Một khóa tu kỷ niệm ngày Phật Thành đạo

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 1 tháng 12, theo lệ thường niên các thiền sinh lần lượt tề tựu về chùa Kooshooji, Kyoto, Nhật Bản để bắt đầu khóa tu kỷ niệm ngày Phật Thành Đạo.


Chùa Kooshooji (Hưng Thánh tự) là một ngôi chùa theo truyền thống dòng thiền Lâm Tế (Rin zai), được truyền đến Nhật Bản bởi ngài Vinh Tây (Ei Sai), người Nhật. Với bề dày lịch sử hơn bốn trăm năm, dấu tích hiện còn cho minh chứng lịch sử đó là ngôi bảo điện với chừng ấy năm tuổi, với bia mộ của các đời trụ trì, những giếng nước rải rác quanh tăng đường, nhà trù… và đặc biệt nhất là tàng kinh các lưu giữ bản kinh có niên đại hơn 300 năm. Nằm trong bối cảnh đất nước Nhật Bản với vô số ngôi cổ tự đang đưa ưu thế ấy hòa vào dòng chảy của ngành kinh tế du lịch, Kooshooji thể hiện nét riêng của mình với biển báo trước cổng “nếu không vì mục đích lễ Phật, tham thiền, vấn đáp xin dừng lại ở cổng này”.

Nhìn thời dụng biểu của khóa tu 1 tuần được niêm yết ở bảng thông báo, nếu chưa phải là người từng tham dự khóa tu ắt hẳn sẽ giật mình. Từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chi chít thời dụng biểu với 5 thời thiền từ 2 - 3 tiếng/1 thời, 2 thời trà lễ (thiền trà theo truyền thống thiền tông Nhật Bản), 3 lần cơm hoặc cháo sáng trưa chiều, 1 giờ vệ sinh khuôn viên chùa và 1 giờ dành cho việc vệ sinh cá nhân.

Theo Hòa Thượng trụ trì, dòng thiền Lâm Tế luôn chú trọng khóa tu lạp bát (roohatsu), tức dịp kỷ niệm Phật Thành Đạo. Thời ngài còn là thiền sinh, nơi ngài theo học thiền đã lên thời dụng biểu chỉ 2 tiếng đồng hồ cho việc ngủ!

Giữa cái lạnh khắc nghiệt đặc biệt nhất là vào ban khuya của tháng 12 vùng Kyoto, cứ sau 1 tiếng tọa thiền là 7 vòng kinh hành quanh hành lang ngoài chánh điện, đầu không mũ chân không tất, cái lạnh như xoáy buốt đến tận xương, nhưng không một thiền sinh nào bỏ cuộc, dường như có một điều gì rất kỳ diệu ở khóa tu này, có lẽ bởi chính thời điểm này, bằng chính con đường thiền định này, suốt bốn mươi chín ngày đêm không ngừng nỗ lực, một buổi sáng ban mai dưới cội bồ-đề cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm trước, bậc Đạo sư của chúng ta đã chứng ngộ quả vị vô thượng bồ-đề, mở ra cho loài người con đường nhân bản nhất về khả tính giác ngộ. Với niềm tin tuyệt đối vào khả tính này, phương pháp thiền tập là con đường truyền thống đầu tiên nhất được truyền trì và minh chứng thêm qua ba mươi ba vị tổ theo truyền thống thiền tông thuộc Phật giáo Bắc truyền.

Dòng thiền Lâm Tế bắt đầu từ Trung Quốc và sau đó được truyền đi các nước lân cận trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên để bản sắc dòng thiền này được giữ gìn đến ngày nay thì không thể không kể đến Nhật Bản.

Đến với khóa tu của dòng thiền Lâm Tế, thiền sinh cảm nhận được thế nào là nhát gậy của Lão sư xưa kia. Khi trời càng về đêm, suốt một ngày từ sáng sớm thiền tập ắt hẳn đã có phần mệt mỏi, đó chính là lúc cơn buồn ngủ khống chế tâm những thiền sinh non kém, thì cây gậy được truyền từ Lão sư Lâm tế trở nên có tác dụng. Khi vị giám thiền với cây gậy trên vai nhẹ nhàng bước đến, vị thiền sinh đang chống chọi với cơn buồn ngủ sẽ tự giác xin nhát “gậy từ bi” bằng cách nhẹ nhàng xá và cúi người xuống đón nhận, vị giám thiền sẽ xá lại thiền sinh một cách trân trọng rồi thẳng tay, bốp! bốp! bốp!,  bốp! bốp! bốp! ba gậy bên vai phải và ba gậy bên vai trái. Sáu nhát gậy như trời giáng không chỉ chắc chắn xóa tan cơn buồn ngủ mà còn có tác dụng thúc đẩy sự tinh tấn của thiền sinh.

Ngoài nét đặt trưng là cây gậy của lão sư, một điều khác góp phần quan trọng tạo cho khóa thiền càng trở nên ý nghĩa là lời huấn thị của vị hòa thượng đã ban ra đúng nhịp và đúng thời. Sở dĩ nói đúng nhịp là ngoài đặc điểm vô cùng kiệm lời của thiền tông, phương pháp sổ tức quán hay những bài kệ đắc pháp của chư tổ được vị hòa thượng nhắc lại bằng giọng điệu chậm rãi, kéo dài, âm hưởng phát ra từ lồng ngực. Trong không khí tĩnh mịch của thiền đường, sự tịch lặng đôi khi không phải là môi trường hoàn hảo cho những thiền sinh mới mẻ, và lời huấn thị như vậy có tác dụng đầy ý nghĩa tích cực cho hành giả lúc bấy giờ.

Hẳn là có một vài ý kiến cho rằng, tu là chuyện của một đời, phải đâu chỉ một tuần ra sức khổ hạnh như thế là điều tốt. Đúng là chừng ấy sự nỗ lực đối với những chúng sanh đức mỏng nghiệp dày chưa thể là gì, nhưng ý nghĩa của khóa tu ấy đã biểu hiện lên trên gương mặt hỷ lạc, trên đôi mắt ánh một niềm tin của các thiền sinh. Chí ít nó đã nhắc nhở cho những người con Phật về mục đích quan yếu nhất của mình. Và niềm tin càng được rực sáng hơn, bởi trên kia, nơi tòa sen uy nghiêm giữa đại hùng bảo điện, bằng con đường tu tập này, có một nhân cách đã tỏa sáng rực rỡ giữa thế gian.

Lễ thành đạo là một dịp lễ đặc biệt vô cùng quan trọng đối với Phật giáo, bởi một điều chắc chắn là, không có sự kiện lịch sử này thì Phật giáo không có mặt, cũng không có nền tư tưởng nào liên quan đến Phật giáo, thái tử Sĩ-đạt-đa chỉ ảnh hưởng nơi vương vị của mình, và một tôn giáo giả sử nếu có mặt cũng sẽ nằm trong vòng mặc khải như bao tôn giáo khác chứ không thể là một tôn giáo nhân bản như Phật giáo đang là.

Thiết nghĩ, với một đặc trưng không lẫn vào đâu được như thế, Phật tử chúng ta nên chăng tổ chức những sự kiện liên quan dịp lễ này, ít nhất cũng có thể nhắc nhở bạn bè khắp nơi chú ý đến một Phật giáo nhân bản nơi xã hội khoa học hiện đại của hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Phật thành đạo, xin chia sẻ điều này như là sự tham khảo đến với quý độc giả Phật tử Việt Nam chúng ta, nơi có số lượng khá lớn Phật giáo đồ thuộc dòng thiền Lâm Tế.

Khải Tuệ
Tập san Pháp Luân - số 77, tr12, 2011]