Ấn Độ xưa nay luôn được nhân loại xem là một trong những quốc gia huyền bí nhất thế giới. Sự huyền bí ấy bao gồm cả thiên nhiên, con người, văn hóa… đặc biệt là lãnh vực tín ngưỡng tâm linh. Và một trong những điểm tín ngưỡng nổi bật của Ấn Độ hàng ngàn năm nay là tín ngưỡng sông Hằng.
Sông Hằng được xem là một trong những con sông nổi tiếng không chỉ vì nó là một trong những con sông lớn nhất, dài nhất, mà vì nó là cội nguồn của Ấn giáo (Hindu giáo), là tín ngưỡng thiêng liêng của gần một tỷ người; không những thế, đây cũng là con sông được nhắc đến nhiều nhất trong kinh điển Phật giáo.
1/ Vị trí và huyền thoại sông Hằng
Đất nước Ấn Độ được chia làm ba vùng chính. Vùng thứ nhất là vùng núi Himalaya, rộng từ 160 đến 320 km và trải dài khoảng 240 km dọc theo biên giới phía Bắc và Đông của Ấn Độ. Nó bao gồm những dãy núi bao quanh thung lũng Kashmyr, những dãy núi cao nhất thế giới. Vùng thứ hai là vùng Bán đảo Ấn Độ nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hằng, nó bao gồm những khu duyên hải phì nhiêu; vùng này xưa là trung tâm để hình thành “Con đường tơ lụa” bao gồm đường biển và đường bộ. Vùng thứ ba là vùng đồng bằng sông Hằng, vùng này nằm song song với vùng núi Himalaya rộng từ 280 đến 400 km, hình thành bởi con sông Indus (Ấn Hà) chảy qua Punjab; phía Nam của nó là sa mạc Thar, mênh mông chạy dài đến Pakistan.
Sông Hằng bắt nguồn từ những đỉnh núi tuyết phủ ngàn năm thuộc dãy Himalaya của vùng Garwhal, bang Cuttar Pradesh, có độ cao từ 3000 đến 4500 m so với mực nước biển.
Ấn Độ rất ít sông ngòi, do vậy người Ấn rất coi trọng các con sông. Với họ, dòng sông là người mẹ nuôi dưỡng và sinh ra thức ăn cho sự sống. Có nhiều huyền thoại liên quan đến việc giáng trần của Nữ thần sông Hằng được mô tả trong các sử thi của Ấn Độ như Mahabharata, Devi Bhavata, Bhagawata Purana, v.v… Theo sử thi Bhagawata Purana, sông Hằng được tạo ra từ việc đo ba thế giới trong ba bước chân của thần Vishnu (thần Bảo vệ), móng chân trái của thần Vishnu đã chọc thủng một lỗ trên Thiên hà chảy xuống dãy Himalaya hùng vĩ, sông Hằng có từ ấy; nó bắt nguồn từ Thượng giới và có tên Vishnupani (theo chân Vishnu).
Truyền thuyết về sông Hằng theo sự khẩn cầu của vua Bhagiratha là hấp dẫn nhất. Vua Bhagiratha bị một đạo sĩ độc ác dùng ánh mắt giận dữ thiêu đốt sáu mươi ngàn tổ tiên của vua thành tro bụi và chỉ có nước trên Thiên hà mới cứu được linh hồn của họ. Vua đã thành tâm khẩn cầu thần Shiva (thần Tái tạo) cứu giúp. Thương tình vị vua nhân từ, thần Shiva để dòng Thiên hà chảy qua mái tóc của Ngài và cũng xuống hạ giới, nhờ thế mà trái đất không bị vỡ vụn bởi sức mạnh kinh khiếp của nó. Thiên hà chảy xuống dải Himalaya, nơi dòng sông uốn khúc để khóa chặt vị đạo sĩ gian ác kia và chảy vào bình nguyên Ấn Độ, rồi chảy ra đại dương. Ở đó, nó tiếp tục chảy xuống địa ngục để tạo lại hình dáng cho tổ tiên của vua. Như thế sông Hằng được mệnh danh là dòng sông của ba cõi: Thiên đường, trần gian và địa ngục.
2/ Tín ngưỡng của sông Hằng theo Ấn giáo
Đất nước Ấn Độ được bao bọc bởi phần lớn núi non và sa mạc sông ngòi rất ít. Trong khi ấy, sông Hằng là con sông lớn, lại chảy giữa lòng đất Ấn, vun bồi phù sa màu mỡ, bồi đắp hằng năm để tạo thành một đồng bằng rộng lớn, một bình nguyên thoáng mát, trù phú, cung cấp lương thực cho hàng trăm triệu người dân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân Ấn yêu quý, kính ngưỡng và dần dần thần thánh hóa dòng sông. Sông Hằng không những là “vùng đất hứa” cho người dân xứ Ấn mà còn thu hút người dân các nước khu vực như Afganistan, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập, v.v… đến sinh sống đông đúc dọc theo hai bên bờ. Chính sự gặp gỡ của người bản xứ và người nhập cư đã làm cho nền văn hóa Ấn Độ càng đa dạng và phong phú hơn. Cho đến nay, số người sống ở đồng bằng sông Hằng đã hơn ba trăm triệu người và đã được ghi vào sách Kỷ lục thế giới về mật độ dân cư sống đông đúc nhờ vào nguồn lợi của dòng sông.
Người Ấn giáo tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng, nước sông Hằng có thể giúp họ rửa sạch mọi tội lỗi; tắm và uống nước sông Hằng có thể trừ mọi tật bệnh, mang lại hạnh phúc và sức mạnh. Khi chết, nếu được ném xác hay tro cốt xuống sông Hằng, linh hồn sẽ được lên thiên giới. Từ đó, đã tạo nên tín ngưỡng tắm, rước nước, uống nước, nguyện cầu trên sông Hằng. Đặc biệt là những nghi lễ đốt xác và ném tro xác xuống dòng sông… Vì thế, sông Hằng được mệnh danh là dòng sông thiêng, dòng sông huyền bí.
Ở thượng nguồn, vùng Garwhal được xem là nơi linh thiêng nhất, là cội nguồn của Ấn giáo. Nơi đây có cả một cộng đồng giáo sĩ, thầy tu, ẩn sĩ thuộc Ấn giáo đầy màu sắc lạ lùng và huyền bí.
Ở bình nguyên, hằng năm, vào dịp lễ chính, tháng một đến tháng hai, hàng triệu người Ấn giáo từ khắp mọi miền trên xứ Ấn tìm cách hành hương về các nơi “Thánh địa” như Bernares, Haridwar, Alahabad, v.v… để tắm gội, cầu nguyện, cúng tế, v.v… bất chấp những gian nan, nguy hiểm trên cuộc hành trình. Người Ấn giáo tin rằng dù có chết trên đường hành hương hay chết trên dòng sông Hằng cũng là may mắn giúp họ được mau siêu thoát. Và họ cho rằng, hành hương về sông Hằng là hành trình “Đi tìm cái sinh trong cõi tử”.
3/ Một thoáng sông Hằng
Vào một buổi sáng sớm cuối Đông trên đường chiêm bái các Thánh tích Phật giáo, sau khi chiêm bái vườn Lộc Uyển, chúng tôi viếng thăm sông Hằng tại Bernares (thuộc Veranasi). Mới năm giờ sáng, nhiệt độ lúc này rất lạnh, khoảng 10 độ C; nhưng trong sương sớm, từng đoàn người từ cụ già đến trẻ em với những cái lu, cái vò đội trên đầu hay những cái bình, lọ, ca trên tay cùng hướng về sông Hằng để tắm và nước về. Trời vẫn chưa sáng hẳn, bước theo từng bậc tam cấp xuống dòng sông, chúng tôi thấy những cụ già đứng run cầm cập dưới dòng nước lạnh, da đen thui, vốc từng cụm nước lên cầu nguyện và uống rồi can đảm ngụp đầu xuống tắm. Một bé trai còn ngái ngủ mặc một chiếc quần cộc, da gà nổi lên, tay chân thun lại vì lạnh, đứng ở mé nước không dám bước xuống, bị người bố đến bồng lên dìm xuống dòng nước “đá”. Đứng trên bờ có cả áo lạnh trên mình, tôi cũng nổi da gà, niềm tin của người Ấn thật mạnh mẽ!
Chúng tôi thuê một chiếc xuồng đi dọc theo sông Hằng để ngắm cảnh trong vòng một tiếng đồng hồ. Đến giữa dòng, chúng tôi thả hoa và đèn mua vội trước khi xuống xuồng; chúng quyện vào nhau với những hoa và đèn khác cùng lung linh nhẹ trôi trên dòng sông thật đẹp. Không biết những người khác nguyện cầu gì, chúng tôi chỉ nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh sớm gặp được Chánh pháp. Ngồi trên xuồng, nhìn lên bờ sông Hằng cao vút gần cả trăm bậc tam cấp mới đến mặt đường, hàng trăm ngôi đền Ấn giáo cổ kính cùng những lò thiêu xác mọc san sát bên nhau, có cả những giàn thiêu xác được bố trí gần mặt nước; phía bên kia bờ là một dãi cát trắng mịn mênh mông kéo dài xa tít… Đến bây giờ, tôi mới thật sự chứng kiến được hình ảnh “hằng hà sa số” mà đức Phật thường ví dụ trong kinh.
Xuồng đi được 15 phút thì mặt trời bắt đầu mọc, một khối cầu lửa đỏ ửng phản xạ trong sương mai lung linh đang từ từ nhô lên bên kia dải cát dài xa thẳm. Ngồi trên xuồng giữa trời nước mênh mông để thưởng thức “bình minh trên sông Hằng”, cảnh vật thật tuyệt vời.
Anh chèo xuồng người Ấn cho biết, bây giờ là mùa khô nên nước sông Hằng trong và trôi chảy nhẹ nhàng, khi đến mùa mưa nước sông Hằng sẽ dâng cao hơn 10m so với hiện tại, phủ cả vài chục bậc tam cấp thẳng đứng bên bờ và lấp cả những dải cát dài mênh mông bên kia, dòng nước cũng sẽ đục hơn và chảy xiết hơn. Trỏ tay xuống dòng nước, anh nói: “Dưới đáy sông là cả khối xương người, trung bình mỗi ngày, chỉ riêng khúc sông này đã có hàng chục xác người ném xuống, có xác đã thiêu thành tro, có xác chỉ cháy vài phần còn cả xương sọ, xương sườn, xương chân… và thậm chí có xác chưa thiêu… đến mùa nước lớn, tất cả sẽ được cuốn vào đại dương”.
Hết một giờ, anh chèo xuồng đưa chúng tôi về bến cũ, bây giờ dòng người đổ về bến đông đúc hơn; người tắm dưới sông cũng nhiều hơn. Gần bờ là các thiếu phụ trong bộ Sari sặc sỡ múc nước. Trên bờ các tín đồ bày hoa hương thức ăn ra cúng vái. Phía trên là các đạo sĩ đủ loại hình, có người mặc váy ở trần, có người ngồi, có người đứng, có vị trét tro vào mặt cầm chĩa ba hay cầm chuỗi, cầm đèn, v.v… Tất cả đều có những động tác riêng, múa máy, nguyện cầu một cách bí ẩn. Trên bầu trời những bầy quạ đen ngửi thấy xác người thiêu bay đến và sà xuống ăn những thức ăn các tín đồ để lại… cảnh vật quá huyên náo và ồn ào. Chen chân một lúc, chúng tôi cũng ra được bên ngoài; ở đây, lại là khu chợ “chồm hổm” nhóm giữa đường đủ loại hàng hóa, rau quả, người, bò, chó, v.v… chen chúc nhau với đủ thứ mùi hôi nồng nặc! Đã thế, chúng tôi lại bị níu chân bởi sự mời mọc của các anh cò: cò các loại xe, cò bán các loại tơ, cò giới thiệu nhà hàng, v.v… Cuối cùng chúng tôi cũng ra khỏi đám đông ồn ào, dùng điểm tâm qua loa ở một quán bên đường rồi vội vã lên đường để kịp chiêm bái thánh tích Bồ-đề Đạo tràng.
4/ Hình ảnh sông Hằng trong kinh Phật
Sau khi chứng ngộ Vô thượng Bồ-đề, đức Phật đã đến Sarnath để chuyển Pháp luân tại vườn Lộc Uyển. Sarnath thuộc vùng Veranasi và đây cũng được xem là trung tâm điểm của đồng bằng sông Hằng. Như thế, bánh xe Chánh pháp được vận hành đầu tiên nơi lưu vực sông Hằng. Sông Hằng thời ấy chắc rất trong sạch và không ô nhiễm như bây giờ, hầu như trong các kinh của đức Phật thuyết giảng đều có hình ảnh sông Hằng trong ấy. Cụm từ mà đức Phật thường sử dụng nhiều nhất và đã trở thành thành ngữ của người Việt Nam đó là “hằng hà sa số”. Mỗi khi muốn nói đến một con số lớn không tính đếm được, đức Phật mượn hình ảnh “số cát sông Hằng” để mọi người dễ hiểu. Hình ảnh ấy vừa thực tế, vừa bình dị, vừa thân thương đối với người dân xứ Ấn. Trong kinh A-di-đà chỉ có vài chục trang nhỏ, rất ngắn, thế mà hình ảnh sông Hằng đã được đức Phật nhắc đến cả chục lần qua câu: “Hằng hà sa số chư Phật các ư kỳ quốc…”, hầu như người Phật tử Việt Nam đều thuộc câu này.
Trong các kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ… khi đề cập đến tín ngưỡng của những người cho rằng tắm và uống nước sông Hằng sẽ trừ mọi tội lỗi, tật bệnh và khi chết nếu được ném xác vào dòng sông thì linh hồn sẽ siêu thoát, đức Phật dạy: Nếu nước sông Hằng là thiêng liêng thanh tịnh, có khả năng rửa sạch mọi tội lỗi của con người, giúp con người siêu thoát thì các loài tôm, cua, cá, sò, thuồng luồng… sống ở dòng sông đã được siêu thoát cả rồi. Nước sông Hằng cũng như nước các sông khác chỉ trừ được cấu bẩn của thân, không thể nào trừ được tội lỗi con người; càng không thể giúp con người siêu thoát. Tội lỗi từ tâm sanh, chỉ có việc tu tập thanh lọc tâm mới trừ được tội lỗi.
Kinh Thủy tịnh hành thuộc Tương Ưng Bộ kinh (Samyutanikaya) kể rằng:
Một hôm, Tôn giả Ananda vào thành Xá-vệ khất thực, Tôn giả gặp một người Bà-la-môn tên Sangavara, người có lòng tin rằng, tắm nước sông Hằng sẽ được thanh tịnh; do vậy, ngày hai buổi sáng và chiều, ông đến sông Hằng để tắm. Vì thương tưởng Bà-la-môn này có niềm tin lệch lạc, Tôn giả Ananda trở về thưa đức Thế Tôn, xin Ngài đến hóa độ Bà-la-môn và những người trong thôn ấy. Hôm sau, đức Thế Tôn vào thành Xá-vệ gặp vị Bà-la-môn ấy, và hỏi:
“Này Bà-la-môn, nhắm đến lợi ích gì mà người là nhà Thủy tịnh hành tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước”.
Bà-la-môn đáp: “Nơi đây, Tôn giả Gotama, ban ngày tôi tạo nghiệp ác thì buổi chiều tắm để gột sạch; ban đêm tạo nghiệp ác thì buổi sáng tắm để gột sạch… Tôn giả Gotama, vì nhắm đến lợi ích ấy mà tôi là nhà Thủy tịnh hành, tin tưởng nhờ nước được thanh tịnh, chiều sáng sống theo hạnh tắm nước”.
Đức Thế Tôn dạy: “Này Bà-la-môn, chánh pháp là ao hồ, giới là bến nước không nhớp nhúa, được thiện nhân ca ngợi. Ấy là nơi bậc minh trí tắm thân thể sạch sẽ, chứng qua bờ bên kia”.
Vốn có túc duyên nhiều đời, Bà-la-môn Sangarava liền tỏ ngộ, xin quy y: “Thật vi diệu Tôn giả Gotama, mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ từ nay cho đến chết, con xin trọn đời quy y” (Thích Thiện Châu dịch).
Ngày nay, tín ngưỡng sông Hằng vẫn còn rất mạnh trong lòng người Ấn giáo, chỉ nhìn qua những cảnh người già, trẻ con dìm mình trong dòng nước băng giá tê cả người; nhìn những người Ấn giáo uống nước dơ bẩn bên cạnh xác người chết, tro người, rác rến, v.v… ta cứ tưởng đó là sự thiêng liêng vì không thấy họ sợ sệt hay bệnh tật gì cả.
Nhưng có biết đâu rằng hiện nay dòng sông đã bị ô nhiễm trầm trọng. Theo thống kê hằng năm, sông Hằng đã phải tiếp nhận hàng nghìn lít chất thải độc hại từ các nhà máy thuộc da và gần một tỉ lít nước thải sinh hoạt; đã thế, sông Hằng còn tiếp nhận hàng vạn xác chết, tro người… trong mỗi năm. Sông Hằng đã bị liệt vào một trong những con sông nhiễm độc hàng đầu thế giới; nó gây nên rất nhiều tật bệnh, cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng của người dân, đặc biệt là bệnh dịch tả và thương hàn. Giải pháp để làm sạch sông Hằng vẫn còn là bài toán nan giải cho chính phủ hiện nay, vì “phép vua thua lệ làng”.
Sông Hằng vẫn lặng lẽ êm trôi giữa lòng xứ Ấn; sông Hằng như một người mẹ bao dung, nhẫn nhục; như Tạng thức A-lại-da hàm tàng mọi chủng tử dù đó là những chủng tử tươi đẹp như hoa hương hay bất tịnh xấu xa như tro xương xác người. Những ai đã từng đến sông Hằng ít nhiều cũng lưu dấu những ấn tượng khó phai: Ấn tượng của thiên đàng thiêng liêng huyền bí hay ấn tượng của địa ngục ồn ào, nhiễm ô.■
[Tập San Pháp Luân.32.Tr,8.2006]