Mùa an cư “World Cup 2006

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

 

Là lề là lế là lê! Zô dô dô!... Tiếng vỗ tay dồn dập hòa trong tiếng nhạc hiệu World Cup 2006 đầy thúc giục phấn khởi từ trong chiếc TV nhà chùa phát ra đã bất ngờ tạo thành một khí thế thư giãn thú vị trong mùa An Cư năm nay.

 

Sư phụ chúng tôi quả là bậc kỳ lão vô chấp triệt để, dường như thấy được tâm người, Ngài rất hoan hỷ cảm thông cái tập khí ‘mê bóng đá’ ngàn đời của hậu sinh chúng tôi. Ngài mỉm cười bày tỏ: “Thà mê bóng đá còn hơn đam mê những thứ khác như hút thuốc, uống bia, hay xem phim thế tục”. Sư phụ chúng tôi quả là bậc Giáo thọ minh triết, trong bất cứ tình huống nào Ngài cũng tùy duyên ứng pháp để khai thị chúng sinh.

Hiệp đầu vừa chấm dứt, sư phụ không để mất cơ hội, ngài chống cây tích trượng bước gần đến chỗ chúng hành giả đang tranh luận về lối chơi của hai đội. Sư phụ vui vẻ cất giọng: Nào mấy hôm nay các fan bóng đá chùa ta đã học được Giáo pháp gì nơi Mùa An Cư World-Cup này. Lão Tăng muốn treo giải thưởng cho các chú đấy, hãy thử nói? Đá bóng mà cũng có giáo pháp nữa sao... thưa Ôn? Một tiểu Tăng phân vân như vậy khi nghe câu hỏi. Chú Minh Tạng như hiểu ý của Sư phụ, trân trọng phát biểu: “Bạch Ôn cho con trả lời, trước nhất chúng con học được bài pháp Vô thường. Tức là thắng, bại, hơn, thua, vui buồn, vinh quang, ô nhục… nay cười, mai khóc. Tâm thức chúng ta liên tục thay đổi theo từng động tác của các cầu thủ trên sân. Đôi khi người xem bị căng thẳng mệt mỏi với các cấp độ mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn, nên đâm ra cay cú, gắt gỏng, đôi khi bày tỏ thái độ ngôn ngữ hết sức thiếu văn hóa”... Sư phụ nhân đó dạy thêm: “Đúng là ta đã học bài pháp vô thường mà chú Minh Tạng vừa nói. Vậy thì ta cũng cần hiểu biết điều gì khi xem đá bóng. Khán giả nên xem với một tâm thái ‘Chánh Niệm’ quán thiền. Xem như một nhà quan sát theo dõi trận đấu, biết hay, biết dở, nhưng không khởi tâm tức giận phe bên này hay bên kia hay cầu thủ nào. Đã hiểu các pháp vốn Vô thường, thì ta chớ có thái độ kiêu căng tự phụ, cho mình là kẻ xuất chúng, là ngôi sao đủ tài đức tỏa sáng cầu trường. Cũng vậy, là tu sĩ, nếu biết kiếp người là ‘mộng huyễn bào ảnh’ thì lại càng khiêm tốn không bám víu vào danh lợi nhất thời đề mai kia theo quy luật vô thường, cuộc đời có thăng trầm lên voi xuống chó thì ta vẫn còn đủ liêm sỉ để ngửng mặt nhìn anh em đồng nghiệp, đồng bào của mình mà không sợ trơ trẽn tủi hổ. Có điều là không hiểu quí fan có nhận ra mối hiểm họa hay không? Đó là bộ kinh ‘64 Hồi’ này rất siêu đẳng vì vô cùng hấp dẫn, nó đã khiến nhiều hành giả an nhiên tự tại nhập ‘World Cup Tam Muội’ luôn trong suốt 64 trận đấu, quên cả cơm nước, công phu kinh kệ.” Cả cầu trường bổn tự ồ lên những tiếng cười sảng khoái như nếm được Thiền vị lý thú.

Bên góc tường, chú Minh Quán bỗng đưa tay phát biểu: “Thưa Ôn, con có nhận xét thêm về bóng đá, nó hoàn toàn thể hiện tính Vô ngã. Vì bóng đá hiện đại chú trọng vào chiến thuật tập thể chớ không ỷ lại một vài cá nhân, dù là siêu sao... Tuyển thủ được chọn cũng được đánh giá hết sức khách quan vô ngã. Vị đó phải có năng khiếu, có thực tài và phẩm chất đạo đức, chớ không căn cứ nơi giai cấp xã hội, địa vị chính trị hay quyền lực kinh tế. Hoàn toàn vô ngã không có cái ta xen vào để được xếp ưu tiên. Chỉ có các chuyên gia bóng đá mới có khả năng nhận ra thực tài của mỗi cầu thủ. Còn khán giả ngoài cuộc chưa đủ kinh nghiệm để chọn lựa một cách chính xác… Cũng vậy, chỉ có các bậc chân tu chứng ngộ mới nhận xét được phẩm chất của cầu thủ sa môn. (ai là người xứng đáng mặc áo Tuyển trong đội ngũ Như Lai). Ngôn ngữ bình dân có câu: “Hãy cho tôi biết ai là huấn luyện viên đội bóng của anh, tôi sẽ biết ngay trình độ bóng đá của anh thế nào”. Ai là huấn luyện viên giáo pháp của chùa anh, tôi biết ngay trình độ tâm linh của đội bóng chùa anh thế nào.

Một chú thứ ba, Minh Tấn sợ hết giờ treo giải liền đứng phắt dậy: “Thưa Ôn con xin phát biểu thêm rằng, trong bóng đá cũng có những giây phút ở trạng thái Niết-bàn tịch tĩnh-dù là 30 giây-lìa phân biệt, vượt khỏi mọi tri kiến, khái niệm. Ví dụ khi hai đội giao đấu chí tử quyết liệt, vậy mà khi tan cuộc một số cầu thủ bên thắng cũng như bên bại đều vui vẻ bắt tay nhau, ôm nhau thông cảm và cùng cởi áo tặng cho nhau làm kỷ niệm. Hình ảnh vô cùng cao thượng đầy an lạc hòa bình này không hiểu các nhà tôn giáo hay các nhà chánh trị có ấn tượng xúc động nào không. 

Chú Minh Trụ vốn ít phát biểu, hôm nay lại đưa ý kiến hết sức ngộ nghĩnh: “Bạch Ôn, về động tác giả trong bóng đá con để ý thấy trọng tài cũng phạt thẻ vàng mà trước kia không hề có. Động tác giả là xảo thuật làm bộ té để mong trọng tài ngộ nhận cho anh ta được hưởng quả phạt đền trong vòng cấm địa 16 mét của đối phương. Đó là phương chước của tập đoàn thế tục, còn đội bóng thầy chùa chúng ta nếu ai làm động tác giả thì xin Ôn cũng nên phạt thẻ vàng cho đúng luật. Động tác giả trong trường hợp này là giả bộ đau ốm để khỏi chấp tác Phật sự, để khỏi đi học, khỏi tụng kinh v.v... Cao cấp hơn, siêu sao hơn thì làm bộ khúm núm lòn cúi tâng bốc hoặc nói theo để được cấp trên khen tặng thăng cấp. Cả nhóm cùng cười rộ lên thật vui. Một bàn tay khác đưa lên, đến lượt chú Minh Định phát biểu: “Về vấn đề phạt thẻ đỏ-hình như cũng truy ra phạt tiền về sau - con nhận thấy còn 

nghiêm túc hơn kỷ luật tẫn xuất trong luật giới sa môn (Ba La Di). Trong khi đội bóng thế nhân chỉ bị một lần thẻ đỏ là vĩnh viễn ra khỏi sân không trở vào được nữa, còn đội bóng đầu tròn áo vuông thì sướng quá tới 7 lần thẻ đỏ mới bị vĩnh viễn phơi áo... Đã vậy, cầu thủ này cứ làm động tác giả mãi, ra vào như đi du lịch, có khi còn được thăng quan tiến chức, có bề thế hơn các anh em chưa hề bị thẻ đỏ lần nào. Ước gì các nhà luật sư trên thế giới điều chỉnh ‘giới bổn tân tu’ như vậy để cho qui củ Phật giáo được nghiêm minh hơn. (Cả nhóm cười khúc khích khi nhìn Sư phụ cũng đang mỉm cười thông cảm).

Đến đây sư phụ chúng tôi có phần thích thú về những ý kiến của các bình luận gia nhà chùa khá sâu sắc dí dỏm, Ngài dạy tiếp: ‘Chúng ta cũng có thể nhận ra chiến thuật tài tình này trong giới sa môn mà các động tác giả bị phê phán là tà mạng và được khuyên không nên bắt chước. Lối biểu hiện tà mạng rất thô kệch mà chúng ta thường gặp như: Nịnh hót, ám chỉ, bỏ mồi bắt cá, dùng đòn bẩy, ngụy trang thiền tướng.

1. Nịnh hót: Động tác giả này biểu hiện bằng cung cách khúm núm lòn cúi, thường đề cao đối tượng mình nhờ cậy. Ví dụ: Tôi nhất trí 100% với sáng kiến độc đáo của X Y... đáng biểu dương để học tập. Hành vi tâng bốc như vậy gọi là tà mạng. Nhưng nếu lời khen chân thành không có động lực dua nịnh thì không thuộc về tà mạng. Cổ nhân có dạy: v“Người chê ta mà chê đúng, đó là thầy ta. Người khen ta mà khen đúng, đó là bạn ta. Người nịnh hót ta chính là kẻ hại ta”. Chúng ta cần học điều này.

2) Nói ám chỉ: là cách nói gián tiếp sao cho người kia hiểu ý đồ của mình. Ví dụ ông A đã giúp sơn sửa toàn bộ các phòng Tăng và chánh điện, còn phần hệ thống quạt máy, nhà chùa chưa có nhân duyên điều kiện không biết tính sao? Hoặc là dạo này cứ bị cúp điện hoài chắc nhà chùa phải đi mượn tiền để mua cái máy điện quá. (Động tác giả gợi ý khéo).

3) Bỏ mồi bắt cá: tức là cho tặng vật nhỏ để được hồi hướng việc lớn hơn. Ví dụ cho một quyển lịch tết hay một xâu chuỗi làm kỷ niệm để cho thí chủ nhớ đền ơn đáp nghĩa. 

4) Dùng đòn bẩy: Đây cũng là lối ‘đá bật tường’ qua một người thứ hai rồi bật qua người thứ ba mới kết thúc vào lưới địch... Ví dụ: A-di-đà Phật... Thưa bà A! Chúng tôi biết bà vừa cúng dường cho chùa B 500 bao xi măng mà chùa B này lại quá dư, trong khi chùa C chúng tôi công trình còn dang dở vì thiếu xi măng, thiếu sắt quả là thiếu phước vô cùng (bóng từ A đưa cho B bật tường sang C)

5) Giả trang thiền tướng: Ở trong phòng riêng thì buông lung phóng túng, mà ra ngoài thì đường đường Tăng tướng dung mạo uy nghi, chuẩn mực, lúc nào cũng xâu chuỗi cầm tay niệm Phật, khiến ai cũng phải thán phục, bái xá cung kính cúng dường. Nhưng nếu động tác giả này cứ tiếp tục thì hành giả nhất định phải bị quả báo đọa xứ về sau.

Đến đây nhạc hiệu World Cup lại vang lên và hiệp hai lại tiếp tục. Sư phụ hiểu ý chúng sinh, Ngài nỡ nụ cười hỷ xả bước ra khỏi phòng sau khi dặn thêm câu dạy sau cùng: “Các hành giả hãy tiếp tục tham quán đề mục Tam Pháp Ấn nhé rồi trả lời cho lão Tăng biết Phật pháp bất ly thế gian pháp là gì và phải trụ tâm cách nào để không rơi vào cái bẫy ‘động tác giả’ của phàm phu!” Cả hội trường sân chùa đồng thanh, “Nam mô hoan hỷ Tạng Bồ-tát, chúng con xin y giáo phụng hành.” ■

 

[Tập san Pháp Luân 29, tr.85, 2006]