Luật đặLuật đặt ra cũng nói đến quan hệ giữa tập thể Tỳ-kheo và cộng đồng ngoài đời. Tỳ-kheo bỏ nhà bỏ cửa sống đời sống không tư hữu nhưng vẫn phải ăn, vẫn phải mặc. Người đời không ai cho không những thứ họ làm ra bằng trí óc hay thể lực; thành ra phải có sự trao đổi theo những giao ước xã hội đã trở thành truyền thống, văn hóa. Sự trao đổi đó nói rằng, một tập thể Tăng dù đã thoát ly khỏi ràng buộc xã hội vẫn phải có nhiệm vụ gián tiếp đối với xã hội; nhìn một mặt là gián tiếp nhưng mặt khác vẫn là đóng góp trực tiếp trong sự phân công xã hội. Ở đây phân biệt một Tỳ-kheo quan hệ với người đời có mấy tư cách? Tỳ kheo sống dựa vào sự chu cấp của xã hội, cho nên phân thành bốn hạng.
Thứ nhất, Tỳ-kheo ăn của tín thí như bọn ăn trộm. Đó là Tỳ-kheo sống phá giới phạm trai. Trong cái gọi là khế ước phân công xã hội, người đời cần có những tấm gương đạo đức làm mẫu mực. Nhìn vào những gương đạo đức để sống và có một trật tự xã hội. Một xã hội mà không có những tập thể sống mẫu mực như vậy để cho mọi người bắt chước thì xã hội sẽ loạn. Nếu người xuất gia mà không đáp ứng được điều đó, không phải là những chuẩn mực đạo đức cho xã hội và như vậy là vi phạm hợp đồng. Phật nói, những người xuất gia như vậy là hạng người sống bằng sự ăn trộm của xã hội.
Thứ hai, Tỳ-kheo sống mà ăn như đầy tớ. Đó là những người sống giữ giới luật nhưng là phàm phu, chưa chứng quả Thánh. Họ sống như người làm thuê cho tục gia. Thí chủ cúng cho mình một bát cơm, mà trong hiện tại, là muốn nuôi dưỡng chuẩn mực cho trật tự xã hội, và cũng muốn phước báo đời sau nữa. Ăn cơm của người ta và cầu nguyện cho người sống lâu, cho được giàu sang, cũng như tôi tớ lao động để làm giàu cho chủ, phải cày cuốc, làm ruộng vườn để được chủ trả lương ăn hằng ngày.
Thứ ba, Tỳ-kheo sống ăn như người vay nợ. Đây là chỉ cho những vị đã chứng quả Thánh từ Tu-đà-hoàn trở lên. Ngay trong đời này và ít nhất là trong bảy đời nữa vị đó sẽ chứng quả A-la-hán. Ở đây nói ăn như vay nợ, nghĩa là các vị chứng Thánh đạo giống như người có tài sản, có đất đai muốn kinh doanh nhưng thiếu vốn nên phải vay nợ và thế chấp bằng đất đai để buôn bán, một thời gian sau khi trở thành người giàu có, thành ông chủ thì trả nợ lại. Cũng vậy, bây giờ tạm thời các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm đi vay nợ ăn để nuôi thân mình cho tới khi chứng quả A-la-hán mới thôi. Thứ tư, Tỳ-kheo sống ăn như người chủ, giống như ông chủ ngân hàng, đó là những vị đã chứng quả A-la-hán, là bậc ứng cúng, xứng đáng được thọ nhận cúng dường. Đây là quan hệ giữa người xuất gia và những người sống ngoài đời thường; còn sống còn ăn là còn có quan hệ về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính điều này đã đặt ra luật.
Lần đầu tiên khi Phật thuyết pháp tại Ma-kiệt-đà, ngay sau đó đã có nhiều người từ bỏ gia đình theo Phật xuất gia, trong đó phần lớn là thanh niên. Bấy giờ hầu như cả thành phố bối rối và lo sợ. Dân chúng phản đối rằng, Sa-môn Cồ-đàm đến đây phá hoại, vì sao? Vì bấy giờ, những người trụ cột trong gia đình hoặc là cha, hoặc là chồng, hoặc là con đều bỏ đi xuất gia theo Phật hết. Đó là mâu thuẫn đầu tiên giữa Giáo đoàn đệ tử Phật và xã hội thế tục. Một người sống ở ngoài đời thì họ có nhiệm vụ với đời, nên khi họ đi tu thì xã hội bị một khoảng trống. Khi xã hội bị khoảng trống như vậy, người ta phải bù đắp lại một cái gì đó. Dù muốn dù không, người xuất gia vẫn phải bị ràng buộc với khế ước phân công xã hội, nghĩa là vẫn phải có nghĩa vụ, hay trách nhiệm nào đó đối với xã hội để được người đời chu cấp, nuôi dưỡng.
Cho đến thời hiện đại, chúng ta thấy chuyện này lại càng rõ hơn. Như hiện tại trẻ em sinh ra được nhà nước, người quản lý và giám sát nghĩa vụ chấp hành khế ước xã hội chăm lo. Nhà nước chăm lo bằng sự đóng thuế của dân. Vì thế, một thành viên của xã hội thì lớn lên phải có nhiệm vụ hoàn trả. Nếu nửa chừng mà đi tu, từ chối mọi trách nhiệm và nghĩa vụ thế gian, tức là cướp công của xã hội, thì phải bù lại cho xã hội cái gì đó. Cái duy nhất mà người xuất gia có thể bù lại cho xã hội như là bồi hoàn món nợ, đó chính là đạo đức, là giềng mối duy trì trật tự ổn định của xã hội, nền tảng của hạnh phúc và thịnh vượng theo nghĩa thế tục. Cho nên, quan hệ giữa tập thể xuất gia, nhìn mặt ngoài tuy thấy lỏng lẻo nhưng là mối quan hệ tự bản chất không thể phân ly.
Điểm nữa, khi tạo thành một tập thể, tuy rằng mục đích của người xuất gia cao thượng không tranh chấp gì với thế gian nữa, nhưng đã tạo thành cộng đồng, thì cộng đồng này sẽ xung đột với những cộng đồng khác. Thí dụ, cộng đồng Phật giáo sẽ xung đột với những cộng đồng không phải Phật giáo như cộng đồng Bà-la-môn, cộng đồng Hồi giáo… Ngay trong thời Phật tại thế cũng vậy, khi Phật đi đến nơi nào thì nơi đó Phật giáo mỗi ngày một thịnh hành và các nhóm khác như Kỳ-na giáo hay như Lục sư ngoại đạo tất nhiên bị giảm quyền lợi, mất sự tôn trọng và cúng dường của dân chúng, do đó họ sanh ra đố kỵ, ghen ghét cho rằng: “Ngày xưa mình sống ở đây, mọi mgười chung quanh kính trọng cúng dường. Bây giờ, Sa-môn Cồ-đàm đến nói pháp nên mọi người không cúng dường nữa”. Cho nên, nhiều chỗ đức Phật thuyết pháp trước một đám đông có cả đạo sĩ, phạm chí, những người xuất gia ngoại đạo như trường hợp với Phạm chí Nigroda. Sau khi thuyết pháp xong, Phật nói ông Phạm chí và các đệ tử của ông ấy rằng: Các ngươi tưởng rằng Ta đến đây nói pháp để giành quyền lợi vật chất hay sao? Không, quyền lợi vật chất của các ngươi vẫn còn y nguyên là của các ngươi, Ta không đụng chạm gì đến. Ta đến đây thuyết pháp không phải vì mục đích để cho người khác cúng dường… Vấn đề rõ ràng là Ngài thuyết pháp không phải vì mục đích để tranh giành quyền lợi. Và Ngài nói rằng, những gì các ông lâu nay cho rằng phải, là thích hợp, thì hãy cứ giữ nguyên như thế; đức Phật không bác bỏ, nhưng khi nhận thấy cái gì hay, cái gì thích hợp thì theo.
Dù Ngài đã thuyết pháp và xác định rõ như vậy, nhưng các ngoại đạo vẫn phân biệt và cho rằng do Sa-môn Cồ-đàm nói pháp như vậy như vậy nên quần chúng của mình bỏ đi theo hết, hay như người cư sĩ Ni-kiền Tử sau khi quy y Phật thì không còn sẵn sàng cúng dường cho nhóm Ni-kiền-tử nữa. Có rất nhiều chuyện xảy ra như vậy. Như một vị cư sĩ tại gia sau khi quy y Phật rồi nói rằng: Con đã quy y Phật rồi, từ nay cấm không cho đám Ni-kiền-tử tới nữa. Phật dạy rằng: Từ xưa tới nay, ông là nguồn suối của những người xuất gia Ni-kiền-tử thì nay ông cũng cứ nên tiếp tục như vậy. Mặc dù vậy, vẫn xảy ra nhiều âm mưu chống đối, phá hoại của các ngoại đạo như thường. Cho nên, đại đệ tử Mục-kiền-liên bị ngoại đạo phục kích đánh chết và nhiều đệ tử khác của Phật cũng bị hành hung, ngay cả Phật nhiều khi cũng bị bao vây không cho đi và vu khống, đặt điều xuyên tạc đủ thứ để triệt hạ uy tín. Nghĩa là, dù đức Phật đã tuyên bố như vậy, đã khuyên cả những phú hộ giàu sang sau khi quy y Phật tiếp tục ủng hộ những người ngoại đạo trước đó đã từng ủng hộ, chứ không nhất thiết chỉ ủng hộ đức Phật và chúng đệ tử, nhưng vẫn xảy ra tranh chấp nhiều khi dẫn đến bạo lực mà các đệ tử Phật luôn luôn là nạn nhân.
Thành ra một tập thể Tăng, cơ bản nhất là cộng đồng tôn giáo này sẽ tranh chấp với cộng đồng tôn giáo khác, nên cần phải có luật ứng xử thế nào để tránh những tranh chấp này. Nếu không như vậy, xung đột, đấu tranh và mâu thuẫn quyền lợi hoặc vật chất hoặc tinh thần vốn là quy luật phát triển của xã hội, thay vì cộng đồng Tăng lữ xuất hiện là để đem lại trật tự cho xã hội, mà khi đi vào xã hội lại làm cho xã hội rối loạn thêm nữa. Đó là sai ý nghĩa mà Phật thiết lập lập tổ chức Tăng-già. Tăng-già là một cộng đồng đệ tử xuất gia của Phật phải sống giữa cộng đồng xã hội có nhiều phe phái, nhiều tổ chức chính trị, nhiều đoàn thể; mỗi tổ chức có mục đích riêng, quyền lợi vật chất riêng và họ luôn luôn có xu hướng tranh chấp với mình. Chúng ta nói rằng người xuất gia không có mục đích như thế gian, nhưng cơ bản nhất vẫn phải có miếng ăn, có cái để mặc, mà ăn và mặc thì làm thế nào để có? Dù sống khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng cơm vẫn là khẩu phần, mà một tập thể tăng vẫn tiêu thụ mất một khoản ruộng lúa nào đó. Khi đám ruộng lúa đó thuộc về Tăng thì những nhóm khác sẽ bị mất khiến thế gian phải tranh chấp để dành lại dưới hình thức thu nhập nào đó, hoặc vật chất hiện tại, hoặc bằng điều gọi là phước báo cho đời sau.
Cho nên, mục đích chế luật của Phật là để đệ tử xuất gia không tranh chấp với thế gian mà vẫn có thể tồn tại được. Nếu không có luật thì chúng ta không thể tồn tại vì chỗ nào, đi đến đâu, cũng vẫn là đất đai của người đời; bất cứ vật dụng gì mà người xuất gia cần cũng là sở hữu của người đời. Trong cả thế gian này, không có cái gì là sở hữu của người xuất gia cả, thậm chí cho đến một khoảng đất trống để tọa thiền.
Thật sự, chúng ta nói rằng mình không tranh chấp nhưng nhìn vào đâu cũng thấy có tranh chấp khốc liệt. Từ khi con người có tư hữu thì có sự tranh chấp khốc liệt cho nên luật cần thiết là chỗ đó. Vì vậy, học luật cần phải nhìn thấy rõ điểm này.
Trong Luật chúng ta học cũng còn nhiều điều khó lý giải theo kiến thức phổ thông hiện nay, có thể là do giới hạn hiểu biết của chúng ta và cũng do giới hạn của thời đại lịch sử nữa. Tức là những điều luật được lưu truyền đã trải qua một thời kỳ quá xa xưa, qua nhiều quốc độ mà phong tục, tập quán khác biệt nhau, khiến cho ý nghĩa nhiều khi thoạt xem không thể chấp nhận theo giá trị đương đại. Chính vì vậy mà có nhiều người cho rằng luật ngày xưa cổ hủ và đòi thay đổi. Thế nhưng, tự bản chất, không có gì là cổ hủ cả hay lỗi thời trong các điều luật Phật chế. Luật ngày xưa gắn liền với những xung đột mà những xung đột đó cho đến hôm nay vẫn còn nhưng dưới hình thức khác. Xung đột của con người vẫn là những xung đột về tài sản vật chất, tranh chấp ruộng vườn, nhà cửa, v.v…
Theo đó mà nói, Luật Phật chế nếu nhìn sâu trong bản chất thì không chỗ nào lạc hậu hết, trừ khi xã hội loài người xóa tan không còn tranh chấp nữa thì bấy giờ, hẳn nhiên luật Phật mới không còn cần thiết hay thích hợp. Còn tranh chấp thì luật vẫn còn, tranh chấp từ thời thái cổ, thượng cổ cho tới bây giờ. Tức là bắt đầu từ thời giành nhau từng bó lúa trong kinh Khởi thế nhân bổn, thì quy luật tranh chấp cho tới bây giờ vẫn còn đó, chỉ có điều xã hội phức tạp quá do nhân số tăng gia nhảy vọt nên cần có nhiều luật lệ. Ngày xưa chỉ là buôn bán trong làng trong xóm, còn bây giờ thì buôn bán rộng cả thế giới; ngày xưa dùng vỏ sò, rồi tiền vàng, tiền bạc… còn bây giờ thì đủ loại tiền, nên xung đột xã hội có khác nhưng bản chất thì giống nhau. Nhìn ra được bản chất đó thì luật Phật không có gì là lạc hậu, chỉ là do chúng ta không thấy mà cho là luật Phật lạc hậu rồi tìm cách thay đổi. Điều chắc chắn là xã hội còn thay đổi, liên tục thay đổi; đừng nói 200 năm nhiều khi 100 năm hay 50 năm sau xã hội vẫn liên tục thay đổi nữa, theo đó mà thay đổi Luật Phật, rồi cuối cùng mọi thứ thay đổi, không còn đâu là lời Phật. Chúng ta sẽ biến chánh pháp thành tà pháp lúc nào mà không hay. Thật sự, xã hội thay đổi liên tục nhưng cơ bản tự bản chất của con người không có gì thay đổi. Quan hệ giữa con người gốc từ tham sân si, từ ngã và ngã sở không hề thay đổi, không có gì thay đổi, cho đến khi chuyển phàm thành Thánh, thì luật Phật cũng sẽ không bao giờ thay đổi. Phải nhìn thấy bản chất của nó. Đây là chỗ mà chúng ta phải học để nhận thấy.
Vậy, chúng ta học Luật để thấy những gì mình làm đúng hay sai, những gì chấp trì được và những gì không kham, để cầu mong thấy rõ bản tâm của mình, là nhân tố thiết yếu để giác ngộ và giải thoát. Không phải học Luật, với mớ hiểu biết hạn hẹp, với trí tuệ thiển cận, và bằng sự si ngốc do bị chi phối bởi danh vọng hão huyền thế gian, rồi tự cao và tự tiện sửa đổi Luật Phật, do bởi sự dốt nát của mình, cho phù hợp hợp tâm lượng phàm phu và tham vọng mù quáng. ■
[Tập San Pháp Luân.30.Tr,22.2006]