Khi những con én ríu rít gọi cành cây thức giấc sau một mùa đông dài lười nhác thu mình tránh rét, là thời khắc rạo rực nhất cho vạn vật hồi sinh. Những chồi non bắt đầu ló dạng từ những thân cây tưởng chừng như già cỗi, hóa ra là đất trời và vạn vật đều xoay vần trong vòng tròn sinh, trụ, dị, diệt và rồi sinh…
1.
Từ thuở ban sơ, hoàng kim của đạo Phật Việt Nam với hoàng thành Luy Lâu được coi là trung tâm Phật giáo đào tạo Tăng tài cho Trung Quốc, để rồi sau đó chịu tiếng rằng có sự truyền giáo ngược từ quốc gia này, bởi duyên phận của Phật giáo Việt Nam vốn long đong cùng với số phận của dân tộc Việt. Phật giáo Việt Nam của những thế kỷ trước và sau Tây lịch thuộc truyền thống nào tuy không được ghi rõ nhưng chắc chắn một điều là nó đã đến đây từ Ấn Độ.
Cùng với thời kỳ cha ông ta tiếp nhận nền văn minh Hán học, dòng Phật giáo từ quốc gia này đã chảy ngược về đất Việt với quy mô một trong những tôn giáo uy thế đương thời, với nền tảng tin Bụt vốn có, người Việt đã sẵn sàng đón nhận một cách có chọn lọc và tôn giáo khế lý khế cơ này đã trở thành tôn giáo riêng của người Việt Nam. Phật giáo ấy là dòng Phật giáo Bắc truyền.
Bên cạnh đó, suốt chiều dài lịch sử Nam tiến của dân tộc, người Việt đã thừa hưởng và tiếp nhận nhiều dòng văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo bản địa, trong đó có Phật giáo mà đặc biệt nhất là dòng Phật giáo Nam truyền, để từ đây Phật giáo Việt Nam có đủ hai nhánh chính của cây Bồ-đề đất Phật. Và đây chính là điểm độc đáo nhất của Phật giáo Việt Nam mà ít quốc gia nào có được.
Đạo Phật của Việt Nam cho đến hôm nay có đầy đủ hai trường phái chính được kết thành từ hai dòng truyền Nam-Bắc của Phật giáo gốc Ấn Độ, thừa hưởng đầy đủ nét đặc trưng tinh túy của cả hai dòng truyền Phật giáo. Chính điều này đã tạo ra sự cân bằng đặc sắc đáng tự hào nhất cho đạo Phật của dân tộc Việt Nam. Cân bằng trong đặc tính phát triển của Phật giáo Bắc truyền nhưng không phát triển quá đà; cân bằng trong đặc tính truyền thống của Nam truyền nhưng không quá bảo thủ; chúng hòa quyện và tương tác, bảo vệ nhau làm thành một Phật giáo riêng của người dân đất Việt.
2.
Cây Bồ-đề trên mảnh đất Việt Nam có chủ nhân là đầy đủ hàng ngũ tứ chúng đệ tử Phật lấy Phật giáo truyền thống làm nền tảng căn bản, với đủ Nhị bộ đại Tăng, đặt tiêu chuẩn sinh hoạt Tăng-già trong truyền thống giới luật cả Thanh văn giới và Bồ-tát giới. Bên cạnh đó, hàng ngũ tại gia cũng thọ lãnh năm giới căn bản theo Phật giáo truyền thống và Thập thiện Bồ-tát giới, v.v… Đặc biệt hơn, sự lớn mạnh một cách có tổ chức của chúng tại gia thể hiện sự hòa hợp nhất quán là hệ thống Gia đình Phật tử. Một lực lượng hộ trì chánh pháp đắc lực đã từng “làm nên chuyện” trong lịch sử giữ gìn Đạo pháp và dân tộc Việt Nam.
Hiện nay một số nước đang chịu sự khiếm khuyết gần như vĩnh viễn một phần trong nhị bộ đại Tăng, và một số nơi khác đã vô tình đánh mất giá trị quý báu của một trong ba viên minh châu làm thành Phật giáo, tức vai trò Tăng bảo, mà Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Sự khiếm khuyết như vậy đã cho thấy một sự thật rằng có cái gì đó chênh vênh chưa hoàn hảo đúng như vóc lực vốn có của thế đứng Tam bảo trong đạo Phật. Bởi lẽ Tam bảo theo ý nghĩ thi thiết nhất là sự tôn kính Phật, sự học và hành theo giáo lý, và một thứ làm nên ý nghĩa thi thiết này là tổ chức đoàn thể Tăng-già. Nói chung là nhân tố làm ý nghĩa Tam bảo này mang tính hoạt động là Tăng-già. Tăng-già là đoàn thể duy trì hình ảnh, nhân cách đức Phật, duy trì pháp của Phật đã nói bằng cách truyền trao giáo lý. Tăng-già là đoàn thể sống hòa hợp, với những thành viên giành trọn đời mình thực tập triệt để giáo lý ấy để hướng về mục đích tối thượng.
Nói cho đúng, đối với con người của dân tộc Việt Nam, yếu tố Tăng bảo được biến tấu một cách rất riêng nhưng đặc biệt có tính then chốt ràng buộc, thường thấy nhất là người Phật tử cũng như không phải Phật tử, không cần hiểu gì những ý nghĩa cao siêu, mà với họ, hễ đã là một nhà sư thì tất nhiên không “phá trai phạm giới” (theo đúng nghĩa đen là không ăn mặn và dĩ nhiên là không lập gia đình), và hễ đã phá trai phạm giới thì không còn được công nhận là một nhà sư. Có lẽ bởi nơi cái xứ sở mà thực phẩm chư Tăng không có được từ việc khất thực, thì “tam tịnh nhục” chỉ còn là điều nằm trong sách vở, và nếp gấp trong suy nghĩ của người Việt Nam như thế đã được hình thành từ tinh thần từ bi triệt để và lối sống mô phạm theo giới luật nhà Phật bởi truyền thống các sư tăng người Việt.
Nhìn chung trong các quốc gia theo truyền thống Phật giáo, Việt Nam là nơi hội đủ các điều kiện, sự có mặt đầy đủ bốn chúng đệ tử Phật, sự vững chắc với giềng mối của thế đứng ba chân, thế gian trụ trì Tam bảo, hay khẳng định một cách cụ thể hơn theo tinh thần giới luật là: “giới luật còn thì Phật pháp còn”. Và một điều quan trọng nữa là mối quan hệ có tính chất ràng buộc bền chặt của bốn chúng trong Phật giáo Việt Nam. Tất cả những điều đó là cơ sở để có thể tự tin khẳng định sự vững vàng vốn có của Phật giáo nơi xứ Việt này.
3.
Thế giới đang kỳ vọng và sẽ nhìn thấy một sức sống của Việt Nam trong thời kỳ mới với những bước tiến mỗi ngày như đang “thay da đổi thịt”, sự thay đổi đó không chỉ diễn ra cục diện ở lĩnh vực nào mà nó có tác dụng dây chuyền đến tất cả những lĩnh vực làm nên diện mạo Việt Nam. Diện mạo mới mẻ này đang được mong chờ, dĩ nhiên không phải là thứ nửa Tây nửa Tàu mà phải mang đầy đủ nét đặc trưng, ưu việt của dân tộc. Và tôn giáo đồng hành với vận mệnh dân tộc trên hai ngàn năm lịch sử văn hóa và văn minh đó không gì khác hơn Phật giáo. Sở dĩ phải dẫn dắt dài dòng như thế để nói lên một điều rằng, xã hội đang vận hành theo chiều hướng phát triển, và tôn giáo tất nhiên cũng nằm trong quỹ đạo đang vận hành đó. Liệu nó có vận hành theo với quỹ đạo hay vì những lấn cấn gì mà bị đẩy lệch khỏi cuộc chơi, và một điều quan trọng hơn, liệu sự phát triển của xã hội như thế có làm Phật giáo đánh mất thứ gì hay không, khi mà ta đã nhìn thấy một vài vết nứt ở một số nước.
Một vết nứt nào đó của Phật giáo Việt Nam nếu có, sẽ không là một vết nứt đã từng được thấy chung quanh ta. Tuy nhiên khi cơn gió lốc đi qua nó sẽ là nguy cơ cuốn đi mất nhiều thứ, nếu chúng ta, những chủ nhân của cây Bồ-đề đất Việt không quan tâm đến những điều nền tảng.
Và như thế, hơn bao giờ hết chính vào lúc này đây, biết dựa vào những giá trị truyền thống để thừa hưởng và phát huy những chất liệu tinh hoa mà chư hiền tổ tiên đã thiết lập hai ngàn năm qua là cách lựa chọn khôn ngoan nhất cho người con Phật trên xứ sở này, nơi có truyền thống Phật giáo dung hòa, nơi có đầy đủ tứ chúng đệ tử Phật, nơi có truyền thống với đầy đủ nền tảng Tam bảo hay nói rõ hơn, nơi mà tinh thần giới luật dù xã hội có phát triển đến mức nào cũng phải nhất luật tuân thủ.
Chính khi giữ được những giá trị tinh túy như thế mới cho phép người Phật tử nhìn về một tương lai, nơi mà Phật giáo nước bạn nhìn vào sẽ thấy ở chúng ta một Phật giáo có hai truyền thống từng được coi là xung khắc nhau ở một thời điểm lịch sử nào đó, đang hỗ tương nâng đỡ, thúc đẩy tương trợ nhau một cách ôn hòa như tính chất vốn có của tinh thần nhà Phật. Bởi vì, đã qua rồi thời tranh cãi của lịch sử phân chia giáo phái, thời gian đã đủ dài cho mọi thứ lắng yên, để chúng ta có thể nhận ra rằng tất cả những quan điểm dù phản hay đồng nhau đều căn cứ trên tâm nguyện làm rõ, và làm tròn nền tư tưởng thâm trầm, uyên viễn của đức Thế Tôn. Nhận ra được điều đó là hóa giải hết những quan điểm hẹp hòi, để những người con Phật chấp nhận, tôn trọng nhau, để cùng xây dựng một ngôi nhà Phật giáo chung vững chắc. Và như thế, sự bài xích bất cứ truyền thống Nam hay Bắc của một vài cá nhân dù nhân danh “phá tà hiển chánh” là cách tự đào cho mình một cái hố chôn nhanh và hiệu quả nhất, vì cá nhân ấy đã đi sai tinh thần đạo Phật của Việt Nam.
Đạo Phật của Việt Nam đã hơn hai ngàn năm chắt lọc và hoàn thiện, đã đến lúc chúng ta có đủ bản lĩnh để phát huy triệt để nội lực của mình. Sự bắt chước bất cứ mô hình nào dù đó là một mô hình đã được thể hiện thành công đem ứng dụng trên đất Việt cũng sẽ trở nên khập khiểng bởi chắc chắn một điều, với đối tượng là con người Việt Nam thì không thể chuyển tải thành công một truyền thống Phật giáo Tây Tạng hay Nhật Bản… Và một điều vô cùng quan trọng hơn là những người con Phật của xứ sở Việt Nam hôm nay cần có đủ tự tin để có thể tự hào khẳng định nội lực truyền thống Phật giáo của chúng ta, đã được lịch sử dân tộc sàng lọc lựa chọn đến phần tinh túy, nếu đã đến lúc cần khẳng định, sẽ bật dậy một cách ngoạn mục, phi thường.
Mùa Xuân đến để cành cây tưởng đã hóa khô trở mình đơm chồi trổ lá, cây chẳng phải hóa khô, chẳng phải già cỗi mà đang ẩn mình trong một dạng khác của sự sống của loài cây cỏ. Cây Bồ-đề của mảnh đất Việt Nam, đạo Bồ-đề của dân tộc Việt đã từng “trải qua bao độ hưng suy” cùng với lịch sử dân tộc, nhưng “có nguy mà chẳng mất”. Nếu là mùa xuân, cây đơm chồi trổ lá cho đời, nếu chẳng còn mùa xuân cây quay về vun đắp “nội lực” cho mình, bởi thịnh suy chỉ như “lộ thảo đầu phô”, là một dòng sanh diệt của vô thường.
Quán triệt được quy luật của vô thường, thấu suốt được cái lẽ của vô thường, bằng cái tuệ của Bát nhã Ba-la-mật, thì chính ngay trong sự thật miên trường của vô thường ấy sẽ lộ ra một cái “thường” của chân như, đó là lời thơ xuân của một nhà sư Việt:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Và như thế, có mùa xuân nào khác ngoài mùa xuân này, một mùa xuân siêu việt thời gian, siêu việt khái niệm phân chia của đất trời, mùa xuân tâm linh miên viễn của Phật giáo nói chung và của lòng người con Phật trên mảnh đất Việt Nam nói riêng. Mùa xuân ấy là mùa xuân cho cây Bồ-đề.
Khải Tuệ
[Tập san Pháp Luân - số 78, tr13, 2011]