Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết pháp tại Buddha Jayanti

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Delhi, Ấn Độ: Hôm 8 tháng 10, 2006 vừa qua, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 2550 ngày đức Phật Thích-ca diệt độ, tại Công viên Buddha Jayanti, Upper Redge Road, New Delhi, đức Đạt-lai Lạt-ma đã có buổi thuyết giảng trước hội chúng hàng ngàn người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trước khi Ngài đến, vào lúc 9g15, Hòa thượng Olande Ananda Thera đến từ Sri Lanka và một số thành viên của ông đã có 5 phút tụng kinh bằng tiếng Pāli mở đầu cho chương trình. Tiếp theo là phần tụng kinh bằng tiếng Sanskrit do Giáo sư G. C. Tripathi và một một số thành viên của ông đảm trách. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến công viên vào lúc 9.30. Trước khi Ngài thuyết giảng là phần nghi lễ Tây Tạng, kết hợp giữa múa trống cổ truyền và tụng chú được thực hiện bởi 108 vị tăng ni Tây Tạng. Sự kết hợp giữa màu sắc và âm thanh trong phần nghi thức này đã tạo nên một bầu không khí đầy huyền bí và đặc trưng. Sau phần nghi lễ cổ truyền Tây Tạng là phần tụng đọc kinh của một số nước, và thời gian dành cho mỗi nước là ba phút. Đoàn Nhật Bản, do Thượng tọa Fukuoka dẫn đầu đã tụng một đoạn kinh Pháp Hoa. Việt Nam, gồm một số quý thầy đang du học tại Đại học Delhi, dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Đồng Thành đã tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt. Tiếp theo là chư tăng Hàn Quốc, do Thượng tọa Ma Myoung Chan dẫn đầu đã tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Hàn. Bà Vidya Rao, người Ấn, đã tụng Tâm Kinh bằng tiếng Sanskrit. Và các sư cô Thái Lan đã tụng kinh bằng tiếng Pāli…

 

Vào lúc 10.15, đức Đạt-lai Lạt-ma bắt đầu chính thức buổi thuyết giảng của mình với đề tài Bát Chánh Đạo. Ngài giảng bằng tiếng Tây Tạng và được người phiên dịch chuyển sang tiếng Anh. Điều đặc biệt trong phong cách thuyết giảng của đức Đạt-lai Lạt-ma là luôn biểu hiện một phong thái tự tại và nụ cười hoan hỉ luôn xuất hiện trong khi nói chuyện.

Vào 19 giờ cùng ngày, tại Stein Auditorium, India Habitat Central, Lodhi Road, New Delhi, cùng trong chương trình lễ hội, Tổ chức Tây Tạng (Tibet House) kết hợp với bộ Văn hóa và Trung tâm Môi trường Ấn đã tổ chức đêm biểu diễn âm nhạc cổ truyền Phật giáo. Tham gia đêm biểu diễn này gồm có các nước Tây Tạng, Nhật Bản, Hàn Quốc, Sri Lanka, Mông Cổ, Nepal và Thái Lan… Mỗi nước trình bày phần âm nhạc tham dự của mình chủ yếu dựa trên nghi thức tụng niệm và một số tiết mục múa mang âm hưởng Phật giáo.■

Thích Nguyên Hiệp

[Tập San Pháp Luân.31.Tr,94.2006]