Người ta thường nói học tiếng Anh tiếng Pháp, tiếng Nhật,… là học sinh ngữ, tức học cái thứ tiếng “còn sống”, còn được quần chúng dùng rộng rãi chứ không như tử ngữ là thứ ngôn ngữ còn tồn tại trong Hàn lâm viện và chỉ những nhà nghiên cứu mới cần đến nó. Giáo lý của đức Phật cũng vậy, sở dĩ người ta học theo, hành theo, bởi đó là giáo lý “sống”, giáo lý đang vận hành tồn tại để đem đến hạnh phúc, bình an cho muôn người như giáo lý Nhân quả, Duyên khởi, Tứ đế, Bát thánh đạo,… giáo lý đầy tính khế cơ và khế lý.
Bên cạnh những giáo lý nền tảng trên, một trong những yếu tố căn bản không thể thiếu làm định hướng đạo đức của một người Phật tử tại gia là năm giới cấm của Phật tức sát, đạo, dâm, vọng, tửu. Năm giới cấm này không chỉ dành cho hàng Phật tử mà tất cả những ai muốn trở thành một người tốt trong xã hội đều nên tuân giữ. Với phạm vi của bài viết này, xin chỉ bàn về giới thứ năm, tức tửu giới, và giới trẻ chúng ta ngày nay hiểu như thế nào, gặp khó khăn gì trong giới thứ năm này.
Để đến với giới thứ năm, chúng ta cần phải khảo sát sơ lược về năm giới:
- Giới thứ nhất: Không được sát sanh.
- Giới thứ hai: Không được trộm cắp.
- Giới thứ ba: Không được tà dâm.
- Giới thứ tư: Không được vọng ngữ.
- Giới thứ năm: Không được uống rượu.
Bốn giới đầu gọi là tánh giới, hay trọng giới, tức bản thân nó là có tội. Bất cứ bạn ở quốc gia, tổ chức nào, bất cứ bạn là người bình thường hay là người Phật tử, phạm giới này đều đồng nghĩa với tội ác. Bởi vì không một xã hội nào chấp nhận giết người, nên giết người là tánh tội; không ai chấp nhận một kẻ cướp bóc, trộm cắp tài vật của người khác nên trộm cướp là tánh tội; để bảo đảm hạnh phúc gia đình mình và gia đình người, không ai chấp nhận một kẻ lăng nhăng với bạn đời của người khác nên tà dâm là tánh tội; vì tất cả đều mong muốn sự chân thật nên vọng ngữ là tánh tội. Bốn giới đầu của năm giới tại gia được đức Phật nói ra gọi là tánh tội vì giả sử đức Thế Tôn không nói ra thì những thứ đó cũng đã là tội ác.
Riêng về tửu giới được xem là giá giới tức là giới ngăn ngừa để không phạm vào trọng giới. Rượu bản thân nó được làm ra từ gạo, một mặt nào đó nó cũng là một vị thuốc để chữa một số bệnh nhưng lạm dụng nó, sa đà với nó thì sẽ dẫn đến phạm vào tánh tội; cho nên giới thứ năm này là giá giới, giới ngăn ngừa không phạm vào tánh tội. Vì không ai dám cam đoan khẳng định rằng, khi tôi uống xong ly rượu này tôi không uống thêm ly khác nữa, khi tôi lỡ uống say rồi tôi sẽ không cao hứng làm càn…; bởi vì bổn tánh của rượu, của dục lạc là bức bách và bất túc, không bao giờ biết đủ. Cho nên, một lời khuyên chân thành và lý trí là không nên uống rượu và lạm dụng chất say, cũng vì vậy mà rượu có mặt trong giới thứ năm này.
Quay về lại nhân duyên thuyết giới, chuyện kể rằng một hôm, có một anh chàng nọ, do không thấy sự nguy hại của rượu, không thấy uống rượu là tội lỗi, nghỉ rượu không hề làm tổn hại đến ai, không cho là quan trọng trong việc xây dựng một nhân cách tốt, một đời sống đẹp; nên anh đã không ngần ngại uống. Trong khi chén tạc chén thù với bạn bè, anh cao hứng nảy ra ý kiến: nếu có thêm một ít thức nhấm cho bửa tiệc này thì thú vị biết bao, nhưng nhà không còn gì có thể làm mồi được; anh nhớ ra nhà cô hàng xóm có đàn gà tơ thường hay sang quanh quẩn nơi vườn nhà mình, một ý muốn con gà thoáng lên trong anh ta và nhờ hơi men kích thích, anh đã thực hiện ý đồ mà không một chút ngần ngại. Trong khi có chất men kích hứng, thật không có việc gì khó khăn, tất cả đều trở nên dễ dàng, trót lọt. Thực hiện xong hành vi trộm gà, trở về, anh làm thịt; ăn uống no say xong, rượu vào làm phấn chấn, kích thích và bức bách, một phần con trong con người anh ta trỗi dậy sai khiến hành động anh, hình ảnh cô nàng hàng xóm của mọi ngày bình thường bỗng nhiên giờ đây trở nên hấp dẫn và đầy mời gọi; hình ảnh đó dẫn dắt anh tiến sang một lần nữa về phía nhà bên ấy, và chuyện tồi tệ nhất về nhân cách, nhân phẩm con người đã xảy ra, anh đã quan hệ với một người không phải vợ của mình. Sự việc còn tệ hại hơn khi người ta trình lên pháp luật, chàng ta lại còn chối quanh, vì thật ra anh không nhớ mình đã làm gì trong trạng thái mất trí vì say khướt kia. Tuy nhiên, pháp luật đã thực hiện đúng vai trò của nó, anh ta phải trả một cái giá rất đắt cho hành động của mình.
Câu chuyện trên đây nhằm minh họa cho chúng ta thấy một cách rất có lý rằng, tuy rượu là giới thứ năm, là khinh giới hay giá giới nhưng nếu không giữ gìn thì cũng phạm luôn cả bốn giới còn lại, đó là vai trò của giá - ngăn ngừa.
Đến đây, ta có thể dừng lại để khảo sát kỹ hơn về giới thứ năm - tửu giới này. Đây là phương pháp mượn cái cụ thể để nói đến cái toàn thể. Hẳn ai cũng biết rằng đạo Phật chủ trương ươm mầm trí tuệ, diệt trừ vô minh mê mờ, nêu cao tinh thần chánh niệm và tỉnh thức. Tửu là một nhân tố làm mê mờ, quờ quạng, là chất kích thích làm mất tính cân bằng của não bộ và thần kinh.
Ngược dòng lịch sử vào thời đức Phật, thời mà chất kích thích không có gì ngoài rượu, những kẻ phóng túng vô độ không kiềm chế được bản thân đã lợi dụng thứ này làm thỏa mãn sự phóng túng bức bách; cho nên rượu mới là giới cấm trong giới thứ năm, đại diện cho thứ độc dược làm con người mất quân bình. Tuy nhiên, điều này nên hiểu là đại diện, đại diện cho cả một chủng loại gồm có các chất có yếu tính giống nhau như thuốc lắc, heroin… các thứ tạo sự say sưa, đê mê, mất tự chủ; những thứ làm giảm sự minh mẫn, trí tuệ của con người. Chúng ta đặt trường hợp giả như thời đó có đủ các thứ độc hại, các loại thuốc nghiện ngập như bây giờ thì dĩ nhiên giới thứ năm này sẽ đưa thêm chất heroin, ma túy… Nói như vậy để ta hiểu rằng, giới thứ năm của hàng Phật tử chúng ta không hẳn là rượu mà là các chất say, không chỉ say rượu, ma túy… mà còn bao hàm cả những thứ làm mê mẫn con người, không đem lại lợi ích và hạnh phúc tích cực cho đời sống hiện thực và cả cho đời sống tâm linh. Chúng ta hãy lắng nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn dịch giới thứ năm này:
“Ý thức được những khổ đau do sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, và cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố, trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò…”.
Như vậy, giới thứ năm trong cái thời đại dồi dào vật chất này không chỉ hạn định trong rượu mà được mở rộng ra. Sở dĩ có sự bao hàm nhân rộng này vì pháp của đức Phật nói ra không chỉ hạn định nơi từ ngữ; tất cả nhằm để con người chuyển hóa thân tâm, để con người chạm được vào phần tinh yếu, phần hạnh phúc đích thực mà yếu chỉ của đạo Phật đưa ra chứ không phải là sự cứng nhắc, bất hợp thời. Chính đức Phật đã từng dạy: Pháp Ngài nói ra là ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng. Con người muốn nhìn thấy mặt trăng, muốn đạt đến hạnh phúc, thì nhìn về phía ngón tay chỉ, chứ không thể nhìn vào ngón tay, nếu chỉ biết nhìn vào ngón tay, chỉ nhìn vào giáo lý của Ngài bằng sự hạn định của ngôn ngữ là đã bị dính chấp vào ngón tay, dính vào pháp mà không thấy được mặt trăng, không thấy được mục đích của mình.
Một số bạn trẻ rất có cảm tình với đạo Phật nhưng không đủ tự tin để đến với đạo bởi lẽ họ không đủ tự tin rằng mình có thể giữ được giới thứ năm - tửu giới này, dẫu rằng họ không phải là thành phần phóng túng, bê tha, nhưng rượu bia trong xã hội ngày nay là điều không thể bỏ được. Bởi vì, bên cạnh một đời sống tôn giáo tâm linh mang lại nguồn hạnh phúc và bình an cho tâm hồn, cuộc sống đời thường của một thành viên trong xã hội cần phải có nhiều mối quan hệ, và tất nhiên là phải có nhiều mối quan hệ với những công việc, người thân, bạn bè… Xã hội phát triển đã hình thành nên một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, thay cho nền văn hóa “miếng trầu dẫn đầu câu chuyện” ngày xưa. Ngày nay, người ta lại chuyển sang “phi tửu bất thành lễ”, rượu bia dẫn đầu câu chuyện một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bởi điều kiện của một Phật tử - không được uống rượu - và tập quán chung xã hội có sự mâu thuẫn nhau nên các bạn trẻ không tìm được điểm chung để dung thông điều này. Vấn đề được đặt ra ở đây là giới thứ năm và văn hóa ẩm thực chung của xã hội có thật sự gặp mâu thuẫn không, và bạn trẻ có gặp rắc rối không khi đến với Phật giáo. Đó là điều mà bạn trẻ cần tìm hiểu để được đả thông tư tưởng.
Như đã được lý giải và phân tích ở trên, Tửu là một cách nói mang tính cách thay thế, mượn một cái riêng để chỉ chung cho các thứ làm mất sự tự chủ, mất lí trí đến nỗi say sưa, bê tha vô độ. Là cách hướng quả để thuyết nhân, không chỉ rượu mà tất cả chất say, không phải chạm đến rượu là vi phạm vào điều kiện của một Phật tử mà vấn đề là bạn uống nó trong trường hợp nào, uống nó như thế nào để không phạm vào bốn trọng giới, để không làm mất tư cách và nhân phẩm của mình. Cho nên, một người sống lành mạnh, không phóng túng, không sử dụng rượu bia và các chất say để thỏa mãn sự thèm muốn hay cho những mục đích tiêu cực khác thì không có gì rắc rối khi gặp giới thứ năm này.
Bên cạnh đó, đạo Phật không có sự mặc khải từ một quyền năng vô biên nào đó mà chỉ sau một đêm thức dậy là bạn được trong sạch không tỳ vết. Đến với đạo Phật, bạn phải có sự tu tập thường xuyên, cần phải trải qua từng bước một để có thể thanh tịnh hóa được thân tâm. Có thể rằng, hiện bây giờ do nhiều sự ràng buộc bởi các mối quan hệ nhưng hy vọng trong tương lai bạn sẽ giữ giới này một cách hoàn thiện và triệt để hơn. Đó cũng là lý do mà các Tổ đã chia người thọ ngũ giới ra làm năm hạng nhưng cũng vẫn gọi chung là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tức nam Phật tử và nữ Phật tử :
Giữ được năm giới gọi là mãn phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Giữ được bốn giới gọi là đa phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Giữ được ba giới gọi là bán phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Giữ được hai giới gọi là thiểu phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Giữ được một giới gọi là nhất phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
Tóm lại, đạo Phật đi vào cuộc đời, ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống con người; tự thân giáo lý Phật giáo có thể vượt ra khỏi rào cản của ngôn ngữ, cốt sao chỉ để chạm được vào phần tinh yếu; đi bằng con đường nào miễn là hướng đến được với mục đích; đó là tính khế lý, khế cơ và khế thời của Phật giáo. Bạn trẻ đến với đạo Phật với mục đích làm an lạc, hạnh phúc và tươi mát cuộc sống, cần phải hiểu giới thứ năm này một cách đúng đắn, để không gặp sự vướng mắc, để được dung thông đời sống tâm linh vào trong cuộc sống thực của ngày thường. ■
Nguồn: Tập san Pháp Luân 26, tr.35, 2006