Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Không phải ngẫu nhiên tôi gọi Khánh Lam là “đứa con gái cưng của miền Tây Nam bộ”, trạng từ này tôi muốn âu yếm dành cho người con gái xa quê, xa lắm! Xa đến mức có một chiều, nỗi nhớ thầm của Khánh Lam đã bật thành thơ, bài thơ “Nẻo về Yêu Thương”:


“Mưa bong bóng,
ngày con đi lấy chồng
Giọt lệ buồn rớt lại bên song
Ô cửa sổ ngày xưa Mẹ ru con ngủ
Thuở nằm nôi,
cho đến lúc má hồng.

Gót phiêu bồng,
con cô đơn, đếm bước
Cùng tháng năm, đi trên lệ ưu phiền
Con xa ngái bên nửa vòng trái đất
Tim Mẹ già,
nào được phút bình yên?

Cánh chim biển,
đôi lúc chùng, chân mỏi
Mơ ngược dòng gió bạt trở về thăm
Tổ ấm xưa sà lòng Mẹ con nằm
Òa lên khóc,
trong vòng tay của Mẹ.

Giá cuộc sống,
và tuổi đời vẫn trẻ
Con nguyện về sống cạnh Mẹ thân yêu
Để chăm lo cho Mẹ lúc xế chiều
Xoa dầu nóng,
đêm trái trời Mẹ lạnh.

Bao ước mơ,
con ước rất chân thành
Nhưng vẫn chỉ là ước mơ, Mẹ nhỉ?
Bởi cuộc đời không như là mộng mị
Tháng ngày trôi,
con bằn bặt phương này.

Trên đường về,
con nghe mắt cay cay
Bên kia xe dáng ai ngồi giống Mẹ
Đêm tỉnh lặng con mơ màng gọi khẽ
Chiêm bao về,
gặp Mẹ, thỏa nhớ mong!

Con sẽ vui,
nơi ấy Mẹ yên lòng
Nghe lời Mẹ, con giữ gìn hạnh phúc
Bởi con biết đó là điều Mẹ ước
Đời Mẹ nhọc nhằn,
mong con thảnh thơi hơn.

Con nguyện cầu,
xin đức Phật ban ơn
Cho Mẹ sống – khỏe – vui trăm tuổi
Và hành trình nẻo hoàng hôn lâu tới
Thêm thời gian,
cho đời Mẹ, Mẹ ơi!

Thơ của Khánh Lam đó, cái chất Nam bộ đậm đặc trong Lam là thế đó, không hoa mỹ, không cầu kỳ, không khuôn sáo, rất hiếm hoi những phép tu từ. Thơ cứ tự nhiên, cứ giản dị tuôn trào như nỗi nhớ, như lời thì thầm, tỉ tê bên gối mẹ. Bài thơ mở ra như đôi cánh cửa, dắt tôi về với những hoài niệm, bắt đầu từ một ngày mưa – “mưa bong bóng” – cơn mưa từng thấp thoáng trong ca dao, cơn mưa dai dẳng ngoài trời hay cơn mưa cứ bứt rứt trong lòng đứa con gái lìa quê ly xứ. Thế rồi, mưa đọng thành “giọt lệ buồn rớt lại bên song”, điểm “rớt” đâu phải vô tình, khung cửa sổ ấy là nơi chất chứa bao kỷ niệm từ thuở “nằm nôi, cho đến lúc má hồng”, nơi mẹ từng ru Lam ngủ, nơi Lam bao lần ngồi mộng mơ suốt thời thiếu nữ, nơi Lam ước ao được quay về để sà vào lòng mẹ rồi “òa lên khóc trong vòng tay của Mẹ”. Thế rồi, ước mơ được nuôi dưỡng lớn thành nỗi khát khao:

“Con nguyện về sống cạnh Mẹ thân yêu
Để chăm lo cho Mẹ lúc xế chiều
Xoa dầu nóng,
đêm trái trời Mẹ lạnh.”

Đọc mấy câu thơ này, chẳng rõ cớ gì, tôi lại liên tưởng đến nỗi niềm của người con gái trong ca dao xưa, thầm lén “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, tôi có cảm giác, khi viết nó, tâm hồn Khánh Lam đã rời xa thành phố cực kỳ hoa lệ, thực sự về với quê hương, về với ngôi nhà cũ có dáng mẹ ngồi trong bóng chiều chập choạng, vẳng đâu đó tiếng Thạch Sùng chép miệng, tiếng mưa rơi, tiếng gió rít ở đầu hồi… và hình dung làn khói đốt đồng cay sè con mắt la đà dưới ánh hoàng hôn, làn hương bông bưởi, bông cau đầm đẫm ánh trăng chiều, làn gió Chướng dạt dào, cởi mở, phây phẩy đưa trời lộng lên cao… và nhiều, nhiều nữa, cảnh sắc, con người, kỷ niệm cứ chếnh choáng ùa về.

Hình ảnh người Mẹ trong thơ Khánh Lam, trong trái tim Khánh Lam, hi sinh thầm lặng như bao người mẹ khác: “Tim Mẹ già, nào được phút bình yên?” “Đời Mẹ nhọc nhằn, mong con thảnh thơi hơn” nhưng đó là người Mẹ của riêng Lam (Lam luôn viết hoa từ này như một niềm trân trọng đồng thời như một danh từ riêng), không có mái tóc nhuốm màu thời gian trắng xóa, không có đôi vai gầy trĩu nặng ưu tư, không có nước mắt, không có nếp nhăn… chỉ bàng bạc một nỗi lòng khắc khoải mà nỗi lòng đó, Lam hiểu hơn ai hết, nên Lam viết như một lời hứa, một lời cầu nguyện:

“Con sẽ vui,
nơi ấy Mẹ yên lòng
Nghe lời Mẹ, con giữ gìn hạnh phúc
Bởi con biết đó là điều Mẹ ước
Đời Mẹ nhọc nhằn,
mong con thảnh thơi hơn.”

“Con nguyện cầu,
xin đức Phật ban ơn
Cho Mẹ sống – khỏe – vui trăm tuổi
Và hành trình nẻo hoàng hôn lâu tới
Thêm thời gian
cho đời Mẹ, Mẹ ơi!”

Lời nguyện cầu như thắp một bình minh cho hành trình đi về phía hoàng hôn của mẹ, có lẽ niềm lo lắng ẩn náu trong Lam là nỗi lo thường tình của những ai còn Mẹ, như Đỗ Trung Quân từng viết:

“Anh đã bao lần dừng lại trên phố quen.
Ngả nón chào xe tang qua phố
Ai mất mẹ? sao lòng anh hoảng sợ
Ngày tháng kia… bao lâu nữa của mình.”

Có lẽ trong cuộc đời, không phải ai cũng được đón nhận hạnh phúc như Khánh Lam, có một người mẹ để mà hướng về khi “cánh chùng, chân mỏi”, khi “phiêu bồng đếm bước cô đơn”, khi “mắt cay cay”, khi “bằn bặt phương trời” và cũng không phải ai cũng hạnh phúc như Mẹ của Lam, có đứa con biết trân trọng nâng niu tình thương của mẹ. Hạnh phúc ở đời đôi khi thật giản dị nhưng lại là sự tìm kiếm đến vô vọng của bao người!

Chưa bao giờ tôi được diễm phúc như Khánh Lam, khi đọc “Nẻo về Yêu thương”, tôi nghe có gì sôi lên trong mắt nên ghi lại những cảm nhận của mình. Tôi mong, bài viết này như một bông hồng, ân cần cài lên áo Khánh Lam trong mùa “Vu lan Báo hiếu”…

....
[Tập san Pháp Luân - số 65, tr23, 2009]