Phật giáo việt nam đã khai thác công nghệ truyền hình như thế nào?

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Phật giáo Việt Nam đã có những bước khai thác công nghệ truyền hình và đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng những kết quả đạt được hết sức hạn chế so với những tiềm năng lớn lao của công nghệ truyền hình. Gần đây, đã có một số người đến với đạo Phật từ những gì mà họ xem được qua màn ảnh TV, cũng như, cũng đã có một số ít Phật tử sử dụng các phương tiện video để hỗ trợ việc tu học. Điểm qua toàn bộ tiến trình, chúng ta sẽ thấy rằng lẽ ra việc khai thác công nghệ truyền hình cần được khai thác sớm hơn, nhiều hơn và đa dạng hơn.

 

Trước năm 1975

Không lâu sau khi Sài Gòn có truyền hình, theo chính sách của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, Phật giáo, cũng như một số tôn giáo khác như Thiên Chúa, Tin Lành…, đã có chương trình truyền hình trên sóng truyền hình Sài Gòn. Chương trình truyền hình của Phật giáo có tên gọi là Tiếng chuông chùa, phát trên sóng Đài Truyền hình Sài Gòn (lúc này được gọi là Đài Truyền hình Việt Nam) và những đài địa phương trực thuộc. Chương trình chủ yếu là thuyết pháp với nội dung giáo lý phổ thông, ngoài ra, còn có tin tức Phật sự. Đến nay, toàn bộ băng hình về chương trình Tiếng chuông chùa chắc chắn không còn, nên những gì mà chúng ta biết được về chương trình này hết sức ít ỏi, chủ yếu là qua trí nhớ của một số rất ít khán giả.

Chương trình Tiếng chuông chùa là một chương trình ngắn, chỉ vài chục phút, thực hiện định kỳ, nhưng không rõ tần suất (1 tháng 1 lần hay 1 tuần 1 lần). Chương trình khá đơn điệu với hình ảnh một vị sư ngồi nói trước ống kính. Trong những dịp lễ lạc trọng đại thì mới có hình ảnh ngoại cảnh, chủ yếu là hình lễ ở chùa, thu bằng phim 16mm.

Chương trình truyền hình được đài truyền hình dành sẵn, Phật giáo chỉ giữ vai trò tham gia thụ động, và mọi cố gắng chỉ đến mức như vậy. Khi phía Thiên Chúa giáo xây dựng Đài Truyền hình Đắc Lộ và bắt đầu sử dụng truyền hình vào mục đích hành đạo và truyền đạo, thì phía Phật giáo, hình như, đã không hề có một nỗ lực nào tương tự. Một phần, có lẽ vì điều kiện cơ sở vật chất phía Phật giáo giới hạn hơn, nhưng nguyên nhân chính có lẽ vì những nhà lãnh đạo Phật giáo chưa đánh giá đầy đủ vai trò của truyền hình. Trong những năm trước 1975, số lượng TV chưa nhiều, thì tại các giáo xứ, xóm đạo đã bố trí các điểm xem truyền hình công cộng của cả khu dân cư, do chính quyền cũ ở cấp cơ sở điều hành hoạt động. Từ khoảng năm 1973, những điểm trình chiếu truyền hình công cộng này trở thành những điểm chiếu chương trình của Truyền hình Đắc Lộ qua băng video tape. Nhưng trong thời gian đó, việc có TV trong chùa là một điều đặc biệt hiếm hoi.

Từ sau năm 1975 đến nay

Từ năm 1975 đến năm 1985, hầu như việc các tôn giáo sử dụng phương tiện truyền hình để phục vụ hành đạo, truyền đạo đều hoàn toàn không có. Lấy năm 1985 làm mốc, vì đây là thời điểm khởi đầu ứng dụng công nghệ truyền hình màu tại Việt Nam. Từ năm này, tại TPHCM bắt đầu có các TV màu đa hệ, có khả năng chiếu được chương trình video dân dụng (công nghệ được phát triển từ năm 1976, trước tiên là Nhật Bản với hai hệ kỹ thuật VHS và Betamax). Sau đó ít lâu, đã xuất hiện các dịch vụ quay video, với công nghệ được sử dụng là VHS (Video Home System). Các dịp lễ lạc quan trọng trong gia đình đã bắt đầu được ghi hình. Sau đó, các cuộc lễ ở chùa cũng như nhà thờ cũng được ghi hình để phổ biến cho nhiều người cùng xem, để xem lại nhiều lần và để lưu giữ. Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu sử dụng công nghệ truyền hình như thế.

Không bao lâu sau, việc quay video dần dần phổ biến. Nhu cầu dùng công nghệ video để ghi các bài thuyết pháp tất nhiên hình thành. Từ trước năm 1975, việc ghi âm các bài thuyết pháp để phổ biến cho nhiều người cùng nghe và lưu giữ cũng đã được thực hiện. Việc ghi âm các buổi thuyết pháp trở nên phổ biến trong thập niên 80 - 90 trước sự phát triển của công nghệ cassette âm thanh (máy và băng đều trở nên rẻ tiền và dễ sử dụng). Đến khi công nghệ ghi hình trên video cassette phát triển, việc sử dụng video cassette để ghi được cả âm thanh và hình ảnh các buổi thuyết pháp là một bước phát triển tất yếu. Từ cuối thập niên 90, đã bắt đầu xuất hiện lưu hành băng 

video cassette thuyết pháp nhưng số lượng không nhiều.

Khi dĩa VCD bắt đầu phổ biến, từ những năm 2000, các chương trình thu hình thuyết pháp đã bắt đầu được phổ biến bằng dĩa VCD. Sau đó là một số chương trình ca nhạc Phật giáo. Mới đây, các chương trình ca nhạc Phật giáo đã bắt đầu được phổ biến trên dĩa DVD với chất lượng hình ảnh rất cao.

Một số nhận định

Băng và dĩa hình thuyết pháp Phật giáo đã làm gia tăng rất đáng kể số lượng người được nghe thuyết pháp, đưa hình ảnh các buổi sinh hoạt Phật pháp đến với từng gia đình, phục vụ những người chưa có được thuận duyên thường xuyên đến chùa, làm cho việc phổ biến Phật pháp trở nên sinh động hơn. Đã có một hình thức “truyền hình Phật giáo” phát hành chương trình bằng các sản phẩm video, nhưng chỉ mang tính tự phát và hiệu quả đạt được rất hạn chế, còn cách rất xa tiềm năng, là điều lẽ ra có thể làm được:

- Mang tính tự phát: việc phổ biến các chương trình truyền hình Phật giáo chưa được xác định thành một chủ trương, phổ biến từ trên xuống, quán triệt trong Tăng ni Phật tử, mà chỉ là hoạt động đơn lẻ của một số cá nhân Tăng sĩ, Phật tử ở một ít ngôi chùa thấy được khả năng của công nghệ truyền hình.

- Hiệu quả hạn chế: do mang tính tự phát, hoạt động đơn lẻ, nên số chương trình video thuyết pháp được thực hiện không nhiều, chỉ tập trung thực hiện ở một vài chùa, ghi hình những buổi thuyết pháp của một số thầy, số lượng ấn bản không nhiều, không có sẵn với số lượng lớn, phương thức phát hành còn nhiều khuyết điểm, chưa thể phổ biến chương trình ghi hình thuyết pháp nói riêng, các chương trình video Phật giáo nói chung ở qui mô rộng (không có ở các nhà sách và ngay cả khi đến chùa việc tìm mua để xem cũng khó).

Thể loại của các chương trình cũng còn nghèo nàn, chỉ chủ yếu là các chương trình thuyết giảng, hiếm có các chương trình phóng sự tài liệu, ca nhạc; các chương trình sân khấu, phim còn ít hơn nữa. Hầu như không thấy các talkshow, là các chương trình đối thoại, phỏng vấn, vấn đáp, dù chi phí thấp, thực hiện đơn giản.

Việc ứng dụng công nghệ truyền hình vào hoạt động giáo dục cũng rất hạn chế. Hầu như không thấy việc khai thác công nghệ truyền hình vào mục tiêu giáo dục Phật học từ xa (theo chương trình thiết kế hoàn chỉnh), mặc dù nhu cầu này rất lớn, vì số lượng Tăng ni Phật tử rất đông đảo và chỉ rất ít trong số đó được vào học tại các học viện Phật giáo, trường lớp Phật học các cấp.

Ngoài thuyết giảng, cũng rất hiếm những chương trình hỗ trợ cho việc tu tập như chương trình tụng niệm, hành lễ, âm nhạc Phật giáo…

Việc sử dụng công nghệ truyền hình làm một phương tiện để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo cũng chưa được chú ý đến đúng mức. Có một, hai chương trình về chùa cổ Việt Nam, nhưng không phải do chính phía Phật giáo thực hiện. Rồi thôi. Trong khi số lượng danh lam ở Việt Nam lên đến con số ngàn. Các nghi lễ cúng bái cổ truyền của Phật giáo Việt Nam cũng chưa được quan tâm ghi hình với chất lượng cao để bảo tồn và giới thiệu.

Phần lớn các chương trình video Phật giáo phục vụ chủ yếu cho hoạt động chương trình hành đạo, nghĩa là dành cho Tăng ni Phật tử là chính. Về sau, chỉ có một số ít chương trình hướng tới mục tiêu truyền đạo, với đối tượng là người chưa phải Phật tử. Đây là một hạn chế lớn. Trong khi các tài liệu truyền đạo của các tôn giáo khác, trong đó có các chương trình ghi hình, nội dung sinh động, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, thì các chương trình video Phật giáo phần lớn là những bài giảng khá thâm sâu, đòi hỏi người xem phải có trình độ kiến thức Phật học nhất định. Điều này hết sức đáng tiếc trong hoàn cảnh ở một số địa phương tại Việt Nam, Phật giáo đã trở thành tôn giáo thiểu số. 

Phần lớn các chương trình video Phật giáo do các chùa thực hiện đều có chất lượng kỹ thuật chưa cao, do sử dụng thiết bị dân dụng. Điều này phần nào hạn chế việc tiếp nhận của khán giả. Cho dù bài thuyết pháp có hay cách mấy, mà hình ảnh mờ, âm thanh không rõ, thì cũng gây khó chịu nhất định ở khán giả. Những chương trình ở nước ngoài thực hiện và một số chương trình thực hiện trong nước từ năm 2004 trở đi có chất lượng kỹ thuật tốt hơn, nhưng hầu như đều chưa đạt được yêu cầu truyền hình chuyên nghiệp. Kỹ năng đạo diễn truyền hình, thu hình cũng rất hạn chế về tính chuyên nghiệp.

Trong 2, 3 năm gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với các đài truyền hình để sản xuất chương trình ca nhạc trong các dịp đại lễ Phật giáo như Phật Đản, Vu Lan thực hiện công phu, chuyên nghiệp, phổ biến trên sóng truyền hình, được nhiều người xem. Những chương trình này tất nhiên có hiệu quả tốt, góp phần tạo không khí sinh động cho các ngày đại lễ Phật giáo. Nhưng khi dịp lễ đã qua thì các chương trình hầu như chấm dứt “nhiệm vụ”, không còn tiếp tục được lưu hành với dạng thức băng, đĩa, vì không có đơn vị lưu trữ và tổ chức lưu hành. Đây cũng là một hạn chế.

Chúng ta thử so sánh, vào các tiệm băng dĩa, băng đĩa ở TPHCM, khách sẽ được chào mời hàng rổ dĩa Thánh ca của tôn giáo bạn. Những chương trình video đặc biệt như lễ đăng quang của tân Giáo hoàng, lễ tang Giáo hoàng quá cố…, thu qua Đài Truyền hình RAI của Ý (phát lại qua các hệ thống truyền hình cáp ở TP.HCM), được treo bảng bày bán, đi đâu cũng thấy.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng, mới đây, các sản phẩm video Phật giáo đã bắt đầu có chiều hướng cải thiện về mọi mặt. Một số chương trình được xuất bản trình bày đẹp, chất lượng hình ảnh khá, nội dung bước đầu đa dạng hóa đáp ứng được yêu cầu của khán giả.

Đánh giá đúng mức tiềm năng của công nghệ truyền hình, quan tâm đến việc đầu tư khai thác, chắc chắn, việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ truyền hình phục vụ hoạt động hoằng pháp là khả năng trong tầm tay Phật giáo Việt Nam.■

 

[Tập san Pháp Luân 29, tr.62, 2006]