Trên đồi tự tại

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Thầy Chí Châu vẫn bước những bước đi khoan thai trên con đường lát đá quen thuộc trong khuôn viên thiền viện. Chiều tắt nắng. Vài chiếc lá trở mình trong gió nhẹ rơi. Thầy Nguyên Đạo bước kề bên. Cả hai cùng thinh lặng.

 

Đoạn, hai thầy đến ngồi trên đồi Tự Tại, kết thúc một buổi thiền hành. Thầy Nguyên Đạo lên tiếng:

- Mười ngày nữa mình về quê nhập hạ. 

Thầy Chí Châu quay lại nhìn thầy Nguyên Đạo và nở nụ cười hiền hậu nói :

- Đang ở đây mà vọng tưởng đi đâu .

- Đi học. À! Ra hạ là mình đi học. Mình chỉ tranh thủ lên đây tập tu cùng huynh đệ một thời gian ngắn thôi, cũng là để nuôi dưỡng “sơ tâm” và không để uổng phí những ngày tháng chưa vào khóa học. Mình đã dự định vậy rồi nên đâu có xin nhập chúng thấy hông!… Rồi sẽ có một ngày mình trở lại, không chóng thì chầy thôi.

- … Đừng lo. Tinh thần tu học ở các Thiền viện chính là lý tưởng mà mình hướng đến. Mình không thể để mất chất “Tăng quê” này đâu. Cứ yên tâm, mình sẽ luôn đề cao cảnh giác, không để bị lạc lòng.

- Nói vậy thôi chứ dù ít dù nhiều gì đệ cũng hiểu huynh mà - Thầy Chí Châu nói - Mỗi người đều xây dựng cho mình một lối đi riêng miễn là đừng lọt ngoài lộ giới. Hạnh nguyện lợi sinh, mong huynh khéo giữ gìn. “Qui nguyên tánh vô nhị, phương tiện hữu đa môn” đệ nào dám phân biệt. Trái lại, đệ luôn tin tưởng nơi huynh, một người đã trải qua nhiều “lò luyện”.

- Lò luyện. Nói hơi quá rồi đấy!

- Sự thật mà huynh.

- Ừ!... Thì cũng nhờ những nơi đó mà nhân cách được hoàn thiện hơn, cuộc sống có ý nghĩa hơn. “Hảo đạo tràng nan phùng” mà nay chúng ta được gặp, phải nói chính là nhờ Tam bảo gia hộ vậy. Từ gia đình, trường đời, trường đạo, tất cả điều là “chốn ở phong nhiêu” mà chúng ta có phước phần dự đến.

- Và hình như huynh cũng hay kén chọn ?

- Nhưng chọn đúng “hảo đạo tràng” âu cũng nhờ duyên xưa vậy. Chớ thực tế chúng ta chưa đủ “sáng suốt” để nhìn một cách tường tận đâu. Hiện nay đây, chúng ta có được duyên may gặp thầy lành, bạn tốt, nơi ở yên bình thì lẽ nào không tận dụng. Noi gương tu đạo của chư Phật, Tổ; nương lời giáo huấn của các bậc minh sư mà dũng tiến trên lộ trình giải thoát. Chúng ta phải tập sống xoay trở lại, dùng trí tuệ Bát-nhã chiếu soi, xem cái gì hư, cái gì thật nơi thân vô thường này, nhận cho ra cái không sanh diệt nằm trong cái sanh diệt. Từ đó, chúng ta sống theo cái thật, không lầm chạy theo cái giả. Phiền não theo đó mà bị triệt tiêu. Chớ biết bên ngoài nhiều quá mà bỏ quên mình, không biết mình là ai thì “tội nghiệp”. 

- Thì huynh là huynh, đệ là đệ. 

Thầy Chí Châu đùa. Thầy Nguyên Đạo mỉm cười thành thật nói:

- Lâu nay mình có cái bịnh “năng thuyết bất năng hành”. Thì thôi xin mượn lời “thiện tri thức” để răn mình vậy. 

Thoáng chút trầm tư, thầy Nguyên Đạo lại hướng mắt nhìn về phía biển. Gió vẫn miên man thổi lên đồi.

 Kế, thầy Chí Châu lại nói: 

- An cư là để nhìn lại mình.. 

- Và soi sáng cho nhau. 

Thầy Nguyên Đạo tiếp lời. Thầy Chí Châu nhỏ nhẹ: 

- Đúng là chọn sư huynh không lầm .

- Lại khách sáo nữa. “Xem mặt mà bắt hình dong” coi chừng sụp bẫy đấy. Thầy Nguyên Đạo chặn đứng, giọng ôn hòa.

Ở thiền viện, mỗi ngày như mọi ngày, thời khóa sinh hoạt cứ thế nhịp nhàng trôi. Ngày nào cũng là ngày hạ, giờ nào cũng là giờ an cư, cuộc sống thiền sinh lặng lẽ với tháng ngày. Cũng học, cũng tu, cũng làm việc mà trông rất an nhiên trong ánh mắt nụ cười. Cũng có lúc vui đùa mà sao êm đềm quá! Phải chăng, nơi các Thầy ít nhiều đều toát lên sức sống nội tâm vững chãi? Tuy lặng mà tĩnh. Do đâu được như vậy? Tâm an. Thì an cư cũng là phương pháp giúp cho tâm an.

Vâng! An cư có nghĩa là ở yên một chỗ, nỗ lực tọa thiền, tu trì và học tập giáo pháp. Theo “Nghiệp sớ” quyển bốn giải thích: Thân tâm yên ổn gọi là an, đến kỳ quy định phải ở yên một chỗ gọi là cư. An cư còn có tên là tọa hạ hay Hạ lạp. Gọi một cách đầy đủ là an cư kiết hạ. Kiết có nghĩa là kết thành, hạ là mùa hạ (mùa hè). Lúc bắt đầu pháp an cư gọi là kiết hạ. Sau ba tháng kết thúc thì gọi là giải hạ. Và tự thân từ “an cư” nó bao hàm nghĩa của từ “kiết hạ”…

Thầy Chí Châu chăm chú lắng nghe, chốc chốc lại nở nụ cười tỏ vẻ đồng cảm. Thầy Nguyên Đạo chậm rãi nói tiếp:

- An cư là nhìn lại mình để tìm về suối nguồi tự tánh chân như của mình và soi sáng cho nhau, cũng là để cùng nhau trở về quê cũ. Cho nên, đã là đệ tử Phật thì không có lý do gì không thọ an cư. Bởi lẽ, an cư là điều kiện thuận lợi, là cơ hội tốt cho chúng ta, những tu sĩ Phật giáo có dịp ngồi lại với nhau đổi trao, chia sẻ những kinh nghiệm tu hành của đời Tăng lữ. Trong khoảng thời gian này bắt buộc chúng ta phải dừng lại, gác lại những việc không cần thiết đã làm chúng ta tất bật quay cuồng bấy lâu nay.

An cư là một truyền thống đẹp của đạo Phật. Do đó mỗi năm, để duy trì, hàng Tăng sĩ thường tập trung về một chỗ để an cư ba tháng. Ba tháng chúng ta sống nương tựa vào nhau, thực tập lại nếp sống lục hòa và sách tấn nhau “Thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, siêng tu Tam vô hậu học”. Chúng ta cùng nhau lắng lòng lại, dốc hết tâm trí soi rọi lại chính mình hầu gạn đục khơi trong và chăm sóc lại vườn tâm đang mọc nhiều cỏ dại. Tự thân mỗi hành giả an cư phải giữ gìn oai nghi tế hạnh, chế ngự năm căn như chăn con trâu không cho nó xâm phạm lúa mạ của người. Và ba tháng hạ cũng chính là lúc chúng ta “sạc” lại cái bình tâm linh đang dần cạn.

Trong trường hạ, mỗi người chúng ta sẽ cùng học, cùng tu với đại chúng. Nhờ đạo lực của đại chúng, chúng ta khắc phục được tâm buông lung, giải đãi. Trên thì có chư Tôn đức, quí thầy quản chúng khuyến dạy, trông nom; dưới có Đàn việt tín tâm ủng hộ “tứ sự” đầy đủ. Chúng ta khỏi phải bận tâm lo lắng điều gì, chỉ mỗi việc tịnh tâm học - tu, nghiêm trì giới luật, tỏ rõ nguồn tâm. Nhờ có sự nỗ lực công phu, chúng ta loại dần những tập khí thô xấu, những cặn bã tham, sân, si, mạn… mà gieo hạt giống từ bi và trí tuệ, đem sự hiểu biết dâng tặng cho đời.

Đã đành “chăn tâm” là một điều không dễ. Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mặc tình để nó lăng xăng, buông lung thân, miệng, ý?

Thầy Chí Châu vẫn yên lặng lắng nghe. Đêm dần xuống. Thầy Nguyên Đạo vẫn thả giọng đều đều:

- Sống trong chúng được sự bảo hộ của Tăng thân, chúng ta quyết chí tu trì thì mau chóng có kết quả. “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”. Công đức cũng từ đây mà sinh trưởng. Do đó, nếu chúng ta có quá “bận rộn” vì “nhứt tăng nhứt tự” hay ở “quá xa” không đi an cư tập trung được thì cũng phải theo pháp mà “tâm niệm an cư ”. Vì đã là Tỳ-kheo thì bắt buộc phải thọ an cư. Đó chính là tư cách và bổn phận của người tu sĩ.

- Dĩ nhiên rồi. Nếu không thì đức Phật đâu chế ra luật an cư cho các đệ tử của Ngài làm gì? Mà này, huynh có biết “duyên khởi” của ngày an cư không?

- Thì cũng có biết qua. Nó cũng có nhiều nguyên nhân lắm. 

Thứ nhất: Trong kinh Trường A hàm có nói rằng, ông Đại Điển Tôn là tiền thân của Phật, được thiên hạ khen là đức hạnh. Rằng, ông ấy đã từng thấy Phạm thiên, nhưng kỳ thực ông ấy chưa thấy. Do lời thiên hạ khen mà ông ấy nảy ra ý định an cư để cho thật thấy Phạm thiên.

Thứ hai: Là khi đức Thế Tôn ở Xá-vệ, trong vườn ông Cấp-cô-độc, nghe lời than phiền của các cư sĩ về nhóm lục quần Tỳ-kheo cứ đi lang bạt kỳ hồ trong thiên hạ, không kể ngày tháng giờ giấc gì hết nên bị thiên hạ cơ hiềm (chê bai). Họ so sánh rằng ngoại đạo cũng có ba tháng để an cư, và các loài cầm thú cũng biết tránh mưa mà các thầy Tỳ-kheo lại đi lung tung không biết ngơi nghỉ gì cả, lại còn dẫm đạp chết côn trùng. Do đó, Phật dạy phải an cư ba tháng. 

Mùa an cư đầu tiên của chư Tăng được Phật chế định tại Tịnh xá Trúc Lâm. Hôm ấy, sau khi đức Phật nhận Tịnh xá Trúc Lâm do vua Tần-bà Sa-la dâng cúng, Ngài cùng các đệ tử đến đó cư trú. Coi như đây là mùa hạ thứ nhất. Các vị trưởng thượng như ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ca-diếp… đều rất hoan hỉ vì đây là một nơi an cư khá lý tưởng, thuận lợi cho sự sinh hoạt của chư Tăng trong những tháng mùa mưa. Vì như lời Phật dạy, mùa mưa côn trùng sinh sản nhiều, chư Tăng cần ở yên một chỗ để tránh sự dẫm đạp lên chúng. Vả lại, mùa mưa không tiện cho sự du hành của giáo đoàn khất sĩ. Thế nên hàng năm, cứ vào đầu mùa mưa là chư Tăng phải tập hợp lại một chỗ để cùng nhau tu tập, khỏi phải đi hành hóa. Trong ba tháng ấy, các thiện tín có thể mang thực phẩm tới cúng dường tại các đạo tràng kiết hạ. Và mỗi ngày, họ cũng sẽ được nghe quý Thầy thuyết pháp, hướng dẫn đạo lý tỉnh thức. Sau ba tháng, cả hai giới xuất gia và tại gia đều lợi lạc. Truyền thống an cư được thiết lập từ đó. 

Ngày nay, chúng ta thấy hệ phái Nguyên thủy thường nhập hạ sau hệ phái Bắc tông một tháng là vì hệ phái này tính theo lịch Ấn Độ. Kể từ thời Phật còn tại thế, cứ vào mồng 1 trăng tròn tháng A-sa-đà đến ngày mùng 1 trăng tròn tháng A-thấp-phược-dũ-sà thì chư Tăng an cư. Nó tương đương ngày rằm tháng 5 (AL) lịch Trung Quốc và ngày 15 tháng 6 Tây lịch.

Còn bên Bắc tông thì ảnh hưởng tư tưởng kinh Vu Lan Bồn khi được truyền vào Trung Quốc. Trong kinh có câu “Rằm tháng bảy là ngày tự tứ” mà Tự tứ thì sau an cư mới tác pháp. Từ đó suy ra truyền thống an cư của hệ phái Bắc tông là từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. 

Theo pháp an cư thì tất cả Tỳ-kheo đều phải thọ an cư. Thọ an cư cũng như thọ giới . Mỗi người phải tự nói lên, hoặc ba người tự nói lên trước một vị Tỳ-kheo thượng tọa để thọ an cư. Nếu Tiền an cư thì bắt đầu từ ngày 16/4 al và Hậu an cư thì ngày 17/4 al đến hết ngày 16/5al. Dù là Hậu an cư thì cũng phải theo Tiền an cư mà Tự tứ. Nhưng Tự tứ rồi phải ở thêm trong hạ cho đủ 90 ngày rồi mới ra hạ.

Tự tứ là dịch nghĩa từ chữ Phạn Pravarana, phiên âm là Bát-hòa-la, dịch là Tùy ý, Thỉnh thỉnh, hay nói đủ là Tự tứ thỉnh; nghĩa là cầu những bậc trưởng thượng chỉ dạy những lỗi lầm cho mình, tức là đưa mình ra trước đại chúng nhờ chỉ lỗi rồi tự mình kiểm điểm, nếu đúng thì thành tâm sám hối.

Thầy Nguyên Đạo chợt dừng lại, thầy Chí Châu khen liền.

- Công nhận huynh nhớ “siêu” thiệt.

- Cũng chẳng có gì là “siêu” với “hông siêu”. Chỉ tại mình sợ “dốt” giáo lý nên mới ráng học hỏi, tìm hiểu chớ có hay ho gì. Học mà không ứng dụng thì chẳng lợi ích gì. Trong khi giá trị của pháp Phật là ở chỗ thể nghiệm chớ không phải là khái niệm. Nên người tu Phật mà cứ lý thuyết suông nhiều quá thì e khó vào được cửa Đạo.

Nghe tới đây, thầy Chí Châu mới chịu “khui thùng” góp phần ngôn ngữ :

- An cư là khép mình trong giới luật, khuôn khổ của tự do. Lấy việc hạn chế sự đi lại và tránh bớt các duyên bên ngoài mà “an thân” trước. Sau đó, tập cột tâm lại. Nhưng vì tâm là chủ chốt nên chúng ta phải quyết chí mới được. Khi chúng ta giữ được tâm định tĩnh, luôn chánh niệm tỉnh giác rồi thì giặc ngũ dục khó lọt vào. Ví như vị tướng mặc áo giáp xông pha ra trận thì có sợ gì tên bắn. Chỉ ngại là “giải hạ” rồi chúng ta dễ quên mình. 

- Nhưng tâm niệm an cư thì đâu lệ thuộc vào tháng ngày. Bây giờ dẫu thân có “kiết hạ” mà tâm không “an cư” thì chẳng có ý nghĩa gì. Thầy Nguyên Đạo đúc kết. Thầy Chí Châu im lặng.

Bỗng! Keng… Keng… Keng… Hồi kẻng báo hiệu giờ tọa thiền đã đến. Thầy Nguyên Đạo nói: 

- Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Nói tới nói lui gì chúng ta cũng chỉ là những kẻ “đầu mồm nói suốt trăm phần diệu, dưới gót không ly một điểm trần”.

- Nhưng khuyên nhắc nhau là cũng vì nhau.

- Biết vậy nhưng nói nhiều không khéo lỗi nhiều.

- Đó là vì chúng ta sống không chân thật. Biết đâu nhờ “ưa” nói mà chúng ta thận trọng hơn trong cách sống của mình. Chúng ta để ý mình kỹ hơn.

- Hy vọng là vậy. Ủa! Mà sao hôm nay mình “dở chứng” nói nhiều quá nhỉ! Ôi! Văn tự ngữ ngôn …

Thầy Nguyên Đạo bỏ lửng câu nói, một nỗi buồn thoáng hiện. Hình như Thầy đang nghĩ đến các pháp lữ trẻ đang sống bất an. ■

[Tập san Pháp Luân - số 27, tr.68, 2006]