Trong các kinh điển Phật giáo cả Nam truyền lẫn Bắc truyền thường xưng tán mười hiệu của một vị Phật là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh túc, Thiện Thệ, Thế Gian giải, Vô thượng sĩ, Điều Ngự trượng phu, Thiên Nhân sư, Phật Thế Tôn. Đó là những danh hiệu cao quý mà thế gian tôn xưng các bậc đã đạt tuệ giác vô thượng.
Đức Phật Bổn sư Thích-ca của chúng ta có đầy đủ mười hiệu đó.
Sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề bắt đầu cuộc đời thuyết pháp độ sanh, bằng những giáo lý căn bản nhằm giải quyết mọi bế tắc của con người, đức Phật đã khẳng định chân lý mà Ngài đã chứng ngộ được với thế giới; những tuyên ngôn của Ngài đã làm lay động tận gốc rễ triết thuyết của các đạo sư thuộc sáu mươi hai giáo phái Ấn Độ thời bấy giờ. Ngài tuyên thuyết giáo lý Trung đạo, thành lập ngôi nhà Phật giáo tại thế gian với đầy đủ ba ngôi báu Phật - Pháp - Tăng.
Tăng bảo được thành lập với sự có mặt đầu tiên của năm anh em ông Kiều-trần-như, những người trước đây đã từng tu khổ hạnh với đức Phật; sau đó là sự quy y của các nhân vật có tiếng tăm thời bấy giờ, như là ba anh em Ca-Diếp (Kassapa) và một ngàn đệ tử của họ ở xứ Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela); kế đến là sự gia nhập của hai con người ưu việt, đó là Xá-lợi-phất (Sariputta) và Mục-kiền-liên (Moggallana) cùng với mấy trăm chúng đệ tử của hai vị này. Sự kiện nhiếp hóa các Giáo chủ có tiếng tăm như vậy không phải là ít dưới thời Ngài đã khiến cho dư luận bàn tán rằng, đức Thích-ca là bậc Thầy của mọi bậc thầy, người làm Thầy của những vị đã có đồ chúng mà tiêu biểu là các vị đã nêu trên đây. Đặc biệt là tất cả đệ tử của Ngài “ví như nước của các sông đổ vào đại dương, mất tên trước kia của chúng và chỉ gọi là nước biển. Cũng vậy tất cả giai cấp khi vào tu học trong giáo pháp của Như Lai đều mất danh tánh và dòng dõi trước kia và chỉ còn được xem là con nhà họ Thích”.
Đức Phật tuyên bố không có giai cấp cao thấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn và tất cả đều có khả năng thành Phật nên mọi thành phần tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, v.v… đều có thể quy y, tu tập bình đẳng. Trong lịch sử nhân loại, Ngài là người tiên phong chủ trương bình đẳng giai cấp, không phân biệt nam nữ và hóa giải xung đột.
Mục đích xuất hiện ở đời của đức Phật là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Ngài phương tiện thuyết pháp độ sanh tùy theo từng căn cơ và đối tượng, sự thiện nghệ đó là thành công duy nhất chỉ có nơi một bậc Thầy của trời, người. Chỉ có bậc Thầy vĩ đại như vậy mới có được khả năng tùy cơ thuyết pháp. Ngài đã từng dạy chúng đệ tử rằng: “Những gì ta nói ra chỉ như là những chiếc lá trong lòng bàn tay còn những gì ta liễu đạt được thì như lá simsapa trong khu rừng này”. Bậc Thầy của chúng ta, Người đã đến đây vì chân lý cho mọi chúng sanh, vì sự chứng ngộ của mọi chúng sanh. Ngài chỉ nói ra những gì Ngài thấy rằng nó phù hợp cho con đường tiến đến giải thoát giác ngộ và từ chối nói những gì không đưa đến lợi ích an lạc. Bởi vì lý luận chỉ làm kẹt vào vòng xoáy của ngôn từ và khái niệm, chỉ là sự vô bổ mà thôi.
Tuy Pháp âm của đức Phật ngưng lại ở chúng hội Sa-la song thọ cách đây hai mươi lăm thế kỷ, và đã trải qua không biết bao nhiêu thế hệ đem cả cuộc đời và sự nghiệp cho việc học và thực hành theo lời dạy của Ngài nhưng chưa ai dám khẳng định rằng mình là kẻ uyên thâm, thông suốt những gì Ngài dạy.
Đức Phật thuyết pháp để chúng sanh giác ngộ chứ không phải mê hoặc quần chúng nên Ngài đã từng tuyên bố rằng: Đó là pháp đến để mà thấy, chứ không phải đến để mà tin, tin hay không là tùy ở cá nhân mỗi người. Bậc thầy đã trao cho tất cả cái quyền tự do về nhân bản tôn giáo, và cũng chính vì vậy mà tôn giáo của Ngài là một tôn giáo tự do, không hề có một thế lực gì bắt buộc, Ngài biết rằng tự thân giáo lý Ngài sẽ nói lên được những gì mà con người cần tìm kiếm.
Chuyện kể rằng thời đức Phật còn tại thế, một hôm Ngài đi đến xứ Kesaputta, thị trấn của bộ tộc Kalama, giới trẻ đến tìm gặp Người rất đông, một thanh niên trong số đó chấp tay hỏi Phật:
“Thưa Sa-môn Gotama, lâu nay có rất nhiều vị đạo sĩ Bà-la-môn đến viếng xứ sở Kesaputta này để giảng dạy giáo lý. Vị nào cũng nói chỉ có đạo lí của mình là hay, và thường hay chê bai những đạo lí khác. Chúng con thật bối rối không biết đường nào mà đi và rốt cuộc chúng con sinh ra nghi ngờ tất cả. Thưa Sa-môn, chúng con nghe nói Người là bậc Giác ngộ, xin Người cho chúng con biết là nên tin theo ai và không nên tin theo ai, ai là người nói đúng và ai là người truyền bá tà thuyết”.
Đức Phật dạy: “Này các bạn, các bạn đừng vội tin vào một điều gì dù điều đó là điều mà người ta thường nói đến luôn, dù điều đó có trong kinh điển, dù điều đó là do một bậc thầy mà thiên hạ tôn sùng nói ra. Các bạn chỉ nên chấp nhận và tin vào những điều mà các bạn thấy hợp với lí trí của các bạn, những điều được các bậc hiền nhân đồng ý, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới những kết quả tốt đẹp cho đời sống. Còn những điều không hợp với lí trí, những điều bị các bậc hiền nhân chê trách, những điều mà nếu đem ra thực hành thì đưa tới khổ đau và đổ vỡ, những điều đó các bạn nên bác bỏ, đừng chấp nhận.”(*)
Những tuyên ngôn của Ngài như vậy quả đã làm cho Nhân cách và Giáo pháp của Ngài chói sáng rực rỡ thêm. Một bậc Thầy khuyên học trò chỉ tin vào những gì có thể đem lại kết quả lợi ích tốt đẹp khi và chỉ khi vị đó tuyên thuyết những điều phù hợp với chân lí, bởi chỉ có chân lý mới trụ vững được với thời gian và sự đổi thay của niềm tin con người, chỉ có chân lý mới có đầy đủ sức mạnh cảm hóa các đạo sư có đồ chúng lên đến số ngàn, chỉ có chân lí mới có đủ năng lực thâu tóm được sáu mươi hai học thuyết ngoại đạo đương thời quăng vào vùng trời kiến chấp.
Suốt hai mươi lăm thế kỉ qua, sau bao cuộc thăng trầm đổi thay thế sự, hình ảnh của Người, giáo pháp của Người vẫn cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Bao nhiêu thần tượng đã được tôn thờ rồi bị sụp đổ, bao nhiêu học thuyết đã được sinh ra, tồn tại, lỗi thời rồi phải cách tân… nhưng giáo pháp của Ngài vẫn mãi mãi là bất di bất dịch, tuyên ngôn của Ngài vẫn mãi mãi là chân lí không thể nào hoán chuyển, tinh thần khoa học dù đã lên đến đỉnh cao vẫn còn ngẫn ngơ trước những gì mà hai ngàn năm trăm năm trước đây đức Phật đã nói.
Ngài quả là bậc Thầy của mọi bậc thầy.■
-------------------------------------------------
(*) Theo Kinh Kalamasutta (A, III, 65), Thiền sư Nhất Hạnh diễn dịch
[Tập San Pháp Luân.31.Tr,15.2006]