Theo nếp suy nghĩ của chúng ta, mọi vật trong thế giới đều được chia thành hai đối cực: có - không, đúng - sai, phải - quấy… Nhưng mà, vạn vật đâu phải chỉ là sự phân chia ranh giới rạch ròi, sự phân chia rạch ròi đó chỉ là hệ quả hệ lụy từ trong bản chất ưa suy luận của chúng ta thôi (kinh Lăng-già gọi là hý luận: prapañca).
Cũng theo lối lập luận ấy, người ta nghĩ về đạo Phật, kẻ hoan nghênh, người phản bác, trịnh trọng tuyên bố đạo Phật là đạo vô thần (atheism).
Lật lại từ điển để xem, Từ điển những tôn giáo thế giới (The Oxford Dictionary of World Religions) định nghĩa “chủ nghĩa vô thần (atheism) là phủ nhận sự hiện hữu của Trời (God)” (Trời được hiểu như một chủ vật, chẳng hạn như Phạm thiên, Chúa, Thượng đế…). Trời ở đây thực ra rất đa dạng, tùy theo mỗi hệ thống tín ngưỡng mà có những danh xưng và vai trò khác nhau. Trong các tôn giáo độc thần thì cho đó là vị chủ tể khai sáng dựng lập thế giới, trong tôn giáo đa thần thì đó là những vị thần có quyền năng siêu việt. Nói chung, họ là những sinh thể khả kính về mặt phẩm đức cũng như năng lực.
Vậy, nói Phật giáo là vô thần, đúng sai như thế nào?
Phận sự đầu tiên của mỗi người Phật tử là quy y Tam bảo - Phật, Pháp, Tăng. Phật trong nhiều kiếp trước từng là những vị trời sống ở các cõi trời mà kinh điển, đặc biệt là Truyện tiền thân (Bổn sanh) thường kể lại. Trước khi thị hiện thành Phật, ngài là vị Bồ-tát Trời sống ở cung trời Đâu-suất. Pháp là giáo lý tốt lành vi diệu, trong ấy bao trùm cả những pháp đưa đến những cõi trời. Tăng là hiện thân của pháp ấy được thực hiện, trong đó có rất nhiều vị là Bồ-tát bất thối, hoặc những vị A-la-hán có thể đi đến những cõi trời. Những vị Bồ-tát này có thể hóa hiện làm các vị trời để hướng dẫn chúng sanh tu tập, như Bồ-tát Quán Thế Âm chẳng hạn. Hơn thế, Tam bảo không chỉ là nơi quy ngưỡng của con người trần tục mà còn là của chư thiên, các vị trời cao trọng. Trong kinh kể, nhiều vị Phạm thiên đã xuống trần để nghe pháp và sau đó phát tâm quy y tam bảo. Và chúng ta cũng biết, chính bản thân đức Phật cũng đã là hiện thân đầy đủ của cả Tam bảo, vì Pháp và Tăng đều là những pháp lưu xuất từ Phật. Sự kết hợp của Pháp và Tăng là để thực hiện sự hoàn thành Phật tánh vô biên trong mỗi cá thể.
Đức Phật - đối tượng cho chúng ta quy ngưỡng ở đây không phải là một vị chúa tể khai sáng vũ trụ, bởi vì vũ trụ này được hình thành do cộng nghiệp của tất cả mọi sinh linh, trong đó có các vị trời. Ngài là vị Đạo sư của trời và người với những phẩm đức cao đẹp vượt lên trên những giới hạn mà loài trời và loài người đang cố vượt qua - đó là sự sanh tử luân hồi. Nói về sự hoàn thiện, tất cả chư Phật trong mười phương ba đời đều bình đẳng và là điểm quy chiếu của tất cả các hoài vọng cao đẹp không chỉ cho con người khổ đau mà cho cả chúng sanh ở các cõi trời đang hưởng cuộc sống an nhàn tốt đẹp. Vì đức Phật vượt lên trên các vị trời nên không có lý do gì để những đệ tử của Ngài quy hướng các vị trời ấy.
Vậy chư Phật có phải là những bậc linh thánh không? Linh thánh là phẩm chất của những vị thần thánh, trong đó có các vị trời. Chư Phật có phẩm chất toàn hảo vượt lên trên các vị trời nên tất nhiên các Ngài cũng là những bậc linh thánh, thậm chí còn trên cả những khái niệm ấy. Các Ngài là Trời của tất cả các loài trời, là Vua trong tất cả các vua, là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác - Samyaksaṃbodhi.
Thế thì những người con Phật thuộc vào hệ tư tưởng nào trong những cái được gọi là vô thần, độc thần và đa thần? Trả lời dứt khoát câu hỏi này thật không phải dễ, bởi vì ngay việc sử dụng các từ này cũng đa dạng như chính các vị thần được người ta kể đến. Tuy nhiên, đạo Phật cũng có nhận định khái quát về vấn đề này qua việc tìm về nguồn cội sự phát triển của thần giáo trong lịch sử nhân loại, từ đó cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về tôn giáo của mình trong mối tương quan với những tôn giáo khác.
Vào buổi bình minh của nhân loại, do sự thiếu hiểu biết về bản chất của thế giới nên khi đối trước các hiện tượng tự nhiên như thiên tai lũ lụt, hạn hán mất mùa, con người có xu hướng xem đó như là những trạng thái tình cảm “không ổn định” của những quyền năng siêu nhiên, đó là nguồn cội của các vị thần. Nói một cách khác, tổ tiên của các vị thần là nỗi lo sợ của lê dân! Con người ban cho mỗi một hiện tượng kỳ bí một vị thần cai quản. Từ đó, đa thần giáo được hình thành với sự đa dạng trong tính cách cũng như hình thức và số lượng của chư thần. Thế rồi, con người cảm thấy chư thần phức tạp quá, khó có thể làm vừa lòng tất cả nên họ muốn đưa chư thần về dưới sự cai quản của một vị thần tối cao, để dễ bề thương lượng đồng thời tránh được sự hỗn loạn của chư thần. Có lẽ từ đó mà chủ nghĩa Nhất thần giáo được hình thành.
Phật giáo xuất hiện ở đời cùng với sự hiểu biết ấy nên chư thần không được quy ngưỡng như những nơi an ổn tối thượng. Đức Phật với sự toàn giác đã xóa đi những đám mây mờ trong nhận thức của con người về bản chất của thế giới, của chư thần. Thế nhưng nói như vậy không có nghĩa là chư thần, thậm chí thượng đế, không hề tồn tại. Theo quan niệm của Phật giáo, thế giới này có đến 36 tầng trời, và mỗi tầng như thế đều có các chúng sinh trời cư trú. Đây là những chúng sinh đã tạo những nghiệp lành trong những kiếp trước. Cuộc sống ở những nơi ấy tuy sung sướng đầy đủ nhưng không phải là mục đích hướng đến của đạo Phật, bởi vì họ vẫn đang bị các phiền não chi phối và phải chịu tái sinh. Những loài trời này cũng như con người chúng ta đang kiếm tìm sự giải thoát rốt ráo ra ngoài những trói buộc của phiền não, của luân hồi, đó là Niết-bàn tự tại.
Trong kinh mô tả, vị Thiên chủ Đế thích, là vị trời luôn nghĩ rằng mình là chủ nhân đã sáng tạo ra thế giới, đã thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết pháp ngay sau khi Ngài thành tựu Chánh giác. Và còn nhiều vị trời khác cũng có những việc làm tương tự, như bốn vị Thiên vương ở bốn hướng núi Tu-di trở thành những vị hộ pháp… Điều đó nói lên rằng, ngay các vị trời, các vị vua trời cũng đều hết sức cung kính đức Thế Tôn, họ quy y và nghe pháp từ Ngài bởi họ ý thức được rằng sự linh thánh của họ không bằng nơi Ngài.
Thế thì Phật giáo cũng nói đến chư thần và thiên giới nhưng không xem những vị ấy hoặc những nơi ấy là bản thể, là đích điểm cứu cánh hay chỗ quy ngưỡng tối thượng của con người. Trời và người đều bình đẳng trong khả năng giác ngộ, chỉ khác nhau ở chỗ phước đức sâu dày hay nông cạn; nếu so sánh một cách khiên cưỡng thì sự khác nhau ấy giống như sự khác nhau giữa người giàu và kẻ nghèo. Chư thần không phải là trung tâm điểm của Phật giáo, không phải là nền tảng cho giáo lý nhà Phật. Đức Phật dạy, giác ngộ là mục đích tối thượng, bằng vào sự nỗ lực tu tập con người có thể đạt được sự giải thoát như chính Ngài, sự giác ngộ ấy còn cao hơn những gì mà chư thiên đang thọ hưởng.
Người ta cũng thường gán ghép chủ nghĩa vô thần với chủ nghĩa hư vô, một tư tưởng không tin nhân quả nghiệp báo. Theo nghĩa này thì Phật giáo lại càng hoàn toàn không phải vô thần bởi khi đi sâu vào Tam tạng giáo điển của Phật giáo, chúng ta thấy Phật giáo tôn trọng tư tưởng nhân quả nghiệp báo này hơn bất cứ nơi nào. Mối quan tâm trong tinh thần nhân quả nghiệp báo của Phật giáo không chỉ dừng lại ở con người mà còn lan tỏa đến những sinh vật nhỏ bé như con sâu cái kiến…, đến cây cỏ núi rừng, đến lợi ích cho toàn thể.
Đức Phật dạy, muốn đạt được giải thoát thì phải tránh xa hai cực đoan. Ở phương diện này cũng vậy, đạo Phật có nói đến các vị thần thánh trong trời đất, nhưng họ không phải là nơi quy ngưỡng cho con người tìm cầu giác ngộ. Đồng thời đạo Phật cũng không chủ trương vô thần để rồi con người sống sa đọa trong nỗi lạc lõng của sự phủ nhận đạo lý nhân quả nghiệp báo, phủ nhận những phẩm đức cao đẹp của cuộc sống■
[Tập San Pháp Luân.30.Tr,43.2006]