Văn bia chùa Phú Thuận

Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tìm hiểu tư liệu văn bia tỉnh Quảng Nam đã có một số nhà nghiên cứu Hán Nôm quan tâm. Năm 1991, Huỳnh Công Bá công bố “Bài Văn Bia Chùa Phổ Khánh” nhằm giới thiệu một tư liệu văn bia cổ mang niên hiệu đời Lê tại Quảng Nam. Tác giả cung cấp một số nội dung của văn bia nhưng chưa đánh giá vai trò của dòng thiền Lâm Tế đối với Phật giáo tại Quảng Nam.


Trong thời gian tìm đọc tư liệu văn bia tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, chúng tôi tìm được thác bản văn bia Phú Thuận Xã Tự Bi. Đây là văn bia có trang trí hoa văn theo dạng văn bia tại Bắc Hà. Văn bia lập năm Canh Ngọ mà không ghi lại niên hiệu. Lấy văn bia chùa Phổ Khánh làm nền tảng để đối chiếu với văn bia chùa làng Phú Thuận, chúng tôi thấy được hai văn bia có sự giống nhau từ hình thức (tương đối giống nhau qua các họa tiết trong hai văn bia, chứ không giống nhau hoàn toàn) cho đến nội dung, từ đó xác định rõ năm lập chùa và làm bia tại chùa Phú Thuận. Đây thêm một cứ liệu để tìm hiểu tình hình Phật giáo Quảng Nam thời các chúa Nguyễn, hiểu thêm về mối quan hệ giữa Phật giáo và cộng đồng làng xã xưa.

Theo địa danh mà các nhà sưu tầm ghi lại trên thác bản cho biết văn bia được in dập tại xã Phú Thuận mà hiện nay thuộc thôn Phú Thuận, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi có đi khảo sát thực tế tại vùng quê Phú Thuận nhưng ngôi chùa cùng văn bia không còn tồn tại, có thể do chiến tranh phá hủy. Văn bia trang trí đơn giản hơn bia chùa Phổ Khánh, tráng bia có hình mặt nhật hai bên có tua lửa, diềm bia trang trí dây lá, đế bia trang trí hoa sen, mặt trên để trống, đáng lẽ phải đề tên bia. Qua cách trang trí trên bia, chúng tôi cho rằng bia có niên đại thời chúa Nguyễn. Nhận định này có thêm một chứng cớ nữa là hàng chữ địa danh ghi trong bia: “Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Điện Bản phủ…” mất mấy chữ sau. Văn bia có 11 dòng, mỗi dòng số chữ không nhất định, dòng có số chữ nhiều nhất là 22 chữ, chữ viết trên bia không nhất định, có lúc viết chữ lớn nhỏ không đều. Phía dưới hầu mờ không thể xác định được các con chữ. Hàng đầu tiên đề bốn chữ to “Tam bảo chứng minh”.

Năm lập bia và làm chùa Phú Thuận là năm Canh Ngọ mà văn bia ghi lại ở dòng lạc khoản. Theo Niên biểu Việt Nam, năm Canh Ngọ rơi vào các năm sau 1570, 1630, 1690, 1750. Hai năm 1570, 1630 quá lớn vì niên đại này lớn hơn niên đại lập bia chùa Phổ Khánh. Chỉ có thể niên đại thuộc về hai năm 1690, 1750.

Trong Phú Thuận Tự Bi có cho một thông tin như: “Nay hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê thị… hiệu Diệu… tạo chùa một tòa, ruộng 5 sào tại xứ Thầy Bạn cúng làm ruộng Tam Bảo để tôn sùng Phật Pháp. Nội bản đạo Phan Thời Trí, tự Như Thông cúng ruộng 2 sào…”. Cách ghi này cũng giống với bia chùa Phổ Khánh. Phổ Khánh Xã Tự Bi ghi như sau: “Hội chủ Lê Cao Trí, tự Chân Thuyên, Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ…” Qua cách ghi tên tự cho người đàn ông, tên hiệu cho phụ nữ, chúng tôi nhận thấy cách ghi là theo truyền thống của người Việt tại miền Bắc. Hiện nay, cách ghi này vẫn còn tồn tại ở đồng bằng Bắc bộ. Sau này, khi các dòng thiền từ Trung Hoa truyền sang Đàng Trong có cách quy định dùng pháp danh. Hầu như các Phật tử đã thọ tam quy đều được ban pháp danh theo kệ phái dòng thiền. Cách viết tự, hiệu cho Phật tử, đến thời Nguyễn không thấy xuất hiện trong các tư liệu mà chỉ dùng pháp danh để thay thế. Đây cũng chính là một chứng cớ để chứng minh giai đoạn lập bia. Cách thức này chỉ xuất hiện trên các văn bia cùng một số giấy tờ thời các chúa Nguyễn. Có thể, những Phật tử trong hai văn bia trên vẫn còn giữ cách ghi theo truyền thống người Bắc Hà và họ sống trong giai đoạn các chúa Nguyễn.

Theo cách ghi tên tự Như Thông đối với ông Phan Thời Trí, cùng văn bia chùa Phổ Khánh, chúng tôi nhận thấy họ qui y Tam bảo với một vị sư có nguồn gốc thuộc dòng thiền Lâm Tế, kệ phái dòng Đột Không Trí Bản. Kệ phái như sau:

“Trí tuệ thanh tịnh,
Đạo đức viên minh.
Chân như tính hải,
Tịch chiếu phổ thông…”

Hai chữ “Chân” và “Như” không thể rơi vào kệ phái dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh được. Vì niên đại mà hai chữ này trong bài kệ truyền thừa dòng thiền Chúc Thánh phải đến cuối đời Nguyễn mới có người mang chữ có pháp danh như thế.

Văn bia Tổ sư Bi ký ghi lại tiểu sử thiền sư Minh Châu Hương Hải. Thiền sư có gốc từ Nghệ An, ông sinh tại xã Bình An Thượng, thuộc Chu Tượng, phủ Thăng Hoa, trấn Quảng Nam. Lớn lên đỗ đạt, làm tri phủ huyện Triệu Phong. Thiền sư đã từng tham học với hai vị thiền sư có gốc từ Trung Hoa. Đó là Lục Hồ Viên Cảnh và Đại Thâm Viên Thật. Sau đó sư xuất gia và hành hóa tại vùng Thuận Quảng. Đến năm 1682, thiền sư do có mâu thuẫn với chính quyền Đàng Trong nên bỏ ra Bắc Hà.

Thiền sư Minh Châu Hương Hải thuộc hệ truyền thừa theo dòng Lâm Tế, truyền pháp theo kệ phái của thiền sư Đột Không Trí Bản. Do đó, có cùng dòng thiền với các vị Phật tử mà hai văn bia ghi lại. Điều này có thể xảy ra khi chúng ta đối chiếu niên đại giữa các nhân vật và thấy rằng Minh Châu Hương Hải có thể là vị thầy của Lê Cao Trí, tự Chân Thuyên mà văn bia chùa Phổ Khánh có ghi tên vị này, hoặc một vị ngang hàng với sư ở chữ “Minh” trong kệ phái. Vì chúng ta biết Minh Châu đặt tên pháp cho đệ tử là Chân Lý Hiển Mật, Chân Quý, Chân Pháp và sư có ảnh hưởng rất lớn đến Phật giáo Thuận Quảng. Điều này lại xảy ra khi cho rằng Phan Thời Trí, tự Như Thông mà Phú Thuận Xã Tự Bi ghi lại sẽ được một vị thầy với tên tự phải ở hàng chữ “Chân”. Chúng ta có thể nối kết qua thứ thế truyền thừa. Nếu như Chân Thuyên không qui y với Minh Châu Hương Hải thì cũng phải qui y với vị sư cùng hàng có tự là chữ “Minh” như Minh Châu Hương Hải. Hiện nay, tư liệu về dòng thiền này được các nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng vẫn chưa ai phát hiện có một vị thiền sư nào với tự ở hàng chữ “Minh” cả. Dòng thiền này được truyền thừa vào Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài rất sớm, có ảnh hưởng mạnh đến vùng Quảng Nam xưa.

Nội dung bài văn bia cho biết một số Phật tử nhân lập chùa đã phát tâm cúng ruộng đất vào chùa để tôn sùng Phật pháp. Qua sự đối chiếu với bia chùa Phổ Khánh, chúng ta nhận thấy hai văn bia từ nội dung cho đến hình thức trang trí có nhiều điểm tương đồng, suy ra niên đại của hai văn bia chênh lệch không bao nhiêu. Bia chùa Phổ Khánh lập năm Vĩnh Trị 3 (1678) do đó suy ra năm Canh Ngọ trong văn bia chùa Phú Thuận phải rơi vào năm 1690. Đây chính là niên đại lập chùa cũng như lập bia.

Tóm lại, văn bia chùa Phú Thuận cung cấp cho nhà nghiên cứu về một số thông tin như địa danh, vấn đề ruộng đất, vai trò của nhà chùa đối với làng xã xưa và tình hình Phật giáo tại Quảng Nam cũng như phản ảnh sự phát triển của thiền phái Lâm Tế dòng Đột Không Trí Bản. Dòng này có sự ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Quảng Nam xưa. Thông qua họa tiết trên văn bia, nó sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật tìm hiểu và định hình được niên đại và cách trang trí trong các văn bia thời chúa Nguyễn. Văn bia tuy lòng văn không được viết cầu kì, mỹ lệ, nhưng nó phản ảnh một giai đoạn lịch sử nhất định, giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh tại các thôn làng xưa.

Sau đây là nội dung bài văn bia:

Phiên âm:

Tam Bảo chứng minh

Đại Việt quốc Quảng Nam xứ, Điện Bàn phủ… phụng Phật tạo lập bi thạch. Kim hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê Thị 0 hiệu Diệu 0 tạo lập tự nhất tòa điền ngũ cao Thầy Bạn xứ cúng Tam Bảo dĩ tôn Phật pháp.

Nội bản đạo Phan Thời Trí tự Như Thông cúng điền nhị sào… bản xã cúng điền nhất mẫu nhị cao… xứ, bản đạo Phan Phước Trường tự… Phan Thời Ân, Phan Thời Huệ, tín nữ Trần Thị Dường hiệu Diệu Tú, Lê Thị… Ung Thị Tới hiệu Diệu Minh, Phan Thị Đích hiệu Diệu 0 dục truyền tạo tự di lưu phúc cơ vạn thế. Nguyễn Thị Đẳng hiệu Diệu Cao.

Thiên Vận Canh Ngọ niên thất nguyệt sơ nhị nhật tạo tự.

Dịch Nghĩa:

Tam bảo chứng minh.

… phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt thờ Phật lập bia đá. Nay hội chủ Phan Thời Định tự Như Đạt, Lê Thị 0 hiệu Diệu 0 tạo lập chùa một tòa cúng ruộng 5 sào tại xứ Thầy Bạn cúng làm ruộng Tam Bảo để tôn sùng Phật pháp.

Nội bản đạo Phan Thời Trí tự Như Thông cúng ruộng hai sào… bản xã cúng ruộng một mẫu hai sào… xứ, bản đạo Phan Phước Trường tự… Phan Thời Ân, Phan Thời Huệ, tín nữ Trần Thị Dường hiệu Diệu Tú, Lê Thị… Ung Thị Tới hiệu Diệu Minh, Phan Thị Đích hiệu Diệu 0 muốn lập chùa để lại nền phúc muôn đời. Nguyễn Thị Đẳng hiệu Diệu Cao.

Lập chùa ngày mồng 2 tháng 7 năm Canh Ngọ.

Chú Thích:
1. Huỳnh Công Bá, Bài Văn Bia Chùa Phổ Khánh, tạp chí Hán Nôm, số 2, năm 1991, Tr. 93.
2. Đầu đề do người sưu tầm đặt tên, đúng tiêu đề là “Tam Bảo Chứng Minh”, thác bản Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, kí hiệu 20399.
3. Xem thêm trong Minh Châu Hương Hải Ngữ Lục và Tổ Sư Bi Ký có ghi lại nhiều vị có tự là chữ “Chân”.
4. Những hàng chữ có ba dấu chấm tức trong nguyên văn bị mờ không đọc rõ nên chúng tôi để như thế.

Ngô Quốc Trưởng
Tập san Pháp Luân - số 76, tr92, 2011]