“Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu”(Một chiếc lá ngô đồng rụng xuống
Cả thiên hạ biết mùa thu trở về)
Thế đấy! Chính cái đẹp mang tính ước lệ của thi ca xưa: Lá ngô đồng, trăng, cánh buồm khơi… kết hợp với nghệ thuật “vẽ mây nẩy trăng” nên cái độc đáo của thơ Đường là sức hút thu vào bên trong mà người đọc phải tự mình khám phá thế giới ấy, thế giới của huyền thoại, của mộng và thực, của lãng đãng khói sương trên đỉnh núi đá cô liêu ngàn đời tịch mặc, của xao xuyến rêu bèo trên con sông dài cuồn cuộn chảy về khơi…
Nếu với “Phong Kiều dạ bạc” Trương Kế đã đưa người đọc bồng bềnh phiêu hốt trong cõi thi ca, thì ở “Đề Lí Ngưng u cư” Giả Đảo thật tài tình khi phác họa hình tượng “Tăng xao nguyệt hạ môn” (Sư gõ cửa dưới trăng). Hình tượng lạ lẫm. Ngôn ngữ sáng tạo. Và như thế, người đọc phải tự mình cảm nghiệm:
“Nhàn cư thiểu lân tình
Thảo kính nhập hoang viên
Điểu túc trì biên thụ
Tăng xao nguyệt hạ môn”
(Ở nhàn ít láng giềng
Đường cỏ vào vườn hoang
Chim ngủ cây bên ao
Sư gõ cửa dưới trăng)
Không gian nghệ thuật là một chốn yên bình cô liêu tịch mịch. Thời gian nghệ thuật là một đêm trăng. Cảnh và tình, chủ thể và đối tượng vừa rất gần gũi nhưng lại cũng rất xa lạ:
“Nhàn cư thiểu lân tình
Thảo kính nhập hoang viên”
(Ở nhàn ít láng giềng
Đường cỏ vào vườn hoang)
Vậy, chủ thể trữ tình là một người sống an nhàn ở miền quê trăng nước thanh bình?
Hai mươi chữ trên một diện tích ngôn ngữ hẹp nhất cũng đủ để người đọc cảm nhận được cái đẹp của thế giới thi ca, để hồn mình rung động bay bổng trong không gian thơ nhiều chiều, tế vi, ẩn mật. Bởi lẽ, nói như nhà thơ Minh Đức Triều Tâm Ảnh: “Không gian thơ rất lớn rộng, nhiều chiều, tế vi, ẩn mật, sâu nhiệm, mộng, thực đầy đủ cả. Đôi khi nó là cái phi thực, bội lý, trí năng, tâm linh… cùng tao ngộ, cùng nhắp chung trà mỹ học”. Như thế, quả là thiếu sót nếu người đọc chỉ dừng lại ở trạng thái rung động của tâm hồn trước cái đẹp. Người đọc phải bước thêm một bước, bước qua cái ranh giới giữa mộng và thực để đi vào vùng vô ngôn của thế giới tâm linh, của sự tiềm ẩn sâu lắng của thực tại đang là…
Ba câu đầu, một không gian u tịch bao trùm lên màn đêm:
“Nhàn cư thiểu lân tình
Thảo kính nhập hoang viên
Điểu túc trì biên thụ”
(Ở nhàn ít láng giềng
Đường cỏ vào vườn hoang
Chim ngủ cây bên ao)
Không biết có gì ẩn chứa trong không gian u tịch ấy mà thi sĩ Giả Đảo đã phải cân nhắc giữa “Thôi” và “Xao”; nên dùng “Tăng thôi nguyệt hạ môn” hay “Tăng xao nguyệt hạ môn” để kết tứ thơ?
Nhà thơ đi trong đêm trăng, nhìn thấy những con chim đang ngủ trên cành cây cạnh bờ ao và phải chăng (?) đã liên tưởng đến con người. Có gì khác đâu khi loài người cũng đang chìm đắm trong thú vui ngũ dục, say sưa với những thứ vô thường tạm bợ “khác nào sương mùa xuân, móc sáng sớm, chốc lát mất tăm; cây bên bờ, dây trong giếng, đâu được lâu bền” (Quy sơn cảnh sách văn) mà nào hay biết!
Với hai câu thơ, tác giả đã phác họa nên hai hình ảnh đối lập:
“Điểu túc trì biên thụ
Tăng xao nguyệt hạ môn”
Người đời đang ngủ say trong ảo mộng. Nhà sư (Thi sĩ Giả Đảo) thì đang đứng trước ranh giới giữa mộng và thực, giữa cái hữu vi đối đãi và cái thể tánh sáng suốt (xưa nay vốn không lau không chùi). Nhà sư nhẹ nhàng gõ cửa Không Môn. Vậy, ở đây phải là “Xao” chứ! Như chúng ta đã biết, về phương diện ngữ nghĩa, chữ “Thôi” là đẩy, chữ “Xao” là gõ. Đẩy thì chỉ tả động tác, còn gõ thì vừa động tác vừa âm thanh, nên chữ gõ phải “đắt” hơn. Hơn ai hết, người thơ của chúng ta hiểu rõ sức nặng của con chữ. Trong một câu thơ, một bài thơ, chỉ cần một cách nói chưa thật sát đúng, một chữ dùng tùy tiện đã làm giảm đi nhiều cảm xúc thẩm mĩ đối với bài thơ. Thơ đòi hỏi sự cô đọng. Cô đọng tạo cho thơ sự chừng mực, vừa phải trong chọn lọc từ, hình ảnh; nó nói ít gợi nhiều, tả ít liên tưởng nhiều. Phải chăng nhờ từ “Xao” ấy mà hình tượng “Tăng xao nguyệt hạ môn”, một hình tượng kết hợp được giữa cảnh - sự - tình - ý - không gian - thời gian, một hình tượng mang sắc màu nghệ thuật của hội họa và âm nhạc trở nên lung linh, ảo diệu và ẩn mật đến thế! Lúc này, nếu để hồn mình lắng lại, thì cả bài thơ chỉ còn đọng lại trong ta một câu thơ, một hình ảnh rất nhỏ, một chữ “Xao” mà thôi. “Xao”, một âm thanh duy nhất trong bài thơ, âm thanh của tiếng chuông thức tỉnh; nhà sư đã gõ vang, phá vỡ cái màn đêm u tịch. Và cũng chính từ “Xao” ấy đã tạo nên âm vang trong suốt chiều dài lịch sử; để về sau, hễ bàn đến văn chương là người ta lại nghĩ ngay đến Giả Đảo, đến giai thoại “Thôi”- “Xao” như nhắn nhủ cho người cầm bút phải có ý thức và trách nhiệm trong quá trình lao động sáng tạo trên con chữ.
Bài thơ khép lại trong sự rung cảm ngây ngất trước cái đẹp của thế giới thi ca, và lại mở ra một chân trời mới, một khám phá mới. “Ý tại ngôn ngoại” (Ý ở ngoài lời), đó là cái độc đáo của thơ Đường nói chung và của bài thơ “Đề Lí Ngưng u cư” nói riêng vậy.
Câu thơ kết ở hình tượng một nhà sư gõ cửa dưới trăng. Thật thú vị và hàm ẩn xiết bao!■
[Tập san Pháp Luân 28, tr.72, 2006]