Dòng sông không thể đóng băng

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Vào mùa đông, sự giá lạnh làm đông cứng sông hồ, nước trở nên đông đặc. Khi mùa xuân đến, khí hậu ấm dần lên và băng đá tan chảy. Nước thì mềm và lỏng, băng đá thì cứng và sắc nhọn, vì thế ta không thể nói chúng đồng nhất; nhưng ta cũng không thể nói chúng dị biệt, bởi băng đá chỉ là nước bị đông đặc và nước chỉ là băng đá tan chảy.

Việc nhận thức của chúng ta về thế giới xung quanh cũng thế. Nếu ta bị dính chặt vào các hiện tượng, bị lôi cuốn vào vui và buồn, được và mất, khen và chê… sẽ tạo nên một sự cứng đặc trong tâm thức.

Cái mà ta thường gọi là tâm chính là tâm mê lầm, tâm bám chấp, là một cơn lốc đông đặc và hỗn loạn của những tư tưởng bị tham-sân-si thúc bách, không giống như Giác tánh giác ngộ. Trừ khi những tư tưởng này bị chế ngự bằng những cách đối trị đúng đắn, nếu không chúng sẽ bắt rễ và phát triển, củng cố thêm những ưu thế quen thuộc của nghiệp bất thiện và càng lúc càng làm thêm sâu đậm những dấu vết của nghiệp. Không thấy được chân tánh của tâm, chúng ta bám chặt vào những tư tưởng của ta. Điều này làm đông cứng sự tỉnh giác của hiện tại thành những ý niệm cứng chắc chẳng hạn như người và ta, đáng ưa và đáng ghét và nhiều thứ khác. Đây là cách chúng ta tạo ra luân hồi sinh tử.

Tuy thế dù những tư tưởng này có vẻ mạnh mẽ, nhưng một khi bạn nhận ra bản tánh nội tại của tâm thì những tư tưởng này sẽ không còn đánh lừa bạn được nữa. Giống như ánh sáng mặt trời rọi xuống một miếng pha lê ánh sáng của mọi sắc cầu vồng xuất hiện, nhưng chúng không có thực chất để bạn có thể nắm bắt. Cũng thế mọi tư tưởng dù muôn màu muôn vẻ, thì hoàn toàn không có thực chất. Giống như những đám mây hình thành, tồn tại một thời gian và sau đó biến mất trong hư không. Những tư tưởng xuất hiện có chất tính kiên cố giả tạo, không vững chắc bất biến mà thay đổi và chóng tàn. Chỉ khi nào ta nhận ra bản tánh trống không của những tư tưởng khi ấy ta sẽ thôi chịu sự chi phối của vô minh. Không tư tưởng nào không phải là tánh Không. Nếu ta nhận ra bản tánh trống không của những tư tưởng ngay khi chúng xuất hiện, chúng sẽ biến mất. Thay vì để mặc cho những tư tưởng của ta trở nên cứng đặc, chúng ta nhận ra tánh Không của chúng, thì mỗi tư tưởng xuất hiện và biến mất trong tâm càng làm cho việc nhận ra tánh Không bao giờ cũng rõ ràng và trọn vẹn. Như thế điều chúng ta phải làm là làm tan chảy băng đá của những ý niệm thành dòng nước lưu chuyển của sự tỉnh giác của hiện tại. Nếu ta biết cách để cho những tư tưởng của ta tự tan biến khi chúng xuất hiện, những tư tưởng sẽ vụt qua tâm như một đường kẻ vạch trên mặt nước, biến mất ngay khi được vẽ ra. Những cảm xúc mê lầm tự chúng sẽ sụp đổ. Nên không có hành động tiêu cực nào được tích tập, vì thế sẽ chẳng có đau khổ nào tiếp nối theo sau.

Khi bản tánh tâm được nhận ra, điều đó được gọi là niết bàn; khi nó bị mê lầm ngăn che, điều đó được gọi là sinh tử. Mọi hiện tượng của sinh tử và niết bàn xuất hiện như một cầu vồng. Hãy duy trì trạng thái đơn giản đó. Nếu chúng ta gặp được hạnh phúc, thành công hay những hoàn cảnh thuận lợi khác, hãy coi chúng như những giấc mộng và đừng bám luyến vào chúng. Nếu chúng ta lâm vào cảnh bệnh tật, nghèo khổ hay những thử thách vật chất và tinh thần khác, chớ để mất can đảm mà hãy khơi dậy lòng bi mẫn phát triển ước nguyện là qua sự đau khổ này những nổi khổ của chúng sanh có thể bị cạn kiệt. Dù xảy ra bất kỳ tình huống nào, đừng đắm mình trong sự phấn kích hay đau đớn, mà hãy tự do và thoải mái trong sự thanh thản không thể bị lay chuyển, dòng sông không thể bị đóng băng.   

Mang Viên Hưng Định
[Tập san Pháp Luân - số 82, tr69, 2011]