Các dục vui ít, khổ nhiều

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Dục (tanha) là một trạng thái tâm lý chi phối sâu sắc đời sống con người. Nó ẩn hiện dưới nhiều sắc thái, hình thức khác nhau. Là con người, khó ai có thể thoát khỏi được. Dục chi phối toàn bộ sinh hoạt đời sống con người, khiến con người mãi khát khao rong ruổi theo khoái lạc, vì “dòng ái dục chảy khắp, như dây leo mọc tràn” (P.C, 340). Tận trong sâu thẳm tâm thức, dục đã trở thành mạch nguồn của sự sống, bởi dục kích thích sự sống, có dục mới sống, nếu không có dục tức đồng nghĩa mầm sống bị tiêu diệt. Hầu như mọi hệ thống triết lý, hệ thống tôn giáo thuyết minh về dục đều mang ý nghĩa này. Thậm chí, có một số tôn giáo còn chủ trương hưởng thọ dục lạc là Niết-bàn. Song, tất cả các luận thuyết ấy chỉ tăng thêm sự trưởng dưỡng dục vọng, tiếp cận khổ đau và mãi rời xa cảnh Niết-bàn trong khả năng có thể đạt được. Riêng đức Phật thuyết minh về dục hoàn toàn ngược hẳn với các khái niệm mà các tôn giáo đã chủ thuyết ở trên. Ngài nói sự thật về dục, về vị ngọt của dục, sự nguy hiểm của dục, các khổ đau do dục mang lại và sự xuất ly dục nhằm đoạn tận khổ đau, chấm dứt luân hồi, đạt Niết-bàn giải thoát. Vì dục là con đường dẫn đến khổ đau, do đó, đức Phật tuyên bố: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn.” Ngài đặc biệt chủ trương đoạn dục, ly dục, tức cắt đứt các nhân khổ đau để trở về suối nguồn phúc lạc.

 

Dục trong đoạn kinh vừa trình bày chính là năm dục trưởng dưỡng, tức là sự khát khao, ham muốn về sắc, thinh, hương, vị, xúc. Vì năm pháp này làm cho lòng tham dục con người tăng trưởng nên gọi là năm dục trưởng dưỡng. Các dục chỉ phát sinh khi hội đủ ba yếu tố căn, trần, thức; nghĩa là các sắc do mắt nhận thức, các tiếng do tai nhận thức, các hương do mũi nhận thức, các vị do lưỡi nhận thức, các xúc do thân nhận thức. Tất cả các pháp này liên hệ đến sự hấp dẫn, đem lại cho con người niềm vui vừa ý, niềm hân hoan, niềm đam mê, thích thú… nên gọi là vị ngọt của dục. Khi mắt tiếp xúc sắc đẹp, khởi lên sự yêu mến, ưa thích, hân hoan, hỷ lạc và đắm chìm trong cảm giác ấy; tai tiếp nhận âm thanh hay, khiến lòng người xao xuyến, trào dâng nguồn rung cảm, một cảm giác lâng lâng xâm chiếm cả tâm hồn; mũi tiếp xúc hương thơm; lưỡi tiếp xúc vị ngon; thân xúc lạc cũng vậy. Tất cả đều hấp dẫn con người, khiến tràn ngập suối nguồn khoái lạc. Đại đức Ratthapala nói: 

“Dục lạc ngũ trần, vị ngọt ngon thơm ngát

Làm động lòng, làm xao xuyến tâm can”.

Đúng vậy, lực hấp dẫn của ngũ dục quả thật mãnh liệt, vì đã khiến biết bao tâm hồn trong trần thế mãi đắm say, quay cuồng trong dục lạc không hẹn ngày ra, và có biết đâu đó là hiểm nguy. Thế nên trong cõi nhân sinh muôn màu muôn vẻ này, con người không ngừng sống thác loạn, đảo điên theo dục lạc ngũ trần. Trong kinh Tăng Chi, đức Phật nhấn mạnh đến vị ngọt của dục như sau: “Ta dùng Phật trí để nhìn, chưa thấy có cái gì trói buộc người đàn ông bằng người đàn bà và không có cái gì trói buộc người đàn bà bằng người đàn ông.” Đó chính là sắc, thinh, hương, vị, xúc của người đàn bà trói buộc người đàn ông; và sắc, thinh, hương, vị, xúc của người đàn ông trói buộc người đàn bà. Tuy nhiên, dục không hoàn toàn là sự vui vẻ, ngọt ngào mà trong vị ngọt đã hàm chứa sự hiểm nguy, đau khổ, “thấy hiểm nguy trong vị ngọt ẩn tàng.” Vậy sự nguy hiểm của dục là gì? Đó chính là sự bất an, bất toàn, bất như ý và sự vô thường của các dục. Vì muốn đạt được các dục về sắc, thinh, hương, vị, xúc, con người đã phải sống, phải hoạt động, phải làm đủ mọi nghề. Một người phải nuôi sống bằng các nghề nghiệp khác nhau, phải chịu cực, chịu khổ, gian nan, vất vả để kiếm sống. Người ấy nỗ lực làm việc nhằm mong cầu chút lợi để xoa dịu lòng dục, nhưng việc đời không dễ, đâu phải chỉ bỏ công sức, tiền của là đạt kết quả mỹ mãn, mà còn phải tùy thuộc rất nhiều vào các tác nhân bên ngoài, nên có khi thành công mỹ mãn, có lúc thất bại ê chề, thậm chí lụy thân. Song thành hay bại đều ôm mối họa bất an trong lòng, đâu thoát khỏi ma quân phiền não. Thất bại thì buồn rầu, đau khổ vì giấc mộng cuộc đời tiêu tan. Thành công thì lo sợ tài sản không được bảo toàn. Vì sống trong cảnh vô thường thì cả chủ thể lẫn đối tượng của các dục đều thay đổi, biến chuyển không ngừng, nên lòng ham muốn của con người không bao giờ được thỏa mãn, càng không thỏa mãn ham muốn thì khát vọng ham muốn lại càng mãnh liệt, khát vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều. Đó là tính chất của dục. Vả lại, con người phải luôn chống chọi với bao nhiêu bệnh tật, nóng lạnh, ốm đau, nắng mưa, bão táp… trong cuộc sống; còn về tinh thần cũng chẳng được một giây phút yên tĩnh, luôn bất an, lo sợ tài sản bị cướp mất, vua, quan, trộm cắp cướp đoạt, thiên tai hỏa hoạn đốt cháy, nước lụt cuốn trôi và con hư phá tán… Vì phải hộ trì tài sản ấy, thân tâm lúc nào cũng cảm thọ sự đau khổ, ưu tư. Chưa nói vì lợi, con người sẵn sàng làm kẻ bất nghĩa; để có tiền, họ bằng lòng làm mọi chuyện phi pháp, không từ bỏ bất kỳ hành vi tội ác nào. Sự nguy hiểm của dục khủng khiếp đến thế, nhưng nào ai hay biết, cứ mãi lao đầu vào kiếm tìm hạnh phúc, tưởng rằng hạnh phúc đang nằm ở một phương trời nào đó và cứ thế dấn thân vào bất chấp mọi thủ đoạn, hiểm nguy để rồi kết quả chuốc lấy là tù đày, đánh đập, tra tấn… khiến đi đến chết hay đau khổ gần như chết. 

Lại nữa, con người không kiềm chế được ham muốn dục vọng thì sẽ đưa đến các cuộc xung đột, tranh chấp, đấu tranh, chiến tranh… Vua chúa tranh chấp với vua chúa, các giai cấp tranh chấp với các giai cấp, cha mẹ tranh chấp với con cái, anh em chị em tranh chấp với nhau, bạn bè tranh chấp với bạn bè… bằng binh khí miệng lưỡi, đánh đập bằng gậy gộc, đao kiếm, hoặc dàn trận đánh nhau, chém giết lẫn nhau, máu đào lai láng, khiến người trong cuộc đi đến tử vong, hoặc đau khổ gần như tử vong. Vì thế, đức Phật dạy hạnh phúc không phải là sự đam mê dục lạc. Dục lạc có thể cho con người một ảo tưởng về hạnh phúc, nhưng sự thật chỉ là khổ đau, vì bản chất của thọ là khổ thì làm gì có cái lạc thọ, còn nguy hiểm của dục thì không thể sánh lường. Ngài ví người sống với lòng dục như chó đói gặm khúc xương. Khúc xương dù chẳng có chi cả, chỉ chút thịt, chút máu còn sót lại, nhưng lại làm con chó thích thú, cứ gặm nhấm hoài, bỏ đi thì tiếc. Khúc xương chỉ là để gặm nhấm chứ không giúp no được. Vậy con chó có chờ đợi được gì nơi khúc xương ấy, có chăng là sự khổ đau vì miệng mồm lở loét trong quá trình gặm và sự mòn mỏi đợi chờ trong cơn đói. 

Dục vọng đối với con người cũng vậy, chỉ là một chút gì đó quyến rũ, hấp dẫn, nhưng sự chờ đợi là một chuỗi dài sầu khổ, vì quá trình để đạt được đối tượng dục, con người phải trả một cái giá quá đắt, thậm chí phải đánh đổi bằng cả quyền lợi và mạng sống của hàng vạn sinh linh. Nhưng khi đạt được thì cả chủ thể lẫn khách thể đều bị vô thường làm cho biến đổi, và sự biến đổi đó đem lại khổ đau, nên nói các dục vui ít, khổ nhiều. Người xưa nói, người sống với lòng dục như người uống nước mặn, càng uống càng khát và càng khát càng uống không bao giờ dừng, vì khát quá phải uống dù là nước mặn, uống cho đến chết mà thôi. Đức Phật cũng ví lòng dục như miếng thịt nướng của người thợ săn, chỉ vì mùi thơm của miếng thịt mà con thú quên cả nguy hiểm, cứ lao đầu vào và kết quả là bị thương tổn, bị chết chóc, rơi vào bẫy người thợ săn. Vị ngọt của sắc, thinh, hương, vị, xúc cũng vậy, chúng làm cho con người say đắm, mê mẩn, lâng lâng như lạc vào cõi thần tiên, rồi cứ thế lao vào như con thú lao vào bẫy, thật đáng thương. Lại nữa, dục được ví như bó đuốc cỏ khô, chóng tàn và nguy hại, nếu không cẩn thận sẽ bị tàn lửa làm cho mù mắt, cháy áo, cháy tay, thiêu hủy thân này; dục như hố than hừng, như giấc mộng, như trái cây, như vật mượn của người, như lò thịt, như gậy nhọn, như đầu rắn, chúng ta không thể chờ đợi được gì nơi lòng dục ngoài khổ đau, phiền não.

Quả thật, dục vọng là vậy, vì không một ai dấn thân vào lòng dục mà cảm thấy hạnh phúc, an lạc. Nếu lòng dục đưa đến hạnh phúc, thì cuộc đời này không còn ai đi tìm đạo cả, các đấng giáo chủ chẳng cần ra đời làm gì và con người cũng không phải nhọc công kiếm tìm hạnh phúc. Cho nên nói: “Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lạ càng nhiều hơn”. Song, đó chỉ là sự nguy hiểm và khổ đau hiện tại, đâu nguy hiểm bằng sau khi thân hoại mạng chung phải bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục và chịu khổ đau dài dài, như Pháp Cú 342 nói : 

“Chúng sanh ái trói buộc,
 Chịu khổ đau dài dài.”
Hay: 
“Ái tùy miên chưa nhổ,
 Khổ này vẫn sanh hoài.” 

(P.C, 338)

Đó chính là những sự thật về dục mà đức Phật đã trải nghiệm và trình bày. Chúng ta cũng có thể kiểm nghiệm sự thật này một cách dễ dàng ngay trên chính bản thân mình, vì trong mỗi chúng ta ai cũng đã và đang bị dục chi phối. Vậy, chúng ta còn chờ đợi gì mà không mau áp dụng phương pháp tu tập để giải thoát các dục. Nhưng xuất ly dục bằng cách nào? Đó chính là ly dục, ly bất thiện pháp bằng cách thường xuyên quán sát sự nguy hiểm, sự vô thường của dục để từ đó thức tỉnh đi ra. 

Dục nguy hiểm và khổ đau vì thế khi đức Phật chủ trương đoạn dục, ly dục quả là tiếng nói cứu tinh của cuộc đời. Bởi Ngài luôn mong muốn xây dựng một cuộc sống bình an, hạnh phúc cho con người ngay trên cõi đời này. Vả lại, con đường chấm dứt khổ đau, nhập vào dòng thánh, giải thoát luân hồi thì điều kiện tiên phong là ly dục, “ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh”, nên các dục phải được chế ngự và điều phục hoàn toàn. Do đó, đức Phật không ngừng nhấn mạnh các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều để cảnh giác chúng ta khi tiếp xúc với dục mà không bị các dục chỉ đạo. Như thế, lý tưởng giải thoát của chúng ta mới được vẹn toàn.■

[Tập san Pháp Luân 29, tr.48, 2006]