì bèn hỏi ngay: 

- Gần đây có gì không?

- Mưa qua rêu xanh mướt. Basho đáp liền.

Nếu như con mắt tâm mà khai mở thì chân như thật tướng hiển hiện ngay. Chính cảm giác mới mẻ như “mưa qua rêu xanh mướt” không gì hơn là con mắt giác ngộ. Tuy nhiên, Hòa thượng không dễ gì mà tha cho ngay, bèn tấn công tiếp rằng:

- Như thế nào là Phật pháp trước khi rêu xanh chưa mọc?

Có phải chăng đây cũng là diệu nghĩa của “ngọc Côn Lôn đen thui chạy trong đêm” chăng? 

Song, quả không hổ danh là Basho, người không bị rơi vào “động ma tối om như vậy”. Ông trả lời ngay:

- Ếch nhảy, tiếng nước vang.

Thật quả là khoảnh khắc khai nhãn tài tình! 

Một loại hình nghệ thuật để nuôi dưỡng tâm hồn, một nghi mẫu thơ ca, những hình dung và thể hiện trong Haiku thì hầu như không có gì nhưng lại biến nhiệm tam thiên. Một tuyệt tác thiên tài, một tâm hồn khoáng đạt, những dòng thi ca bất tận của Basho đã thắp sáng và thăng hoa Haiku lên tột đỉnh không biên cương của nó. Đem cái biết hữu hạn hữu lượng để bàn cái vô lượng vô biên, thỏa đáng chăng! Chỉ hề! Chỉ hề! 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thích Nguyên Tâm: Mỗi Ngày Một Câu Chuyện Thiền, nxb Tôn Giáo, 2005. 

- Thích Nguyên Tâm (biên dịch): Phật Giáo Nhật Bổn, tập 1&2, Hội Chấn Hưng Học Thuật Nhật Bổn, bản thảo.

- Châm Vũ Nguyễn Văn Tần dịch: Nhật Bản Tư Tưởng Sử, tập 1&2. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá xuất bản, 1972-1973.

- Nhật Chiêu: Văn Học Nhật Bản Từ Khởi Thủy Đến 1868, nxb Giáo Dục, 2003.

- Thiên Ân Đoàn Văn An: Trao Đổi Văn Hoá Việt Nam-Nhật Bản, Đông Phương xuất bản, 1963. 

- Vương Ngọc: Từ Điển Nhật-Việt Việt-Nhật, nxb Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 2004.

[Tập San Pháp Luân.33.Tr,76.2006]