Ni sư Thích nữ Trí Hải

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trước khi trở thành Thích tử thiền môn - người con Phật này có thế danh là Công Tằng Tôn nữ Phùng Khánh, chào đời tại làng Vĩ Dạ vào ngày 9.3.1938 âm lịch là năm Mậu Dần, trong một gia đình hoàng phái, thuộc phủ phòng Tuy Lý Vương - là ái nữ của cụ ông Ưng Thiều tự là Mân Hương, pháp danh Như Chánh và cụ bà phu nhân Đặng Thị Quế, pháp danh Trường Xuân, duyên lành về con đường tu học đã được ươm mầm trong chủng tử thai nhi bởi hai đấng sinh thành đều là Phật tử tại gia cư sĩ.

Vì thế cô tiểu thư trâm anh vọng tộc này đã được thọ tam quy ngũ giới và thính pháp văn kinh khi còn trong bụng mẹ, mà bổn sư thế độ là ngài tọa chủ chùa Tường Vân. Sau này là bậc cao tăng thạc đức nắm giữ mạng mạch Phật giáo miền Nam Việt Nam trên cương vị Đệ nhất Tăng Thống pháp hiệu Thích Tịnh Khiết.

Sau khi hoàn thành chương trình trung học đệ nhị cấp, tiểu thư Phùng Khánh theo ngành sư phạm ở bậc đại học, tốt nghiệp cô được bổ dụng vào dạy môn sinh ngữ (Anh văn) tại trường trung học Phan Châu Trinh - Đà Nẵng.

Năm 1960 cô giáo Phùng Khánh được đi du học ở Mỹ, đến năm 1963 cô về nước với bằng cấp cao học ngành thư viện, thời gian này Viện cao đẳng Phật học Việt Nam được thành lập, hòa thượng Thích Trí Thủ mời cô và cô Phùng Thăng cùng đến phụ tá cho Ni trưởng chùa Phước Hải cùng chăm lo cho đời sống của ni sinh, cũng như làm một số phật sự tại chùa Pháp Hội. Phùng Thăng là em út của tiểu thư thạc sĩ Phùng Khánh.

Cơ duyên tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Phật pháp đã đến. Năm 1964 người con gái Huế yêu kiều, cô quận chúa cành vàng lá ngọc Phùng Khánh thí phát xuất gia tại chùa Hồng Ân, mà bổn sư thọ ký là ni trưởng trụ trì Thích nữ Diệu Không, từ đây cái tên Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh đã xếp vào hồ sơ lưu trữ, mọi người chỉ gọi vị sa di ni này bằng pháp hiệu Trí Hải, Thích nữ Trí Hải.

Vâng, Trí Hải - Biển trí tuệ, vị nữ tu có pháp danh Tâm Hỷ và pháp hiệu Trí Hải này đã phụng sự đạo pháp bằng tất cả khả năng và sự thông tuệ ưu việt cũng như phụng hiến đồng loại, đồng bào, chúng sanh, bằng trái tim hạnh lạc an vui, đúng như pháp danh mà cô thọ nhận: Tâm Hỷ.

Đường tu học của cô cứ thế đi lên từng bước. Năm 1968 cô được thọ giới Thức xoa ma na tại giới đàn Nha Trang. Cùng lúc Viện đại học Vạn Hạnh được thành lập, cô được bổ nhiệm làm thư viện trưởng và giám đốc trung tâm An Sinh xã hội của Viện; đồng thời là giảng sư dạy các môn nội điển tại trường. Giai đoạn này các trường cao cấp Phật học và các học viện Phật học Việt Nam đều mời cô phụ trách giảng dạy các môn nội điển bằng Anh văn cho các tăng ni sinh.

Năm 1970, cô thọ đại giới Tỳ Kheo ni, và Bồ Tát giới tại giới đàn Vĩnh Gia Đà Nẵng. Từ đây, trách nhiệm về hoạt động Phật sự lan tỏa khắp các vùng miền, song song với hoạt động từ thiện xã hội, trùng tu các ngôi già lam xuống cấp, bảo trợ các cô nhi viện, các gia đình cô quả ở vùng sâu vùng xa.

Về sự nghiệp văn học - cây bút tài hoa của người nữ tu này quá uyên thâm vi diệu, quá uyên bác hàn lâm. Người có gần một trăm đầu sách các thể loại từ sáng tác đến dịch thuật biên soạn, phóng tác và hàng loạt bài viết ngắn, cùng nhiều bài thơ ý tình thắm đượm mùi pháp lạc đạo vị. Ni sư là một nhà văn, một nhà thơ, nhà triết học, nhà sư phạm với một trái tim rộng mở dâng hiến cho Đạo và Đời.

Nhưng trái tim nhân ái ấy đã ngừng đập cùng với hai thị giả trên bước đường du hóa vào một chiều mùa đông năm 2003 do một tai nạn giao thông trên lộ trình Phan Thiết - Sài Gòn.

Ni sư viên tịch ở tuổi 66 là một mất mát lớn cho Phật giáo Việt Nam, cho nền văn học và giáo dục Phật giáo nói riêng, và cho nền văn học Việt Nam nói chung, nhưng biết làm sao chống lại được sự chi phối của luật vô thường?!

Nếu sống là thể phách, khi thể phách đã tan rã theo đất nước gió lửa thì cái còn để lại cho đời là phần tinh anh - mà tinh anh, trí tuệ, văn nghiệp, đạo nghiệp của ni sư là một tài sản vô giá, một biển trí tuệ mênh mông mãi mãi trường tồn cùng tuế nguyệt. Vậy là Ni sư vẫn còn mãi mãi bên chúng ta, sự ra đi ấy, sự viên tịch ấy chỉ là sự quay về tròn đầy không vơi cạn.

Soạn giả chỉ là một nữ phàm phu đầy hệ lụy, một tín nữ sơ cơ, sự am hiểu về đạo pháp quá nghèo nàn, nhưng với tất cả lòng kính ngưỡng xin vô cùng tán thán công nghiệp, tài năng mà ni sư đã đóng góp cho ngôi nhà Như Lai và cho cuộc đời này, cho đất nước Việt Nam.

(RÚT TỪ “ NỮ LƯU MIỀN HƯƠNG NGỰ ĐỂ TƯỞNG NIỆM 9 NĂM NGÀY MẤT CỦA NI SƯ TRÍ HẢI)

Ninh Giang Thu Cúc
[Tập san Pháp Luân - số 82, tr94, 2011]