Khi nói về sự “sinh khởi” của thế giới, của con người, đạo Phật đã có một câu đơn giản mà sâu sắc vô cùng: “Thử hữu tức bỉ hữu” (Cái này có cho nên cái kia có). Với các Phật tử, đạo lý “duyên khởi” được xem là một “cây đuốc” để đi vào kho tàng giáo lý của đạo Phật
1. Khi nói về sự “sinh khởi” của thế giới, của con người, đạo Phật đã có một câu đơn giản mà sâu sắc vô cùng: “Thử hữu tức bỉ hữu” (Cái này có cho nên cái kia có). Với các Phật tử, đạo lý “duyên khởi” được xem là một “cây đuốc” để đi vào kho tàng giáo lý của đạo Phật. Đạo lý ấy giúp họ nhận thức được mối quan hệ “tương tức” (interbeing) và “tương nhập” (interpenetration) giữa con người với con người trong cuộc sống. Vì vậy, mỗi người phải ý thức sống và quan sát làm sao để “thấy được cái này trong cái kia, thấy được cái kia trong cái này, thấy mỗi cái chứa đựng tất cả, và thấy tất cả mọi cái đều chứa đựng mỗi cái”. Hay nói cách khác, con người và vạn vật “nương nhau mà phát hiện”.
2. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật mới về con người, văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới cũng nhìn nhân vật trong nhiều mối quan hệ như vậy. Những con người ấy chỉ thật sự “sống như đời sống” khi được đặt trong quan hệ với chính mình và trong những mối quan hệ phức tạp, đan xen với người khác. Đó có thể là những quan hệ đồng thuận hoặc nghịch chiều. Nhưng dù “thuận” hay “nghịch”, đối tượng quan hệ cũng sẽ cho một góc chiếu nhất định về nhân vật. Phải chăng, có sự gặp gỡ giữa quan niệm về con người của tiểu thuyết giai đoạn này với đạo lý “duyên khởi” ấy của đạo Phật? Vì vậy, chúng tôi mượn một thuật ngữ trong giáo lý nhà Phật để nói về một thủ pháp được cách tân trong văn học thời kỳ này. Đó là thủ pháp tương chiếu (mutual enlighten). Với thủ pháp này, nhân vật được “chiếu sáng” từ nhiều mối quan hệ: quan hệ tương tác với các nhân vật khác (từ bên ngoài), quan hệ với chính mình (từ bên trong). Nhờ vậy, những bí ẩn trong tâm hồn nhân vật được thấu tỏ và nhân vật hiện lên “trọn vẹn” hơn.
Trong Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), để giúp người đọc hiểu được những ẩn khuất trong cuộc đời nhân vật Ba Sương, nhà văn Chu Lai đã sử dụng thành công thủ pháp này. Trước hết, Ba Sương được “chiếu sáng” từ nhân vật Hai Hùng (qua sự kết nối cả hai chiều thời gian – quá khứ và hiện tại). Tái hiện lại hình ảnh người xưa qua sự nhấp nháy của ký ức, Hai Hùng như muốn thể hiện sức sống mãnh liệt của con người này. Với anh, chiến tranh với độ dài “tưởng chừng như vô tận” chỉ có thể làm cho cô gái “rụt rè, bé bỏng và hay tha thẩn ngồi một mình” như Ba Sương trở nên “cứng cáp hơn” mà thôi [tr.181].
Thế nhưng, được chiếu rọi bằng ánh sáng của sự hoài nghi, Ba Sương của những tháng ngày sau chiến tranh đã làm nhiều người thất vọng. Chân dung người đàn bà ấy không còn bị phủ bởi lớp mờ của ký ức và thời gian nhưng vẫn không hiện lên rõ nét. Từ sự hoài nghi, Hai Hùng đã dựng lại một cách “chớp nhoáng” những cuộc gặp gỡ tình cờ với Ba Sương ở một tỉnh miền tây Nam bộ. Và dù tất cả còn đang bao phủ bởi một lớp màn bí mật nhưng với niềm tin và linh cảm của Hai Hùng, người đọc đã nhận ra đây là con người đã chối bỏ quá khứ một cách phũ phàng.
Khi được “chiếu sáng” bởi nhân vật Tường – người từng can dự vào số phận của Ba Sương trong quá khứ – chân dung nhân vật mới hiện lên rõ nét hơn. Và sự hoài nghi của Hai Hùng về những “ẩn khuất” trong cuộc đời Ba Sương cũng hoàn toàn tan biến. Nhìn dưới góc độ này, Ba Sương “có chiều sâu” hơn và cũng đáng thương hơn. Cô đã một mình tham dự vào bi kịch cuộc đời mình – bi kịch sống mà như đã chết, chết mà vẫn còn đang sống. Cô đã một mình gặm nhấm nỗi cô đơn khi chấp nhận hiện tại, lãng quên quá khứ và không dự tính tương lai. Trong cảm nhận của ông Tường, dường như Ba Sương đã “quyết định tự đặt mình vào chiều trái của cuộc đời để yên ổn hướng tâm hồn về chiều phải” [tr.339]. Cái “chiều phải” đó có thể là tình thương, là lòng biết ơn đối với người chị đã khuất (Hai Hợi). Nhưng dù có là gì đi nữa, một khi đã đặt mình vào “chiều trái của cuộc đời” một cách có ý thức, nhân vật không thể có một nội tâm thanh thản.
Tuy nhiên, ở con người “bao giờ cũng có một cái gì đó mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể xác định được từ bên ngoài, từ ‘sau lưng’ con người”. Vì vậy, nhà văn đã dành cho Ba Sương khoảng yên tĩnh cuối cùng để nhân vật tự hoàn chỉnh chân dung của mình. Đây chính là sự “tự chiếu sáng từ bên trong” của nhân vật.
Thông thường, để nhân vật “tự chiếu sáng” những bí ẩn trong tâm hồn, văn học hiện đại thường sử dụng thủ pháp độc thoại (monologue), độc thoại nội tâm (interior monologue) hay dòng ý thức (stream of consciousness). Nhưng ở đây, nhân vật Ba Sương lại “chiếu sáng” nội tâm bằng đối thoại (dialogue). Tại sao như vậy? Vì trước khi gặp Hai Hùng, Ba Sương cố vùi lấp quá khứ để yên tâm sống với hiện tại nên không dám đối diện với chính mình, không một lần độc thoại nội tâm. Khi Hai Hùng đã đột ngột xé toang bức màn bí ẩn ngay trong phòng làm việc của mình, Ba Sương muốn quay đầu (vì “quay đầu là bờ”) thì cô lại không còn thời gian nữa. Ba Sương chỉ có thể đối thoại “một lần cho mãi mãi” với những người mình tin cậy nhất (Hai Hùng hoặc ông Tường).
Cuộc đối thoại ngắn giữa Ba Sương và ông Tường cuối tác phẩm đã diễn ra rất vội vàng. Vì nhân vật có cảm giác thời gian không chờ mình nữa. Hơn một lần, nhân vật thốt ra lời: “Chậm mất rồi!” [tr.350], “Muộn rồi!” [tr.351]. Quả thật, đó là cơ hội duy nhất để Ba Sương trở về với con người thật của mình. Nhưng lịch sử của cả một số phận, một cuộc đời không thể tái hiện đầy đủ chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của hiện tại. Vì vậy, tác giả đã “dồn nén”, đã “cô đặc” thời gian một cách nghệ thuật. Và đối thoại chỉ còn là hình thức để nhân vật truyền trao thông tin. Theo dõi cuộc thoại, chúng ta sẽ thấy nhân vật vi phạm hầu hết các nguyên tắc đối thoại: Nguyên tắc luân phiên, nguyên tắc liên kết, nguyên tắc cộng tác… Vì Ba Sương có hướng vào người nhận cụ thể (ông Tường) nhưng không chờ sự “hồi đáp tức khắc” ở nhân vật ấy. Thậm chí, nhiều lần cô “giành” quyền phát ngôn và gần như “độc thoại”: “Xin đừng ngắt lời tôi. Đây có thể là lần cuối cùng, cứ để cho tôi nói hết, nói một lần…” [tr.353]. Vì vậy, lời thoại của Ba Sương thường rất dài, có khi chiếm đến ba trang (357-359). Trong khi đó, lời thoại của ông Tường rất ngắn, có khi chỉ một câu nhưng dang dở. Và nội dung lời thoại của ông thường không liên kết với câu chuyện của Ba Sương...
Chính việc xử lý linh hoạt tình huống giao tiếp của tác giả đã giúp nhân vật có cơ hội bộc lộ thế giới bên trong đầy bí ẩn cũng như có dịp “sám hối” tội lỗi của mình. Tội lỗi trong quá khứ sẽ dẫn đến những sai lầm trong hiện tại. Ba Sương đã dần dần soi sáng cái phần lâu nay còn ẩn khuất trong mình để đi đến quyết định sáng suốt cuối cùng cho hiện tại: “Tôi quyết định trở về con người thật của mình vào ngay buổi trưa mai, dù cho có phải trả giá thế nào” [tr.360].
Với một nhân vật có “lịch sử” phức tạp như Ba Sương, nếu chỉ qua điểm nhìn của nhân vật khác thì khó có thể thấu tỏ mọi bề. Vì sống trong nhiều mối quan hệ, trải qua nhiều tình huống, có những điều xảy ra với nhân vật, người này hiểu rất rõ nhưng với người kia, nó mãi mãi là một bí mật. Nếu để nhân vật trải cuộc đời mình ra trong cái nhìn “thông tuệ”, biết “tất tần tật” của nhân vật - người kể chuyện (theo kiểu truyền thống), thì nhân vật lại hiện lên quá đơn điệu. Điều này không phù hợp với quan niệm mới về thế giới (đa nguyên, không thuần nhất) và về con người (đa diện, không nhất phiến) của văn học hôm nay. Vì vậy, các nhà văn đã sử dụng triệt để thủ pháp “tương chiếu” trong xây dựng nhân vật.
Thủ pháp này cũng được Nguyễn Việt Hà sử dụng khá thành công trong Cơ hội của Chúa. Hầu như các nhân vật trong tác phẩm đều được “soi chiếu” từ nhiều góc độ. Theo cách nói của M. Kundera thì mỗi nhân vật đã được chiếu sáng bởi những “cường độ ánh sáng” khác nhau và theo những cách khác nhau. Trong đó, có những nhân vật được “chiếu sáng” từ nhiều nguồn nhưng đều là những nguồn sáng bên ngoài (Bình, Lâm, Sáng). Đó là những nhân vật có đời sống tinh thần đơn giản. Nhưng có những nhân vật, nhà văn đặc biệt chú trọng đến khả năng chiếu sáng từ bên trong qua nhật ký, qua những đoạn độc thoại. Bắt đầu từ chương Bốn trở về sau, bốn nhân vật được coi là linh hồn của tác phẩm: Hoàng, Nhã, Thủy, Tâm đều được “soi sáng” nội tâm bằng nhật ký, tự bạch. Nhật ký của ai cũng dài, dày đặc những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời, về người khác và về bản thân mình. Trong đó, nhật ký của Hoàng chiếm 18 trang (chương Bốn) và 49 trang (chương Tám); nhật ký của Thủy chiếm 19 trang (chương Năm) và 27 trang (chương Bảy); nhật ký của Nhã chiếm 17 trang (chương Sáu) và 30 trang (chương Chín); chưa kể 3 trang độc thoại (chương Bốn), nhật ký của Tâm cũng chiếm đến 27 trang (chương Bảy).
Đặc biệt, trong tác phẩm, chân dung nhân vật Hoàng được vẽ “đậm nét” hơn cả; tính cách, tâm hồn cũng được lột tả tinh tế và sâu sắc hơn cả. Vì nhân vật như “đứng giữa nguồn sáng”, được chiếu sáng từ nhiều hướng. Từ bên ngoài, Hoàng hiện lên qua suy nghĩ, nhận xét, cảm nhận (có khi nghiêm túc, có lúc vu vơ) của nhiều nhân vật: Nhã, Thủy, Tâm, Bình, Lâm, những nhân vật đám đông, những nhân vật “không tên” (người kể chuyện) và qua những tác phẩm văn học của anh. Từ bên trong, Hoàng được soi chiếu qua những lời tự bạch, qua các trang nhật ký của chính mình. Đứng giữa “nguồn sáng”, Hoàng không “lẩn” vào đâu được, mọi tốt xấu cứ thế phơi bày.
Một trong những nhân vật tham gia vẽ chân dung Hoàng là Nhã. Khác Thủy, Nhã nhìn Hoàng dưới góc độ một người bạn thân, rất thân. Có người cho rằng, tình bạn giữa Hoàng và Nhã là tình bạn đẹp, hiếm thấy trong văn học Việt Nam hiện đại. Họ thực sự thương nhau, quan tâm lo lắng cho nhau, thực sự hiểu nhau và có thể sẻ chia cho nhau những nỗi niềm. Từ sự chiếu sáng của Nhã, ta nhận thấy Hoàng trước hết là người thông minh và nhân hậu: “Hoàng là người hay khen, cậu ta bao giờ cũng nói thật tốt về người khác” [tr.478]. Không “tự hát” về mình, lại luôn “nói thật tốt” về người khác là một phẩm chất không dễ tìm thấy ở một con người bình thường. Vì người đời thường bị tâm ích kỷ và tâm kiêu mạn che lấp, khiến dễ nhìn thấy thói xấu và lầm lỗi ở người hơn là thấy cái tốt ở họ. Qua Nhã, người đọc còn nhận ra Hoàng là người rất chân thật, chân thật đến khó tin. Vì tồn tại như một “phiên bản” đặc biệt của tạo hóa nên Hoàng khó tìm được sự đồng cảm. Anh sống thiên về đời sống tâm linh, gửi niềm tin vào tôn giáo: “Cậu ta mê giáo lý nhà Phật đồng thời là tín đồ Catholic” [tr.111].
Có nhiều lý do để giải thích vì sao tình bạn của họ đẹp và bền vững “có một không hai” trong xã hội hiện nay. Trong đó, “vị tha” (vì người khác) chính là gốc rễ làm nên sự bền vững của tình bạn này. Vì biết sống “vị tha” nên họ không ích kỷ, không tư lợi, luôn hướng về người và thấu tỏ những nỗi niềm của người mà sẻ chia đúng lúc. Trên đời này, không có gì có ý nghĩa hơn là “sự đúng lúc”. Thật vậy, Hoàng đã có mặt trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Nhã. Vì luôn hướng về “tha nhân” nên Hoàng rất hiểu bạn và cảm nhận được lúc nào bạn cần mình. Nhã cũng biết rất rõ, vì luôn hướng về “tha nhân” nên “Hoàng có mặt ở cuộc đời này để không thuộc về cái gì” [tr.111]. Xây dựng tình bạn lý tưởng giữa Hoàng và Nhã, phải chăng Nguyễn Việt Hà muốn củng cố niềm tin cho người đọc? Thì ra, trong thời buổi nhố nhăng này, tình bạn đẹp không phải đã hoàn toàn “tuyệt chủng” như loài khủng long quý hiếm.
Với Tâm, Hoàng có mặt trên cuộc đời càng lúc càng ngột ngạt này như một sự cân bằng “môi trường sinh thái”: “Nếu trên đời thiếu những người như anh Hoàng chắc sẽ khó thở hơn” [tr.132]. Và lúc nào cậu em trai cũng cố tìm được một vị trí thích hợp để chiếu sáng phần “linh thể” của anh mình trong cuộc sống hiện tại….
Khác với “nhân vật ẩn lậu” của Dostoievski, nhân vật Hoàng không “lắng nghe” từng lời của người khác nói về mình, không “soi mình” trong “mặt gương của ý thức người khác”. Vì vậy, nhân vật không biết (cũng không cần biết) mọi khả năng hình ảnh của mình có bị khúc xạ qua các tấm gương đó hay không. Nhân vật cứ tồn tại, chiêm nghiệm lẽ đời, lẽ đạo trong cái khề khà của rượu; cứ tự nhiên phô bày tất cả những tốt xấu mẹ cho, từ lâu đã ngấm vào máu thịt. Vì vậy, nhân vật tồn tại rất tự nhiên và cũng rất “người”: nhân hậu, trung thực, chân thành, lương thiện…
Cũng như nhân vật Ba Sương trong Ăn mày dĩ vãng, chân dung nhân vật Hoàng chỉ có thể hoàn chỉnh hơn, rõ nét hơn khi được “chiếu sáng từ bên trong”. Nhưng khác với Ba Sương, Hoàng dẫn dắt người đọc đi vào thế giới nội tâm của mình bằng con đường độc thoại. Trong tác phẩm, nhà văn đã dành cho Hoàng 69 trang để Hoàng tự bạch (độc thoại). Trong 19 trang tự bạch ở chương Bốn, Hoàng hiện ra là một chàng thanh niên đa sầu, đa cảm, nhưng là một con người nhân hậu và luôn tự nhận thức được bản thân mình: “Tôi đã được hưởng khá nhiều, kể cả sự mất mát. Tôi đã làm nhiều điều tồi tệ nhưng cuộc đời vẫn độ lượng với tôi” [tr.152]. Thế nhưng, ở đoạn tự bạch dài đến 50 trang (chương Tám), Hoàng bộc lộ gần như đầy đủ những mặt cơ bản “cấu tạo” nên con người mình: trí tuệ, tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng, trạng thái tinh thần…
Nguyễn Việt Hà không xây dựng Hoàng như một “nhân vật tư tưởng”, nhưng Hoàng lại gánh trên vai mình rất nhiều vấn đề của thời đại: học vấn, mưu sinh – lập nghiệp, tình bạn, tình yêu, tôn giáo, sáng tạo nghệ thuật… Vì vậy, nếu không “chiếu sáng” từ nhiều phía, nhà văn khó mà xây dựng được chân dung nhân vật vừa mang ý nghĩa thời đại vừa như “thách thức” với các kiểu nhân vật truyền thống như Hoàng.
3. Tóm lại, xây dựng nhân vật bằng cách sử dụng thủ pháp “tương chiếu” là một trong những đổi mới có ý nghĩa của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết, thời kỳ này. Tất nhiên, như đã phân tích, thủ pháp này được các nhà văn thực hiện có hiệu quả trên cơ sở thường xuyên “luân chuyển điểm nhìn” và “tổ chức những tiếng nói khác nhau” trong tác phẩm. Nhờ vậy, tiểu thuyết thời kỳ này đã chuyển dần từ tính “đơn thanh” sang tính “đa thanh”.
Chú Thích:
1. Nhất Hạnh, Trái tim của Bụt, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 2005, tr.51.
2. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 2003, tr.290.
3. Theo quan điểm của Grice, nguyên tắc này được phân tích thành bốn phương châm: Phương châm về lượng (quantity), về chất (quanlity), phương châm quan hệ (relation) và phương châm cách thức (manner). Nếu xét kỹ đọan hội thoại, chúng ta sẽ thấy tác giả cố ý để nhân vật vi phạm tấ cả phương châm này.
Nguyệt Tuệ Xương
[Tập san Pháp Luân - số 81, tr52, 2011]