Những lớp học không trao bằng cấp

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Ngạc nhiên là dấu hiệu bình minh của nhân loại, là bước khởi đầu của trí tuệ. Khi nào người ta không còn ngạc nhiên với vạn hữu, với những gì diễn ra quanh mình, thì khi ấy, vũ trụ đã đến buổi hoàng hôn. Krishnamurti cho rằng, một bậc thầy già dặn, một nhà sư phạm thật sự là người biết đặt cho học trò mình câu hỏi, đặt cho học trò mình sự ngạc nhiên. Hơn thế, các bậc thầy trong Phật giáo, chẳng những dạy cho đệ tử mình ngạc nhiên về vạn hữu mà các Ngài còn dạy cho học trò mình ngạc nhiên với chính mình. Đó là cách trở lại dòng tâm. Tâm thức thì luôn luôn mới mẻ, bởi vì nó không có điểm khởi đầu. Tâm thức thì luôn luôn vô hạn, bởi vì nó có thể chứa đựng mọi dấu vết của vũ trụ này và, nó còn chứa được cả cái không của chính nó nữa. Do vậy, nó hầu như hiện hữu cùng một lúc hai thái cực: Có - không, sống - chết, còn - mất, ta - người, chính nó - cái khác nó, v.v... Tôi thật không tưởng tượng nổi khi mình có nhân duyên đến học tại chùa, được nghe và học cách trở lại dòng tâm - cái cách mà người ta cần phải vượt qua những cơn bão quét từ đại dương tâm bởi các đối tượng đời mình - với những bậc thầy như vậy.

 

Theo Hòa thượng Trí Quang, chỉ cần ai mà bỏ ra 20 phút trong một ngày để nghe lại mình, thì người ấy mãi mãi làm con Phật và tự nhiên người ấy sẽ là Phật ở thời vị lai không xa.

Thật vậy, trở lại dòng tâm là một thực hành rất mực yên lặng, thư thả, chỉ tự mình hoạt dụng nhằm loại bỏ những cơ chế rò rỉ mà ta, hoặc vô tình hay cố ý du nhập từ bên ngoài vào thông qua các cánh cổng quan năng vốn luôn nhạy cảm của mình. Để rồi từ đó, chính cái cơ chế hỏng hóc ấy, ta lại dùng nó phán xét sự vật - như là một thẩm mỹ viện, nó sửa sai sự vật bằng chính cái cơ chế sai lầm của nó - và, bạn biết đấy, bao điều tệ hại luôn diễn ra quanh cuộc đời này.

Cơ chế là một kết luận mà người ta khoác lên nó một lớp áo, được mệnh danh là ý thức. Heidegger, một Triết gia lỗi lạc của thế kỷ XX đã tuyên bố: “Chúng ta hãy suy gẫm một chút xem, cái gì đưa đến hậu quả, mà [giờ đây] người ta đánh dấu kỷ nguyên lịch sử nhân loại là: thời đại nguyên tử. Cái mà các hệ thống tri thức [khoa học] khám phá và khai phóng, cái nguyên tử năng ấy, nó được xiển dương như là sức mạnh [vạn năng], cơ hồ quyết định một cách tất yếu bước chân lịch sử [bằng vũ khí hạt nhân]. Nếu như không có Triết học tiên khởi và dẫn phát, thì hẳn nhiên là, không bao giờ có những cơ cấu tri thức ấy cả... Thậm chí, chúng ta buộc phải kết luận như vầy mới đúng: Với tờ khai sinh của kỷ nguyên lịch sử thế giới hiện giờ, đứa con rơi [do dâm nghiệp bất chánh với Triết học Hy-lạp] được quy cho cái gọi là thời đại nguyên tử này đây!”1 . Như vậy, Triết học cáo chung những gì do nó thai sinh. Napoléon nói rằng: “Có hai sức mạnh ở thế giới, đó là thanh gươm và tấm lòng. Cuối cùng thì tấm lòng luôn đánh bại thanh gươm”2.

Trở lại dòng tâm là bước chập chững ban đầu cho những ai đã xem con đường của Phật đi qua và những diệu tích của Ngài để lại, là đáng nên theo. Do vậy, trong pháp hội Lăng nghiêm, Quán-âm đại sĩ đã trình bày phương thức tu hành của mình, một cách cụ thể, trước đức Phật: “Ngay từ đầu, ở trong tánh nghe là nhập lưu (trở lại dòng tâm), là trở về với [tư duy] chánh niệm (rời bỏ hẳn những phiền lụy do đối tượng giác quan mang lại). Tự nhiên đối tượng khách trần vắng bặt, hành tướng trở về cũng lặng lẽ vô sinh3. Theo nguyên lý ấy mà từng bước tiến tu (không điên đảo). Như vậy, khả thể nghe và đối tượng nghe đều được tận trừ. Cảnh không và trí không đồng diệt. Tổng thể những cơ cấu bám chấp từ thô đến tế đều được diệt rồi, thì Niết-bàn tịch diệt đặt ngay trước mặt.”4  

Tu pháp của Phật-đà thiết lập trên ba cơ sở chủ yếu: Văn, tư, tu. Và, chính những gì mà Quán Âm đại sĩ đã trình bày trước Phật không ngoài ba phẩm tính ấy. Cả ba phẩm tính như vậy, ta đã bàn luận khá nhiều rồi. Thế nhưng ở đây, Văn, hoàn toàn không phải là kiến thức du nhập từ tai nghe, chẳng hạn các bộ môn như, triết học, lý luận, khoa học... gì gì đó. Bởi, cái cơ quan nghe này, luôn nằm dưới ách thống trị (indriye) của thức hay căn của nó. Tức là cơ quan nghe và căn của nó (kể cả 5 căn khác: sắc, hương, vị, xúc và nhận thức) đều thuộc về phạm trù của sắc pháp hay cấu kiện vật lý mà thôi. Khi ta chết, hoặc căn bị thui chột, thì ta chẳng còn nghe được. Chính vì vậy, mà các bậc Thánh gọi tánh nghe là Văn tuệ. Và, theo Bồ-tát Thế Thân, văn, tư, tu là bạn lữ của trí tuệ5, hay nói khác hơn, chính chúng là trí tuệ. Ở một cấp độ nào đó, ngũ uẩn là ngũ uẩn Bồ-tát, mà hành môn Quán-âm là đạt đến chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Chỉ khi nào ta được đưa tới một trạng thái như thế, thì phương tiện thiện xảo tự nhiên hiện tướng. Bởi vì phương tiện chỉ có thể xuất sinh khi mà các uẩn của tâm và sắc đã thực sự thanh tịnh, chúng đón nhận khách trần một cách rỗng rang, chẳng cần bày biện lễ nghi rối rắm. Ngoài ra, e rằng, toàn là những ảo pháp của thẩm mỹ viện được ngã tưởng dựng lên để tô vẽ, chiêu vời bằng các khái niệm có bản chất luân hồi mà thôi. 

Văn tuệ, theo đại sư Viên Trắc: “một là chẳng phải nghe bằng lỗ tai thịt của mình, bởi, nó chỉ là sắc pháp thô phù, hoàn toàn không hợp với pháp tu có tính chân thật quyết định (giác ngộ). Hai là không phải do nhĩ thức, bởi vì nhĩ thức luôn khởi vọng niệm phân biệt, nó hẳn không phải là yếu tố chính xác đưa đến trí tuệ. Ba là không phải nghe bằng ý thức. Bởi, ý thức là căn bản sinh tử luân hồi”6. Thật vậy, nghe bằng chính tấm lòng trong sáng vốn có của mình hay bản giác, thì đấy là văn tuệ. Nghe bằng chính cái người khác đã nghe, bằng sự hỗn độn của cái gọi là tâm là vật, vật là tâm, thì thanh gươm luôn chém nát tấm lòng, là xuất lưu trôi vào khuôn đúc sẵn. Nghe bằng chính thệ nguyện trước Tam bảo, mới thực là nghe.

Đối tượng khách trần vắng bặt (vong sở) là gì? Theo Viên Trắc, “đối tượng khách trần là một trong sáu nguyên nhân trói buộc chúng ta. Bước ban đầu là cởi bỏ sự trói buộc động loạn của âm thanh, tức là thanh trần. Sự tháo bỏ như vậy chỉ là công phu sơ bộ, nhằm được liên hệ đến bản tính thường nghe của chúng ta. Đấy chính là đối tượng khách trần vắng bặt, hoàn toàn không phải (thái độ) loại bỏ thanh trần, duy nhờ định lực mà được công phu rời bỏ hẳn như vậy; tức là thanh trần không bị triệt tiêu mà chính thanh trần tự nhiên vắng bặt. Nhập lưu, là tổng quyết của tu chứng viên thông, còn vong sở, chỉ là trạng thái thể nghiệm của bước ban đầu tu tập7. 

Hơn thế, nhập lưu vong sở, chẳng phải là hư vô hóa tính thường nghe, mà chỉ thuần chuyên tu nội quán cõi tâm ở bước ban đầu; nghĩa là phản văn tự tánh, hồi quang phản chiếu, dùng tính trong lặng của tâm mà nội soi, nội tĩnh, bao nhiêu thanh trần động loạn, nhất thiết tiêu vong. Thế nên Phật dạy: âm thanh ở trong (qua) tính nghe, tự nó diệt sinh, chớ chẳng phải là tính nghe của ông (có diệt có sinh). Âm thanh sinh, âm thanh diệt, khiến cho tính nghe của ông, nó nghe là có hoặc nghe là không có vậy.”8

Trở lại dòng tâm, thật vậy, là cương yếu quyết định của một pháp tu, nó không bắt chúng ta dung nạp quá nhiều kiến thức, quá nhiều vốn liếng học thuyết ở đời này. Lại nữa, chính việc dung nạp quá nhiều những hệ thống thông minh, đã khiến cho người trở về luôn luôn khốn đốn. Những ách tắc, những cơn lũ quét của các trò chơi tri thức, khiến ba đào lồng lộn khắp đại dương tâm, nhận chìm biết bao bậc tài hoa bạc mệnh và, chính chúng - những hệ thống tri thức - biến hình thành các cuộc tự sát đang diễn ra hàng loạt, ở mọi góc độ, khắp hành tinh này, như những thông điệp lạnh lùng đến từ cõi chết. Chính Heidegger là người thấy rõ thực trạng này hơn ai hết, ông nói: Tôi đang nói: “Nhập đạo” hay trên một con đường. Nói thế, có nghĩa là ta đồng ý rằng lộ trình này hẳn nhiên không phải là độc đạo. Cho dù có hay không lộ trình ấy, thậm chí nạn vấn phải luôn được mở ra như tôi muốn hiển lộ sau đây. Thật thế, một lộ trình đang hiện hữu [nhất lộ hướng thượng hiện tiền] nó cho phép chúng ta vạch ra và giải đáp [về] nạn vấn đó vậy.  

Ngay lập tức [trong sát-na] chúng ta nắm lấy, chúng ta đã và đang thấy một lộ trình, chúng ta đã và đang định vị nạn đề một cách chân xác. Trong trường hợp như vậy, nạn vấn liền tự phát sinh [tạo nên] một phản ứng thâm diệu (Skt: vi-ruddhaḥ gambhīravṛttiḥ; Grk: βαρυσημαντος αντι-ρρηση). Còn khi chúng ta hỏi: Triết học là gì? Thì đấy là lúc ta chỉ nói về Triết học (về đạo), trong khi ta hỏi về định hướng này, rõ ràng là ta vẫn trụ trên, cho dù là một thượng xứ (Skt: ati-sthāna) nào đó, tức là ta vẫn ở bên ngoài (đạo) triết học mà thôi!

Thế nhưng, mục đích nạn vấn của chúng ta là, nhập trong Triết học, trực nhập trong nó, nghĩa là ta “nhập hạnh Triết học” vậy!

Do đó (từ trạng thái như thế), lộ trình ngôn ngữ của chúng ta không phải chỉ có sự đối hướng [đối quán] (Skt: Abhi-dharma) rõ ràng, nhưng mà đồng thời cách đối hướng này còn cần phải phổ hiện (Skt: Pratibhāvyaṃ / pratibhāṣāmaḥ) sự bảo chứng rằng, ta tự mình thực nghiệm Triết học và không chuyển lưu (Skt: √gam / √car. Grk: ταρακινω) ở bên ngoài vòng Triết học. Như vậy, lộ trình hội thoại (đối ngữ / đối quán ngôn ngữ) của chúng ta phải thuộc về một thắng chủng nào đó (Skt: Viśeṣa; Grk: Ειδος.), có nghĩa là, từ cái mà Triết học thực hiện [Triết học được ta liễu nhập], tự thân nó liên hệ đến chúng ta, cọ xát ta, và đích thị là [tiếp cận] ta, ngay trong tự tánh [bản chất] (Skt: Sva-bhāva) của mình”9.

Bạn thấy đấy, một ông “tổ” Triết học của thế kỷ 20 mà còn phải vay mượn rất nhiều pháp ngữ của Phật giáo, rất nhiều những thực hành uyên mặc của Đông phương, nhằm đánh thức thực trạng mê ngủ đang diễn ra của cái gọi là Triết học Tây-âu, được ru hời qua những hệ thống tri thức, sự thổi phồng qua thần khải và, từ đó, lịch sử nhân loại di hành bằng những bước chân hạt nhân đáng ngại. Trừ phi, nó được trí tuệ soi đường (thức chuyển thành trí), còn không, thì đúng như kinh dạy (thời bây giờ) là thời mạt pháp (Skt: paścime-kāla)!

Triết học, ngôn ngữ, luận thuyết, những vay mượn... Tất cả chỉ là những cái gì đó đứng bên lề, ở ngoài cửa, dõi theo bậc tu hành lặng lẽ trở lại nguồn tâm. Đây cũng là cách khác biệt quá xa vời giữa Đông và Tây! Do khoảng cách quá xa như thế, (mà người ta thì luôn muốn vươn tới), nên một trạng huống nghịch lý là, trí đã biến thành thức tự bao giờ, tức là, cái mà người ta đề ra việc đối thoại Đông-Tây, suốt 70 năm nay, chỉ là đối thoại trên mặt thông tin, trên mặt học thuật và nhất là sử liệu tôn giáo. Và, thật sự, ta nên thừa nhận đấy là những cống hiến tuyệt vời, một hội chứng cần cẩn trọng chọn lọc. Nhưng, tất cả, không thuộc phạm vi tu hành và đúng như những gì Heidegger đã nói ở đoạn văn đã trích dẫn ở trên (Triết học cần) – nhập đạo (auf ein Weg). Tức là trở lại nguồn tâm vậy!

Đối tượng khách trần tự nhiên vắng bặt, hành tướng trở về cũng lặng lẽ vô sinh (Sở nhập ký diệt, động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sinh giả) là gì? Theo Viên Trắc, “vong sở như đã nêu, chính là tháo bỏ sự động loạn của khách trần hay tập khí của nó (động kết) in vào tâm; còn ba câu này, là tháo bỏ ‘khái niệm’ bám dính vào thanh tịnh (tịnh kết). Tức là đối tượng loạn động tuy được tịnh hóa rồi, nhưng (hành giả) còn bám vào trạng thái phản tỉnh, nội quán; mà bám vào tịnh vẫn là môi trường của sắc uẩn (sắc ấm). Do vậy, hai hình thái động, tịnh cần được xả trừ, ví như mặt trăng, mặt trời lặn mất, trời đất toàn đen tối. Cảnh giới ấy không phải là cảnh giới tịch tĩnh của thanh tịnh. Tóm lại, cả hai khái niệm, hai trạng thái tịnh và động phải được giải trừ, trả về đúng bản chất của chúng, trả cái nghe về cho tính nghe, không vướng bận tu hành trong sắc pháp nữa. Hành giả không còn ‘thấy’ động hay tịnh là gì. Khi ấy, hẳn nhiên là – hai tướng động tịnh bất sinh. Công phu đến trú xứ này, thì sắc ấm bị tiêu diệt hoàn toàn”10.

Tới đây, thì Triết lý bế tắc. Nó đặt tên cho con đường trước mặt là siêu hình học. Thế giới của danh sắc, lại chèn vào làm nhiệm vụ của chúng. Nghĩa là, dưới ách thống trị của “cơn bão” của đối tượng ngoại tại, vào trong các “căn” – được cảm thọ và các tàn dư của chúng tiếp sức – vô lượng khái niệm bị đẩy tràn về phía trước – một thượng tầng khác của ái dục – mang hình ảnh toàn diện của tham, sân, si, phủ chụp thế gian này. Hành duyên vô minh là thế. Nghĩa là, dòng sinh hóa diễn tiến điệp trùng bằng những đợt chuyển vận theo sóng hình cầu, nhậm trì toàn diện khả thể, thời gian, ngôn lời và các năng lực đặc chất, chia phần cho nhận thức trong những hóa cảnh ở đây và tương lai; để giờ đây ta có được cái gọi là ý thức hệ, tư tưởng, lý thuyết. Nói đúng hơn, đấy là những hệ phược do ý thức cài đặt bằng ảo tưởng về cái ngã nào đó, ở ngoài nó, có thật. Thế nên, ba cõi là nhà lửa, là chiến tranh, là quyền lực, là khát ái... tuyệt mất bi tâm; mà ở đấy, chỉ còn có những đứa trẻ ham chơi bằng những luận thuyết mà thôi. Một đoạn kinh Lăng-già như sau “minh triết” cho dòng sinh hóa ấy.

“Này Đại Huệ! Như trong nhãn thức, các cảnh giới như vậy đi qua những lỗ chân lông, những vi tử (tế bào, nguyên tử) thâm nhập tất cả căn bằng một cách thế đồng thời, giống hệt cảnh trí hiện trong gương. Cũng vậy, này Đại huệ, như gió càn quét biển khơi, năm thức thân mà đối tượng của chúng là gió (làm) sóng của đại dương tâm (ba động) chuyển vận sắc thái nhân quả liên tục, hỗ tương, không thể bứt rời, khiến sinh ra các hành tướng (nghiệp thức với các tướng trạng vận hành), cột ta vào những ảo vọng (sự ngu si) về bản chất của sắc.”11 

Như vậy, từng bước thắng tấn tu hành, khả thể nghe và đối tượng nghe đều được tận trừ (như thị tiệm tăng, văn sở văn tận giả) là gì? Theo Viên Trắc, như thị thuộc về văn pháp, tóm lại câu trên, tức là “phản văn, rời trần cấu”, chỉ cho tu tuệ và văn tuệ, tháo bỏ sự trói buộc của cảnh và căn. Do vì, căn, là chất liệu kết tập nơi lỗ tai, cô đọng thành nền tảng của căn; như vậy, căn cũng chỉ là sự kết hợp của những điều kiện mà thôi, nên căn cần được giải trừ. Khi căn được giải thể, cảnh tự tiêu vong, và thức cũng chẳng còn chỗ để dựa sinh nữa. Khi cảnh không còn là điều kiện của căn, căn không còn nơi để trú; đến đây, cơ chế của căn đã được giải trừ. Ngay khi ấy, cảm thọ và cái được cảm thọ đều tự tận, thức không còn xứ để sinh; tức là tưởng ấm tự phá. Như vậy, ba cơ cấu của thọ, tưởng và thức (khái niệm)  đồng thời bị hủy (Sđd).

Không bám vào đối tượng nghe và chủ thể nghe (dù) đã được tịch lặng, (thì) định tưởng và cảnh giới đắc định là không tánh (tận văn bất trụ, giác sở giác không giả) là gì? Theo Viên Trắc, chính là sự tháo bỏ định tưởng (giác kết). Hai chữ “tận văn” là chỉ cho khả thể nghe và đối tượng nghe đều được tận trừ, chỉ còn “định tưởng”. Nếu trụ vào cảnh giới định này, hành giả chứng được “ngã không”, chưa chứng “pháp không”, tức là vĩnh viễn rơi vào định tưởng, chủ khách vẫn y nguyên đối đãi, cái mà Ngưỡng Sơn gọi là, cụ túc tâm cảnh. Nay nói đến “giác sở giác không”, là nói đến giác trí hay là tánh hiểu biết trong sáng. Còn, nói đến “sở giác”, là nói đến đối tượng được thể nghiệm bằng giác trí này vậy. Khi cả hai được rỗng lặng thanh tịnh, thì trạng thái đối đãi vi tế không còn nữa. “Giác” là trí phần hay là yếu tính đưa đến Niết-bàn, nó thuộc về trí toàn thiện (Bát-nhã). Vậy, cái “giác trí” ấy, làm sao mà có thể hiểu được, nghiệm chứng là rỗng lặng, tánh không? Phải biết rằng, cái “giác trí” ấy (nếu có thể nào được nghiệm chứng),chính là “phá pháp chấp”, nếu không hiểu được như vậy, ta sẽ rơi vào một loại “pháp ái” nào đó, tức là, vẫn còn nguyên trói buộc. Do vậy, “pháp chấp” cần được giải trừ. Kinh Viên Giác nói: ‘Vì huyễn trần diệt, nên huyễn tâm diệt. Do huyễn tâm diệt, nên huyễn trí diệt. Do huyễn trí diệt, nên cái diệt của huyễn cũng diệt; vì (cái) diệt huyễn được diệt, nên không tánh thường tại’. Đoạn kinh vừa nêu, đồng nhất với công phu tháo bỏ cơ chế bám chấp vào định tưởng. Nay nói, (giác kết), tức là nói đến cái huyễn trí ấy, tức như Phật dạy, tính chất sinh khởi tuần tự của sáu loại bám chấp, nghĩa là, tri kiến vọng phát, thì khái niệm tương tục sinh. Thế nên, tháo bỏ định tưởng rồi, thì tri kiến bất khởi, dứt dừng hý luận vậy! (Lược dịch Sđd).

Ở đây, cũng cần nhắc lại đôi chút về Heidegger, khi nhà Triết học ấy, trích lời André Gide: “với những ái dục, người ta chỉ tạo nên loại văn học tồi tệ”. Theo ông, câu nói của Gide, chẳng những nó có giá trị cho văn học, mà nó còn có giá trị cho Triết học nữa. Để rồi sau đó, ông cho rằng, Triết học có thể xem như một luân thể, một vòng tròn, cho dù, ta vẫn còn mờ mịt về nó, nhưng ít ra ta luôn trụ trên luân giới của cái vòng tròn ấy, và có một cái nhìn tổng thể về nó.12 Ta thấy, đây là giai đoạn “pháp chấp” của Heidegger. Do vậy, cuối đời mình, nhà Triết học ấy cho rằng, một vũ trụ hài hòa, một nghệ thuật tuyệt hảo, chỉ có thể tìm thấy trong thuật hội họa của Thiền mà thôi.13 Hay nói một cách khác hơn, tụng kinh, lễ Phật là cái mà Heidegger cả đời mơ ước vậy.

“Cảnh không và trí không đồng được tịch trừ” (không sở không tịch) là gì? Theo Viên Trắc, chẳng những (hành giả) diệt trừ cảnh giới được trí chứng là không, mà cái khả thể cho là không của trí ấy cũng cần được diệt, như dùng chất liệu (hai loại) gỗ ma sát với nhau, cả hai đều bị thiêu hủy. Nay, trạng huống bám không đã được giải trừ, tháo bỏ, tức là phá hành ấm vậy! Cũng như Phật dạy: (khi) không tính được sáng tròn (viên minh là Thiền tuệ), thì thành tựu pháp giải thoát. Chính xác trong nghĩa đó là, đắc cảnh giới ngã, pháp là  tính không (duyên khởi).

Tổng thể những cơ cấu bám chấp từ thô đến tế đều được diệt, thì Niết-bàn tịch diệt đặt ngay trước mặt (sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền) là gì? Theo Viên Trắc, những gì được đưa ra dưới đây, chính là sáu loại trói buộc, như kinh Lăng-nghiêm đã dạy: (Tướng) động diệt, tịnh sinh. Tịnh diệt, căn sinh. Căn diệt, giác sinh. Giác diệt, không sinh. Không đã được diệt, thì (phát sinh tế niệm về) cái diệt (tức là ái tận Niết-bàn, trụ diệt tận định). Diệt cái diệt không, thì Niết-bàn đặt ngay trước mặt (thỏng tay vào chợ). (Lược dịch Sđd).

Tóm lại, theo Phật giáo, Triết học hay những hệ thống trí thức, dù ở một thượng tầng nào đó, thì vẫn là những hệ thống non trẻ (Skt: bāla-tīrtika); và theo Viên Trắc, thì pháp tu của Phật giáo không thủ tiêu bất cứ cái gì cả. Vấn đề là, cái gì mang lại giải thoát, an vui, cái gì là lòng yêu thương, để lưỡi gươm hận thù không còn gây máu lệ. Nó, những tham, sân, si, những khám phá vô tận của nhân loại vẫn còn đó, đang diễn hiện, nhưng chúng đã được những ai được làm con Phật đặt vào trong độ phân giải cao nhất của trí tuệ, của tánh không duyên khởi.

Bản văn này, chắc hẳn là không bao giờ đạt đến, cho dù là mép rìa của pháp tu Quán âm. Tất cả chỉ là tư kiến của một cá thể dại khờ, nếu không muốn nói là, có cả những sai lầm trong khi chuyển dịch. Tuy vậy, nó là kết quả của những năm về chùa tu học với những bậc thầy được người đời kính trọng. Có điều, những bậc thầy như vậy, theo tôi, lại là những người lái đò già dặn, họ biết đâu là khi sóng dữ triều cường, khi nào tới nơi có khúc quanh nghiệt ngã. Chí đến, đâu là những im vắng của dòng sông, và đâu là thác ghềnh trước khi thuyền vào biển lớn. Họ dạy cho học trò mình như thế đấy. Lớp học luôn đào tạo những người học trò “phải biết không vâng lời thầy, phải biết tự mình tra vấn, phải biết tự mình chèo chống con thuyền. Phải biết con đường nào mà mình cần đi, cần tự dọn đi những gai gốc, hố hầm. Những con đường chưa có ai san lắp, khai thông.” Do vậy, nó chẳng trao cho ai tấm văn bằng nào cả, ngoại trừ dấu ấn trên tâm. Và, nói như, cái mà người Hy-lạp thường nói là: Trái bóng chỉ dành cho sân bóng mà thôi!14 Đấy là những lớp học Phật ở chùa mà tôi có phước duyên theo học vậy.■

 

Chú thích:

1. Überlegen wir uns einen Augenblick, was es bedeutet, dass man ein Waltalter der manchen Geschichte als “Atomzeitaler kennzeichnet”. Die durch die Wissenschaften entdeckte und freigesetzte Atomenenergie wird als diejenige Macht vorgestellt, die den Geschichtsgang bestimmen soll. Die Wissenschaften gaben es freilich niemals zu, wenn ihnen nicht die Philosophie vorher und vorausgegangen wäre... wir dürfen sogar sagen: auf der Geburtsurkunde der gegenwärtigen weltgeschichtlichen Epoche, die Atomzeitaler nennt.” Was ist das-die Philosophie? Heidegger.

 2. “There are two in the world, the sword and the mind. In the long run, the sword is always beaten by the mind” (The Power of Ideas / Moore Bruder / Mc Graw Hill).

3. “Lakṣanaṃ hyāvṛtisvattvaṃ pratipakṣasya bhāvanā l tatrā’vasthā phalaprāptiryānā nuttaryameva.1 “bản chất của sắc hay loại hình khái niệm [được sắc chất cấu thành], là cái gây chướng ngại chân nghĩa và sự tu tập phần đối trị [ngu si] mà [ở trong] phẩm tính ấy, người ta chứng đắc quả vị tối thượng thừa” (Madhyāntavibhāgakārika-Biện Trung Biên Luận / Thế Thân Bồ-tát tạo / Source: Pandeya, Ram chandra, Delhi: Motilal) 

4. “Sơ ư văn trung, nhập lưu vong sở, sở nhập ký tịch, động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sinh. Như thị tiệm tăng, văn sở văn tận; tận văn bất trụ, giác sở giác không, không giác cực viên, không sở không diệt, sinh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”. Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm kinh. Bản chữ Hán, Viên Trắc giảng nghĩa.

5. “Tuệ và những bạn lữ (tùy hành) của nó (anuccāra)”.

6. “Nhất phi nhục nhỉ chi trung...” Viên Trắc. Sđd.

7. Sđd

8. Sđd

9. “Ich sage: auf einem Weg. Damit geben wir zu, dass dieser Weg gewiss nicht der einzige Weg ist. Es muss sogar offen bleiben, ob der Weg, auf den ich im folgenden hinweisen möchte, in Wahrheit ein Weg ist, der uns erlaubt., die Frage zu stellen und zu beantworten.

 Nehmen wir einmal an, wir könnten einen Weg finden, die Frage genauer zu bestimmen, dann erhebt sich sogleich ein schwerwiegender Einwand gegen das Thema unseres Gesprächs. Wenn wir fragen: Was ist das-die Philosophie?, dann sprechen wir über die Philosophie. Indem wir auf diese Weise fragen, bleiben wir offenbar auf einem Standort oberhalb und d.h ausserhalb der Philosophie” Heidegger. Sđd.

10. Viên Trắc. Sđd.

11. “Yathā Mahāmate, evaṃ sarvendriyaparamāṇuromakūpeṣu yugapat prapṛtti krama viṣayādarśabimba-darśanavat udadheḥ pavanāhatā iva Mahāmate viṣayapavanacittodadhitaraṅgāvyucchinnahetukriyā-lakṣaṇā anyonyavinirmuktāḥ karmajātilakṣaṇasuvinibaddharūpasvabhāvānavadhāriṇo Mahāmate pañca vijñānakāyāḥ pravartante”. Buddhist sanskrit Texst-No.3. (Dịch theo ý thầy Nguyên Giác. Lớp học Lăng-già).

12. Heidegger. Sđd .

13. Heidegger’s  philosophie of Art (East Asian art).

14. Αûτü εινει τü αûτοκßνητο (auto einai autokineto). Doulas Q.Adams.

[Tập San Pháp Luân.31.Tr,28.2006]