Cơ hội và Thách thức

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ đã đem lại nhiều thuận lợi và khó khăn cho các quốc gia trên thế giới về mọi mặt. Phật giáo không nằm ngoài tiến trình đó, sự hội nhập này có rầt nhiều cơ hội và đầy dẫy những thách thức cho Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Những vấn đề trong đó đã được các học giả, các giáo sư tiến sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học trong nước và ngoài nước hội thảo vào 2 ngày 15-16/07/2006 do thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam tổ chức với chủ đề “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và Thách thức” (Buddhism in the new era: chances and challenges) nhằm “tìm kiếm những giải pháp khả thi mà đạo Phật có thể giải quyết” để góp phần xây dựng, bảo tồn và phát huy những thành tựu văn hóa cũng như tăng cường sự tiếp cận, hòa hợp giữa các truyền thống Phật giáo.

 

Nội dung cuộc hội thảo Phật giáo thế giới này có bốn chủ đề chính: 1. Phật giáo thế giới và vấn đề toàn cầu hóa; 2. Tìm kiếm những giải pháp; 3. Phật giáo và Dân tộc; 4. Phật giáo và Kinh tế - Chính trị. Bốn bài thuyết trình chính là: “Cải đạo là sự cải đổi lịch sử và ngược lại” của GS.TS. Noritoshi Aramaki, Đại học Otani, Nhật Bản; “Sự xuất hiện của Phật giáo ở phương Tây nhằm đáp ứng cho những khủng hoảng môi trường và xã hội” của GS.TS. R. Clark, Đại học Stanford, Hoa Kỳ; “Sự tương tác giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong lịch sử Việt nam” của GS.TS. Trương Như Vương, Viện Chiến lược và Khoa học, Việt Nam; và “Nền tạng kinh tế học từ cái nhìn Phật giáo” của TT. Thích Tuệ Sỹ do TT. Thích Nguyên Giác thay mặt đọc.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, HT. Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam đã viết: “Việc nắm bắt sự thật duyên sinh vô thường là một cơ hội và thách thức lớn để con người hoàn thành các mục tiêu tốt  đẹp nhất của cuộc đời”. Phật giáo, tôn giáo cho con người vì vậy cần phải được khơi dậy những tiềm năng vốn có phù hợp với thời đại và con người của thời đại.

Trong hội thảo, mọi người đều tán đồng ý kiến cho rằng, Phật giáo muôn đời là lời giải đáp cho các vấn đề thời đại. Nhưng cơ hội và thách thức trong thời đại mới này, đòi hỏi các nhà lãnh đạo Phật giáo, Phật giáo đồ cần phải ý thức và hoằng pháp như thế nào cho phù hợp để Phật giáo luôn sống với đời và cho người như mục đích ban đầu của nó, nếu không sẽ trở thành viên ngọc quý bị lãng quên.

Giải pháp cho vấn đề toàn cầu hóa, đa số ý kiến đưa ra rằng áp dụng công nghệ thông tin để hành đạo là một cơ hội vô cùng to lớn mà Phật giáo cần phải nắm bắt. Theo TT. Thích Minh Tâm, Học viện Hoa nghiêm, Úc cho rằng, bên cạnh những thư viện sách, âm thanh, cần thiết kế một mô hình chùa, tịnh xá, đạo tràng và giảng đường ngay trên mạng lưới toàn cầu (Internet) để giúp cho Phật tử khắp nơi trên thế giới dù bận rộn đến đâu cũng có cơ hội lễ Phật, nghe kinh, tu tập, tham gia các khóa giáo lý, v.v… ngay nơi làm việc của mình. Cũng theo Thượng tọa, Phật giáo Việt Nam có bản chất hòa đồng, không đối kháng, có tinh thần “tùy duyên bất biến” rất thuận lợi cho việc tổ chức và gia nhập Liên hợp Phật giáo Quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước những thách thức được đặt ra là vấn đề nhân sự tham gia tổ chức này và khả năng “bất biến” trong khi “tùy duyên”. 

Nhập thế mà không thế tục hóa là điểm son của Phật giáo Việt Nam, để giữ gìn thuần phong Phật giáo và đó là điều đáng tự hào của Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo thế giới. Trong giai đoạn giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa Phật giáo, một vài ý kiến đưa ra quan điểm nhập thế như phong trào Tân tăng của Nhật Bản, tuy nhiên đa số ý kiến đại biểu xác định rõ ràng truyền thống Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng cần phải được bảo vệ và giữ gìn.

Đào tạo nguồn nhân lực là điều đáng làm và rất cần làm đối với Phật giáo. Trong thời đại mới này, cơ hội lớn là tạo môi trường cho Tăng Ni sinh tiếp cận rất nhiều thông tin, kiến thức Phật học và thế học trong và ngoài nước. Thế nhưng trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế vì chưa được quan tâm đúng mức. Đây là rào cản cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Hy vọng rằng Tăng Ni sinh Việt Nam sớm có cơ hội được công nhận như sinh viên thế giới và có thể theo học tại các trường Đại học quốc tế, mới mong có điều kiện thử thách khả năng chính mình trong xu thế toàn cầu và xây dựng tương lai Phật giáo không chỉ cho Việt Nam.

Vấn đề hoằng pháp trong thời đại mới cũng nổi bật trong hội thảo này. Theo đó, Phật giáo cần mang đến cho con người bằng những gì thực tiễn nhất. Công việc của nhà hoằng pháp trong thời hiện đại mới phải thực hiện trước tiên là giải quyết vấn đề đời sống vật chất trước khi giảng dạy giáo lý cho người ta tu tập. Vấn đề này cần có sự chung tay góp sức của tất cả bốn chúng đệ tử Phật. Theo lời di huấn của đức Thế Tôn, xây dựng và giữ gìn ngôi nhà chung Phật giáo là trách nhiệm chung cho bốn chúng đệ tử. Song, khi nói đến vấn đề này, người ta thường quy trách nhiệm cho giới tu sĩ. Những ý kiến trong hội thảo cũng cho thấy điều này. Trong khi giáo pháp cần được mở rộng cả hai mặt bề rộng lẫn bề sâu, giới tu sĩ là một số lượng nhỏ trong giới Phật giáo đồ và chắc chắn dù có nỗ lực bao nhiêu cũng vẫn là giới hạn, trong khi đội ngũ cư sĩ Phật tử là một tiềm năng vô cùng to lớn và rất có lợi thế trong mặt này, vẫn chưa xác định rõ vai trò của cả hai giới, đây cũng là một thách thức thuộc về ý thức hệ.

Một vấn đề đã thu hút nhiều sự quan tâm của buổi hội thảo là Phật giáo và vấn đề kinh tế, những ý kiến sinh động và hào hứng, các nhà Phật tử làm kinh doanh trình bày quan điểm và kinh nghiệm của mình khi vừa là nhà kinh doanh giỏi, vừa là người Phật tử áp dụng giáo lý Phật giáo vào đời sống và công việc. Một vài xu hướng đưa ra, theo đó Phật giáo muốn đến với con người trong bối cảnh con người hướng đến kinh tế, cho nên cần phải lập ra một mô hình kinh tế mang tính cách quy mô giải quyết vấn đề áo cơm để trao giáo pháp Phật đà.

Thông thường, nói đến Phật giáo là nói đến đạo đức, vấn đề kinh tế đối với Phật giáo nghe có vẻ xa lạ. Vấn đề kinh tế đã từng được đức Phật đề cập đến trong giáo pháp của Ngài, nhưng không ai nhận ra. Đức Phật dạy: “Mọi chúng sanh đều do thực phẩm mà tồn tại”. Nghĩa là chúng sanh sống nhờ vào thực phẩm. Thực phẩm đó phải tăng trưởng một cách tương xứng giữa tiêu thụ vật chất và phát triển tinh thần qua bốn loại lương thực như vật chất, tiếp xúc, tinh thần, nhận thức. Quan điểm này đã được TT. Thích Tuệ Sỹ khám phá và đặt nền tảng cho kinh tế học Phật giáo như đã nói trong bài tham luận tại hội thảo này. Trong đó, “tăng trưởng kinh tế là nền tảng ổn định và thanh bình của xã hội, vì vậy, sự phát triển của nó bao hàm việc mở rộng sự hành đạo. Khía cạnh này trong giáo lý đức Phật rất thường bị bỏ qua, mà hầu như hoàn toàn chỉ chú trọng đến hành xử đạo đức. Và Thượng tọa khẳng định: “Kinh tế học Phật giáo, nếu có, chỉ có thể thực hiện được với điều kiện một cá nhân phải được xác lập và việc làm của nó phải được hướng dẫn bởi đạo đức, bất kể lý thuyết về vị kỷ hay động cơ lợi nhuận có thành vấn đề hay không?” Thượng tọa cũng đưa ra nguyên tắc chỉ đạo trong việc phát triển kinh tế học Phật giáo chính là Chánh mạng, kết hợp với 10 hạn mục trong mối tương quan: Đất đai, vốn liếng, con cái, tôi tớ, gia súc, niềm tin, đạo đức, học tập, bố thí và trí tuệ. Đó là những đòn bẩy gia tăng việc phát triển kinh tế. Người Phật tử muốn xây dựng một mô hình kinh tế Phật giáo hoàn thiện thì phải biết tích lũy phước đức và cân bằng tiêu thụ. 

Hội thảo Phật giáo Quốc tế đã khép lại với lời đúc kết của thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Những cơ hội và thách thức đã được trình bày trong cuộc hội thảo giúp cho Phật giáo đồ vận dụng, truyền trì chánh pháp trong thời đại mới cũng như ưu tiên hàng đầu việc đào tạo nhân lực. Phật giáo luôn khế hợp với mọi thời đại, có thể bảo tồn các thành tựu văn hóa và giải quyết các vấn nạn toàn cầu. Thành tựu công nghệ hiện đại không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa các lãnh thổ, tạo mối tương giao giữa các nền văn hóa và văn minh trên thế giới, tạo nhiều cơ hội học hỏi hiểu biết, trao đổi những tinh hoa đặc thù giữa các liên quốc gia, tôn giáo với nhau mà còn giúp cho Phật giáo phát huy rõ tiềm năng ảnh hưởng của mình cả bề rộng lẫn bề sâu. Phật giáo với giáo pháp giải thoát tâm linh, sự vươn rộng và hòa nhập với cuộc sống năng động của thời đại vẫn còn ở thế ấp ủ và đó là trách nhiệm chung cho những người con Phật đối với tôn giáo và đồng loại của mình.■ 

[Tập san Pháp Luân 29, tr.09, 2006]