Mùa hè năm nay, Tâm Minh (TM) được đi chơi xa, đến nửa vòng trái đất, gặp được Sư phụ (SP), quý thầy thân quen và anh chị em (ACE) GĐPT, gặp bạn bè, bà con , học trò cũ, v.v... Thật là những ngày rất đẹp, rất vui trên quê hương Việt Nam.
Kính thưa quý vị và các bạn,
Về lại Mỹ, ai cũng hỏi “Việt Nam có nóng lắm không?” SP và quý thầy có khoẻ không? GĐPT sinh hoạt có bình thường không? Không khí có được dễ thở hơn không, v.v… Vì có quá nhiều câu hỏi của nhiều người đặt ra và gần như tất cả đều giống nhau, lồng vào trong đó một tình thương, một sự lo lắng, quan tâm tự đáy lòng, nên TM xin trả lời tất cả bằng một lá thư chung, kính nhờ BBT Tập San Pháp Luân chuyển tiếp.
Kính thưa quý vị và các bạn,
Như đức Bổn Sư đã nói, mỗi ngọn cỏ, mỗi lá cây đều dạy cho ta những bài học “vô ngôn”, huống gì là đối với con người, với tình thầy trò, tình bạn, tình bà con, tình đồng hương, tình đồng đội, đồng nghiệp, v.v… nên qua chuyến đi này, TM cũng thọ lãnh rất nhiều bài học, nhiều niềm vui, nỗi buồn. Hôm nay xin được hân hạnh chia sẻ với quý vị và các bạn.
TM về VN đúng một tháng, từ ngày 19/7 đến ngày 17/8 nhưng đi nhiều nơi (Huế, Qui Nhơn, Nha Trang) nên thời gian nghỉ hè thoáng qua như một giấc mộng ngắn ngủi … Có điều an ủi là thời gian ở Sài Gòn dài hơn hết (2 tuần) thì ngày nào cũng đến Chùa Già Lam. Hầu hết thời gian là ở Thị Ngạn Am với SP (mấy ACE ngồi nghe SP nói chuyện, kể chuyện sinh hoạt và tu học cho nhau nghe, hỏi chuyện SP, v.v… cho đến khi SP có người khách đầu tiên thì ACE mình rút lui “ai về nhà nấy”. Ngày nào cũng vậy, TM và vài người bạn đến thăm SP từ sáng sớm, lúc 6 giờ hay 6 giờ rưỡi, trừ ngày thứ bảy vì SP bận dạy luật cho quý thầy trong chùa.
Đến Già Lam, ACE chúng tôi được hưởng trọn không khí của 4 mùa: buổi sáng là mùa Xuân, không khí mát mẻ, có hoa thơm, thỉnh thoảng có tiềng đàn của SP (vì không biết có chúng tôi ở bên ngoài nên SP ngồi trong phòng đàn tự nhiên cho đến khi dứt bản nhạc mới “phát hiện” có khách!); buổi trưa là mùa Hạ; nhiều bạn có phần việc chuẩn bị buổi “quá đường” của chư Tăng phải xuống bếp lo sắp đặt, còn những người không có phận sự thì cũng lo xuống để được chiêm ngưỡng quang cảnh trang nghiêm của chư Tăng thọ trai chánh niệm. Thật là một quang cảnh đem lại cho lòng mình một sự thanh tịnh hiếm có… đứng ngắm nhìn “một rừng áo vàng “trang nghiêm tiến vào quá đường, ngồi vào chỗ bình bát đã được xếp đặt sẵn… như đang chờ người. Hèn gì có nhiều bạn suốt mùa an cư đều lên chùa để làm công quả, cúng dường, chiêm bái cảnh quá đường đặc biệt này...
Buổi chiều là mùa Thu của một ngày. Cảnh chùa tĩnh lặng, không khí dịu hơn “mùa hạ”. Có một buổi chiều, ACE chúng tôi gặp một cơn mưa như thác đổ, mưa như không bao giờ dứt! Trời tối đen mặc dù chưa đến 5 giờ chiều. Thân ngồi ở Thị Ngạn Am mà trí thì nhớ “Chiều Mưa Biên Giới”; không biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông giờ này đang ở đâu ! Thầy trò nhắc đến 2 câu thơ “vũ vô kiềm toả năng lưu khách; Sắc bất ba đào dị nịch nhân” và SP kể có lần dịch 2 câu thơ này cho bà họa sĩ Dominique người Pháp nghe nhưng nghĩ hoài không nhớ ra chữ “noyé” !!
Buổi tối là mùa Đông. Cửa chùa đóng lúc 9 giờ nhưng hình như chưa bao giờ ở lại chùa khuya như vậy. Chỉ ở đến lúc lên đèn (vì mưa nên trời mau tối quá); ngồi ở hàng hiên nhưng mưa tạt vào thấy mát lạnh thật là thoải mái, suy gẫm mấy câu trên bức tranh của ai đó tặng SP [tuy viết bằng chữ Hán nhưng đã được SP đọc âm cho nghe], thật thấm thía vô cùng:
Phật vị vô tâm ngộ
Tâm nhân hữu Phật mê
Thử tâm bổn thanh tịnh
Vân ngoại dã viên đề
Làm mình liên tưởng mấy câu:
“Hoàng anh đề liễu thượng
Xuân đáo bách hoa khai”
… Rồi chia tay, hẹn nhau ‘mùa Xuân sau” lại tái ngộ (nghĩa là sáng ngày mai đã gặp lại ). Có nhiều bạn nói ở gần chùa, nhưng SP thường bận, rồi nhập thất, còn đệ tử thì lu bu đủ thứ việc nên không được gặp SP thường như khi có TM về; hằng ngày cùng nhau lên chùa hấu thăm SP; thật là hạnh phúc phải không các bạn?
Nhiều “người ngoài” hỏi rằng chùa có gì vui mà ngày nào cũng lên, cũng gặp chừng đó người, cũng nói chừng đó chuyện (? !)… TM không giải thích bởi vì “ai uống nươc nóng lạnh tự biết”. Nhớ có một lần, một vị thầy trẻ ở hải ngoại hỏi TM rằng: Đặc trưng của Phật Giáo Việt Nam (PGVN) là gì? Tàu thì có Thiền Đại thừa, Tịnh độ; Nhật thì có Thiền Tào Động, Thiền trong Trà đạo, Kiếm đạo, Tây Tạng thì có Mật tông chẳng hạn, nhưng… còn Việt Nam là có gì? TM trả lời: Nếu thầy không ở VN để nghe tiếng chuông chùa lúc hoàng hôn hay buổi sáng sớm khi gà còn chưa gáy nhất là ở các chùa miền Trung như Huế chẳng hạn và không biết đến đời sống Thiền môn của quý Hòa thượng ngày xưa như Ôn Thuyền Tôn, Ôn Tường Vân, Ôn Trúc Lâm, Sư Bà Diệu Không, v.v… thì con không thể nói bằng lời được thế nào là PGVN. Tất nhiên là không chỉ ở Huế mà ở miền Bắc hay ở miến Nam cũng có thể hiểu được đặc trưng của PGVN là gì khi có dịp tiếp xúc để hiểu biết nếp sống của chư Tăng Ni ở đó. Theo con nghĩ PGVN cũng có đủ các pháp môn tu như Tịnh Độ, Thiền, Mật… Nhưng nếp sống của chư Tăng Ni VN khác với các nước khác thôi.
Về Già Lam, thấy được nếp sinh hoạt, tu học, v.v… của chư Tăng nhất là vào dịp 3 tháng an cư, làm mình tăng thêm niềm tin, niềm tự hào và nhất là sự tinh tấn… Ở đây TM còn được dự buổi lễ cài bông hồng vàng cho chư Tăng (do các em GĐPT Đức Chơn là đơn vị sinh hoạt tại Chùa thực hiện), được nghe những lời tác bạch của Phật tử dâng lên chư Tăng nhân ngày Tự Tứ , được thấy những bông hoa tươi đẹp mà Phật tử dâng lên chư vị để chúc mừng…
SG còn có nhiều chùa tổ chức như vậy nữa chứ không chỉ có ở Già Lam, nhưng TM “dừng chân” hơi lâu ở GL vì nơi đây được coi như ngôi chùa đã che chở đùm bọc GĐPT trải qua bao khốn khó đến nay.
Ở Sàigòn nghe tin anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều mất, TM ra Huế tiễn đưa Anh… Nhớ Anh xưa _người anh trưởng của GĐPT Gia Thiện khi TM đang còn là một đoàn sinh của Đoàn Thiếu Nữ_Anh rất vui tính, hay nói đùa, dạy chuyên môn (Gút, Morse, v.v…) rất hay… Khi TM đã làm Huynh trưởng vào thời kỳ khó khăn nhất của GĐPT sau 75 được gặp lại Anh, Anh vẫn là tấm gương sáng của hạnh vô úy của người HTr. GĐPT… Thấy đàn em tổ chức “Trại chui” (Từ Lộc Uyển, A Dục đến Huyền Trang), anh cười nhắc nhở: “Nè, coi chừng đó nha, đánh du kích mà lại mở đại học quân sự”. Anh thật xứng đáng là người HTr. xuất sắc, trung kiên, lập trường “cộng trụ cộng sinh” phân minh trong ứng xử, người HTr. nói ít làm nhiều, im lặng nêu cao gương sáng “đầu đội Nội Quy, vai mang Qui Chế”… TM đứng lặng trước quan tài nhớ về anh của mấy mươi năm trước mà như mới ngày hôm qua…
Rời nhà anh Thiều, TM đi thăm những con đường xưa xứ Huế. Sen hồng, sen trắng đủ loại, vươn cao, thẳng tắp, đẹp tuyệt vời và thơm ngát không khác ngày xưa. Người ta nói, “Huế là xứ đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương”, nhưng giờ đây TM cảm thấy thương nhớ ngập tràn, nhớ những ngày xưa mùa sen nở với ngày Phật Đản như ngày hội Lớn nhất trong năm, thương biết bao nhiêu những cành hoa phượng đỏ thắm trong sân truờng Đồng Khánh (bây giờ là trường Hai Bà Trưng), bên bờ sông Hương khúc cầu Tràng Tiền… nước sông Hương muôn đời vẫn lặng lờ không hề gợn chút sóng… đã từng in bóng những người ngày xưa… nay ở đâu? Cùng với vài ngưòi bạn thân đi dạo dọc theo con đường bên bờ sông Hương, trước “Cercle Sportique” để “líu lo” về những kỷ niệm của thời học trò _ quên hẵn bây giờ mình đã là những bà cụ trên 70 tuổi !
Huế có rất nhiều chùa, mà TM chỉ đến được Chùa Linh Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Phước Duyên với tàng kinh các của thầy Thái Hòa, một am thất nhỏ 3 tầng chứa đầy kinh sách giữa cảnh non nước hữu tình (phía trước là dãy núi xanh, phía dưới là dòng sông nước trong vắt, 2 bên bờ cây cối xanh tươi điểm hoa trắng vàng tạo nên “một khung cảnh mùa xuân trong mùa hạ”). Chỉ tiếc là không được đến chùa trong mùa trăng để ngắm tàng kinh các trong ánh trăng. Tuy nhiên trong buổi sáng mai này, dưới ánh mặt trời, TM được lắng nghe thầy nói chuyện, “những chuyện trên trời dưới đất ngoài biển trong non…” nhưng lồng vào trong đó là những lời dạy rất gần với đời sống, với tinh thần tu học của ngưòi Phật tử, với những hạnh lành: buông xả, lắng nghe, nhẫn nhục, tha thứ, bao dung… Thầy cho TM cái hẹn 1 giờ đồng hồ (lúc 7 giờ sáng) nhưng khi TM rời tàng kinh các thì đã hơn 9 giờ sáng rồi; thế mà cứ tưởng chưa hết 1 tiếng !
Thăm thầy xong thì đến các bạn. Huế không rộng lắm nên chỉ cần một buổi sáng là có thể đi thăm hết những bạn bè năm xưa còn lại, có bạn xa cách đã 40, 50 năm nhưng tình cảm học trò không già đi theo năm tháng; các bạn vẫn “mi mi, tau tau” thân mật như ngày xưa, thôi thì bao nhiêu chuyện đời xưa lý thú được tung ra hết, thế mới biết câu nói này thật đúng dù là ở phương trời Tây hay Đông phương chúng ta: “Everything is good when new, but fiendship when old”.
Hết bạn thì tới “học trò mệ”. TM có những em học trò cũ, nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa, bây giờ đã làm bà nội bà ngoại người ta rồi nên gọi đó là những học trò mệ; những em này ngoài việc chăm lo các cháu của mình còn làm việc từ thiện rất giỏi. Các em đem gạo phát cho những người nghèo, neo đơn, đem quà đến những cô nhi viện, các viện dưỡng lão, v.v… Các em thường gởi nhũng hình ảnh sinh hoạt của nhóm từ thiện, những lần đi cứu trợ, v.v… qua email cho TM coi. Nghe tin cô giáo cũ về Huế liền rủ nhau đem xe hơi xuống tận Phú Bài đón; thật là vô cùng cảm động. Trên con đường Phú Bài - Huế mọi người dành nhau nói, kể chuyện… làm anh tài xế cũng vui lây !!
“Những ngày vui qua mau” ở Huế cũng phải kết thúc, TM được các bạn và các em tiễn lên Ga Huế vào sáng thứ Bảy, đến Diêu Trì chiều hôm dó để rồi ở đây cũng được bà con, bạn bè, học trò cũ đón tiếp, đưa đi chơi, đi tham quan Qui Nhơn, Tuy Phước, Diêu Trì, Phước Sơn… là những nơi ngày xưa TM đã có cơ hội sống, làm việc hay sinh hoạt Trại GĐPT. Bình Định Qui Nhơn với mộ Hàn Mặc Tử, với khu khách sạn “Hoàng Gia” có nhiều hình ảnh của cựu Hoàng Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, Nam Phương Hoàng Hậu, đức Từ Cung, v.v… làm TM không khỏi chạnh nhớ đến những ngày thơ ấu xưa đã từng cầm cờ đi đón vị Vua cuối cùng của triều Nguyễn, đã từng được diện kiến hoàng tử Bảo Long ở phủ Thủ Hiến (trong phái đoàn những học sinh đại diện 2 trường Trung Học lớn của Thành phố Huế)… đâu có ai ngờ đến 1 ngày… Đây là bài học về vô thường rõ nét nhất trong TM gợi lên 1 chút thương cảm… Các em học sinh Qui Nhơn sau 75, nay có nhiều em đã trở thành những “đại gia”, đang sống ở Qui Nhơn hay Sài Gòn, nhưng điều đáng vui là tình bạn giữa các em vẫn sáng rỡ và nghĩa thầy trò vẫn gắn bó như xưa; các em tỏ ra rất cảm động khi nghe cô giáo nhắc lại những kỷ niệm rất dễ thương ngày xưa, mà chính các em cũng suýt quên rồi !
Sau 1 tuần ở Qui Nhơn, TM đi Nha Trang. Ở đây TM được gặp và thăm ACE BHD Khánh Hòa, ở nhà 2 bạn Sương Thanh và Tước, được gặp anh Thương từ Cam Ranh ra, cùng với anh Cõi và các anh lên Chùa Hải Đức thăm thầy Phước An. Thật là một ngày vui hiếm thấy, mặc dù đường lên đồi Trại Thủy không còn được sạch sẽ phong quang như ngày xưa nên cũng có một chút ngậm ngùi… nhưng mục đích thăm Thầy đã đạt là được rồi ! Đứng ở chùa của thầy, nhìn xuống bao quát cả thành phố Nha Trang, vườn thầy cũng có đầy đủ sen, súng, antigôn, đào tiên, v.v… Các anh còn được thầy cho đem hoa súng về trồng nữa. Sau đó, TM cũng được đến thăm gia đình anh Mão, thăm vài người bạn học năm xưa và chỉ vài giờ là phải từ giã Nha Trang trở về Sài Gòn.
Giờ cuối, TM được có một buổi họp mặt với ACE Vạn Hạnh II của mình ở Pháp Uyển, vui thật là vui; đáng lẽ có hình anh San gởi cho nhưng thật không may là anh bị té xe khi về dự Hiệp Kỵ, đến nay vẫn còn đau nhức chưa cử động nhiều được. Cầu chúc anh mau bình phục!
Đến đây “thiên ký sự” đã dài mà tự nhận thấy chưa nói được điều gì hay ho cả. Lại “nhớ đâu nói đó” nên không biết bạn đọc có ngán không. Vì vậy, xin dừng lại đây để thân kính chúc quí vị và các bạn “một ngày như mọi ngày” an lạc và thảnh thơi.
Lời cuối là xin gởi đến tất cả các bạn hữu ở VN lòng biết ơn chân thành của TM.
Trân trọng,
Tâm Minh
[Tập san Pháp Luân - số 81, tr81, 2011]